Những người bạn đến từ nước Anh là Brian Woods, Sarah Connell và Jane Clarke, đến từ đất nước có nền ca kịch nổi tiếng thế giới đã có dịp xem nghệ thuật tuồng Việt Nam. Đó là vở tuồng Tình yêu và khát vọng nói về danh nhân Lương Văn Chánh. Vở tuồng do Sở VH-TT-DL Phú Yên phối hợp với Nhà hát tuồng Đào Tấn (tỉnh Bình Định) biểu diễn tại Nhà văn hóa Diên Hồng. Khi vở tuồng hạ màn, câu đầu tiên họ nói với tôi: “Thật tuyệt vời !”.
Một cảnh trong vở tuồng Tình yêu và khát vọng - Ảnh: T.DIỆU
Đó không hề là một câu nhận xét mang tính xã giao bởi họ đã xem vở tuồng đến khi kết thúc, rồi nán lại để lên sân khấu tặng hoa cho các nghệ sĩ, bắt tay chúc mừng đạo diễn và chụp hình lưu niệm với tác giả vở tuồng. Được một nghệ sĩ trong đoàn tặng lại bó hoa vừa mới nhận, Sarah hóm hỉnh nói với tôi: “Trời, tên quan gian ác đó đã tặng hoa cho tôi nè!”. Họ rất ấn tượng khi vở tuồng thu hút nhiều tầng lớp nhân dân từ lãnh đạo tỉnh, đại diện các sở, ban ngành, viên chức, học sinh và cả những người lính áo xanh cũng đến tham dự. Trước khi vở tuồng bắt đầu, tôi giới thiệu sơ qua cho họ biết về Phù nghĩa hầu Lương Văn Chánh, người có công khai mở đất Phú Yên. Ngay màn đại cảnh đầu tiên khi Lương Văn Chánh và người dân nhận chiếu chỉ của Nguyễn Hoàng, đã thu hút sự tập trung của họ rất cao độ. Từ âm nhạc, trang phục với nhiều màu sắc và đặc biệt là cách trang điểm trên khuôn mặt của các nghệ sĩ làm cho họ rất tò mò. Trong ca kịch của nước Anh, người nghệ sĩ ít có trang điểm như thế; nếu có chăng là đánh phấn cho khuôn mặt thật trắng. Tôi giải thích với họ gương mặt này là người tốt, kia là kẻ gian… Họ “ồ!” lên một cách đầy ngạc nhiên và thích thú.
Các động tác về hình thể và cách đảo mắt của các nghệ sĩ cũng làm họ rất ấn tượng. Nghệ sĩ Anh không chuyển động mắt nhiều như thế. Nhân vật Bo-năng-rít là nhân vật mà họ thích nhất vì thể hiện đôi mắt rất sống động để thấy được sự gian ác. Họ cũng so sánh cách chuyển cảnh giữa các phân cảnh là chỉ tắt đèn, rất khác so với ca kịch Anh khi họ phải luôn luôn đóng màn để chuyển cảnh. Họ cho rằng sự chuyển động và đổi cảnh trong vở tuồng rất hợp lý và uyển chuyển. Điều này đã dẫn dắt người xem đi xuyên suốt vở kịch rất “ngọt”! Một phân cảnh trong vở tuồng làm họ thấy rất lạ nhưng thật hay, độc đáo đó là lúc cụ Lương Văn Chánh đang trịvết thương và trăn trở với chính mình làm sao để bình yên và hòa hợp các dân tộc trong việc xây dựng vùng đất mới Yên định Phú cường. Trên sân khấu khi đó có hai con người một là chân dung thật của cụ Lương Văn Chánh, một được xem là cái bóng của ông đang nói chuyện như độc thoại chính mình. Với họ, ở phân cảnh đó, đạo diễn rất khôn ngoan trong việc dàn dựng cảnh nhưng không làm mất đi ý tưởng của tác giả dành cho nhân vật của mình.
Khi được hỏi nếu như không có sự trợ giúp về việc thông dịch thì trong suốt quá trình xem, liệu họ có thể hiểu và yêu thích vở tuồng về Lương Văn Chánh không, Jane Clarke liền nói: “Tôi không thật sự thấy khó hiểu về toàn bộ nội dung, bởi tôi nghĩ rằng ca kịch ở quốc gia nào cũng giống nhau. Đó là hướng con người đến chân, thiện, mỹ. Các chủ đề đều xoay quanh về con người và tình yêu, về cái bi, hài trong cuộc sống hoặc các vấn đề về lịch sử. Khi chúng tôi nhận giấy mời và bạn nói sơ qua về cụ Lương Văn Chánh, chúng tôi đã hình dung ra nội dung của vở diễn sẽ là vấn đề về lịch sử và một câu chuyện về tình yêu và khát vọng trong cuộc sống. Sarah Connell thì nói: “Rất dễ để theo dõi diễn biến của vở tuồng vì lúc đầu bạn đã nói cho chúng tôi biết các sắc diện của cách trang điểm để chỉ người nào là chính nhân quân tử, đâu là kẻ xấu, kẻ xu nịnh. Trong vở tuồng, chúng tôi cũng cảm nhận tình yêu đôi lứa, tình yêu của người mẹ dành cho con, hay sự gian manh của các nhân vật qua ngôn ngữ hình thể, nét mặt và ánh mắt”. Brian Woods rất từ tốn trả lời: “Tôi thích âm nhạc trong tuồng cổ của các bạn bởi khi chúng tôi không có ngôn ngữ để hiểu, thì âm nhạc giúp chúng tôi cảm nhận để hiểu vấn đề gì đang diễn ra trong từng phân đoạn. Và thật là may mắn cho chúng tôi khi có dịp xem nghệ thuật tuồng Việt Nam. Qua vở tuồng, chúng tôi biết thêm về lịch sử Phú Yên, vềngười có công mở cõi Lương Văn Chánh và cuộc sống của người dân Phú Yên trong những ngày đầu được thành lập để thêm yêu mến vùng đất của các bạn”.
HẠNH NGUYÊN