Với chiếc huy chương vàng Liên hoan Ca múa nhạc toàn quốc trong năm qua, Nhà hát Ca múa nhạc dân gian Sao Biển tiếp nối chuỗi thành tích vàng kể từ năm 2011. Bên cạnh thế mạnh về múa, Sao Biển đã khai thác chất liệu đời sống của cư dân trên vùng đất duyên hải Nam Trung Bộ, đưa vào các ca khúc dân gian đương đại và biểu diễn đầy ấn tượng.
8 năm trôi qua kể từ khi Nhà hát Ca múa nhạc dân gian Sao Biển đưa chương trình nghệ thuật Về miền cực Đông đến Liên hoan Ca múa nhạc ba nước Việt Nam - Lào - Campuchia và đoạt huy chương vàng toàn toàn. Trong quãng thời gian đó, đi qua 4 liên hoan, hội diễn ca múa nhạc chuyên nghiệp, Sao Biển luôn để lại dấu ấn, khẳng định vị trí của mình bằng giải vàng đầy thuyết phục.
Gần đây nhất, tại Liên hoan Ca múa nhạc toàn quốc năm 2018 (đợt 2), Sao Biển thi tài bằng chương trình nghệ thuật Một ngày của biển gồm 12 tiết mục ca múa nhạc được đầu tư công phu, khắc họa đời sống của người dân vùng duyên hải Nam Trung Bộ bằng ngôn ngữ nghệ thuật độc đáo.
Nhà hát của Phú Yên là một trong bốn đơn vị nghệ thuật được trao huy chương vàng toàn đoàn. Trong Một ngày của biển có đến 3 tiết mục mang về giải vàng là thơ múa Mắt lưới, múa Mùa nghêu và đơn ca nữ Gối đầu lên sóng chờ anh.
Với nhạc phẩm này, bộ ba Tấn Phát (nhạc sĩ sáng tác) - Xuân Huy (nhạc sĩ hòa âm phối khí) - Thanh Vân (ca sĩ biểu diễn) tiếp nối chuỗi thành công ở dòng nhạc dân gian đương đại. Gối đầu lên sóng chờ anh chất chứa nỗi niềm của người vợ chờ chồng nơi khơi xa, được sáng tác bằng cảm xúc của một nhạc sĩ sinh ra và lớn lên nơi ruộng đồng nhưng đồng cảm với người dân vạn chài.
Theo nhạc sĩ - NSƯT Cao Hữu Nhạc, nguyên Giám đốc Nhà hát Ca múa nhạc dân gian Sao Biển, Gối đầu lên sóng chờ anh là một ca khúc hay, giai điệu hòa quyện cùng tiết tấu độc đáo, có nhiều bứt phá, mới lạ; nhiều đoạn nhảy quãng rộng (quãng 6, quãng 7, quãng 8) tạo hiệu ứng sâu.
Tác giả có chủ ý khi đưa khoảng lặng vào nhiều ô nhịp để nhạc sĩ phối khí và ca sĩ thể hiện “tung tẩy”, cùng sáng tạo, đưa ca khúc lên đỉnh cao nghệ thuật. Đây là một ca khúc có kịch tính nhưng phần lời lại đầy chất thơ.
Gối đầu lên sóng chờ anh được hòa âm phối khí bởi một nhạc sĩ có nghề, nói như nhạc sĩ Cao Hữu Nhạc là “đọc được từng bước đi trong giai điệu và tiết tấu để đưa những hòa âm làm bệ đỡ, đưa từng ngón trỗ, vuốt, luyến láy... làm bệ phóng cho tiếng hát.
Ca sĩ Thanh Vân rất biết cách lột tả tác phẩm bằng tiếng hát phối hợp nhuần nhuyễn với biểu diễn. Thanh Vân biết thêm vào những đoạn vocal bất ngờ, gắn với nội tâm xung đột mạnh...”. Trên nền nhạc đầy ám ảnh, tiếng hát của Thanh Vân khắc khoải đợi chờ, quay quắt nhớ khát, thắc thỏm lo âu... Tiếng hát cất lên từ trái tim và dội vào những trái tim.
Trên sân khấu Nhà hát Trưng Vương (TP Đà Nẵng), cùng với NSƯT Quốc Vũ, Thanh Vân hóa thân trọn vẹn thành người đàn bà ở vạn chài. Những tràng pháo tay nhiều lần vang lên khi Thanh Vân hát Gối đầu lên sóng chờ anh - ca khúc được nhạc sĩ Tấn Phát, Phó Giám đốc phụ trách nhà hát, “đo ni đóng giày” cho cô.
Tác giả ca khúc nói rằng anh và Xuân Huy, Thanh Vân có sự đồng điệu, đồng cảm. “Ba anh em gần gũi nhau nên khi tập, thấy có gì chưa ổn thì sửa ngay. Các ca sĩ khác hầu như chỉ tập trung vào việc xử lý tác phẩm bằng giọng hát, riêng Thanh Vân khai thác tốt cả phần biểu diễn. Phải nói rằng chiếc huy chương vàng đơn ca tại liên hoan vừa rồi có đến một nửa là do biểu diễn rất độc, lạ. Thanh Vân là ca sĩ biết khai thác tác phẩm, từ ý tưởng của biên đạo. Phần dàn dựng cũng rất độc đáo”, nhạc sĩ Tấn Phát chia sẻ.
Sau chiếc huy chương vàng năm 2002 dành cho Vọng phu (nhạc phẩm phát triển từ lý vọng phu - dân ca khu 5), với Đoản khúc dân chài (huy chương vàng năm 2012), Hạn (huy chương bạc năm 2015) rồi đến Gối đầu lên sóng chờ anh (huy chương vàng năm 2018), bộ ba Tấn Phát - Xuân Huy - Thanh Vân đã phát huy sở trường và ghi dấu ấn ở dòng nhạc dân gian đương đại.
YÊN LAN