Thứ Sáu, 29/11/2024 12:38 CH
Nuôi quân phục vụ kháng chiến
Thứ Sáu, 16/08/2013 07:00 SA

Cuối năm 1959 đến năm 1960, cán bộ, bộ đội Phú Yên tập kết ra Bắc được Trung ương điều động về tăng cường cho tỉnh ngày càng nhiều, cán bộ nam nữ thanh niên hoạt động ở cơ sở ra căn cứ tham gia cách mạng ngày càng đông.

Tỉnh ủy quyết định thành lập Ban Tài mậu gồm: tiểu ban Tài chánh do đồng chí Nguyễn Hữu Ái phụ trách, tiểu ban Sản xuất do đồng chí Nguyễn Thắng phụ trách, tiểu ban Lương thực do đồng chí Nguyễn Hữu Kim làm trưởng tiểu ban, đồng chí Nguyễn Còn làm phó tiểu ban, tiểu ban Thương nghiệp do đồng chí Lê Hồng Chuyên làm trưởng tiểu ban, đồng chí Hữu Bình làm phó tiểu ban, đồng chí Lê Bích Hải ở khu về thay đồng chí Chuyên về làm Trưởng ban Kinh tài huyện Sơn Hòa.

Khối Tài mậu do đồng chí Văn Công phụ trách. Ban Tài mậu có trách nhiệm phối hợp với hậu cần và các đoàn thể quần chúng nuôi quân, phục vụ kháng chiến. Nhiệm vụ được giao rất nặng nề, nhưng trong kho không có hạt gạo, đến hạt muối cũng không chỉ có hai bàn tay trắng! Trong lúc lực lượng cách mạng ngày càng phát triển, tỉnh chẳng những lo cho địa phương mà còn phải lo cung cấp cho lực lượng của quân khu. Nhu cầu lương thực, thực phẩm cấp thiết nhất, trước mắt cũng như lâu dài là tập trung toàn lực giải quyết lương thực, thực phẩm cho bộ đội có ăn để đánh giặc, cứu chống đói, chống lạt muối. Bộ đội đi đánh giặc mang theo mỗi người nắm cơm toàn sắn mì, hạt mít luộc, củ rừng, ống lương khô bằng mít non luộc trộn với mấn, mì chính. Ban Hậu cần cấp phát gạo cho bộ đội bằng lon sữa bò, cấp muối bằng nắp cù là. Muối đựng trong ba lô, trong túi áo. Có chút ít lương thực, thực phẩm dành cho thương bệnh binh và người đau ốm, còn cán bộ dân chính đảng suốt tháng trời chỉ có củ nần, củ bá, môn vóc... phần lương thực dự trữ chiến lược có chút đỉnh cũng giành hết cho Khánh Hòa.

Trước tình hình đó, Tỉnh ủy phát động phong trào trong toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ra sức sản xuất tự túc, tự lực cho đơn vị mình, cơ quan, cá nhân. Đồng thời đánh địch mở rộng vùng giải phóng để tạo nguồn thu nuôi sống mình. Sản xuất quy định cụ thể chỉ tiêu trồng sắn cho từng cơ quan, đơn vị bộ đội cá nhân và từng người dân. Cán bộ công tác phía sau sản xuất thế cho những người đi công tác phía trước, khi về căn cứ mang gạo, muối chi viện cho phía sau. Cán bộ, bộ đội đi công tác phía trước thì được cung cấp lương thực, lấy lương thực đóng góp của nhân dân để cấp. Mỗi năm, bộ đội chiến sĩ phải tự túc lương thực 3 tháng, cán bộ hành chánh sự nghiệp tự túc lương thực 6 tháng. Tất cả cho sản xuất, từ các đồng chí lãnh đạo, chiến sĩ quân đội, công an, cán bộ dân chính đảng, các y bác sĩ đều sản xuất tự túc; khách nằm chờ giải quyết công tác cũng phải tham gia sản xuất, người đi trước trồng, người đi sau mới có ăn. Sản xuất ban ngày không được thì phải sản xuất ban đêm. Địch đánh phá chỗ này ta trồng chỗ khác. Đêm trồng, ngày ngụy trang không cho địch phát hiện. Trâu bò không có thì dùng cuốc, dùng sức người cày thay. Sắn mì là lương thực chiến lược. Ở đâu, đi đâu cũng thấy rẫy sắn, đồi sắn, gò sắn. Sắn mì thành rừng, địch không thể nào phá xuể. Tuy tăng gia sản xuất như thế nhưng địch tăng cường đánh phá vùng căn cứ cách mạng bằng chất độc hóa học da cam. Những cây chuối, cây sắn, bắp đang xanh tốt, cây trái sum suê, qua một trận chất độc hóa học thì chết trụi. Anh em tranh thủ thu hoạch bất kể già hay non đem về. Sắn chặt ngọn, giữ gốc lại nhưng khi nhổ lên củ vẫn nhiễm độc, biến dạng, lúa gạo làm ra đều màu vàng, màu nâu, nấu cơm, nấu củ sắn có mùi hôi khó chịu, những cây nhỏ còn sống sót khi ra hoa quả không còn giống trái bình thường, mỗi lần nấu cơm, nấu sắn anh chị em không thể nào ăn được đành phải nhịn đói.

Ngoài cây sắn còn có cây mít, hạt mít, cây chuối, củ chuối, củ bá, khoai mài, khoai khai, củ nần, trái bơm, hạt gắm, ổi xanh, môn vóc, cải rau tàu bay, lá gà mổ, củ hủ đát, hột đát, trái sung cũng là lương thực chống đói, chống càn. Con cua, con cá, ốc, chim, sóc và các loại thú rừng khác đều là thực phẩm.

Các cơ quan, các lực lượng phân công nhau quản lý giữ gìn từng gốc sung, từng khu vực có cây lương thực thiên nhiên. Cấm dùng chất nổ như mìn, lựu đạn dùng điện đánh bắt cá, cua ở sông suối để có cái ăn lâu dài. Ra sức tiết kiệm, người người tiết kiệm, cơ quan, đơn vị tiết kiệm. Cây củ, trái rừng, con cua, con cá, con ốc cũng có hạn, nếu không biết tiết kiệm đến thời gian nào đó cũng không còn để ăn. Anh em cán bộ, bộ đội đi cải thiện săn bắn, bắt cua, bắt ốc, thường được đồng chí Trần Suyền (Sáu Râu) khuyên “có bắt thì bắt con đực, để con cái lại nó còn sinh sản”. Các cơ quan, đơn vị vũ trang còn tổ chức chăn nuôi heo, gà... trồng hoa màu ngắn ngày để chống đói như rau xanh, bầu, bí, mướp... Sau đợt phát động phong trào sản xuất, vùng căn cứ toàn tỉnh trồng được 26 triệu gốc sắn, 27 tấn bắp giống, 28 tấn lúa giống, chấm dứt nguy cơ đói.

NGUYỄN HỮU ÁI

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

CÁC TIN KHÁC
Bám đất bám dân xây dựng phong trào
Thứ Sáu, 19/07/2013 08:38 SA
Người cựu binh với 3.000 ngày đánh Pháp
Thứ Sáu, 19/07/2013 07:00 SA
Nặng lòng thổ cẩm Ba Na
Thứ Sáu, 12/07/2013 10:00 SA
LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek