Tiếng trống, tiếng cồng, chiêng vang lên, hòa quyện trong không gian linh thiêng; mọi người trong bộ trang phục truyền thống cùng hát múa, trò chuyện, chung vui bên những ché rượu cần, cầu mong chàng trai có trí tuệ, lao động giỏi giang và luôn mạnh khỏe, bình yên. Đó chính là ý nghĩa của lễ cúng trưởng thành (tiếng Ê Đê là Mpú Tuh-kông) của đồng bào ở Tây Nguyên nói chung, người Ê Đê Phú Yên nói riêng.
Mpú tuh-kông huyền bí
“Ơ,...Yang (thần linh)! Hôm nay, gia đình tôi cúng một con gà và một ché rượu cho Yang Hra. Tôi mời thần ông Cọp và các vị Yang Lăn (thần Đất), Yang Ea (thần Nước), Yang Chứ (thần Núi) về đây uống rượu ăn gan gà để phù hộ cho gia đình chúng tôi ngày mai cúng bảy ché rượu và một con heo được tốt lành. Ơ,...Yang!”.
Lời khấn của thầy cúng như vọng khắp núi rừng. Tiếng trống, tiếng cồng, chiêng hòa vào nhau. Kết thúc bài khấn, thầy cúng mời mẹ của chàng trai hút ly rượu cần đầu tiên từ ché rượu cúng để mời dòng họ (người Ê Đê theo chế độ mẫu hệ), sau đó cha chàng trai hút rượu cần ra để dòng họ chung vui. Kết thúc lễ cúng các A Yang vào ngày thứ nhất.
Từ câu khấn bái, các nghi thức đến lễ vật phải được chuẩn bị chu đáo, thể hiện một lòng ước nguyện cho chàng trai. Vì vậy, ngoài việc xin phép thần linh và tổ tiên cho gia chủ được tổ chức lễ cúng trưởng thành cho con trai và cầu xin các thần linh xua đuổi những điều xấu, gìn giữ mọi điều tốt lành trong suốt quá trình diễn ra lễ cúng trong ngày đầu tiên, chàng trai còn phải trải qua 4 lần làm nghi lễ trưởng thành trong 4 ngày liên tiếp thì mới thật sự trưởng thành.
Theo Ma Oi 80 tuổi, ở buôn Bầu, xã Ea Trol, huyện Sông Hinh, một người rành rẽ về lễ cúng trưởng thành, ngoài lễ vật chính là một ché rượu và một con gà cho ngày đầu, đến ngày thứ hai, lễ vật chính là bảy ché rượu, một con heo, có thêm một cây nến nhỏ và một thanh củi đang cháy. Nghi lễ này có ý nghĩa cúng thần bếp lửa cai quản con người và mọi việc trong nhà, cầu xin thần bếp lửa cai quản cho lễ cúng trưởng thành của con trai diễn ra tốt đẹp.
Ngày thứ ba, chủ nhà lấy năm ché rượu mới cột giữa gian khách và chọn một ché làm trụ (ché đầu đàn) để cúng, bốn ché còn lại để mời khách; lễ vật là một dĩa thịt heo. Vào ngày thứ tư, năm ché ngày hôm trước được thay ra, và cột ba ché mới, trong đó có một ché đầu đàn để cúng, hai ché còn lại dùng để mời khách; lễ vật cúng là một dĩa thịt heo.
Ngày cuối cùng, lễ vật chính là một ché rượu. Nghi lễ này là lời cảm ơn của gia đình đối với Yang vì đã gìn giữ mọi điều tốt đẹp trong suốt quá trình diễn ra lễ cúng và bỏ qua những chỗ chưa làm được hoặc làm chưa tốt, cầu mong Yang luôn bảo vệ con trai đã trưởng thành.
Nét văn hóa đặc sắc
Cúng “Bảy ché” vào ngày thứ hai trong lễ cúng trưởng thành của người Ê Đê tại huyện Sông Hinh - Ảnh: CTV |
Là một nghi lễ bắt buộc đối với những chàng trai khi đến tuổi trưởng thành, Mpú Tuh-kông đã trở thành nét văn hóa đặc sắc của đồng bào dân tộc Ê Đê. Lễ thường được tổ chức ở độ tuổi trưởng thành đến trung niên, ở người chưa có gia đình hoặc đã có gia đình, tùy vào điều kiện kinh tế mà làm sớm hay muộn. Để làm lễ cúng này, gia đình phải chuẩn bị rất nhiều, vì vậy có những người đã qua tuổi trưởng thành, thậm chí có người đầu bạc nhưng chưa thể làm lễ, do gia đình không có điều kiện sắm lễ vật.
Mới đây, UBND tỉnh tổ chức lễ đón Bằng công nhận di sản văn hóa phi vật thể quốc gia “Lễ cúng trưởng thành của người Ê Đê Phú Yên” tại huyện Sông Hinh. Đây là niềm vui của đồng bào Ê Đê nói riêng, là niềm tự hào của cộng đồng các dân tộc đang sinh sống trên địa bàn tỉnh nói chung. |
“Cha mẹ ta mất sớm, cuộc sống khó khăn, không thể tổ chức lễ cúng trưởng thành. Vì vậy, sau này lễ cúng trưởng thành của ta do dòng họ đứng ra tổ chức”, ông Ma Lin ở thôn Hoàn Thành, xã Suối Trai (huyện Sơn Hòa) bộc bạch.
Trong nghi lễ trưởng thành, thầy cúng thay mặt buôn làng, thay mặt họ tộc chàng trai làm lễ cúng Yang. Và chiếc vòng đeo tay trong lễ trưởng thành có ý nghĩa là buôn làng đã trao cho sức mạnh, được thừa nhận là người trưởng thành, có thể gánh vác công việc nặng nhọc của gia đình, của buôn làng. Lễ trưởng thành của người Ê Đê thể hiện tính cộng đồng rất cao vì có sự tham gia góp sức của cả buôn làng.
Anh Nie Y Linh ở buôn Ly (huyện Sông Hinh) đã làm lễ cúng trưởng thành cách đây 3 năm, chia sẻ: “Để tổ chức lễ cúng trưởng thành cho tôi, gia đình tôi đã chuẩn bị trong một thời gian dài, từ sửa chữa nhà cửa, ủ rượu, chọn heo đực thiến... và mời thầy cúng. Tuy tốn kém nhưng được làm lễ cúng trưởng thành, tôi cảm thấy yên tâm hơn vì mình đã được thần linh che chở trong cuộc sống, sức khỏe và việc làm”.
Lễ cúng trưởng thành nói riêng cũng như các nghi lễ vòng đời của người Ê Đê Phú Yên thể hiện sự kết nối giữa gia đình và cộng đồng. Qua nghi lễ, các phong tục, tập quán xã hội được duy trì; trang phục truyền thống được sử dụng một cách trân trọng, văn hóa cồng chiêng cũng được thực hành cùng với các điệu nhảy, điệu múa truyền thống, tạo nên giá trị văn hóa đặc sắc của người Ê Đê Phú Yên.
Mặt khác, lễ cúng còn là nguồn tư liệu dân gian cho việc nghiên cứu văn hóa, nghi lễ, phong tục, tập quán của các dân tộc..., góp phần làm phong phú đời sống tinh thần của đồng bào, tăng cường ý thức đại đoàn kết dân tộc, nâng cao chất lượng đời sống văn hóa cơ sở, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên Phan Đình Phùng |
THIÊN LÝ