Thứ Tư, 09/10/2024 09:20 SA
Nghệ sĩ điêu khắc và giấc mơ còn dang dở
Thứ Năm, 21/03/2013 14:30 CH

Ông Huỳnh Bông (xã Hòa Xuân Tây, Đông Hòa) đến với mỹ thuật từ rất sớm. Có một thời, ông được nhiều người biết đến với những tác phẩm điêu khắc nổi bật, nhưng rồi tên tuổi ấy cứ phai nhạt dần. Sự nghiệp không như ý, nhưng lòng yêu nghệ thuật chưa bao giờ tắt trong ông.

 

go130321.jpg

Ông Huỳnh Bông bên những tác phẩm mà ông tâm đắc - Ảnh: T.HÀ

ĐẾN VỚI NGHỆ THUẬT BẰNG TRÁI TIM NHIỆT HUYẾT

 

Ông Huỳnh Bông kể về mối lương duyên của ông với nghệ thuật điêu khắc bằng một giọng trầm ấm: “Khi tôi học tiểu học, nhà trường phân mỗi lớp thành các nhóm lấy tên các anh hùng dân tộc: Hai Bà Trưng, Trần Hưng Đạo, Ngô Quyền… Trường hay tổ chức cho các nhóm này thi vẽ tranh với nhau. Lúc đó, tôi thích vẽ lắm. Không những vẽ cho nhóm của mình, cho các nhóm trong lớp mà còn cho các bạn ngoài lớp. Các bạn thấy tôi vẽ đẹp nên hay nhờ, còn tôi cũng thích vẽ nên không bao giờ từ chối. Tôi có duyên với mỹ thuật có lẽ từ lúc đó”.

 

Sau khi tốt nghiệp THPT, vì có năng khiếu vẽ nên ông Huỳnh Bông được nhận về làm cán bộ Văn hóa - Thông tin ở UBND xã Hòa Xuân. Lúc này, ông vẽ tranh cổ động cho xã là chủ yếu. Một thời gian sau đó, có thông báo tuyển sinh của Trường cao đẳng Mỹ thuật Huế (nay là Trường đại học Nghệ thuật Huế), ông nộp đơn tham gia và thi đậu vào trường. Ông học khóa 3 năm 1979. Khóa này còn có 3 người bạn khác quê ở Bắc Phú Khánh (cũ).

 

Được học ở một trường mỹ thuật là mơ ước cháy bỏng của ông Bông, bởi nó mở ra cho ông cánh cửa để đến với nghệ thuật. Ông bắt đầu đổi mới ngòi bút của mình. Không còn vẽ những bức tranh truyền thần theo lối mòn, ông đến với trường phái tranh trừu tượng, tranh lập thể, tranh ấn tượng… và làm quen với điêu khắc. Điêu khắc nhanh chóng hút hồn ông. Bạn bè thấy ông lúc nào cũng cặm cụi bên đất sét, bên thạch cao. Với ông Bông, đó là khoảng thời gian đầy ý nghĩa. Ông đã sống hết mình vì nghệ thuật. Sau khi ra trường, ông Bông về công tác ở Phòng Văn hóa - Thông tin huyện Tuy Hòa, chịu trách nhiệm vẽ tranh cổ động cho 4 xã: Hòa Đồng, Hòa Thịnh, Hòa Mỹ, Hòa Phong. Ngày ấy xe máy chưa phổ biến, bằng chiếc xe đạp cũ kỹ, ông Bông đi xuống nhiều thôn xóm để làm việc. Ông làm việc miệt mài, tuy vậy vẫn chưa làm nên những tác phẩm thật sự nổi bật và cái tên Huỳnh Bông chưa được nhiều người biết đến.

 

Năm 1997-1998, sau những trận ốm thập tử nhất sinh phải nghỉ việc ở Phòng Văn hóa - Thông tin huyện, ông Huỳnh Bông dồn hết tâm sức để sáng tạo nên những tác phẩm được đánh giá cao. Ông Nguyễn Ngọc Quang, Chủ tịch Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Phú Yên chia sẻ: “Đây là thời gian ông Huỳnh Bông hoạt động sôi nổi và được nhiều người biết đến; báo đài trong tỉnh cũng đã nói nhiều về ông. Ông được nhận giải 3 Triển lãm Mỹ thuật lần thứ 5 Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Phú Yên với tác phẩm tượng Nữ sinh; có nhiều tác phẩm tham gia Triển lãm Mỹ thuật khu vực Miền Trung - Tây Nguyên, nhiều tác phẩm được trung bày ở Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh”.

 

VÀ GIẤC MƠ CÒN DANG DỞ

 

Người yêu Mỹ thuật chờ đợi những tác phẩm tiếp theo của ông, nhưng sau khoảng thời gian sôi nổi ấy, mọi thứ bắt đầu im ắng trở lại. Chia sẻ về thời gian này, ông Bông nói: “Ngày đó tôi đã có vợ và 3 đứa con. Hai con lớn học cấp 3, chuẩn bị thi đại học. Gia cảnh khó khăn nhưng tôi chỉ mải mê làm tượng, vẽ tranh và đi tham gia các cuộc triển lãm Mỹ thuật. Vợ tôi ban đầu cũng ủng hộ niềm đam mê của tôi nhưng sau đó không được vui vì thấy gia cảnh túng bấn quá. Không nói nhưng trong lòng tôi thấy không còn đủ thanh thản để đeo đuổi nghệ thuật khi nhà cửa còn tạm bợ, tiền bạc thiếu thốn và các con đang lớn dần lên”.

 

Để kiếm tiền, ông Bông phải làm rất nhiều việc: phụ vợ buôn bán, đi làm thuê cho các bạn bè cùng giới điêu khắc ở Bình Định, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Thuận, TP Hồ Chí Minh… Ông Bông còn nhận làm tượng danh nhân, tượng chiến sĩ giải phóng, tượng liệt sĩ, bia tưởng niệm liệt sĩ, tượng Phật… ở các chùa, công viên, trường học, đài tưởng niệm liệt sĩ, cơ quan, doanh nghiệp. Thời gian làm việc ở nhà, ông Bông còn mở thêm một lớp hội họa, dạy cho những người muốn thi vào các trường đại học Kiến trúc, Mỹ thuật. Công việc cứ nối tiếp nhau, nên có rất nhiều ý tưởng riêng tư mà ông chưa thực hiện được. Đưa tay chỉ vào những khoảng trống trong căn nhà mới, ông Bông phát thảo lên bao nhiêu là thứ. Phù điêu sẽ đặt ở đây; tượng sẽ đặt ở đây; cụm tượng Phật sẽ đặt ở đây, lớp học bố trí ở vị trí này… Tôi hỏi ông liệu có muộn không khi đã vào tuổi 60 mà muốn bắt đầu lại một điều gì đó. Ông bảo: Không bao giờ là muộn bởi đầu ông còn chứa đựng rất nhiều ý tưởng, tim ông vẫn tràn đầy nhiệt huyết. Ông còn muốn làm rất nhiều thứ, mà cháy bỏng nhất là muốn mở một xưởng điêu khắc của riêng mình. Không phải làm công cho ai, không phải làm theo ý tưởng của ai, mà tự mình sẽ làm những gì mình thích. Đó là ước mơ mà bao năm qua ông chưa thực hiện được và bây giờ ông muốn niềm đam mê ấy sống lại.

 

Rồi để chứng minh cho điều vừa nói, ông Bông chỉ cho tôi xem những khúc gỗ được chất thành đống cao trước cửa nhà và phủ bạt cẩn thận; bên cạnh đó là đống cát đã được dần sàng, chỉ còn đợi ông bắt tay vào làm. Ông bảo đó sẽ là những tác phẩm mới của ông trong tương lai. Ông sẽ quay trở lại với giấc mơ còn dang dở của mình để nối nó về với hiện tại.

 

THÁI HÀ

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek