Chủ Nhật, 13/10/2024 09:23 SA
Chơi vơi nhớ tết
Chủ Nhật, 29/01/2017 00:00 SA

Có lẽ nếu có một bảng xếp hạng nỗi “khổ tâm” của các du học sinh Việt thì đón tết xứ người khó “rơi” khỏi tốp đầu. Nỗi “khổ tâm” ấy có cả chiều sâu của ký ức và chiều dài của những tháng ngày vời vợi xa cách gia đình - quê hương.

 

Minh họa: HƯNG DŨNG

 

Niềm vui ngày tết vốn dĩ phần lớn nằm ở giai đoạn chuẩn bị tết. Những cái tết xưa lắc lơ với bao việc để làm, bao điều để lo nghĩ thường để thương để nhớ trong lòng nhiều người. Bởi lẽ, những kỷ niệm, ký ức tết ấm nồng vốn thường được dệt nên từ những phút giây cùng người thân yêu tất bật lo tết. Càng đi xa trên hành trình cuộc đời, lại càng tha thiết được quay về những ngày thơ dại, càng ước mong thật sự có nhà ga nào đó bán vé chuyến tàu về lại tuổi thơ.

 

Nhớ tết, là nhớ hình ảnh ba tôi hết tỉ mỉ cắt tỉa mấy chậu cây đến trang trí bể cá cảnh, hết háo hức chở về chậu hoa cúc đến chuẩn bị củi nấu bánh chưng. Từng chút, từng chút một. Nhẫn nại và hân hoan. Ba đem tết về nhà như thế.

 

Nhớ tết, là nhớ dì tôi chăm chú ngồi bên chiếc bàn nhỏ, viết ra trang giấy tên những người dì muốn thăm viếng và tặng quà trước tết. Những món quà ấy thấm đượm tình nghĩa họ hàng, láng giềng, bè bạn bởi được làm ra từ bàn tay khéo léo, chan chứa lòng quan tâm.

 

Và tất nhiên, nhớ tết, chẳng thể nào không nhớ những phiên chợ cuối năm, nhớ niềm hân hoan níu tay má đi chợ, hết thử giày đến thử áo, thử váy, ngỡ mình như công chúa chuẩn bị đi dự lễ hội. Xung quanh mình, có bao công chúa, hoàng tử bé đang sướng rơn khi được ba mẹ… xoay vòng vòng để ngắm nghía xem bộ quần áo ấy đã “bảnh nhất quả đất” chưa.

 

Nếu muốn đắm mình trong hương vị tết, có lẽ chẳng nơi nào phù hợp hơn những phiên chợ. Nơi ấy có vị của đủ loại bánh mứt, có mùi hương của những loại hoa sẽ được nhà nhà dâng lên người đã khuất với trọn vẹn lòng thành kính - nhớ thương, có sắc màu của những loại trái cây để ta âm thầm ký gửi bao nguyện cầu năm mới, có những giọt mồ hôi của các mẹ, các chị bên mớ rau xanh non vừa được hái từ vườn nhà… Cái tất bật của những phiên chợ tết như khúc giao ca của bao hân hoan, náo nức, đợi chờ.

 

Khi những nếp nghĩ về tết ít nhiều đổi thay theo nhịp điệu cuộc sống, và nhất là khi những đứa trẻ trong gia đình dần trưởng thành, ba má và dì tôi thôi bớt tất bật lo tết, nhưng nỗi mong tết vẫn chưa bao giờ thôi khiến trái tim bồi hồi.

 

Ở nước Đức xa xôi, tôi nhớ tết nhiều hơn mong tết. Những giấc mơ ngày tết của tôi thỉnh thoảng tràn nắng xuân xanh trời quê nhà, hình ảnh những đứa trẻ xúng xính quần áo đủ màu, gương mặt rạng rỡ như những bông hoa; bao tiếng cười, giọng nói thân thương mà bấy lâu tôi chỉ có thể nghe được qua điện thoại…

 

Cái tết của du học sinh chóng vánh như một buổi học bởi chỉ thường đơn giản là bữa ăn chung vào ngày cuối tuần, có khi trùng với ngày tết chính ở Việt Nam, có khi không. Những thành phố nhỏ thường thưa vắng cửa hàng châu Á, vậy nên, việc tìm mua những sản phẩm “chỉ có thể là Việt Nam” có chút khó khăn. Song, không vì thế mà không thể có được chiếc bánh chưng, hộp mứt hay gói hoa mai giả để gắn lên cành cây nào đó cho cuộc họp mặt có vị tết, có không khí tết. Những người trẻ từ nhiều miền ngồi bên nhau, rôm rả kể nhau nghe cái tết trong gia đình mình, tết ở quê mình cho… đỡ nhớ, ấy vậy mà chỉ khiến nỗi nhớ đầy hơn.

 

Ở nơi cách Việt Nam 12 giờ bay thẳng này, những ngày cuối tháng Chạp, tuyết rơi dày cả tấc, trời đất trắng xóa như hòa làm một. Nhiệt độ thường âm, có hôm xuống đến âm 20 độ, nên nhiều sinh viên thoải mái để thức ăn ngoài ban công bởi chẳng khác gì cho vào tủ đông lạnh. Đi bộ ngoài trời phải nói chuyện liên tục với nhau để cơ mặt khỏi mất cảm giác. Thế nên, hôm nào “ấm” là hớn hở thông báo cho nhau ngay: “Hôm nay ấm này, âm 1 độ!”. Những ngày “ấm” như thế là lúc tuyệt vời để rủ nhau leo lên những ngọn đồi chơi trò trượt tuyết bằng xe trượt bằng gỗ, máng trượt bằng nhựa hay bất cứ vật gì có thể dùng để trượt.

 

Có lẽ những ngày mùa đông đẹp nhất là những ngày nắng óng, trời xanh, thảng hoặc tiếng chim ríu rít, dù tuyết vẫn ngập lối đi, vẫn phủ trắng những mái nhà. Ít nhất, nắng ấy, trời ấy đủ khiến những tâm hồn tha hương mơ hồ mường tượng nắng xuân quê nhà và vẽ lên trong tâm hồn bao khung cảnh tươi vui.

 

Khi trời đất vẫn đang trong cơn giá lạnh, đâu đó, trong những nếp nhà Việt Nam nơi xứ người, có những người cha, người mẹ thong thả gói bánh chưng đón tết. Thong thả là bởi dường như đó là phần việc chuẩn bị tết duy nhất họ thường làm ở nơi xa xôi này. Thong thả còn bởi, phần việc ấy thường gợi nhắc bao hồi ức. Cũng nếp dẻo thơm. Cũng đậu xanh ngọt bùi. Cũng lá dong xanh mướt. Có những đứa trẻ rành tiếng Đức hơn tiếng Việt đang thích thú ngắm nhìn chiếc bánh dần thành hình vuông vức từ bàn tay người lớn. Chỉ mong, chiếc bánh tượng trưng cho đất Mẹ bao dung, gắn với một truyền thuyết đẹp của cả dân tộc ấy sẽ mang tết đến cho em, sẽ lặng thầm đan bện sợi dây nối em với cội nguồn.

 

TRUNG UYÊN

(Cộng hòa liên bang Đức)

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

CÁC TIN KHÁC
Vị sư già bán lan ở hội hoa xuân Sài Gòn
Chủ Nhật, 26/02/2017 17:00 CH
Kiêu sa hoa bàng vuông
Thứ Tư, 01/02/2017 17:00 CH
Vang tiếng gà gáy ở Xóm Cát
Thứ Tư, 01/02/2017 15:00 CH
Phiên chợ cuối năm của mẹ
Thứ Tư, 01/02/2017 14:00 CH
Lũy đá cổ giữa biển xanh
Thứ Tư, 01/02/2017 14:00 CH
LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek