Thứ Ba, 08/10/2024 12:38 CH
60 năm bài thơ Cảm xuân năm chín
Thứ Tư, 06/02/2019 07:00 SA

Bí thư Trung ương Đảng Hà Thị Khiết thăm nhà thơ Văn Công tháng 4/2011 - Ảnh: MINH KÝ

Cảm xuân năm chín là một trong những bài thơ vượt tuyến hiếm hoi từ miền Nam ra Bắc trong mùa xuân Kỷ Hợi 1959 được tặng giải thưởng Báo Thống Nhất. Đây là một trong 17 bài thơ của nhà thơ Văn Công (Cao Xuân Thiêm - nguyên Phó Bí thư Tỉnh ủy Phú Yên trong kháng chiến chống Mỹ) được tuyển chọn in vào tập thơ Tiếng hát miền Nam (xuất bản ở Thủ đô Hà Nội năm 1960 cùng hai tác giả Giang Nam - Thanh Hải) được Ủy ban Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam tặng giải thưởng văn học Nguyễn Đình Chiểu năm 1965.

 

Cảm xuân năm chín là tiếng lòng của một chiến sĩ Nam tiến, một nhà thơ cộng sản được phân công ở lại bám trụ hoạt động ở chiến trường Phú Yên trong những ngày đen tối nhất của cách mạng miền Nam, được đưa vào các tuyển tập thơ lớn của Việt Nam. Giáo trình văn học của Trường đại học Tổng hợp Hà Nội và Trường đại học Sư phạm Hà Nội do GS Hoàng Như Mai biên soạn về chương “văn học cách mạng miền Nam” đều trân trọng giới thiệu, trích dẫn Cảm xuân năm chín như một trong những viên ngọc quý hiếm hoi, những viên gạch hồng đầu tiên xây dựng nền văn học cách mạng ở miền Nam.

 

Trong một bức thư của GS Hoàng Như Mai gởi nhà thơ Văn Công ngày 30/6/1995 đã mở đầu rằng: “Tôi được đọc, giảng thơ Anh trên 30 năm nay mà chưa khi nào được gặp Anh” Không chỉ Cảm xuân năm chín, những bài thơ khác của nhà thơ Văn Công như Lòng em, Tiếng hát các em, Tuy Hòa mến yêu, Đi giữa Phú Yên, Người Cộng sản... được bạn đọc nồng nhiệt đón đọc trên đất Bắc. Riêng bài thơ Người Cộng sản được dịch sang tiếng Pháp và xuất bản ở Paris năm 1969.

 

UBND tỉnh Phú Yên tổ chức đêm thơ Văn Công tháng 5/2009 - Ảnh: MINH KÝ

 

GS Phạm Văn Sĩ (Hồ Tấn Trai) tác giả công trình nghiên cứu Văn học cách mạng miền Nam đã trang trọng giới thiệu sự hòa quyện giữa chất tráng ca và tình ca của bài thơ Cảm xuân năm chín khi chế độ Sài Gòn ban hành luật 10/1959 “đặt Cộng sản ra ngoài vòng pháp luật”, còn phía cách mạng ban hành Nghị quyết 15 về đường lối giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Những năm đầu sau ngày giải phóng, trên cương vị Chủ nhiệm Khoa Ngữ văn đầu tiên Trường đại học Tổng hợp Huế, sau đó là Trường đại học Đà Lạt, GS Phạm Văn Sĩ trích dẫn bài thơ Cảm xuân năm chín và truyền hồn cốt của bài thơ đến lớp lớp sinh viên thời ấy.

 

Người viết bài này thuộc lớp học trò đầu tiên (văn khóa 1, Trường đại học Tổng hợp Huế) của thầy Phạm Văn Sĩ, được thầy giảng nhiều bài thơ của Văn Công.

 

Như một cơ duyên, sau khi tốt nghiệp (1981), người viết bài này được phân công về công tác ở quê nhà, là thư ký trực tiếp giúp việc cho Quyền Chủ tịch tỉnh Phú Khánh Cao Xuân Thiêm.

 

Được hầu việc, hầu chuyện bác Văn Công nhiều năm là niềm hạnh phúc lớn lao của những người nghiên cứu văn học. Cuộc đời hoạt động và trang viết của ông vừa dung dị vừa thanh cao, thấm sâu vào lòng người.

 

Nhà thơ Văn Công với sự minh mẫn hiếm có và trí nhớ tuyệt vời, đã kể lại hoàn cảnh ra đời của bài thơ Cảm xuân năm chín ở chiến khu Thồ Lồ miền tây Phú Yên. Đó là tiếng lòng của một chiến sĩ Nam tiến gắn bó với Phú Yên từ sau cách mạng tháng Tám, trải qua 14 cái Tết với Phú Yên và Xuân Kỷ Hợi 1959 càng thấm thía nỗi đau chia cắt. Giữa chiến khu xanh vẫn thấp thoáng một bóng hồng của ngày “Hiền Lương bảy nhịp cầu thông suốt”.

 

60 năm trôi qua bài thơ Cảm xuân năm chín vẫn xanh mãi cùng năm tháng về một thời “quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh”.


PHAN THANH

 

 

 

Nhà thơ Văn Công tại chiến khu Thồ Lồ (Đồng Xuân, Phú Yên) - Ảnh: TL

Cảm xuân năm chín 

 

                                   VĂN CÔNG

 

 Mười bốn năm trời phải không anh

Tóc lâm râm bạc mái đầu xanh

Chân đi đạp nát đường gai góc

Ta lớn lên cùng sức đấu tranh

 

Tiếng hát đồng quê đẹp lúa mùa

Sắn khoai bắt sỏi đá đều thua

Xuân về năm ấy em đan áo

Trước ngõ nêu chào anh bước vô.

 

Nhưng vẫn còn mang nặng vết thương

Em ơi! Từ đó suốt đêm trường

Trái tim Tổ quốc đau chia cắt

Nhức nhối lòng ta mãi vấn vương.

 

Năm Tết rồi em! Năm Tết qua

Rặng dừa trước ngõ phải đành xa

Ngồi trên đỉnh núi vời trông xuống

Thấp thoáng bờ tre ló nóc nhà.

 

Tiếc rằng không có cánh mà bay

Chép miệng anh đành phải vẫy tay

Chỉ một chiều nay mai Tết đến

Chắc em không nén khỏi chua cay

 

Ta hẹn ngày mai ta gặp nhau

Quê hương còn đó có quên đâu

Hiền Lương bảy nhịp cầu thông suốt

Đào thắm hương lồng tỏa khóm dâu

 

Bến rộng thuyền xuôi trở lại nhà

Xuân về cánh cửa mở toang ra

Chén trà ngát đượm tình non nước

Nêu dựng, cờ bay, sạch bóng ma.

 

                              1/2/1959

 

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

CÁC TIN KHÁC
5 lần cúng mới trở thành người lớn
Chủ Nhật, 10/02/2019 11:00 SA
Nhớ hoài món ngon một nắng
Chủ Nhật, 03/02/2019 09:00 SA
Áo tím mẹ may
Thứ Sáu, 01/02/2019 18:00 CH
LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek