Thứ Năm, 03/10/2024 22:21 CH
Bộ tranh trâu “độc nhất vô nhị” năm Kỷ Sửu
Thứ Năm, 29/01/2009 19:00 CH

Gần nửa thế kỷ qua, Nguyễn Thị Tâm là họa sĩ tiêu biểu về tranh phong cảnh đồng quê và là người tiên phong trong việc giữ gìn, phát triển tranh lụa truyền thống Việt Nam. Bước vào năm Kỷ Sửu 2009, bà đã gây bất ngờ khi trình làng bộ tranh nhiều sắc thái về hình ảnh con trâu, được triển lãm tại Bảo tàng Mỹ thuật TP Hồ Chí Minh.

 

Hoa-si-Nguyen-Thi-Tam.jpg

Nữ họa sĩ Nguyễn Thị Tâm

 

 

KHẮC HỌA KHOẢNH KHẮC THIÊN NHIÊN

 

Bộ tranh độc đáo về con trâu đã được họa sĩ Nguyễn Thị Tâm ấp ủ tới mười mấy năm. Hình ảnh con vật quen thuộc này đã ăn sâu vào tâm thức bà, chờ đến thời điểm là… “sổ chuồng”. Rất hứng khởi với bộ tranh mới của mình, bà cho biết: “Con trâu là điểm nhấn quan trọng của bức tranh đồng áng. Trâu là bạn nhà nông. Một con vật hiền lành chất phác. Hình ảnh con trâu phản ánh thân phận con người. Mỗi sáng thức dậy là phải đi cày. Những lúc nông nhàn thì nghỉ ngơi. Như con người, dù bị thất học hay học đến tiến sĩ thì mở mắt ra cũng phải đi “cày”, rồi cũng giải trí thư giãn. Con trâu là hiện thân của kiếp người. Đã sinh ra đời thì đều phải “cày” để mà sống, mà tồn tại”.

 

tranh-trau-2.jpgNguyễn Thị Tâm quê Sài Gòn nhưng sinh tại Mỹ Tho, thuộc tỉnh Tiền Giang. Bà tốt nghiệp Trường Cao đẳng Mỹ thuật Gia Định - Sài Gòn khóa 2 năm 1958 và khóa Sư phạm hội họa năm 1959. Sau đó bà ở lại trường tham gia giảng dạy, góp phần đào tạo nên nhiều thế hệ họa sĩ trẻ cho nền mỹ thuật nước nhà. Hơn nửa thế kỷ vừa đi dạy vừa sáng tạo, họa sĩ Nguyễn Thị Tâm đã có hàng ngàn bức tranh triển lãm và nằm trong nhiều bộ sưu tập, bảo tàng trong lẫn ngoài nước. Đặc biệt, bà có hai bức tranh được treo trang trọng ở Bảo tàng Tòa thánh Vatican ở Roma, Italia. Nhớ về thuở ban đầu, họa sĩ thổ lộ rằng khi học, bà chưa khẳng định mình sẽ đi hướng nào. Đến lúc ra trường, làm việc, lập gia đình ổn định thì bà mới bắt đầu thực hiện hoài bão của mình. Và bà quyết định chọn vẽ phong cảnh, gần như hiện thực. Vì Nguyễn Thị Tâm là người thích du lịch, muốn quan sát thực tế phong cảnh, đời sống đất nước mình mà bà vốn rất thích thú qua những trang viết của Tự lực văn đoàn. Qua tranh phong cảnh, bà còn mong làm cầu nối giới thiệu miền này với miền kia, bởi không phải ai cũng có cơ hội đi hết mọi nơi, thưởng ngoạn hết những khoảnh khắc đẹp trên đất nước mình. Hơn nữa, tranh phong cảnh có nhiều người thưởng ngoạn hơn, dễ cảm hơn. Theo họa sĩ Nguyễn Thị Tâm: “Muốn vẽ được tranh phong cảnh trước hết phải đến tận nơi quan sát để vẽ, như vậy mới truyền được xúc cảm đến với người xem, chứ không thể qua ảnh chụp mà vẽ lại được, vừa xơ cứng vừa dễ mắc lỗi đạo ảnh người khác. Và khi đứng trước thiên nhiên cảnh vật bao la, mình phải biết cảm nhận cái gì, lấy được cái gì, xem nó có cần thiết cho mình lẫn người thưởng ngoạn không. Từng khoảnh khắc thiên nhiên khác nhau có những vẻ đẹp khác nhau”.

 

ĐỂ TRANH LỤA “SỐNG” LÂU

 

Có những cuộc triển lãm cá nhân của họa sĩ Nguyễn Thị Tâm ở Thái Lan và Đức, các nhà sưu tập thế giới mua toàn bộ tranh của bà.

 

Nguyễn Thị Tâm là họa sĩ tiên phong trong việc giữ gìn và phát triển tranh lụa Việt Nam đương đại. Nếu tranh sơn mài hay sơn dầu có thể tồn tại hàng mấy trăm năm thì tuổi thọ của tranh lụa rất ngắn. Đó cũng là một trong những lý do giới họa sĩ e ngại tranh lụa. Với hoài bão phát huy thể loại tranh truyền thống của dân tộc, họa sĩ Nguyễn Thị Tâm vừa vẽ vừa nghiên cứu sáng tạo nên những chất liệu có thể giúp tranh lụa “sống” lâu. Bà cho biết: “Ngày xưa các cụ không có hóa chất, vải lụa và miếng giấy dán phía sau tuổi thọ thấp nên tranh không thể bảo quản được lâu. Quá trình nghiên cứu đã giúp tôi tìm được một số hóa chất có khả năng cầm màu, mà qua thử nghiệm tôi vẽ một bức tranh lụa đến nay đã gần nửa thế kỷ vẫn không phai màu. Những hóa chất này còn giúp tranh không cần rửa mà vẫn ảo. Đây cũng là việc làm có ý nghĩa, tôi rất mừng. Tranh lụa cũng có ưu điểm là dễ tạo cho người xem cảm giác mông lung, diệu vợi, bay bổng trí tưởng tượng.

 

tranh-trau.jpg
Hơn nữa tôi muốn góp phần lưu giữ, phát huy một thể loại tranh lâu đời của cha ông đang bị mai một. Người thưởng ngoạn nước ngoài, nhất là người Pháp, Đức, Italia, Hà Lan… rất thích tranh lụa của ta, có lẽ nhờ họ có bề dày quan hệ giao lưu văn hóa với Việt Nam. Trong hơn 50 bức tranh của tôi trong bộ sưu tập của một người Mỹ cũng có trên 10 bức tranh lụa”.

 

Một năm mới nữa đã đến. Sức sáng tạo của họa sĩ Nguyễn Thị Tâm vẫn trẻ như mùa xuân. Vào thời khắc giao thừa đón Tết Nguyên đán hàng năm, đã thành thói quen, bà và gia đình đi viếng Lăng Ông - Bà Chiểu thắp hương tưởng nhớ tổ tiên và xông đất. Đồng thời, bà cũng muốn xem cảnh sinh hoạt của Lăng Ông vào thời khắc linh thiêng này của trời đất. Đây cũng là đề tài bà ấp ủ bao năm qua mà chưa vẽ được. Sau bộ tranh “độc nhất vô nhị” mấy mươi bức về con trâu chào đón năm mới Kỷ Sửu, hy vọng họa sĩ Nguyễn Thị Tâm sẽ tiếp tục mang đến cho người yêu mỹ thuật những sáng tạo thú vị mới.

 

PHAN HOÀNG

 

 

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

CÁC TIN KHÁC
Phú Yên như mối duyên kỳ ngộ
Thứ Tư, 28/01/2009 15:04 CH
Tiếng của đại ngàn
Thứ Tư, 28/01/2009 11:01 SA
Sắc màu thổ cẩm Ea Chà Rang
Thứ Ba, 27/01/2009 19:02 CH
Một thời cải lương...
Thứ Ba, 27/01/2009 15:00 CH
Vịnh thơ trâu được tha tội
Thứ Ba, 27/01/2009 11:00 SA
LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek