Chủ Nhật, 06/10/2024 12:19 CH
Cuộc giải thoát siêu đẳng (*) - món quà dành tặng tuổi thơ
Thứ Ba, 23/06/2009 14:00 CH

Trong số những người cầm bút, số tác giả chuyên viết cho thiếu nhi không nhiều. Nếu có xuất hiện cũng thường mang tính chất “đổi món” trong sáng tác hoặc “trả nợ” với những kỷ niệm nào đó trong đời. Ở Phú Yên, tìm một tác giả dành trọn thời gian viết của mình cho thiếu nhi quả là rất hiếm. Trong số đầu sách của hội viên được Hội Liên hiệp Văn học nghệ thuật Phú Yên hỗ trợ kinh phí xuất bản từ năm 2002 đến nay, tác phẩm viết cho thiếu nhi mới chỉ có tập thơ Khung trời tuổi thơ của tác giả Khánh Linh (Lê Khánh Nam - năm 2003). Đến năm 2009 này, bạn đọc nhỏ tuổi mới có dịp thưởng thức một tập truyện ngắn dành cho lứa tuổi của mình của tác giả nữ Pha Lê, có tên Cuộc giải thoát siêu đẳng. Một tập sách đầu tay dành cho tuổi nhỏ, một sự khởi đầu thể hiện tấm lòng của người viết đối với các em.

 

sach1.jpg
Thế giới nhân vật trong tập truyện khá phong phú, từ những em bé trong Đội xung kích xóm Cây Me đến những chú chim trong Cuộc giải thoát siêu đẳng, những chú mèo, chú chó ở nhà trong Mina và Minu...

 

Những nhân vật ấy có số phận và tính cách không giống nhau, nhưng đều yêu chuộng tự do, thương yêu đồng loại, muốn góp phần công sức cải tạo hoàn cảnh, vươn đến một cuộc sống tốt hơn.

Chúng ta bắt gặp đàn chim rừng bị những lái buôn bắt nhốt và những con bên ngoài vì tình đồng loại đã mưu trí, sáng tạo, dũng cảm tìm cách cứu bạn cứu con, để rồi có được một Cuộc giải thoát siêu đẳng: “…Hồi hộp vô cùng, từng tí, từng khấc của cửa lồng được hé mở từ từ. Hàng chục con lách mình qua kẽ hở bay ra ngoài. Hai anh em chào mào đang nằm co ro, thấy bố mẹ mừng quá “chiêm chiếp…”. Chào mào mẹ nước mắt như mưa ôm chầm lấy con âu yếm…

 

Những chú chim vui mừng sải cánh giữa bầu trời rực nắng. Cuộc sống tự do đang chờ đón với bao điều lý thú. Rồi đây khu rừng sẽ lại vang lên những âm thanh réo rắt, trầm bổng của những giọng hót tuyệt vời, không ai có thể ngăn cấm được mà tạo hoá đã ban tặng cho họ nhà chim.”

Thế giới loài vật được tác giả dành cho tình thương yêu, chăm chút, muốn “giải thoát” khỏi sự giam cầm trói buộc đối với loài vật hoang dã (Cuộc giải thoát siêu đẳng), muốn “giải oan” cho những con vật nuôi có công bị chủ hiểu lầm (Mina và Minu).

 

Đọc truyện, ta nhận thấy tác giả không đứng ngoài nhân vật, mà luôn cố gắng hòa nhập vào đó bằng cái tình và sự “nhận thức cuộc sống” theo kiểu của nhân vật. Đó là điều cần thiết của người viết văn, nhưng nhiều khi để nắm bắt được ý nghĩ của nhân vật thật không phải dễ. Một đứa trẻ có thể có những suy nghĩ thông minh, nhưng khó có một cái nhìn “già trước tuổi”, như nhân vật sau:

 

“Đôi khi Mèo Nhom muốn kêu dì Tư bằng má nhưng lại ngại. Phải chi nó đừng bị bịnh, giúp được ba cơm nước thì chuyện đó dễ như húp cháo. Đằng này… mỗi lần như vậy là nó lại tủi thân nhìn xuống cặp giò đáng ghét. Hồi trước má Mèo Nhom phải chăm sóc nó kỹ lưỡng lắm, nhiều lúc thấy má thức khuya dậy sớm vì mình, Mèo Nhom thấy thương má vô cùng. Nhưng dẫu sao cũng là mẹ ruột, còn dì Tư chỉ là người quen. Mà dì Tư cũng cực khổ cả ngày rồi. Mèo Nhom sợ nếu kêu bằng má thì dì Tư lại phải chăm sóc cho nó như má hồi trước thì phiền lắm. Mèo Nhom hay nghĩ vẩn vơ rồi… sợ.” (Cái “tết” của Mèo Nhom)

 

Cũng có nhân vật nhí lại nói năng, phát biểu như “cụ non”:

 

“- Rồi! Thiếu niên xóm Cây Me chúng ta sẽ thành lập đội Xung kích - Đụt anh vừa dứt lời bọn trẻ đã vỗ tay rần rần. Đụt anh phấn khởi tiếp:

 

- Nhiệm vụ của chúng ta là giúp đỡ tất cả mọi người, không phân biệt già, trẻ, trai, gái. Ở đâu cần là ở đó có đội Xung kích. Nhưng trước hết, để hoạt động tốt phải có một đội trưởng…”.

 

Tuy nhiên, những nhân vật biết nghĩ cho người khác, quên đi những bất hạnh của mình lại hiện ra rất thật trong trang viết, khiến người đọc cảm động. Đây là một đứa trẻ thiểu năng trí tuệ, bị cha mình coi như người thừa trong nhà, nhưng cậu ta lại hồn nhiên giúp đỡ người khác, cứu bạn khỏi bị chết đuối đến nỗi bản thân bị ngất, và khi đã qua cơn nguy kịch, thì mọi giá trị hiện ra thật đẹp:

 

“Tiếng kêu của ông Tám (trong mơ) làm Ngốc giật mình mở bừng mắt ngơ ngác:

 

- Tỉnh rồi, tỉnh rồi! Bà con ơi, thằng Ngốc không chết nữa!

 

Bà Tám mếu máo khóc cười rối rít. Ai mà nhiều vậy? Có ba má Ngốc nữa. Ủa! Sao ba má khóc? Từ hồi nào Ngốc đâu thấy ba khóc? Má Ngốc ngồi ôm chặt Ngốc vô lòng nức nở. Tụi trẻ la cười chí chóe. Ai đó trầm trồ:

 

- Công nhận thằng Ngốc giỏi quá xá! Khôn quá xá!

Đúng thiệt! Ngốc khôn thiệt! Khôn tới cả… giấc mơ!”

 

(Thằng Ngốc) 

 

Trong tập truyện, ta cũng bắt gặp những người có cá tính “quái gở” nhưng trong thẳm sâu tâm hồn lại rất đằm thắm với nghĩa xóm tình làng và những giá trị chưa từng thay đổi, như Chuyện bà Mắng chẳng hạn:

 

“Cơm nước xong, anh Trúc thủ thỉ với mẹ:

 

- Mẹ à! Hay là mẹ bán nhà lên ở với chúng con chứ chúng con không yên tâm để mẹ ở đây một mình.

 

- Tôi thì tôi chả đi đâu cả!- Bà nhấm nhẳng - Đẻ ra ở đây, tôi xin chết ở đây. Các anh chị cứ yên chí lớn. Có bà con láng giềng, tôi không chết khô đâu mà sợ. Nếu có thì tôi chỉ ở chơi dăm bữa với thằng cháu đích tôn của tôi thôi!”

 

Có thể nói, 17 truyện ngắn là 17 bức tranh cuộc sống với gam màu tươi tắn, nhẹ nhàng mà chị Pha Lê đã dành tấm lòng tô điểm để hướng về các em. Điều đặc biệt, ở mỗi truyện đều in kèm tranh minh họa sinh động càng làm tăng sức hấp dẫn đối với bạn đọc nhỏ tuổi. Ngoại trừ một vài chỗ miêu tả chưa được phù hợp với tâm lý nhân vật, đa số ở mỗi truyện tác giả Pha Lê có ngôn ngữ dẫn chuyện, miêu tả nhân vật và khai thác nội tâm giàu hình ảnh, nhí nhảnh rất gần với các em. Khép lại tập sách, chỉ bâng khuâng một điều: Chẳng rõ tập sách đầu tay viết cho thiếu nhi có phải là một lựa chọn dài lâu của tác giả? Chúc chị thành công.q

__________________ 

(*) Cuộc giải thoát siêu đẳng, tập truyện ngắn thiếu nhi của Pha Lê, Hội Liên hiệp Văn học nghệ thuật Phú Yên xuất bản tháng 5/2009.

 

HUỲNH VĂN QUỐC

 

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

CÁC TIN KHÁC
Những nhà báo “hai trong một”
Chủ Nhật, 21/06/2009 15:00 CH
Phía sau chuyên mục Trên tuyến biên phòng
Thứ Bảy, 20/06/2009 14:31 CH
Ảnh báo chí: Câu chuyện bằng hình ảnh
Thứ Bảy, 20/06/2009 14:25 CH
Đặt mình vào nhân vật để viết
Thứ Bảy, 20/06/2009 13:00 CH
Những đồng nghiệp của chúng tôi
Thứ Bảy, 20/06/2009 09:30 SA
LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek