Thứ Năm, 03/10/2024 22:30 CH
Con trâu làm bạn với nhà nông
Thứ Tư, 28/01/2009 19:37 CH

Con trâu là loại đại gia súc được người nông dân Việt Nam nuôi từ nhiều đời nay để sử dụng làm sức kéo, lấy thịt và lấy sữa.

 

TrauCayRuong_1955.jpg

Trâu có trâu nhà và trâu rừng. Trâu rừng sống hàng đàn trong rừng. Con đực nặng tới 1,2 tấn, cao tới 1,8 mét. Con cái cũng phải nặng tới tám tạ. Trâu nhà là trâu đã được thuần chủng. Trâu nhà nhỏ hơn trâu rừng. Chúng nặng từ hai tạ rưỡi đến năm tạ.

 

Con trâu to khỏe, có hai sừng, có bốn chân, có đuôi. Thường thì trâu da đen bóng, bụng phềnh phàng, quanh năm cả đời chỉ chăm chỉ kéo cày và gặm cỏ.

 

Kể từ thuở Vua Hùng dựng nước, người nông dân biết dựng làng dựng ấp và cấy trồng lúa nước, con trâu đã đến với nhà nông và trở thành người bạn thân thiết lâu dài của nhà nông. Người nông dân nói với con trâu như nói với người trong nhà: “Trâu ơi ta bảo trâu này/ Trâu ra ngoài ruộng trâu cày với ta/ Cấy cày là việc nông gia/ Ta đây trâu đấy, ai mà quản công...”.

 

Con trâu là một bộ phận quan trọng của lực lượng lao động có trọng trách gánh vác phần công việc nặng nhọc nhất trong nông nghiệp. Đó là việc làm đất, cày ruộng – xới xáo đất rồi bừa – vằm cho đất nhỏ ra. Con trâu là tư liệu sản xuất đặc biệt trong tay người nông dân.

 

Về mặt kinh tế, con trâu là tài sản lớn nhất của nhà nông. “Con trâu là đầu cơ nghiệp”. Ngay từ khi tậu trâu, người nông dân đã phải chọn ngày lành tháng tốt, phải chọn tuổi để tậu trâu, tránh tuổi kim lâu: “Một, ba, sáu, tám kim lâu/ Làm nhà, cưới vợ, tậu trâu thì đừng”.

 

Vâng! “Tậu trâu, cưới vợ, làm nhà/ Cả ba việc ấy thật là khó thay”. Tậu trâu là một việc “đại sự” của đời người vì thế người nông dân phải cân nhắc kỹ lưỡng là phải.

 

Tậu được trâu về lại phải lo làm chuồng cẩn thận. Chuồng trâu phải làm ở nơi thoáng mát, mùa đông không bị rét, mùa hè thì thoáng mát. Nếu thời gian nào nhiều muỗi phải có màn che cho trâu. Những hôm không có việc cày bừa, chủ nhà vẫn phải lo cái ăn cái uống cho trâu chu đáo. Đó là những bó rơm vàng rút ra từ những đống rơm vàng đánh ở chái nhà, góc vườn, bờ ao. Đó là những gánh cỏ non được các cô bé tóc đuôi gà cắt ở ngoài bờ sông, bờ ngòi, bờ đê về rồi rửa sạch, hong ráo.

 

Những ngày đi cày, đi bừa, trâu càng được chăm sóc chu đáo hơn. Đó là bữa ăn cỏ non vào buổi sáng, buổi trưa, còn buổi chiều là rơm. Trước khi về đồng, mùa hè vào buổi chiều, có thể trâu còn được tắm mát nữa. Trâu khỏe có thể cày ngày dăm ba sào, trâu yếu thì ngày một sào chưa chắc đã cày nổi. Những người thợ cày có kinh nghiệm (gọi là những “lão nông tri điền”) không bao giờ bắt con trâu làm việc quá sức.

 

Trâu có nhiệm vụ kéo cày để lật từng luống đất trên mặt ruộng. Ngày xưa, ruộng đất của người nông dân thường manh mún, nhỏ lẻ, có mảnh dăm sào, có mảnh chỉ dăm, ba thước (mỗi thước bằng hai mươi bốn mét vuông, bằng một phần mười lăm sào). Con trâu có thể cày ở thửa ruộng hàng dăm mẫu, cũng có thể cày ở những mảnh ruộng nhỏ hẹp, ở những góc ruộng thường trâu không cày được, người nông dân phải cuốc, gọi là cuốc góc. Có vụ có nơi phải làm dầm tức là ruộng còn nước đã phải cày, ngâm nước một thời gian rồi mới xới xáo và bừa cấy. Có nơi, có vụ làm ải được thì làm ải. Làm ruộng ải là cày lên rồi phơi đất cày cho ải, đến khi nước vào đất tơi xốp, sau đó chỉ việc bừa là cấy được. Hết vụ chiêm sang vụ mùa, hết năm này sang năm khác, dẫu khi mưa gió thuận hòa hay khi lũ lụt, bão giông, sâu keo, hạn hán... con trâu cùng chung vai sát cánh với nhà nông lo sao cho lúa tròn bông, ngô đẫy hạt, khoai to củ và trái chín ngọt lành. Quả thật, con trâu không những là “đầu cơ nghiệp của nhà nông” mà con trâu còn là người bạn trung thành chăm chỉ và lâu dài của người nông dân Việt Nam.

 

Niềm vui của người nông dân thật là giản dị: “Trên đồng cạn, dưới đồng sâu/ Chồng cày, vợ cấy, con trâu đi bừa”. Hình như con trâu đã là một thành viên chính thức của gia đình rồi thì phải. Con trâu – với tư cách là một bộ phận quan trọng của lực lượng lao động – đã góp phần quan trọng vào việc làm giàu cho nhà nông, cho quê hương xứ sở.

 

Dân tộc ta có một truyền thống yêu nước nồng nàn, một chí căm thù giặc sâu sắc, một truyền thống đánh giặc kiên cường dũng cảm và mưu lược. “Giặc đến nhà, đàn bà cũng đánh”. Giặc đến nhà, từ hòn đá, cây chông, cây tre, bông lau, lá cành, ngọn cỏ... cũng góp phần đánh giặc. Và, con trâu, người bạn lâu dài chung thủy của nhà nông cũng sẵn sàng ra trận chiến đấu. Thời xưa, Đinh Bộ Lĩnh và lũ trẻ mục đồng đã từng cưỡi trên lưng trâu phất cờ lau tập trận ở thung lũng Hoa Lư (Ninh Bình). Lê Đại Hành đã cùng quân sĩ tập hợp hàng nghìn con trâu đứng dày đặc hai bên bờ Hoàng Long vừa là để đón chào vừa là để doạ dẫm sứ thần nhà Tống. Quân sĩ của ta thời xưa còn dùng mưu cho trâu uống rượu say rồi lùa sang húc phá đội hình quân giặc. Trâu còn được buộc vào phía sau đuôi một mồi lửa rồi lùa sang trại địch trong những trận hỏa công đánh giặc trong lịch sử nước nhà.

 

Trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ của dân tộc ta, cùng với xe đạp, xe thồ, xe xích lô, xe ba gác – xe trâu cũng tham gia vào đoàn quân vận chuyển quân lương, quân trang, quân y, quân dụng và đạn dược ra chiến trường. Những năm “cả nước lên đường”, đằng sau “những đường cày đảm đang” chống Mỹ cứu nước là công lao không nhỏ của những đàn trâu của hậu phương lớn miền Bắc.

 

Giờ đây, những con trâu kéo cày đang vắng bóng dần trên các miền quê. Những chiếc máy cày, máy bừa, máy cấy, máy gặt, máy xay xát... đã thay thế dần “cái đầu cơ nghiệp” của nhà nông xưa. Công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước đã tạo điều kiện cho con trâu được ngơi nghỉ và chuyển sang nhiệm vụ mới. Đó là nhiệm vụ làm kinh tế thực phẩm. Nước ta là nước có khí hậu nhiệt đới nóng ẩm gió mùa rất thuận tiện cho các loại cây cỏ phát triển. Đó là nguồn thức ăn dồi dào cho trâu. Nuôi trâu lấy thịt, lấy sữa cần phải được phát triển thành một ngành chính góp phần làm giàu cho gia đình, cho quê hương đất nước.

 

PHẠM XUÂN SƠN

 

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

CÁC TIN KHÁC
Ông Cống làm trâu
Thứ Năm, 29/01/2009 18:30 CH
Con trâu trong ngôn ngữ dân gian
Thứ Năm, 29/01/2009 13:30 CH
Thổi hồn vào đàn đá, kèn đá
Thứ Năm, 29/01/2009 07:00 SA
Phú Yên như mối duyên kỳ ngộ
Thứ Tư, 28/01/2009 15:04 CH
LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek