Thứ Ba, 26/11/2024 20:33 CH
Phía sau hoa trái và những bức tranh Tết
Thứ Hai, 04/02/2019 08:00 SA

Có một mỹ tục mà người Việt xưa nay vẫn duy trì trong dịp Tết: bày biện một mâm ngũ quả trên bàn thờ gia tiên, trưng bày hoa kiểng hay mua những bức tranh vẽ các điển tích xưa và lời chúc tốt lành về bài trí trong nhà để đón mừng năm mới.

 

Tuy nhiên, ít người quan tâm ý nghĩa của những loài hoa trái, cây kiểng mà họ bày biện, cũng ít ai am tường những điển tích, văn tự trên những bức tranh mà họ trang trí trong nhà. Thường thì người ta cho rằng “xưa bày, nay làm”, hay “thấy đẹp thì mua về bày chơi”. Nhưng thực ra, mỗi bông hoa, mỗi loại quả, mỗi hình vẽ hay văn tự viết trên tranh, đều mang một ý nghĩa sâu xa và thú vị, mà người xưa đã gửi gắm và chọn lựa để trưng bày trong dịpTết.

 

Nhân lúc xuân nhà, người viết bài này xin được kể với độc giả về những điều sâu xa và thú vị đó.

 

Hình 3 con dê trên chiếc dĩa trà vẽ tích Tam dương khai thái. Đồ sứ ký kiểu thời Nguyễn - Ảnh: TRÂN HUYỀN

 

Chưng hoa, bày quả

 

Người Việt ở phương Nam ngày nay, khi soạn “mâm ngũ quả” dâng lên bàn thờ tổ tiên trong ba ngày Tết, thường chọn bốn loại quả: mãng cầu, dừa, đu đủ và xoài, với ý nghĩa “cầu - vừa - đủ - xài”. Cũng có khi họ chỉ chọn: mãng cầu, dưa hấu và xoài, hàm ý “cầu - dư - xài”.

 

Trong khi đó, người Trung Hoa lại thường tặng nhau những quả quýt lớn trong dịp Tết Nguyên đán. Quả quýt lớn, chữ Hán là 大橘 (đại quất), phát âm tiếng Hoa là daju, gần giống với daji, là âm đọc hai chữ 大吉 (đại cát), nghĩa là “may mắn lớn”. Người Việt đã chịu ảnh hưởng từ tục lệ này của người Hoa, nhưng không bắt chước người Hoa tặng nhau những quả quýt lớn để chúc mừng đại cát. Thay vào đó, họ mua những cây quất, cành trái sum suê về chưng trong nhà. Những trái quất màu vàng mọng, chữ Hán là 金橘 (kim quất). Kim (金) là “vàng”, biểu tượng của tài lộc. Quất (橘) trùng âm với cát (吉), nghĩa là tốt lành. Tài lộctốt lành là điều người Việt luôn cầu mong cho năm mới, vì thế, họ mua kim quất về trưng bày trong nhà để đón Tết.

 

Trong thư phòng của nhiều bậc túc Nho thuở trước, vào dịp xuân về trên chiếc kỷ thường uống trà thường bày một chậu hoa ngọc lan và một bình hoa thủy tiên. Ngọc lan, chữ Hán là 玉蘭; thủy tiên, chữ Hán là 水仙. Sự kết hợp giữa ngọc lan với thủy tiên hàm ý 玉堂仙品 (ngọc đường tiên phẩm), nghĩa là “cốt cách như một vị tiên sống trong lâu đài bằng ngọc”, nhằm tôn vinh cốt cách cao quý của chủ nhân.

 

Cũng là hoa ngọc lan, nhưng nếu trưng bày chung với hoa hải đường trong phòng khách thì lại mang một ý nghĩa khác. Ngọc lan, chữ Hán là 玉蘭; hải đường, chữ Hán là 海棠. Kết hợp chữ 玉 (ngọc) của ngọc lan với chữ 棠 (đường) của hải đường sẽ tạo thành hai chữ 玉棠 (ngọc đường), đồng âm với chữ 玉堂 (ngọc đường) nghĩa là “lâu đài bằng ngọc”. Sống trong cõi nhân gian này, ai cũng mong ước được ở trong một kiến trúc tráng lệ, xứng danh là ngọc đường. Vì ý nghĩa này, mà nhiều vị hoàng thân, quý tộc ở Huế xưa thường trồng hoa ngọc lan và hoa hải đường trong vườn, hay đặt hai bên cửa nhà một chậu hoa ngọc lan và một chậu hoa hải đường để đón xuân.

 

Tuy nhiên, không phải lúc nào thú chơi hoa ngày Tết của người Việt cũng chịu ảnh hưởng từ văn hóa Trung Hoa. Chẳng hạn như đối với hoa cúc. Hoa cúc (菊花) theo quan niệm người Trung Hoa là biểu tượng của mùa thu, vì thế mà tháng Chín mùa thu, thư tịch cổ Trung Hoa viết là 菊月 (cúc nguyệt: tháng hoa cúc). Nhưng với người Việt thì hoa cúc lại tượng trưng cho sự thanh cao và khiêm tốn. Thế nên các cụ đồ Nho ngày trước thường chọn hoa cúc để chưng trong thư phòng ngày xuân. Với nhiều người khác, hoa cúc có nhiều tầng, nhiều cánh, là biểu trưng của sự sum vầy, nên họ chọn cúc để chơi Tết với ước nguyện gia đình được đoàn tụ, sum vầy trong dịp xuân về Tết đến.

 

Chơi cá, treo tranh

 

Tranh cá vàng đón Tết của người Trung Hoa, thời Thanh (1644 - 1912)

Ở Huế, vào những ngày giáp Tết, phía trước Thương Bạc hay Phu Văn Lâu thường xuất hiện những “quầy” bán cá vàng lưu động. Nhiều người Huế rất thích mua cá vàng đem về nuôi trong những chiếc bể nuôi cá bằng thủy tinh, trưng bày trong phòng khách để đón Tết. Đây cũng là một nét văn hóa ảnh hưởng từ Trung Hoa. Cá vàng, chữ Hán là 金魚 (kim ngư). Kim ngư (金魚), phát âm theo tiếng Hoa là jinyu, gần giống với cách đọc hai chữ kim ngọc (金玉). Nhiều cá vàng bơi trong chiếc bể, chữ Hán là 金魚满塘 (kim ngư mãn đường), đồng âm với 金玉满堂 (kim ngọc mãn đường), nghĩa là vàng ngọc đầy nhà. Đó là lý do mà nhiều người Huế thích trưng bày bể nuôi cá vàng mỗi khi xuân về.

 

Ngoài nuôi cá, người ta còn treo những bức tranh vẽ hình những con vật và những loài thảo mộc là biểu tượng của mùa xuân hoặc mang ý nghĩa cầu chúc tốt lành.

 

Chẳng hạn như bức tranh có chủ đề 春燕 (xuân yến) vẽ chim én và hoa mơ. Ởm miền Bắc Việt Nam, hoa mơ nở rộ đồng nghĩa với mùa xuân đang về. Người Việt treo tranh vẽ chim én và hoa mơ để đón Tết thì “chuẩn không phải chỉnh”. Tuy nhiên đề tài này lại bắt nguồn từ một điển tích của Trung Hoa, gọi là hạnh lâm xuân yến (杏林春宴), nghĩa là “thưởng thức yến tiệc mùa xuân trong vườn mơ đang khoe sắc). Hạnh lâm (杏林) nghĩa là rừng hoa mơ; xuân yến (春宴) là yến tiệc do vua ban thưởng cho đình thần trong dịp xuân về. Cả hai chữ 春宴 và 春燕, âm Hán - Việt đều đọc là xuân yến, tiếng Hoa đều đọc là chunyan. Vì thế, bức tranh vẽ chim én và hoa mơ, ngoài ý nghĩa mừng xuân, còn hàm ý “mong đạt quyền cao chức trọng”. Bởi vì, phải có chức quyền thì mới được nhà vua ban yến trong dịp Tết.

 

Có rất nhiều bức tranh treo Tết in mộc bản hay vẽ bằng bút nước của người Việt ngày trước có hình con dơi, con hươu hay con dê. Mỗi con vật này đều biểu thị một ý nghĩa nhất định.

 

Dơi, chữ Hán là 蝠 (bức), tiếng Hoa đọc là fu, đồng âm với chữ 福 (phúc: hạnh phúc). Vì thế, con dơi được coi là biểu tượng của phúc, một trong những điều mà người Việt hay người Hoa thường cầu mong nhân dịp năm mới. Người Hoa còn viết chữ 福 lên giấy, rồi dán lộn ngược ở trước cửa, gọi là phúc đảo, tiếng Hoa đọc là fudao, đồng âm với chữ phúc đáo, nghĩa là “phúc đến nhà”.

 

Hươu, chữ Hán là 鹿 (lộc), tiếng Hoa đọc là lu, đồng âm với chữ 禄 (lộc: bổng lộc). Vì thế, con hươu được coi là biểu tượng của tài lộc, cũng một trong những điều mà người Việt hay người Hoa thường cầu xin trong dịp Tết. Đó là lý do người ta hay bắt gặp trong bộ tranh Tết mà người Việt ưa chuộng bức tranh có tên là Bách lộc đồ (百禄图), vẽ hình 100 con hươu, hàm ý “mong có nhiều bổng lộc”. Mặt khác, hình ảnh con hươu xuất hiện trên tranh, chữ Hán là 得鹿 (đắc lộc), tiếng Hoa đọc là dalu, vừa đồng âm với chữ 得禄 (đắc lộc), nghĩa là “được tài lộc”, vừa đồng âm với chữ 得路 (đắc lộ), trong câu 三元得路 (tam nguyên đắc lộ), hàm ý “mong đỗ đầu trong ba kỳ thi” thời xưa, là thi hương, thi hội và thi đình.

 

, chữ Hán 羊 (dương), biểu thị cho chữ 祥 (tường: điềm tốt lành), đồng thời biểu thị cho chữ 陽 (dương: mặt trời, khí dương) trong văn hóa Trung Hoa. Bởi lẽ, trong tiếng Hoa vào thời Hán (206 trước CN - 220 sau CN) thì chữ 羊 và chữ 祥 đều đọc là yang; còn trong tiếng Hoa hiện đại thì chữ 羊 và chữ 陽 cũng đều đọc là yang. Vì thế, mà con dê thường xuất hiện trên tranh treo Tết của người xưa và trên rất nhiều món đồ sứ ký kiểu thời Nguyễn. Một trong những đề tài trang trí phổ biến trên tranh Tết có liên quan đến con dê là đề tài Tam dương khai thái (三陽開泰), vẽ hình ba con dê hoặc một con dê và hai con cừu, vì trong chữ Hán, cừu đều viết là 羊 (dương). Kinh Dịch có quẻ 泰 (Thái). Quẻ này được thể hiện bởi ba vạch liền () ở dưới, tượng trưng cho hào 陽 (dương) và ba vạch đứt (- -) ở trên, tượng trưng cho hào 陰 (âm). Quẻ Thái tượng trưng cho tháng Giêng trong âm lịch. Bức tranh vẽ dê (hoặc dê và cừu), chủ đề Tam dương khai thái hàm ý dương khí từ vũ trụ sẽ mang mùa xuân đến cho trái đất sau một mùa đông lạnh giá và mang đến cho gia đình một tương lai đầy hứa hẹn.

 

Ngày Tết, ngắm những mâm ngũ quả, những bình hoa, chậu kiểng hay những bức tranh bài trí trong nhà, dường như ai cũng thấy trong lòng lâng lâng cảm xúc. Nhưng, nếu biết thêm những điều lý thú ẩn chứa đằng sau những bình hoa, chậu kiểng hay những bức tranh ấy, chắc hẳn sự “vui xuân, thưởng Tết” sẽ trở nên ý nghĩa và thú vị hơn.

 

* Trong bài có sử dụng thông tin từ bài nghiên cứu The Anatomy of Rebus in Chinese Decoration Arts của TS. Ni Yibin (ĐH Quốc gia Singapore) in trong tạp chí Oriental Art, Vol. XLIX, No. 3, 2002).

 

TRÂN HUYỀN

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

CÁC TIN KHÁC
5 lần cúng mới trở thành người lớn
Chủ Nhật, 10/02/2019 11:00 SA
60 năm bài thơ Cảm xuân năm chín
Thứ Tư, 06/02/2019 07:00 SA
Nhung nhớ xuân xưa…
Thứ Hai, 04/02/2019 13:00 CH
LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek