Chủ Nhật, 13/10/2024 03:24 SA
Con về tết cũng về theo
Thứ Tư, 01/02/2017 13:00 CH

Minh họa: TRẦN QUYẾT THẮNG

Tết này, ba mẹ tôi đã ngoài tám mươi. Thời các cụ, chuyện sinh nở rất tự nhiên. Đẻ nhiều, đẻ dày và nhất là mong có nhiều con trai để làm ruộng làm rẫy, và một lý do nữa là để bù vào những lần đẻ non, chết yểu. Vì vậy mà ba mẹ tôi có tới 5 người con. Trời thương, dù nhà nghèo đông con, phải sống trong cảnh “đói cơm lạt muối”, chúng tôi vẫn lớn khôn theo năm tháng. Khi đã “đủ lông đủ cánh” tứ tản mỗi người một nơi, người vào Nam, đứa lên Tây Nguyên, đứa xuống vùng biển tìm kế sinh nhai... Hàng năm, chỉ vào dịp tết, anh em mới có mặt đông đủ, sum vầy với gia đình. Tết nào thiếu vắng thằng ba, thằng tư là mẹ tôi lộ vẻ buồn trên khóe mắt. Tôi là anh hai, được “thủ từ đường”. Gặp đợt tuyển quân, tôi nhập ngũ.

 

Trở thành lính đảo, xem “đảo là nhà, biển cả là quê hương” nên hiếm khi tôi được đón tết cùng gia đình. Chiều cuối năm, nỗi nhớ nhà càng quay quắt. Và tôi chợt hiểu vì sao mỗi khi tết đến xuân về, những người xa xứ không ngại đường sá xa xôi, tàu xe vất vả để được trở về bên gia đình, nơi những người thân yêu đang trông chờ, ngập tràn nhung nhớ.

 

Có một năm, tôi được chỉ huy cho về nhà đón tết. Sau buổi tối chia tay với đồng đội, tôi thao thức cho tới lúc gà gáy. Khoảng 4 giờ sáng, khi nghe tiếng kẻng làng biển báo thức, tôi vội khoác ba lô, trên vai là cành mai đơm nụ của đất đảo, tay xách bầu nước mắm nhỉ, quà của bà con trên đảo gửi cho gia đình. Tôi vội vã xuống bến cá, rạo rực niềm vui theo mỗi bước chân, lâng lâng mơ màng nghĩ tết này được sum vầy trong tình yêu thương, sự đầm ấm của gia đình.

 

Những năm 1980, từ Ba Ngòi (Cam Ranh, Khánh Hòa) về Phú Yên phải đi qua nhiều chặng. Riêng chặng lướt sóng từ đảo về đất liền đã mất gần 4 giờ. Từ cảng Đá Bạc đến bến xe khách, tôi leo lên chiếc xe Denol chạy than từ Cam Ranh ra bến xe liên tỉnh (Nha Trang), từ đây bắt xe về tới Chí Thạnh (Tuy An) thì trời đã xẩm tối. Lúc này, những chuyến xe lam về La Hai không còn nên tôi phải cuốc bộ trên 20 cây số và về tới nhà lúc cả xóm đã lên đèn. Tôi vừa bước vào ngõ, con chó vện sủa vang. Khi đánh hơi và nhận ra chủ, nó vẫy đuôi mừng rỡ. Mẹ tôi là người đầu tiên bước ra ôm chầm lấy tôi, vuốt khắp mình mẩy rồi nói to: “Con nó về rồi ông ơi…”. Bà nội đã ngoài 80 tuổi, tóc bạc trắng, dò dẫm từ nhà dưới lên nhà trên, tay cầm chiếc đèn dầu giơ cao, tay che mắt để nhìn cho rõ. Khi đã nhận ra cháu mình, bàn tay nhăn nheo, gầy guộc của bà cứ xoa đầu, vuốt vai tôi, miệng lẩm bẩm: “Tổ cha mày, sao lâu dữ mới dìa dậy con!”. Lần đầu tiên trong đời tôi mới cảm nhận được hết tình thương yêu của những người thân yêu nhất trong gia đình dành cho đứa con xa nhà về với gia đình trong dịp tết.

 

Giờ tuổi tôi sắp chạm ngưỡng "60 năm cuộc đời", nhà chỉ có hai đứa con nhưng chúng đều học hành, đi làm ăn xa. Mỗi năm, vào đầu tháng Chạp, má tụi nhỏ cứ rộn ràng điện thoại gọi tới, gọi lui hỏi cho biết chừng nào chúng nó về để đón đưa, để chuẩn bị món ăn các con thích nhưng chỉ quê mình mới có. Rồi còn định liệu ngày nào đưa chúng về quê tảo mộ bên nội, bên ngoại, cúng tất niên, chọn ngày giờ cả nhà xuất hành, lễ chùa, chúc tết… Bấy nhiêu thôi, nhà tôi cứ rôm rả cùng với việc chuẩn bị giò chả, dưa hành, rim bánh. Tôi nghĩ, hóa ra tết của gia đình, trước hết là tết cho những đứa con, tết của gặp gỡ nhớ thương và vui vầy bên con cháu. Hay đơn giản đó là ngày sum họp gia đình, có gia đình là có tết!

 

Và tôi lại nhớ 23 tháng Chạp năm ngoái, khi hỏi thăm ông bạn rằng các con ông ở Sài Gòn đã về chưa, ông hớn hở cho biết các con đã về và đang giúp mẹ sắm sửa chuẩn bị tết. Rồi đột nhiên ông nói một câu như thơ: "Con về tết cũng về theo". Ông còn diễn giải thêm, tết có đủ đầy con cháu là gia đình xôn xao tiếng cười và bao câu chúc lành! Chắc hẳn nhà mình sẽ được hưởng cái tết phấn chấn và trọn vẹn.

 

Từ đó tôi nghiệm ra rằng, câu nói cửa miệng “Về quê ăn tết” có lẽ không chỉ của những người xa quê, mà ai cũng cảm nhận được ý nghĩa thiêng liêng của sự sum vầy, đoàn viên khi năm hết. Tết là ngày của sum họp, đầm ấm và hạnh phúc nhất đối với mỗi gia đình, nơi chứa đựng cả thời gian, không gian của tình máu mủ, ruột rà và của quê hương, làng xóm. Từ xưa đã thế và chắc mãi về sau cũng thế.

 

 MẠNH MINH TÂM

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

CÁC TIN KHÁC
LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek