Thứ Sáu, 04/10/2024 00:20 SA
Gìn giữ di sản văn hóa đá
Thứ Tư, 28/01/2009 07:00 SA

Phú Yên có những di sản đá tự nhiên nổi tiếng, được xem là độc nhất vô nhị như gành Đá Dĩa, núi Đá Bia và hàng chục di sản đá tự nhiên độc đáo. Đá có trong tự nhiên, đá gắn bó với sự sinh tồn, đấu tranh, phát triển của người dân nơi này.

 

tuoi-tho-1.jpg

Tuổi thơ – tác phẩm chụp tại thắng cảnh Gành Đá Dĩa - Ảnh: LÊ CHÂU ĐẠO

 

Sinh thời, giáo sư Trần Quốc Vượng nghiên cứu về giếng đá cổ ở Phú Yên (dân gian gọi là giếng lạng) và cho rằng: Hệ thống giếng đá ở Phú Yên cũng chứng tỏ sự tồn tại của một nền nông nghiệp phát triển, nối liền với nền hải thương quốc tế từ đầu công nguyên và đặc biệt ở thời đại thương mại (từ thế kỷ XVI-XVIII). Ngoài ra, hai cổ vật đàn đá và kèn đá đều có niên đại cách đây hàng ngàn năm, là những báu vật vô giá bởi sự độc đáo của nó. Những tảng đá từ vài chục đến vài trăm ký đã được khoét đường ống gờ xoắn bên trong theo một quy luật âm thanh và một phương pháp mà cho đến nay các nhà khoa học vẫn chưa tìm ra lời giải. Những khối đá nhìn có vẻ tự nhiên nhưng kỳ thật đó là  tác phẩm nghệ thuật độc đáo bậc nhất của thế giới âm nhạc theo công bố của Hội đồng nghệ thuật Nhà nước vào năm 1996 và đã trở thành bảo vật quốc gia. Ông Phan Đình Phùng, Phó Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao -Du lịch Phú Yên, nói: Đá Phú Yên có âm sắc cao. Đàn đá được làm từ loại đá cứng và lượng khoáng chất rất cao. Bộ đàn đá được phát hiện tại Phú Yên là bộ có âm thanh hoàn chỉnh nhất. Đặc biệt, kèn đá không chỉ hòa tấu với đàn đá mà còn có thể tấu với dàn nhạc hiện đại, tạo nên âm thanh lạ, hiếm thấy ở bất kỳ một bộ âm thanh nào khác.

 

Sự độc đáo của tự nhiên còn thể hiện qua loại đá đặc trưng tại huyện Tuy An, tiêu biểu nhất là thắng cảnh quốc gia Gành Đá Dĩa. Đá ở đây được xếp và tạo thành những cột hình lục giác với tiết diện, độ dày gần như nhau. Các di tích, di vật bằng chất liệu đá và những di sản văn hóa đá phi vật thể tồn tại đến ngày nay không những có giá trị về mặt văn hóa mà còn là minh chứng về sự hiện diện của con người ở vùng đất Phú Yên trong tiến trình phát triển. Ông Nguyễn Ngọc Quang, Phó Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao - Du lịch Phú Yên nói: Những hiện vật, di tích ấy cho thấy rằng đá có hồn. Qua đá, biết được cuộc sống của ông cha ta cách đây mấy ngàn năm.

 

Mới đây, đề tài “Di sản văn hóa đá ở Phú Yên” do thạc sĩ Nguyễn Hoài Sơn, Phó Chủ tịch Liên hiệp các hội khoa học - kỹ thuật Phú Yên dày công thực hiện đã được hội đồng nghiệm thu cơ sở đánh giá rất cao. Theo ông Nguyễn Hoài Sơn, khi nhìn lại các loại hình di sản văn hóa bằng đá, ta nhận biết nguồn gốc văn hóa theo tộc người, quá trình phát triển của con người theo từng thời kỳ lịch sử, trên nhiều lĩnh vực như: mưu sinh, chiến đấu và sinh hoạt tinh thần của các thế hệ.

 

KIM CHI

 

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

CÁC TIN KHÁC
Tiếng của đại ngàn
Thứ Tư, 28/01/2009 11:01 SA
Sắc màu thổ cẩm Ea Chà Rang
Thứ Ba, 27/01/2009 19:02 CH
Một thời cải lương...
Thứ Ba, 27/01/2009 15:00 CH
LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek