Chủ Nhật, 06/10/2024 12:23 CH
Những nhà báo “hai trong một”
Chủ Nhật, 21/06/2009 15:00 CH

Họ không chỉ là những nhà báo. Tác phẩm của họ không chỉ là tin tức và những bài phản ánh, ghi chép, phóng sự... Tạm gác lại công việc luôn bị thời gian “rượt đuổi”, họ “sa” vào công việc nhọc nhằn khác: sáng tác văn học nghệ thuật. Tuy nhiên, sự nhọc nhằn đó mang lại nhiều niềm vui.

 

 

Anh-Luat-phong-van-090620.jpg

Nhà báo Phan Xuân Luật (bên phải) tác nghiệp - Ảnh: M.NGUYỆT

 

Đã hai lần, nhà báo Hoàng Chương, Trưởng phòng Chính trị văn xã Báo Phú Yên, làm các đồng nghiệp bất ngờ khi đoạt giải thưởng về… thơ. Trong cuộc thi sáng tác văn học về người lính do Hội Liên hiệp Văn học nghệ thuật tỉnh Phú Yên phối hợp với Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh tổ chức, bài thơ Chiều nghĩa trang với cái tên Thạch Bi Sơn (bút danh của nhà báo Hoàng Chương) đoạt giải nhất. Năm sau, bài thơ Công an của ông trở thành quán quân trong cuộc thi viết về công an nhân dân… Suốt mùa EURO 2008, hầu như số báo Phú Yên nào cũng có thơ ông, đăng ở mục Lăn cùng EUROPASS. Những vần thơ dí dỏm với bút danh Bút Bi, Bút Nguyên Tử khiến người đọc bật cười. Ngày nào cũng gặp ông ở tòa soạn, cũng thấy ông khi thì biên tập bài của phóng viên, khi thì dán mắt vào các trang báo, cặp kính gần như choán cả gương mặt…, chẳng biết ông làm thơ vào lúc nào. 

 

Nhà báo Hoàng Chương có quãng thời gian gắn bó với nghề phấn bảng, ở một ngôi trường tại huyện miền núi Đồng Xuân. 19 năm nay, người con của đất Quảng Nam - Đà Nẵng này đã theo nghiệp viết lách. Ông có một sở thích rất giản dị là đọc tác phẩm của các đồng nghiệp, nhất là những phóng sự đặc sắc, và thấy mình học được nhiều điều. Là nhà báo, song ở ông vẫn còn cốt cách của nhà giáo: nhẹ nhàng, từ tốn. Thơ của ông cũng vậy, thật nhẹ nhàng nhưng chiều sâu của câu chữ làm người đọc suy nghĩ. Nhà báo Hoàng Chương nói: “Theo tôi, làm thơ, viết truyện không phải là một cuộc chơi. Đấy là lao động cực nhọc”. Thế nhưng, kết quả của lao động cực nhọc đó lại làm cho cuộc sống nhẹ nhàng hơn.

 

Nếu tính về số lượng nhà báo làm thơ, có lẽ không cơ quan báo chí nào ở Phú Yên cạnh tranh được với Đài Phát thanh. Nhà báo Tường Văn ở phòng Chuyên đề - Văn nghệ của đài này có những bài thơ được biết đến từ trước năm 1975. Giờ đã có tuổi, công việc ở đài khá bộn bề, song ông vẫn lắng nghe và ghi lại cảm xúc bằng thơ. Tác phẩm của ông vẫn thường xuất hiện trên báo, tạp chí, cho thấy bên trong nhà báo tóc đã điểm sương này có một trái tim đa cảm và rất nồng nàn.

 

Ở phòng Chuyên đề - Văn nghệ, nhà báo Đào Đức Tuấn cũng được biết đến với nhiều bài thơ về những buồn vui thân phận con người. Ngoài một số tác phẩm in chung trong các tập, năm 2005, được sự hỗ trợ của Hội Liên hiệp Văn học nghệ thuật tỉnh Phú Yên, nhà báo Đào Đức Tuấn ra mắt bạn đọc tập thơ Chiều chậm. Anh thổ lộ: “Khi làm báo, mình ở dưới đất, còn khi làm thơ thì… lơ lửng. Hai công việc này đều dùng ngòi bút, nhưng tư duy thì khác nhau”. Với nhà báo sinh năm 1971 này, viết báo là công việc, còn thơ đã là cái nghiệp.

 

Trong những nhà báo nặng lòng với văn chương, có một người làm thơ từ khi còn nhỏ xíu, đó là Phan Xuân Luật. Trưởng phòng Thời sự Đài Phát thanh Phú Yên đến với thơ khi còn học cấp 1 ở quê hương Nghệ An. “Từ nhỏ, tôi đã thích làm thơ. Anh em trong nhà hầu như ai cũng làm thơ. Mẹ tôi cũng vậy”, nhà báo Phan Xuân Luật thổ lộ. Những bài thơ của cậu học trò cấp 1, cấp 2 khi đó cứ nằêm im trong cặp, trong ngăn bàn, vì tác giả chẳng dám và cũng chẳng biết gởi cho ai. Lên cấp 3, vào học ở trường chuyên Phan Bội Châu, Phan Xuân Luật mới mạnh dạn gởi thơ đến tạp chí Văn nghệ Nghệ Tĩnh và được đăng. Đó là bài thơ Sau cơn mưa buổi chiều anh viết năm lớp 7, với những câu thơ hồn nhiên và giàu hình ảnh: “Đất trời thật lạ lùng chưa/Đám mây vừa vắt giọt mưa cuối cùng/Trời xanh, xanh đến vô cùng/Tiếng chim ríu rít vui mừng râm ran/Nắng đâu đôi giọt ngỡ ngàng/Cây cau rung lá, vội vàng rũ mưa…”. Nhà báo Phan Xuân Luật nói: “Tôi làm thời sự, ưu tiên hàng đầu cho thời sự nhưng khi làm thơ, tôi là một người khác. Thơ tôi không “dính dáng” đến thời sự, không có chất thời sự. Làm thơ là một cách giải tỏa mình để yêu đời, yêu con người, thiên nhiên hơn”.

 

Nhà báo làm thơ khá phổ biến, còn nhà báo vẽ tranh thì ít hơn. Ở Trung tâm Truyền hình Việt Nam tại Phú Yên (PVTV) có một nhà báo tốt nghiệp hệ đại học khoa… Hội họa Trường Cao đẳng Mỹ thuật Huế, đó là anh Phan Văn Trọng, một người con của Bình Định lập nghiệp tại Phú Yên.

 

Về Đài Truyền hình Phú Yên (cũ) từ năm 1989 với vai trò họa sĩ, nhưng vì công việc được giao khi ấy khá đơn điệu nên Văn Trọng được lãnh đạo đài hướng qua công việc quay phim. Học ở những người đồng nghiệp đi trước, qua sách vở và qua các lớp bồi dưỡng, dần dần anh vững tin ở lĩnh vực mới này. “Người quay phim phải biết về bố cục, ánh sáng, đường nét… Trong hội họa, đó là những yếu tố quan trọng. Những điều được học ở trường Mỹ thuật đã giúp tôi trong công việc mới” - anh nói.    

 

Nhiều người biết nhà báo Văn Trọng là “tay máy” ở phòng Văn nghệ của PVTV, song ít ai biết rằng với anh, hội họa mới là “tay phải”. Hàng năm, họa sĩ Văn Trọng có tranh tham gia triển lãm mỹ thuật khu vực Nam miền Trung - Tây Nguyên do Hội Mỹ thuật Việt Nam tổ chức. Năm 2008, anh góp mặt tại triển lãm chuyên đề tranh sơn dầu Việt Nam do Bộ Văn hóa - Thể thao - Du lịch tổ chức tại Hà Nội với tác phẩm Đội nước, về đề tài cuộc sống của đồng bào Chăm. Công việc quay phim chiếm hết thời gian, song họa sĩ - nhà báo sinh năm 1964 này vẫn không “bỏ bê” cây cọ. Anh đang thực hiện tác phẩm Rằm tháng Giêng, chuẩn bị cho triển lãm mỹ thuật khu vực Nam miền Trung - Tây Nguyên tổ chức tại tỉnh Bình Định.

 

LÂM VY

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek