Thứ Năm, 03/10/2024 22:31 CH
Con trâu trong ngôn ngữ dân gian
Thứ Năm, 29/01/2009 13:30 CH

Mượn vật để nói người, đó là một cách nói trong dân gian vừa sáng tạo, vừa hình ảnh với sự nhân cách hóa thật tài tình. Con trâu, trong ngôn ngữ dân gian đã được điển hình hóa nên thành ngữ, thành chuyện. Con trâu cũng là hình ảnh gắn với nông nghiệp và nông dân. Người ta yêu quý nó. Chính vì thế con trâu được mượn để ví von, so sánh, để răn dạy nhau trong cách ứng xử, sinh hoạt.

 

trau.jpg

Ảnh minh họa

 

* Khi người đời nhắc nhở nhau chỉ nên dùng những gì thuộc quyền sở hữu của mình, những thứ trong phạm vi mình có, không vượt quá giới hạn cho phép thì có câu “Trâu ta ăn cỏ đồng ta”. Nghĩa này gần với câu “Trâu đồng nào ăn cỏ đồng ấy”. Ca dao còn mở rộng nghĩa bóng rằng “Trâu ta ăn cỏ đồng ta. Tuy rằng cỏ cụt nhưng mà cỏ thơm!”.

 

* Con trâu gắn với nhà nông, làm lụng quanh năm, nhưng khi chết vẫn có ích, là để lại bộ da làm vật dụng cho người. Vậy thì người chết để lại cái gì có ý nghĩa. Đó là “tiếng thơm”. “Trâu chết để da, người chết để tiếng”. Ấy là cách nhân hóa, răn dạy người đời nên sống ra sao để không hổ thẹn với đời sau.

 

* “Trâu đẻ tháng 5, vợ đẻ tháng 6”, đó là một việc cần toan tính. Người ta cho rằng tháng 5 mùa cày bừa cần đến trâu, tháng 6 vào vụ cấy cần đến sức lao động của phụ nữ. Vào vụ mà mất sức lao động thì không nên.

 

 

* Con trâu là tài sản lớn đối với người nông dân. Tậu ruộng, tậu trâu là một sự kiện trọng đại. Người nông dân nghèo không có trâu cày phải đi làm thuê cuốc mướn, cuộc sống khổ sở phải “kéo cày thay trâu”. Đó là một lối ví von sinh động để phản ánh cảnh cơ cực của người nông dân xưa.

 

* Trâu là loài vật to khỏe, khi húc nhau thì bất biết xung quanh. Vậy nên đối với loài muỗi nhỏ li ti thì trâu xá gì. Tương phản 2 loài vật đó nên dân gian có câu “Trâu bò húc nhau, ruồi muỗi chết” để ám chỉ kẻ mạnh xung đột, tranh chấp nhau, kẻ yếu bị tai họa, vạ lây.

 

* Ở đời thường có kẻ ghen ghét, đố kỵ. Người ta lấy hình ảnh 2 con trâu, một con bị cột, một con được ăn để nói lên cái sự không bình đẳng. Sự không bình đẳng ấy sinh ra mâu thuẫn “Trâu buộc ghét trâu ăn”. Dân gian nhân hóa để ví người. “Trâu buộc thì ghét trâu ăn. Quan võ thì ghét quan văn dài quần”.

 

* Sự đời có quy luật của nó, đó là người ta cột trâu vào cái cọc nào đó đã đóng sẵn xuống đất. Cái cọc đó định vị, bất di bất dịch. Ấy như khi có sự ngược quy luật thì người ta có câu “Cọc không đi tìm trâu. Chỉ có trâu đi tìm cọc”.

 

* Trớ trêu thay, có kẻ nào đó đã già rồi nhưng còn cố tình làm ra vẻ trẻ con, ngây thơ thì người ta ví người đó như cố cưa sừng đi, gọi là “cưa sừng làm nghé” giống như “gà chơi trống bỏi” vậy.

 

* Con trâu làm việc chăm chỉ, hiền lành nhưng ác một nỗi người đời cứ trách mắng nó là “ngu như trâu” nên gán cho nó hành động như một ai đó không chịu suy nghĩ, chỉ thục mạng khi làm một việc gì đó, rằng Hùng hục như trâu húc bờ”.

 

* Con trâu đi lại thong dong, nó không tranh giành hơn thiệt với ai, thế nên thường bị nhận phần thiệt về mình. Khi nói một điều gì đó kém may mắn, người đời có câu “Trâu chậm uống nước đục” là thế.

 

* Trâu làm việc mệt mỏi thường hay dầm mình xuống bùn, đuôi ve vẩy xua đuổi ruồi muỗi, côn trùng bám vào. Từ sự việc ấy, người đời cũng gán cho trâu cái sự ẩu, bừa bãi, hại đến người khác “Trâu lấm vẩy càn”.

 

* Con trâu luôn luôn tuân theo chủ. Nó thuộc đường đi lối về, dù có đi xa “bảy năm vẫn nhớ chuồng”  nên người ta thường dong nó đi, chứ ít ai phải dắt mũi, khác hẳn với bò. Nên kinh nghiệm cho rằng: “Trâu dong bò dắt” là vậy.

 

* Trâu có đặc điểm là khi bắt được mũi thì trâu thuần thục ngay. Vì thế người ta thường buộc chạc, xỏ dây thừng vào mũi trâu mà dong, dắt. Từ đặc điểm ấy người đời nâng nó lên thành cách ứng xử “Trâu trao chạc, bạc trao tay” là để nói sự sòng phẳng, dứt điểm, tiền trao cháo múc.

 

* Để so sánh giữa trâu và bò khi kéo cày, người đời có câu “Trâu gầy cũng tầy bò kéo”. Cái sự ấy còn cụ thể ra rằng “Trâu ho bằng bò rống” là vậy.

 

* Chỉ có trâu mới là loài vật kéo cày chính. Ví như không có trâu lấy gì để cày. Ấy nhưng người đời lại mượn con chó, một con vật không thể kéo cày mà lại dám thay trâu để kéo cày. Thật là ngoa dụ “Trâu không có bắt chó kéo cày”.

 

* “Khỏe như trâu” thật đấy nhưng bắt trâu làm việc quá sức thì trâu cũng gục. Nhà nông tổng kết rằng “Trâu quá sá, mạ quá thì” thật không nên chút nào. Từ sự việc đó dân gian còn nâng thành ca dao “Trâu quá sá, mạ quá thì. Hồng nhan bị bỏ còn gì là xuân”.

 

* Con trâu là đầu cơ nghiệp đối với nhà nông cũng đồng thời là thực phẩm có giá trị. Thịt trâu ngon. Nhưng khi trâu còn khỏe thì không ai đành lòng giết mổ trâu lấy thịt, mà khi trâu yếu, ngã mới có cơ hội thịt trâu. Đó là cái nghĩa đối với con trâu. Tuy nhiên, từ thực tế ấy, người ta mới có câu “Trâu lành không ai mặc cả, trâu ngã nhiều gã cầm dao” để phê phán thói đời cơ hội.

 

Con trâu trong dân gian đã trở thành hình tượng trong thành ngữ, tục ngữ sinh động. Nói trâu là nói người vậy.

 

TIÊU HÀ MINH (Hải Dương)

 

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

CÁC TIN KHÁC
Phú Yên như mối duyên kỳ ngộ
Thứ Tư, 28/01/2009 15:04 CH
Tiếng của đại ngàn
Thứ Tư, 28/01/2009 11:01 SA
Gìn giữ di sản văn hóa đá
Thứ Tư, 28/01/2009 07:00 SA
LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek