Từ Hội hoa xuân năm 2001 ở TP Hồ Chí Minh đến nay, dường như năm nào du khách cũng bắt gặp hình ảnh một vị sư già cùng các đệ tử mắc võng, bán địa lan, góp vui cho đời. Xã hội ngày nay đã không còn nhiều định kiến khi giới tăng, ni nhập thế. Nhưng cũng đã có lời thị phi khi bắt gặp hình ảnh vị sư này bán địa lan: nhà sư mà làm những việc này còn đâu thời gian tu tập, nhà sư mà tham gia vào thương trường liệu có hợp với giáo lý của nhà Phật? Vị sư thẳng thắn: Gió sương bên đường để hiểu tâm, tình đời nóng lạnh để trừng tâm. Điều quan trọng là làm ra đồng tiền đừng để mất tâm và sử dụng đồng tiền cũng cho phải đúng tâm. Đời không đạo lấy gì mà sửa, đạo không đời biết sửa với ai…?
Vị sư đó chính là thượng tọa Thích Huệ Đăng, giảng viên cao cấp Chuyên khoa Phật học - Học viện Phật giáo Sóc Sơn Hà Nội và Học viện Phật giáo TP Hồ Chí Minh, Ủy viên Ban Hoằng pháp Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Ủy viên Hội Nghiên cứu Phật học Việt Nam, Giám đốc Công ty Hoa lan Thanh Quang, Giám đốc Viện Nghiên cứu và ứng dụng Buddha Yoga, trụ trì chùa Thanh Quang tại khu du lịch hồ Tuyền Lâm (TP Đà Lạt).
Tôi có duyên được gặp thượng tọa vào năm 2001, khi chương trình Chào buổi sáng của VTV1 mở chuyên mục Mỗi ngày một nhân vật. Câu chuyện về thượng tọa bấy giờ xoay quanh quyết tâm xây dựng thương hiệu địa lan Đà Lạt của thượng tọa trước bối cảnh nhà vườn Đà Lạt bỏ đi loài hoa đặc hữu này vì khó tiêu thụ ở thị trường ngoài nước.
Bây giờ xem lại những tấm ảnh thượng tọa cùng đệ tử mắc võng bên đường, rau đậu qua ngày để bán địa lan giữa nắng xuân Sài Gòn, tôi mới hiểu được vì sao xuân nào, địa lan của thượng tọa đưa xuống Sài Gòn đều bán sạch. Những năm gần đây, thượng tọa còn đưa địa lan Đà Lạt ra bán cả ở Hà Nội và luôn được người yêu lan chào đón nồng nhiệt. Ngoài người chơi lan, nhiều khách nước ngoài còn đến gian hàng địa lan xem vì sự tò mò về thành quả lao động của vị sư già.
Người ta gọi địa lan là vương giả chi lan, loài hoa không chỉ có vẻ đẹp quý phái mà việc chăm sóc cho hoa nở thành công đòi hỏi nhiều công sức và tiền bạc. Để có tiền thực hiện công việc của mình, thượng tọa Thích Huệ Đăng đã lấy ngắn nuôi dài bằng cách trồng thêm hồng môn. Ngày đầu tháng âm lịch và ngày rằm, thượng tọa cùng đệ tử thu hoạch hồng môn để có hoa tươi chưng nơi bàn Phật, lại vừa kiếm được tiền để mua phân bón cho địa lan và chi tiêu khác. Cũng nhờ nguồn thu này mà cuộc sống của thượng tọa cùng đệ tử không lệ thuộc vào tiền cúng dường của phật tử. Vì thượng tọa đã tự hứa với lòng mình: dù đi tu có thành Phật đi nữa thì cũng phải lao động để nuôi sống bản thân. Đó mới chính là sự nhập thế của đạo Phật.
Thượng tọa Thích Huệ Đăng khẳng định: Tiềm năng của địa lan thì không đâu sánh bằng Đà Lạt. Nhận định này hoàn toàn có cơ sở qua những gì ông học hỏi được từ các nước có nghề trồng địa lan lâu năm sau những lần đi thuyết giảng Phật pháp ở châu Âu. Điều này càng được khẳng định bởi chính thành quả lao động của thượng tọa cùng đệ tử, bởi hầu như không một hội hoa xuân nào ở Sài Gòn, không một festival hoa nào ở Đà Lạt, gian trưng bày giới thiệu địa lan Đà Lạt của Công ty Thanh Quang không thu hút sự quan tâm của các nhà trồng lan thế giới.
Đạo Phật là đạo của trí tuệ, của hiện thực, hướng đến cộng đồng, bằng cái tâm, cái trí, người xuất gia cũng có thể góp phần để phát triển đất nước. Tuy nhiên, nhiều người cứ nghĩ người xuất gia là chỉ sáng chiều công phu, khép mình nơi cửa Phật, chỉ chăm lo cho chúng sinh đời sống tinh thần. Thượng tọa Thích Huệ Đăng thường nói: “Hành đạo mà chẳng giúp ích gì cho đời thì không có ý nghĩa gì. Đạo Phật không thể xa rời thực tế, bởi đạo Phật là đạo của con người, từ chân tâm con người mà ra, nếu không có con người thì làm sao có đạo Phật?”.
Ngoài 35% lợi nhuận bán lan dành cho hoạt động xã hội từ thiện, Công ty Hoa lan Thanh Quang còn dành tiền in ấn kinh sách tặng các chùa, tăng ni trẻ đang tu học trên cả nước, với mong muốn mọi người ai cũng có thể hiểu được lời dạy của đức Phật, biết diệu dụng trí tuệ vào cuộc sống.
Tiến sĩ Alex Jones, Giám đốc Trung tâm Truyền thông, Chính trị và Chính sách công thuộc Đại học Harvard (Hoa Kỳ) sau mấy giờ gặp gỡ lần đầu đã mời thượng tọa sang thỉnh giảng với lòng chân thành và kính trọng: “Ngài không phải là một người bình thường. Tôi đã tin tưởng ngài ngay khi gặp gỡ và ngài đã chia sẻ cho tôi hiểu về trí tuệ vào một thời điểm vô cùng quan trọng trong cuộc đời tôi”. Thượng tọa còn được Tổng Bí thư mời gặp mặt với tư cách là nhà khoa học có nhiều cống hiến cho xã hội, là người đầu tiên trong Phật giáo Việt Nam được Bộ KH-CN trao bằng sáng chế độc quyền về Quy trình nhân giống vô tính sâm Ngọc Linh.
* *
*
Gần như năm nào tôi cũng có dịp về Thanh Quang tự nằm bên hồ Tuyền Lâm để thăm thượng tọa, lắng nghe những lời giảng giải của thượng tọa về Phật pháp, việc diệu dụng những chân lý của nhà Phật trong công việc, trong cuộc sống bây giờ luôn vội vã. Và gần như lần nào cũng vậy, thượng tọa luôn đưa ra những ý tưởng mới mà ít ai nghĩ rằng, ở tuổi 77, thượng tọa đã và đang biến những ý tưởng đó thành hiện thực trong một thời gian rất nhanh, như sợ rằng tuổi tác, sức khỏe không còn cho phép thượng tọa hoàn thành công việc của mình. Từ xây dựng thung lũng hoa lan, khẳng định thương hiệu địa lan Đà Lạt đến nhân giống thành công sâm Ngọc Linh; và hai năm nay là khơi nguồn dòng Buddha Yoga Việt Nam.
Những ngày cuối cùng của năm Bính Thân 2016, thượng tọa gọi điện thoại loan tin mừng: Trung tâm Buddha Yoga Việt Nam của thượng tọa đã được Bộ KH-CN cấp phép nâng lên thành Viện Nghiên cứu và ứng dụng Buddha Yoga Việt Nam sau khi thành lập các chi nhánh trung tâm tại TP Hồ Chí Minh, Bà Rịa - Vũng Tàu, Hà Nội và đang xúc tiến thành lập thêm một chi nhánh tại TP Hồ Chí Minh.
Thượng tọa Thích Huệ Đăng giảng giải: Đạo Phật hay nói về tâm thanh tịnh, nhưng cách nào để chúng ta nhận được tâm thanh tịnh? Theo rất nhiều tài liệu xưa nay, theo kinh nghiệm của vô vàn người đã tập luyện yoga, kể cả Đức Phật đã tu yoga dưới gốc Bồ Đề để nhận ra bản tâm thanh tịnh của Ngài rồi mới có 49 năm bưng bát đi ăn xin để ứng dụng cái trí thanh tịnh từ cái tâm thanh tịnh mà giáo hóa chúng sinh.
Không phải ai cũng biết việc Steve Jobs - cha đẻ của Apple là một “tín đồ” của môn thiền chánh niệm từ Phật giáo (Steve Jobs theo đạo Phật). Ông có 14 năm tập luyện Kriya Yoga Meditation và hàng ngày luyện tập thiền để giảm sự căng thẳng, cân bằng cuộc sống và tăng cường sự sáng tạo trong công việc. Câu nói nổi tiếng của ông: “Tâm vắng lặng là chìa khóa của mọi sự sáng tạo”.
Có lẽ cũng nhờ cái tâm thanh tịnh đó mà hơn 15 năm qua, giữa phố phường nhộn nhịp của những hội hoa xuân, giữa bao lời thị phi, thượng tọa Thích Huệ Đăng đã vượt qua tất cả để góp xuân cho đời bằng những chậu địa lan, để có tiền biến những ý tưởng của mình thành hiện thực trước sự ngỡ ngàng của bao người. Như câu thơ thượng tọa tự ví mình:
“Một chiếc thuyền con lội ngược dòng
Đố ai biết được đục hay trong
Xưa đã thế, bây giờ vẫn thế
Chỉ bạn tri âm mới rõ đục trong...”
TRẦN LÊ THÙY DUYÊN