Trong nhiều món ăn mang đậm phong vị vùng Nam Trung Bộ, những món “một nắng” rất được ưa thích. Theo ông Nguyễn Văn Minh, chuyên doanh đặc sản Phú Yên, vắn tắt kiểu chế biến này là đem phơi sấy tương đương một ngày nắng để thực phẩm khô se nhưng vẫn giữ được độ mềm và hương vị tươi tự nhiên. Nhiều đặc sản một nắng tuyệt cú mèo từ thịt bò, nai, tôm, mực, cá thu… xuất xứ Phú Yên rất được thực khách ưa chuộng.
Món bò một nắng chấm muối kiến vàng - Ảnh: ĐỨC TUẤN |
Trước đây, để làm món bò một nắng, người miền núi Phú Yên thường xẻ các miếng thịt cỡ bàn tay đem phơi se rồi nướng ăn ngay, bởi loại này không thể để lâu ngày như thịt bò phơi khô. Sau này, món bò một nắng có cơ hội “đi” đến nhiều nơi nhờ được bảo quản bằng cách cấp đông trong tủ lạnh.
Ông Huỳnh Đức Duân, chủ thương hiệu thực phẩm một nắng Diệp Bảo An (TP Tuy Hòa) cho biết: “Những lát thịt bò được chọn kỹ, ướp gia vị đúng điệu rồi phơi sấy chín khoảng 40%, sau đó được cấp đông nên giữ được độ mềm, thơm tự nhiên. Người dùng chỉ cần rã đông, nướng vừa chín tới, lên hương thơm lừng là có thể nhâm nhi. Nếu nướng quá chín thì thịt sẽ khô cứng, giảm hương vị đặc trưng và độ mềm của món bò một nắng”.
Ông Duân cho biết thêm về cách làm bò một nắng: Phải chọn thịt nạc từ giống bò vàng còn tơ, được nuôi thả tự nhiên ở địa phương. Sau khi rửa sạch, thái thành từng miếng vuông khoảng 10-15cm, dày 1,5cm, ướp sả, ớt và rượu vang “xịn” trong hơn 2 giờ. Tiếp đó là công đoạn phơi sấy tương đương một ngày nắng rồi đóng gói, hút chân không, cấp đông, chuyển đến người tiêu dùng. Bò một nắng chính hiệu phải ăn kèm với muối kiến vàng. Đây là thức chấm độc đáo của người miền núi Phú Yên. Những con kiến vàng được đặt hàng để người dân ở huyện miền núi đi thu bắt trên cây rừng. Mua kiến vàng về, phải lọc chọn loại kiến nhỏ đem phơi, rang chín rồi trộn với sả, ớt xay, tạo ra món muối chấm tuyệt hảo, khác biệt.
Tôm một nắng chấm muối kiến vàng - Ảnh: ĐỨC TUẤN |
Miệt biển Phú Yên là “thủ phủ” của những loại hải sản một nắng ngon nức tiếng. Theo các lão ngư địa phương, món mực một nắng có xuất xứ từ… biển khơi. Những con mực vừa câu lên được làm sạch rồi căng phơi ngay trên thuyền. Sau một ngày nắng mặn mòi gió biển, bề mặt con mực se đều là đạt, có thể đưa xuống hầm lạnh để bảo quản, chờ về bờ xuất bán. Miếng mực một nắng lúc này mà chấm với tí nước mắm hoặc ớt tương thì ngon… nhức nhối. Mực một nắng, và cả tôm một nắng, không chỉ được dùng để nướng nhâm nhi ăn chơi mà còn có thể được dùng chế biến các món chiên, xào, làm gỏi, nấu canh… ăn rất ngon miệng.
Mấy món hải “tắm nắng” mà “giao duyên” với muối kiến vàng thì hương vị ngày xuân càng đậm đà.
ĐỨC TUẤN