Thứ Sáu, 04/10/2024 00:18 SA
Một thời cải lương...
Thứ Ba, 27/01/2009 15:00 CH

Một chiều nọ, khi nông dân vừa trở về nhà với đôi chân lem luốc bùn trên những đám ruộng xanh mát lúa đông xuân, không gian tĩnh lặng bỗng nhiên bị khuấy động bởi tiếng loa phóng thanh. Những âm thanh hiện đại ấy lướt qua cánh đồng, đến với cái xóm nhỏ chỉ mươi nóc nhà nằm dưới chân núi, thông báo rằng tối nay, tại sân bãi hợp tác xã, đoàn cải lương X sẽ diễn vở Y…

 

dien-vien-1.jpg.jpg

Cảnh trong vở “Thái hậu Dương Vân Nga”. Nghệ sĩ cải lương Hồng Cúc trong vai thái hậu. (Ảnh do nghệ sĩ cung cấp)

 

Thế là bữa cơm chiều được dọn ra hối hả. Rồi người ta ra sau hè chọn một ít bã mía đã phơi khô. Tối nay, sẽ đốt chúng lên làm đuốc. Đuốc sẽ rập rờn những con đường gồ ghề dấu bánh xe máy cày và dấu chân bò.

 

Tối nay không như những buổi tối khác, chỉ có ánh đèn dầu leo lét bên trong và đom đóm lập lòe bên ngoài cùng tiếng côn trùng. Tối nay là một buổi tối đặc biệt. Đoàn cải lương về!

 

Bây giờ, tôi không còn nhớ tên những vở cải lương mà mình đã xem thuở nhỏ, nhưng vẫn nhớ cảm giác náo nức, hân hoan mỗi khi đoàn cải lương về. Sao mà hồi ấy người ta mê cải lương đến vậy! Không chỉ những ông bà già mà nam nữ thanh niên và cả trẻ nhỏ cũng mê. Nhà báo Xuân Hiếu (Báo Phú Yên), từng gắn bó với Đoàn cải lương Hòa Tân từ năm 1977 đến 1982, nhớ lại: “Khi đoàn cải lương vừa đến, đi rao, bà con đã đứng dọc đường để coi. Rồi họ tới xem mặt diễn viên trước. Tối, họ mua vé vào coi, nhiều lúc xô ngã cả hàng rào dựng bằng bồ cót. Coi xong chưa chịu về, họ ở lại coi diễn viên tẩy trang và phấn khởi với những “phát hiện”: “Đó, bà đó hồi chiều đi chợ đó”. “Ông kia nữa, thấy không?”... Những người thích hát cải lương nhưng chưa có cơ hội thì tranh nhau mời diễn viên về nhà, dành chỗ cho họ nghỉ ngơi. Có người còn yêu cầu diễn viên hát. Và sau đó, có người xin theo đoàn”.

 

Sau giải phóng, có một thời kỳ cải lương thịnh tới mức nhiều xã đã thành lập đoàn. Sôi nổi nhất là huyện Tuy Hòa (cũ). Xã Hòa Hiệp có Đoàn cải lương Hòa Hiệp (sau đổi tên thành đoàn Đồng Khởi), xã Hòa Bình có Đoàn cải lương Hòa Bình,  xã Hòa Phong có Đoàn cải lương Hòa Phong… Đoàn cải lương được thành lập ở xã nào thì mang tên xã ấy. Riêng đoàn cải lương ở Hòa Vinh, có lẽ do được lập ra từ một gia đình nên không mang tên xã mà lấy tên Đồng Xanh. Còn Hòa Tân, sau khi chia thành hai xã thì cũng có hai đoàn cải lương là Hòa Tân 1 và Hòa Tân 2, nhộp nhịp hoạt động. Đoàn cải lương nhiều như vậy, nhưng đi đến đâu khán giả theo đến đó.

 

dien-vien.jpg.jpg
Các nghệ sĩ, diễn viên: Ngân Thanh, Văn An, Vương Cảnh, Tố Lan, Vương Minh Phụng, Mỹ Hạnh, Kiều Lệ Hoa ở Đoàn cải lương Hòa Bình. Nhạc sĩ Cao Hữu Nhạc là người đội mũ. (Ảnh do nhân vật cung cấp)

 

Tôi đã rất ngạc nhiên khi biết rằng hồi ấy, thành viên của các đoàn cải lương địa phương nhận thù lao bằng… lúa. Anh Xuân Hiếu, người mà cách đây trên dưới ba mươi năm được khán giả biết đến với nghệ danh hề Khô Khan, kể: Diễn viên hát, được ghi điểm, chấm công y như xã viên hợp tác xã. Tiền bán vé, sau khi trích bồi dưỡng để anh em ăn tối, cũng được đoàn mang về nộp cho hợp tác xã. Sau mùa thu hoạch, các thành viên trong đoàn về hợp tác xã nhận lúa”. Tất nhiên, cũng có những trường hợp ngoại lệ. Đó là các đào, kép nổi tiếng ở Sài Gòn mà đoàn cải lương địa phương “hợp đồng”. Nhạc sĩ Cao Hữu Nhạc, người có 12 năm làm Trưởng đoàn cải lương Hòa Bình, cho biết: Hồi đó, Đoàn Hòa Bình “hợp đồng” với Phương Thanh Hồng, Phương Hồng Thủy, Phương Thanh Huệ, Hà Quyên Quyên, Tố Lan… Đối với những nghệ sĩ này thì trả thù lao bằng tiền. Cũng theo ông Cao Hữu Nhạc, cát-xê của đào, kép nổi tiếng trong một đêm diễn tương đương với một chỉ vàng y. Riêng thù lao của Phương Thanh Hồng, cô đào nức tiếng lúc bấy giờ, lên tới 5 chỉ vàng!

 

Mấy chục năm trước, khi các đoàn cải lương đi đâu cũng chở theo máy phát điện, khi người ta còn sử dụng micro kéo dây và đoàn nào cũng có một người “chuyên trách” việc này, thì diễn viên ngôi sao đã “kêu giá”. “Ông bầu” Cao Hữu Nhạc có một kỷ niệm khó quên. Sau khi diễn ở rạp Tân Quang (TP Nha Trang) suốt một tuần, đoàn Hòa Bình xuống Vĩnh Trường, Vĩnh Nguyên thì được yêu cầu trở lại diễn ở rạp Tân Quang. Cô đào Phương Thanh Hồng thấy vậy yêu cầu nâng mức thù lao, nhưng đoàn không đáp ứng được. Cô rời đoàn ngay trong buổi chiều. Tối hôm đó, khán giả đến xem, không thấy Phương Thanh Hồng nên rất thất vọng. Nửa chừng, họ bỏ về. Ông Cao Hữu Nhạc ngồi bên trong sân khấu, nghe tiếng ghế sắt xếp lại lịch kịch… lịch kịch… khi khán giả đứng lên mà thấy… nhói tim.

 

Hai mươi năm gắn bó với cải lương, ông Đặng Đình Nhì, trưởng đoàn cải lương quốc doanh mang tên Hoa Biển ngày ấy chừng như không thể nào kể hết kỷ niệm. Ông nhớ có lần, Đoàn Hoa Biển ra Hòn Gai (Quảng Ninh) diễn 7 vở trong 15 đêm, đêm nào cũng chật kín khán giả. Khi diễn vở Uyên ương và bạo chúa, nghệ sĩ Quốc Hiền đóng vai bạo chúa quá xuất sắc nên đã làm một bà già phẫn nộ, xông lên sân khấu đánh.

 

Khu vực bắc Phú Khánh lúc bấy giờ có rất nhiều đoàn cải lương địa phương được khán giải ái mộ, song Đoàn cải lương Hoa Biển cũng thường xuyên về đây biểu diễn. “Hầu như tết năm nào chúng tôi cũng về diễn ở Sông Hinh, Sơn Hòa” - ông Nhì nói. “Có năm đang ở Đồng Nai, đoàn được gọi về Sơn Hòa diễn phục vụ tết. Hồi đó đi lại khó khăn, phải mất hai ba ngày mới về tới Sơn Hòa. Hội Phụ nữ vận động bà con tặng 60 anh em trong đoàn mỗi người một cây bánh tét. Diễn xong, Huyện ủy, UBND huyện cho một con bò, một con heo để đoàn ăn tết. Hồi đó khán giả rất ái mộ cải lương, cơm ăn cơm dỡ tới coi…”

 

Thời gian trôi qua. Những làng quê leo lét ánh đèn dầu đi vào quá vãng. Những đoàn cải lương địa phương lần lượt giải thể trong ngậm ngùi. Bây giờ đêm đêm, tiếng tivi, tiếng hát từ DVD… đã át bản đồng ca đơn điệu của côn trùng. Người ta có quá nhiều thứ để nghe, để xem. Nếu một đoàn cải lương nào đó về, rao khắp đầu trên xóm dưới, thì người ở quê cũng không vì thế mà vội vã dọn bữa cơm chiều. Có chăng là tiếng rao nhắc họ nhớ về những ngày tháng đã xa xôi, khi bước chân mình hân hoan và trái tim mình rộn rã, thổn thức vì mấy câu vọng cổ…

 

 

 PHƯƠNG TRÀ

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

CÁC TIN KHÁC
LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek