Thứ Tư, 09/10/2024 07:31 SA
Ví, dặm Nghệ Tĩnh được đề nghị là di sản thế giới
Thứ Ba, 26/03/2013 08:39 SA

Dân ca ví, dặm Nghệ Tĩnh được chọn là di sản đại diện cho Việt Nam xét ghi danh là Di sản văn hóa phi vật thể thế giới năm 2014. Đây là “đặc sản” của xứ Nghệ có sức sống lâu bền, là di sản quý trong kho tàng văn hóa của người Việt.

 

vhvn130326.jpg

Một tiết mục tại Liên hoan Dân ca ví, dặm xứ Nghệ năm 2012

 

Bà Nguyễn Thị Kim Dung, Trưởng phòng Văn hóa phi vật thể, Cục Di sản văn hóa (Bộ VH-TT-DL) cho biết: Hồ sơ về dân ca ví, dặm Nghệ Tĩnh đang được nhanh chóng hoàn thiện để trình lên Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên Hợp Quốc (UNESCO) muộn nhất vào 31/3 tới.

 

Dân ca ví, dặm Nghệ Tĩnh khắc dấu tâm hồn, cốt cách của người Nghệ An, Hà Tĩnh. Hát ví, hát dặm xưa kia đã ăn sâu vào mỗi nếp nghĩ, sinh hoạt của cộng đồng người xứ Nghệ và làm nên những nét riêng biệt của người dân nơi đây. Ban đầu, dân ca ví, dặm xứ Nghệ còn thô sơ, mộc mạc, xuất phát từ lời ca của những cô gái kéo sợi, đi cấy, dệt vải… Theo thời gian thì ví, dặm phát triển lên một tầm cao mới với lề lối, bố cục chặt chẽ và hình thành nên những vần điệu dân ca trữ tình, làm say đắm lòng người.

 

Ví là “ví von”, chẳng hạn như “Thân em như hạt mưa sa/ Hạt rơi xuống giếng hạt ra ngoài đồng”. Ví là “với”, bên nam hát đối đáp với bên nữ. Ví cũng là “vói”, bên nam đứng ngoài đường, ngoài ngõ hát vói vào trong sân, trong nhà đối đáp với bên nữ đang quay sợi, kéo vải... Khác với ví, dặm là thể hát có tiết tấu rõ ràng, có phách mạnh phách nhẹ, có nhịp nội nhịp ngoại. Thông thường một bài dặm có nhiều khổ, mỗi khổ có 5 câu, mỗi câu có 5 từ...

 

Ví, dặm có ca từ bằng thơ dân gian cô đọng, súc tích, dễ thuộc, dễ nhớ, dễ hát nên luôn được trao truyền, kế thừa và sáng tạo. Loại hình dân ca này cũng có nội dung phản ánh xã hội, lịch sử; thể hiện tâm tư, tình cảm, tình yêu cuộc sống, yêu quê hương, đất nước, tình yêu đôi lứa; giáo huấn, triết lý trọng nghĩa, trọng tình, mang đậm tính nhân văn của người Việt Nam.

 

Không gian diễn xướng của ví, dặm gắn liền với lao động sản xuất, trong các làng nghề truyền thống hoặc những lúc nông nhàn, lúc chèo thuyền, thả lưới ven sông, lên rừng lấy củi hay mỗi dịp lễ hội…Vì vậy ví, dặm thường được gắn với những tên gọi như ví phường Vải, ví phường Đan, ví phường Cấy, ví phường Củi... Các chuyên gia ước tính có khoảng 15 điệu ví, 8 điệu dặm được gọi tên theo bối cảnh cuộc sống, lao động, nghề nghiệp như ví đò đưa, dặm ru, dặm kể…

 

Dân ca ví, dặm được lưu truyền rộng rãi trong cộng đồng người Việt ở 259 làng, thôn, xóm, khu dân cư của hai tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh. Đa số người Nghệ Tĩnh biết hát ví, dặm vì loại hình dân ca này chiếm vị trí quan trọng trong văn hóa, cuộc sống của họ. Hiện có 51 CLB dân ca ví, dặm; hơn 800 nghệ nhân cùng nhiều cá nhân ở hai tỉnh, các nghệ sĩ, nhạc sĩ chuyên nghiệp ở Trung tâm Bảo tồn và phát huy di sản dân ca xứ Nghệ ở Nghệ An, Nhà hát Nghệ thuật truyền thống Hà Tĩnh quan tâm tới việc diễn xướng, truyền dạy, bảo tồn và phát huy dân ca ví, dặm.

 

Ngày nay, hát ví, dặm phổ biến trong cuộc sống, phong trào văn hóa xã hội, lễ hội, các cuộc gặp gỡ vui chơi, liên hoan văn nghệ và còn được chuyển hóa thành các ca khúc, ca kịch trình diễn trên sân khấu.

 

YÊN LAN (tổng hợp)

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

CÁC TIN KHÁC
Lãng tử Bradley Cooper
Chủ Nhật, 24/03/2013 08:20 SA
Sôi nổi vòng sơ tuyển
Thứ Năm, 21/03/2013 08:15 SA
LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek