Cứ vào độ này cuối năm, trong khi người người nhà nhà háo hức nghênh đón một mùa xuân mới, lòng ta lại xốn xang nhớ những mùa xuân đã qua.
Có trăm ngàn thứ để ta mơ về. Một góc làng quê yên bình, ai nấy đều gác lại những bộn bề công việc để cùng đón Tết vui xuân. Nhớ hoài tiếng củi cháy tí tách nơi bếp lửa bập bùng, cả nhà quây quần bên nồi bánh chưng đang sôi sùng sục. Người lớn đi chợ sắm Tết, trẻ con ở nhà quét dọn nhà cửa, lau chùi bụi bẩn bám trên bàn thờ ông bà, tổ tiên. Mùi khói nhang quyện trong làn gió sớm.
Hình ảnh chợ quê của những ngày trước cứ thế mà hiện lên, thân quen gần gũi mang hương tết về. Đi chợ tết là đi mua những an lành, gởi trao tình cảm. Việc mua bán ở chợ quê không quá câu nệ, cũng chẳng lo hàng không nguồn gốc xuất xứ, có hóa chất độc hại như bây giờ. Dù không đủ đầy như chợ tết bây giờ nhưng chợ quê ngày đó đậm đà hương vị quê hương.
Nồi thịt nấu đông - món ăn giản dị nhưng không lúc nào thiếu trong mâm cơm tất niên của gia đình - do một tay mẹ nấu. Đi xa quê lâu ngày, hoặc năm nào đó không thể về đoàn viên với gia đình vì những lý do riêng, câu đầu tiên mấy đứa con hỏi mẹ trong những cuộc điện thoại luôn là “nhà mình năm nay có nấu thịt đông không mẹ?”. Mà phải là thịt nấu với mộc nhĩ, để đông trong tiết trời se se lạnh mới ngon...
Nhìn cảnh hai vỉa hè bày bán những quất, những đào khiến ta nhớ dáng bố ra vườn chặt lấy nhánh hoa đào chi chít nụ rồi tỉ mỉ cắt tỉa, ngắm tới ngắm lui thành quả của cả buổi chiều. Đó là niềm vui của bố, niềm vui khi được những vị khách đến xông nhà tấm tắc khen vẻ đẹp của loài hoa đẹp nhất tiết trời mùa xuân.
Những đứa con trưởng thành rồi cũng có gia đình, tổ ấm riêng. Bố cũng nằm xuống sau một thời gian dài chống chọi với căn bệnh hiểm nghèo, để mình mẹ lẻ loi trong căn nhà đã một thời nuôi ta khôn lớn.
Những mùa Tết sau này dù không còn thiếu thốn nhưng mãi là những mùa Tết khiếm khuyết của mấy đứa con mỗi dịp trở về. Đưa mắt nhìn quanh, đâu đâu cũng thấy hình bóng thân thuộc của những hoài niệm một thời ẩn hiện...
SONG NINH