Chợ cuối năm chỉ đông vào buổi sáng, còn buổi chiều ai nấy lo dọn gọn hàng hóa sớm về nhà chuẩn bị đón giao thừa. Giữa không khí tấp nập ấy mẹ chẳng vội, thủng thẳng vuốt từng tàu lá dong, nhặt từng cọng mùi héo úa, vun từng trái ớt cho gọn gàng, bắt mắt mong bán hết kịp phiên chợ chiều kết thúc.
Lá dong gói bánh chưng mẹ còn 5 tập trong số 1.000 tập mẹ đã bán dần từ 25 tết đến giờ. Đầu lá đã bắt đầu xoăn, ngả màu sẫm đen nơi viền lá, một phần do để lâu ngày thiếu nước và một phần do khách chọn nâng lên đặt xuống nhiều. Mỗi tập có 12 lá cũng chỉ 5-10 ngàn đồng. Mẹ lật giở từng tập, vuốt từng lá, khéo léo lấy kéo cắt hết những viền lá xỉn màu, chọn ra những lá còn xanh, tươi xếp vào thành một tập. Khách trả 8 ngàn là bán. Còn những tập lá xấu, lúc này chỉ mong bán được 5 ngàn. Mẹ tính rồi, nếu khách không mua, tới cuối giờ chiều mẹ mang về, tối có lá tranh thủ gói nồi bánh chưng cho cả nhà đón tết.
Rau mùi thơm dùng để đun nước tắm, thân cao 30-50cm, ra hoa nhỏ li ti màu trắng tím. Mẹ trồng 3 luống, bó được 100 bó bán tết. Mỗi bó 3-5 ngàn đồng. Mẹ chỉ còn 10 bó. Hàng này mẹ không sợ ế, vì càng cận giao thừa, người ta càng mua nhiều về tẩy trần thân thể cho thơm tho đón năm mới lấy hên. Bên cạnh những bó mùi là đống ớt trái xanh, trái đỏ, căng vỏ, dài cả ngón tay dùng để điểm vô các thứ quả trong mâm ngũ quả cho có thêm màu sắc. Ớt bán theo chục, khách nào phóng khoáng được 10 ngàn một chục, khách khó tính mặc cả xuống 8 ngàn hoặc 9 ngàn mẹ cũng lựa bán. Chợ chiều cuối năm rồi, giá nào cũng phải bán, bán để có tiền tiêu tết, bán cho hết hàng, vì mang về cũng chẳng để lâu bán ra Giêng được.
Hàng của mẹ chẳng bỏ vốn, chỉ mất công chăm sóc. Những khóm lá dong cuối vườn, mẹ vun từ đầu năm, chỉ chờ cuối năm hái lá đi bán. Xuân miền Bắc mưa phùn, ẩm đất, cây có nước phát triển, những tàu lá mơn mởn xanh non, bóng bẩy dùng để gói bánh chưng là nhất. Thế mà lơ là không cẩn thận, sau một đêm sâu sẽ ăn lá. Những tàu lá bị thủng lỗ chỗ chẳng giữ được gạo mà gói bánh, bán không người mua; còn những tàu bị sâu cắn đường viền, tuy xấu mã nhưng vẫn bán được với giá thấp. Ớt cũng một tay mẹ trồng, chăm sóc sớm hôm. Không giống ớt xiêm miền Nam hay ớt trái nhỏ dùng để làm gia vị, ớt này to trái chỉ để trang trí, chứ vị cay nồng không còn được bao nhiêu.
Năm nào cũng vậy, ngay từ 25 tết, sáng nào mẹ cũng dậy thu hoạch từ sớm, cùng ba phụ chất lên xe rồi một mình đạp xe thồ chở từ nhà tới chợ huyện. Chợ quê ít người, bán sẽ chẳng được bao nhiêu, phải chịu khó lên chợ huyện mới bán được giá và hết hàng. Ba ở nhà lo dọn dẹp nhà cửa, làm gà, thổi xôi, ngâm gạo nếp và ướp thịt đợi mẹ về gói bán, nấu bánh, bày cỗ cúng ông bà lúc giao thừa. Ba muốn phụ mẹ bán buôn cuối năm, mẹ không chịu, nói chợ búa không hợp với tính khẳng khái hay thương người của ba.
Chợ tết năm nay không còn se se lạnh, nắng đã hửng lên từ 28 tết, nhà nhà gói bánh cũng ít đi, có nhà đặt làm tượng trưng 1, 2 cái để dâng lên bàn thờ ngày tết. Cũng may mẹ có nhiều mối quen, nên lá dong bán giao được nhiều. Ớt cũng đã bán hết, mùi thơm không còn bó nào, 5 bó lá dong vẫn nguyên. Mẹ kiên trì ngồi bán cho tới khi ánh điện cao áp hắt xuống lòng đường. Tiếng chổi quét đường của người lao công mỗi lúc một rõ. Mẹ xem lại cái áo mới mua cho hai chị em, bộ lao động cho ba đi soi cá mỗi đêm, rồi muối, hành, tiêu và nhiều thứ lỉnh kỉnh mẹ sắm tết. Đủ cả, mẹ nhìn 5 bó lá dong nằm khô khốc. Nhà chỉ cần một bó là đủ. Mẹ nhớ tới vợ chồng người ăn mày sống nơi góc chợ, chiều phải ra ngoài bãi hái trộm lá chuối gói bánh chưng. Mẹ nhớ tới bác Tí nhậu cuối xóm, mọi năm vẫn qua mua chịu lá dong, rồi quên chẳng đưa tiền. Năm nay, chắc ngại nên bác Tí không qua mua. Mẹ cầm 2 bó lá cho vợ chồng người ăn mày vẫn đang hì hụi gói bánh, rồi chất lên xe 2 bó. Ba ngóng mẹ từ ngoài cổng, bồn chồn vì mẹ về muộn hơn mọi khi. Thấy mẹ, ba thở phào nhẹ nhõm. Mẹ dúi vào tay ba gói lá dong, nhắn mang qua cho bác Tí nhậu…
BẠCH VÂN