Nhớ lại những ngày Tổng khởi nghĩa, giành chính quyền diễn ra trên quê hương Phú Yên (từ ngày 18 đến 25/8/1945) luồng gió mới cách mạng đã thổi vào tâm hồn nhân dân niềm tin mới, chớm nở khát vọng kỳ diệu nước nhà độc lập, nhân dân sẽ được cơm no, áo ấm, được học hành. Mọi người dân cuốn hút theo dòng thác cách mạng đi biểu tình, dự mít tinh để thấu hiểu về “Dân chủ cộng hòa, độc lập, tự do, hạnh phúc”.
Những năm kháng chiến chống Pháp và trong cuộc tổng khởi nghĩa giành chính quyền, vũ khí chính của quần chúng nhân dân chủ yếu là gậy, rựa, giáo mác... - Ảnh: H.ANH
Đứng trước thời cuộc, người dân biết so sánh xưa và nay, không còn cái cảnh quỳ gối, cúi đầu, không còn bị đàn áp hà khắc như hồi năm 1943. Chúng bắt học trò Trường tiểu học Ngân Sơn và tập trung bọn lý dịch, quan lại đang hoang mang trước phong trào cách mạng ngày càng dâng cao để đón rước toàn quyền Đờ - Cu tại phủ đường Chí Thạnh… Vì mải mê nhìn xe của quan toàn quyền đang lăn bánh trên thảm đỏ quên đưa tay chào (tay phải vỗ vào ngực trái giơ lên cao) nên nhiều người bị bọn lính lệ tát vào mặt, vụt roi vào đầu, vào cổ. Bọn quan lại hương lý khúm núm quỳ xuống cúi đầu nghe Đờ - Cu trấn an, giáo huấn. Chứng kiến nhiều cảnh tủi nhục của người dân mất nước là thế đó.
Thảm cảnh làng nước lúc này diễn ra nhan nhản những sự bất công, hà khắc, dân nghèo cùng cực. Bọn lý dịch lùng sục bắt lính rồi đưa về mẫu quốc để làm bia đỡ đạn cho Pháp. Cảnh tiếng trống mõ thúc thuế, thúc sưu… Pháp, Nhật ra sức vơ vét tài sản dân ta trong hoàn cảnh hạn hán kéo dài. Đồng khô cỏ cháy cộng với việc phát xít Nhật bắt dân phải nhổ lúa trồng đay đã làm cho 2 triệu đồng bào ta ở miền Bắc chết đói đầu năm 1945. Lúc ấy, trên quê hương Phú Yên, nhiều gia đình lâm vào tình trạng thiếu gạo ăn. Ở miền núi phải ăn củ rừng lá rau rừng, miền đồng bằng nhiều gia đình nghèo, ăn củ chuối, hầm trái táo nhơn ăn thay cơm. Cảnh nghèo đói túng quẫn, tệ nạn xã hội nảy sinh. Bọn lý dịch thôn, xã ra sức hoành hành vơ vét trấn áp, gieo thảm họa trùm lên quê hương, không khí ngột ngạt khó thở. Ngày 9/3/1945, Nhật đảo chính Pháp. Lúc này, trên quốc lộ 1 xe nhà binh Nhật chở quân phủ kín mui nối đuôi nhau chạy suốt ngày đêm, gây tai nạn giao thông làm nhiều người chết, bị thương! Rồi vài tháng sau, ngày 14/8/1945, chúng đầu hàng đồng minh. Những ngày đầu tháng 8/1945, không khí cách mạng sục sôi háo hức, mọi người truyền miệng nhau: Theo Việt Minh để lật đổ chính quyền, giành độc lập sẽ có dân chủ, tự do…
Tiến lên! Dưới lá cờ Việt Minh! chính là một phần nội dung lời kêu gọi của Bác Hồ kêu gọi đồng bào đứng lên tổng khởi nghĩa giành chính quyền. Quần chúng bao nhiêu năm sống trong tủi nhục nay chỉ chờ lệnh vùng lên mãnh liệt. Mảnh đất Phú Yên chịu sự đàn áp bóc lột của thực dân Pháp hơn 80 năm nay đang rung chuyển trong đêm trước cơn bão táp cách mạng. Lực lượng cách mạng của quê hương phát triển nhảy vọt, lực lượng tự vệ phát triển rầm rộ. Nhiều nơi lực lượng Việt Minh lấy súng địch tự trang bị cho mình; còn lại hầu hết dùng mác, giáo, gươm, mã tấu. Các lò rèn trên quê hương nổi lửa suốt ngày đêm rèn vũ khí trang bị cho toàn dân cầm vũ khí nổi dậy. Nam thanh niên mài dao, vạt gậy tầm vông, phụ nữ may cờ băng khẩu hiệu… không khí sửa soạn tổng khởi nghĩa náo nhiệt diễn ra suốt ngày đêm. Nhiều tổng, xã, phủ chính quyền phong kiến hoàn toàn tê liệt, bọn quan lại lý hương hoang mang bỏ trốn. Từ đêm 18/8 đến những ngày tiếp theo, tiếng trống mõ thị uy báo động các xóm làng. Lệnh khởi nghĩa đã đến! Tất cả xuống đường tay cờ, tay giáo mác, vang lên khẩu hiệu “Đả đảo Pháp, Nhật, Việt Nam độc lập muôn năm”… Hàng hàng, lớp lớp quần chúng nhân dân tập trung tại xã hoặc huyện để nghe cán bộ Việt Minh diễn thuyết, kể tội ác ngoại bang và tố cáo sự thối nát của chế độ thực dân phong kiến qua 80 năm đô hộ nước ta. Chính quyền các cấp được bầu cử bằng giơ tay tán thành, vỗ tay hoan hô. Những tên gọi mới: Chủ tịch, phó chủ tịch, chủ nhiệm, hội trưởng các đoàn thể, nam, phụ lão ấu ra đời, sự giao tiếp trong hội họp thường nhắc đến: yêu cầu, chất vấn, đề nghị phê bình… mang nội dung thể hiện màu sắc của chế độ Dân chủ nhân dân hoặc thuộc lòng những bài hát: Tiến quân ca, Diệt phát xít… rộn lên niềm tin mãnh liệt sau ngày Cách mạng Tháng Tám.
Chỉ trong vòng 8 ngày (18 đến 25/8), dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ Phú Yên, làn sóng cách mạng của nhân dân đã quật đổ chính quyền chế độ cũ. Chính quyền nhân dân được thành lập từ tỉnh đến khắp các huyện, xã. Đảng ta đã giương cao ngọn cờ độc lập, dân tộc, dân chủ, tự do đúng ý nguyện của toàn dân nên nhanh chóng tập họp lực lượng và Mặt trận Việt Minh làm nên cuộc Cách mạng Tháng Tám long trời lở đất.
Ngày 2/9/1945, Bác Hồ trịnh trọng đọc bản Tuyên ngôn độc lập, nhân dân ta bước vào cuộc sống mới dưới chế độ Việt Nam Dân chủ cộng hòa. Cách mạng Tháng Tám đã tạo mốc son chói lọi trong trang sử dân tộc. Ngày nay chúng ta nguyện tiếp nối truyền thống vẻ vang để có những mốc son mới trong thời kỳ đổi mới xây dựng bảo vệ Tổ quốc.
TRẦN DOÃN PHU