Chủ Nhật, 13/10/2024 07:23 SA
Ngày Xuân nói chuyện chợ
Chủ Nhật, 29/01/2017 17:00 CH

Vào một ngày cách đây khá lâu, nhân chuyến đi công tác tôi ghé về quê thăm bà tôi và ngủ lại đó một đêm để nhớ lại những ngày còn bé. Hồi đó, bọn trẻ chúng tôi thường trải chiếu giữa sân, nằm ngắm trăng thi nhau kể chuyện đời xưa rồi thiếp đi trong giấc ngủ trẻ thơ mà có đứa miệng vẫn còn lẩm bẩm câu được câu mất bài “Thằng Cuội ngồi gốc cây đa...”.

 

Minh họa: HƯNG DŨNG

Con gà trống trong vườn nhà ai cất tiếng gáy lảnh lót đầu tiên trong đêm khuya thanh vắng, rồi một vài con hưởng ứng, tiếp theo là tiếng gà gáy râm ran, làm xao động cả bầu trời đêm giữa làng quê. Những ngày thường thì điều đó không nhiều người quan tâm để ý tới, bởi hàng trăm năm nay, khắp các miền quê gà vẫn gáy gọi ngày lên như thế. Nhưng những ngày vào phiên chợ thì tiếng gà gáy đã khua mọi người dậy sớm để đi họp chợ. Bà tôi hầu như vẫn giữ cái nếp đó từ thời con gái cho tới giờ. Xen lẫn trong tiếng gà gáy xao xác đã nghe tiếng bước chân bà đi lại rồi tiếng giã trầu lộp bộp trong chiếc cối nhỏ xíu. Tôi thức dậy đến ngồi bên, nghe bà kể chuyện đi chợ phiên.

 

Xuất phát từ nhu cầu của người dân trong các làng quê mà chợ được hình thành tự phát. Khi nền sản xuất nông nghiệp tự túc tự cấp lâu năm, người nông dân tích lũy kinh nghiệm trong sản xuất, nông cụ được cải tiến, năng suất dần khá hơn, mỗi nhà thu hoạch có dư ra một tí, và nghề tiểu thủ công nghiệp cũng phát triển đã hình thành nên nhu cầu trao đổi, mua bán. Người thì dư vài tạ gạo, người có khoai, sắn, người có rau, dưa, người có vài con gà, có lứa heo con, đánh bắt được ít cá... Người làm được bánh, bún, kẻ đan sọt, giỏ, nong, nia, giần, sàng, dụng cụ đánh bắt cá, dụng cụ nông nghiệp, nồi đất, nồi đồng, mấy lò rèn làm dao, rựa, cuốc xẻng... Họ mang những thứ đó đến một nơi thuận tiện nhất cho cả người bán lẫn người mua để trao đổi, mua bán, lâu ngày thành chợ. Lúc tôi lớn lên thường đi chợ với mẹ thì chợ của làng quê tôi - bên cạnh những mặt hàng nông nghiệp, tiểu thủ công nghiệp do những người dân quê sản xuất - đã có một số hàng công nghiệp từ thành phố đưa về, nhưng chủ yếu vẫn là những thứ do bà con dân quê tự làm. Và người đi chợ đã dùng tiền để mua bán là chính, nhưng vẫn còn một vài món có thể trao đổi bằng hàng đổi hàng như dùng gạo để đổi lấy bún chẳng hạn.

 

Bà tôi nói: Không biết chợ ra đời tự bao giờ. Lúc đầu ít người mua bán rồi về sau đông dần. Lúc đầu chỉ là một khoảng đất trống rộng rãi, dần dần người ta dựng lều tranh tre tạm che mưa nắng, lâu ngày những mái lều chợ xiêu vẹo nhưng vẫn đông người mua bán. Tên chợ thường gắn với địa danh nơi có chợ và được truyền miệng từ đời này sang đời khác. Đến khi chính quyền thấy hợp lý, để tạo thêm điều kiện cho dân mua bán trao đổi và cần thiết phải quản lý, thu thuế… nên cho xây dựng chợ khang trang rồi gắn bảng tên cho nó. Chợ quê tôi, mà cũng có lẽ là hầu hết các chợ quê đều ra đời như vậy rồi duy trì, phát triển mãi cho tới ngày nay. Hầu như mỗi làng có một chợ, tùy theo điều kiện và quy mô mà có chợ nhỏ, chợ lớn. Điều thú vị là chợ quê thường có những ngày chợ phiên, mỗi tháng có trên dưới mười phiên chợ bao gồm cả phiên chính và phiên phụ. Những ngày thường, chợ vắng vẻ nhưng những ngày chợ phiên thì rất đông đúc, nhất là phiên chính. Có thể nói không thiếu thứ gì, từ rau củ, bánh trái cho đến thịt cá gạo mắm, từ những sản phẩm nông lâm ngư nghiệp cho đến hàng tiểu thủ công nghiệp và sau này còn có những mặt hàng công nghiệp từ thành phố đưa về. Những ngày sắp tết, chợ có đủ thứ hàng hóa và vô cùng nhộn nhịp người mua kẻ bán.

 

Tôi thích đi chợ phiên ở quê, bởi trước hết là nó in đậm trong ký ức tuổi thơ tôi - người được sinh ra ở miền quê, đã từng một thời lon ton theo mẹ đi chợ phiên, được mẹ mua cho cái bánh cam, củ sắn luộc hoặc ly nước đá có hạt é mát lạnh… Ở đó không khí phiên chợ có sức hấp dẫn người đi dạo chợ; ở đó giá cả phần lớn là rẻ hơn chợ ở đô thị; ở đó người bán ít nói thách trên trời. Và mỗi một chợ quê thường có những sản vật đặc trưng của riêng vùng quê đó.

 

Tất cả sản phẩm do con người làm ra đều có mặt ở chợ. Đến bất cứ đâu, người ta bảo cứ đi dạo một vòng xem chợ thì ta có thể biết được xứ sở đó giàu hay nghèo. Chợ đã đi vào văn học dân gian Việt Nam. Trong lớp học, khi học sinh nói chuyện ồn ào không nghe giảng, thầy giáo bèn mắng “Ồn như cái chợ”. Để chọn được người chồng xứng đáng, ông bà chúng ta khuyên hãy tìm những chàng trai trong quân ngũ, và để chọn được những cô gái đảm đang về làm vợ thì hãy đến những phiên chợ đông “Trai khôn tìm vợ chợ đông/ Gái khôn tìm chồng giữa chốn ba quân”. Để nói lên rằng một con én không làm nên mùa xuân thì ca dao đã có câu “Có cô thì chợ cũng đông / Cô đi lấy chồng thì chợ vẫn vui”, có nghĩa là vai trò của anh, chị cũng không có gì quan trọng lắm đâu! So sánh về sự đắc địa của nơi ăn ở đã có câu “Nhất cận thị, nhị cận giang”. Ở gần sông thì thuận tiện cho giao thông đi lại và cả cho sản xuất nông nghiệp nữa, nhưng vẫn chưa phải là hạng nhất như ở gần chợ!

 

Những ngày giáp tết, các chợ đều đông đúc, nhộn nhịp, từ chợ quê chợ tỉnh đến các siêu thị đều rực rỡ. Hàng hóa được đưa ra trưng bày quảng cáo đầy ắp các chợ. Người xe tấp nập mua bán tựa như cả năm người ta chưa được mua bán bao giờ, tựa như cả năm, bây giờ mới có những phiên chợ. Đi dạo khắp các chợ, điều thích thú nhất là được ngắm muôn sắc màu của các loài hoa tết, chọn một giò hoa ưng ý nhất về đặt giữa phòng khách để tỏ ra trân trọng bà con bạn bè đến thăm trong những ngày đầu xuân thì còn gì thú vị bằng.

 

TRỌNG HOÀNG

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

CÁC TIN KHÁC
Vị sư già bán lan ở hội hoa xuân Sài Gòn
Chủ Nhật, 26/02/2017 17:00 CH
Vang tiếng gà gáy ở Xóm Cát
Thứ Tư, 01/02/2017 15:00 CH
Phiên chợ cuối năm của mẹ
Thứ Tư, 01/02/2017 14:00 CH
Lũy đá cổ giữa biển xanh
Thứ Tư, 01/02/2017 14:00 CH
Con về tết cũng về theo
Thứ Tư, 01/02/2017 13:00 CH
LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek