Thôn Xóm Cát (xã An Hải, huyện Tuy An) nằm giáp mặt với bờ biển, lưng tựa vào vách núi Đá Đen. Ở làng biển này gần như “mười nhà như chục” đều nuôi gà đá và xem đây là nguồn thu nhập chính của gia đình.
Theo chân trung úy Nguyễn Ngọc Thiên Phong, cán bộ Đội Vận động quần chúng Đồn Biên phòng An Hải, chúng tôi đến thăm Xóm Cát vào một ngày cuối đông. Khác với trước kia, toàn thôn đi đâu cũng gặp cát, đường giao thông cũng ngập cát trong mưa lũ... Sau đó, người dân phải chở cát đi… chôn. Còn bây giờ, thôn đã có đường bê tông. Tuy tình trạng “cát chảy” vẫn còn nhưng không thành lũ cát như trước.
Cũng như những làng biển khác, trước đây người dân Xóm Cát chủ yếu mưu sinh bằng nghề khai thác đánh bắt hải sản, chủ yếu là hoạt động gần bờ, như lưới trủ, mành tôm... “Hồi đó dân cư ít, tôm cá nhiều, còn bây giờ thì ngược lại. Người thì đông, tôm cá bị đánh bắt quá mức nên cạn kiệt dần. Nhiều người hoặc bỏ nghề biển hoặc kiếm thêm nghề “tay trái” để sinh sống”, ông Trần Văn Trung, một trong những người lớn tuổi nhất của Xóm Cát cho hay.
Nghề “tay trái” mà lão nông Trần Văn Trung nói đến, đó là nghề nuôi gà đá và trồng cỏ tây nuôi bò lai. Theo ông Trung, đất ở Xóm Cát rất thích hợp cho việc trồng cỏ tây nên từ sau khi phong trào nuôi bò lai sind phát triển mạnh thì nhà nào cũng nuôi bò. Đặc biệt, gần đây khi có nhiều người tìm mua gà (cồ) đá để xuất sang Trung Quốc, phong trào nuôi gà đá nở rộ. Gần như “mười nhà như chục” đều nuôi gà đá. Nhà ít thì nuôi năm, bảy con, phổ biến là vài chục con (gà cồ). Cả thôn suốt ngày vang tiếng gà gáy. Ở đây khó thấy bóng một con gà công nghiệp.
Anh Trần Văn Truyền, cháu gọi ông Trung bằng bác là một trong những người nuôi gà đá ở thôn Xóm Cát này. Đưa chúng tôi đi xem các lồng gà đá của mình, anh Truyền cho biết: “Nuôi gà đá cũng giống như nuôi gà ta không có gì phức tạp, khó khăn. Thức ăn của gà đá chủ yếu là lúa với bắp. Nếu bắt được con giun, con dế thì cho ăn thêm. Tuy nhiên, khi gà đến tuổi trưởng thành, không phải cứ cho gà ăn, ngủ là được mà phải thường tắm rửa cho gà sạch sẽ. Khi trời lạnh thì phải hong nắng; trời nắng nóng, buổi tối cũng phải thức cho gà uống nước”.
Theo anh Truyền, giống gà đá được nuôi tại Xóm Cát chủ yếu là “giống gà chiến” của địa phương. Đây là giống gà rất có tiếng khi “xung trận” với những đòn đánh hiểm hóc và né đòn giỏi nên rất được nhiều người tìm đến mua. Để có được những con gà đủ chuẩn xuất khẩu, không chỉ gà cồ giống mà gà mái giống cũng phải có nguồn gen tốt. Thời gian đầu tư cho gà đá chủ yếu là giai đoạn từ khi nở đến 3 tháng tuổi. Ngoài 3 tháng tuổi trở đi, gà đá rất dễ nuôi vì rất khỏe, khả năng chống chịu và thích nghi rất tốt với thời tiết. Đặc biệt ở Xóm Cát, vì nhờ đất cát, nước không bị tù đọng nên gà không bị ẩm ướt, dịch bệnh.
Khác với nhiều nơi, người dân ở Xóm Cát chủ yếu bán gà đến tuổi “xổ”, có thể đem ra đá. Bình quân mỗi con gà (cồ) đá khoảng 10 tháng tuổi được bán với giá khoảng 1,5 triệu đồng, tùy theo dáng hình, màu lông, chân cựa, đầu mỏ… của gà. Anh Trần Văn Dư là một trong những đầu mối thu mua gà đá của những người nuôi trong thôn. Cứ khi nào gom đủ số lượng, anh Dư lại thuê xe tải chở gà sang Trung Quốc để bán. Giá gà đá xuất khẩu có con tới vài trăm USD.
Theo Trưởng thôn Xóm Cát Phạm Thị Hiển, cùng với nghề trồng cỏ nuôi bò, nghề nuôi gà đá đã góp phần làm thay đổi diện mạo của làng biển Xóm Cát. Nhiều gia đình nhờ nuôi gà đá đã thoát được nghèo. Xóm Cát có 252 hộ, trước đây đa số là hộ nghèo, còn hiện nay hộ nghèo chiếm 12,3%.
Thôn Xóm Cát (xã An Hải, huyện Tuy An) nằm giáp mặt với bờ biển, lưng tựa vào vách núi Đá Đen. Ở làng biển này gần như “mười nhà như chục” đều nuôi gà đá và xem đây là nguồn thu nhập chính của gia đình.
XUÂN HIẾU