Chủ Nhật, 13/10/2024 09:27 SA
Ngoài chuyện bán mua
Thứ Bảy, 28/01/2017 11:00 SA

Minh họa: TRẦN QUYẾT THẮNG

Mẹ thường rủ hai chị em đi chợ, nhưng hai đứa mỗi khi nghỉ ở nhà luôn ngủ nướng dậy trễ nên mẹ vẫn đi một mình. Tuy nhiên, chợ tết cuối năm vào buổi sáng, trước giao thừa một hai ngày, nhất định phải đi. Thằng em thắc mắc, chợ tết năm nào cũng giống nhau, mẹ bắt đi chi, cũng không phải đi chợ đêm ngắm người ngắm hoa, vừa mệt vừa chán? Với lại, hai đứa vẫn thích đi siêu thị hơn, không cần hỏi giá trả giá hay chen lấn chờ đợi, hàng hóa phong phú, đảm bảo chất lượng, lại được lựa chọn thoải mái không sợ bị chửi. Mẹ nói, không ai có thể tắm hai lần trên cùng một dòng sông, cho nên không ai có thể đi một cái chợ tết hai lần. Mẹ đem triết gia Heraclitus với triết học duy vật biện chứng ra khiến hai đứa thua xiểng niểng.

 

Chợ tết buổi sáng náo nhiệt người xe, chen nhau đông nghẹt. Khu chợ là một bức tranh rực rỡ sắc màu, thậm chí lòe loẹt, với toàn những gam màu nóng bức: đỏ, vàng cam, kéo dài từ những cửa hiệu khang trang lịch sự ra đến chợ trời nhếch nhác lộn xộn. Phần sặc sỡ nhất của bức tranh có lẽ là nơi bán hoa giả và những vật trang trí. Ở nơi đó, trên những cành mai vàng rực cùng những cành đào hồng thắm là những chuỗi đồng tiền, thỏi vàng lấp lánh dưới nắng xuân. Gió thổi qua, chúng rung rinh tỏa sáng như đang kêu gọi vị phúc thần mang đến tài lộc. Treo san sát dưới mái hiên là những câu đối chữ vàng nền đỏ cầu mong an khang thịnh vượng, vạn sự như ý.

 

Nhưng đẹp nhất có lẽ là chợ trời bán bông, bông để chưng bàn thờ chứ không phải là những cây kiểng được chăm sóc cẩn thận trong giỏ chậu. Đó là một nơi lộng lẫy sắc màu với những bó vạn thọ hay hoa cúc tím hồng vàng trắng được nhổ lên còn cả gốc rễ. Chúng được đặt trên những tấm đệm dưới đất kéo dài ba bốn dãy nối tiếp nhau. Nhiều đống hoa chất cao ngang thân người. Những người bán thường không phải bạn hàng mà là người dân tự trồng rồi đem ra chợ, có người còn bán cả lúa bắp trồng trong chậu, với ý nghĩa năm mới chắc ăn như bắp, hay lúa gạo đầy nhà.

 

Sau chợ bông, tiếp giáp với bờ sông là một dãy lều trại bán dưa hấu. Ở xứ này, cái chợ nào cũng gần sông vì vận chuyển đường thủy ít tốn chi phí, lại thuận tiện chở hàng nặng. Dưa hấu được chất đống đủ các chủng loại trên một lớp rơm dày, dưới mái lều bạt. Dưa tròn, dưa dài, dưa vỏ vàng, vỏ xanh, có cả những quả dưa hấu hình thỏi vàng hay hình vuông được khắc chữ Phúc, Lộc, Thọ. Người ta quan niệm quả càng to tròn, năm mới càng viên mãn thành công. Cho nên mẹ sẽ mua vài quả dưa hấu tròn, dán giấy đỏ vào để chưng, còn dưa ăn là loại quả dài.

 

Tuy nhiên, nơi mà hai chị em thích nhất là hàng bánh kẹo, vì chúng tôi được tự do lựa chọn. Dù đã lớn nhưng việc vừa cắn hạt dưa, tách vỏ hạt dẻ, nhai chocolate hay nho khô vừa xem phim vẫn rất thú vị. Cho nên, phần lớn bánh kẹo mua về nhà đãi khách đều bị hai đứa ăn hết và qua tết, đứa nào cũng lên mấy ký. Nhưng bánh kẹo ngoài để ăn còn dùng để trang trí cho hộp mứt cho có không khí tết, cho nên thường phải mua thêm nhiều loại mứt cho đủ ngũ sắc, đặc biệt là mứt dừa nhiều màu được quấn thành hoa hồng, để cho đẹp chứ chẳng ai ăn.

 

Mâm ngũ quả là thứ không thể thiếu mỗi ngày tết. Mẹ mua chúng ở chỗ bán rau củ cùng với bùa nêu. Mỗi năm mẹ đều mua mãng cầu, sung, dừa, đu đủ và xoài. Mấy thứ này ráp lại, đọc chệch âm đi một chút chính là “cầu xuân vừa đủ xài”. Có người lại thêm quả khóm, thành mâm lục quả, với ý nghĩ “nhà cửa thơm tho sạch sẽ”. Mấy năm nay, thấy người ta bán trái “dư”. Đặt tên cho vui vậy thôi chứ nó là một loại cà dại vàng ươm rất đẹp nhưng không ăn được, còn gọi là “cà vú”. Mẹ không mua, mẹ nói tết nhất chưng cái thứ mang độc chết người trên bàn thờ làm chi, với lại, người ta sống phải biết đủ.

 

Ngoài mâm ngũ quả, mẹ còn chưng thêm mấy đĩa quýt trong nhà. Loại quýt hồng chín vàng rực rỡ, có khi ngả sang màu cam đỏ, còn gọi là quýt tiều. Quýt được chất theo hình tháp nhọn, cuống quýt quay vào trong, được cố định bằng cách ghim vào xốp cắm hoa hoặc ruột cây chuối. Cho nên, nhìn từ bên ngoài, đĩa quýt giống như một tháp vàng với những đồng tiền vàng tròn đều to xếp chồng lên nhau, mang ý nghĩ cầu mong tài lộc. Cho nên, những trái quýt tròn như banh lông, bị cắt sát cuống bọc trong giấy kiếng được nhập về có màu sắc đỏ vàng bắt mắt không thể chưng như thế được, cũng không cho cảm giác gần gũi thân quen, vì chúng là một thứ xa lạ ngoại lai.

 

Mẹ thường mua trái cây, rau củ ở rất nhiều chỗ, mỗi nơi mua một ít, nhưng chỗ nào cũng là khách quen nên mẹ đi đến đâu nghe mời đến đó. Mẹ hay bị những người bán hàng năn nỉ mua thứ này thứ kia, dù cho giỏ xách đã chật đầy. Họ thường “hát” một điệp khúc với mẹ là “mua cho từ thiện đi cô”. Bởi vậy, mẹ mua, như một hành động làm phước, tết nhất càng phải làm phước. Cho nên, hai chị em thường xách đồ lủ khủ để lên “xe ba gác từ thiện”. Những thứ này đều là đồ chay, sẽ được mang đến bệnh viện để nấu nướng, sau đó phát miễn phí cho bệnh nhân và người thân của họ. Nếu thực phẩm quá nhiều sẽ được chở đến quán cơm từ thiện 2.000 đồng ở đầu chợ chuyên bán cho người nghèo.

 

Thực ra thì, còn một nguyên nhân khiến hai đứa không thích đi chợ với mẹ là, mẹ thường lân la hỏi chuyện mọi người, dông dài đủ thứ, giống như hàng xóm láng giềng hoặc họ hàng thân quen. Sau đó, mẹ sẽ về nhà kể cho hai đứa nghe, có khi là chuyện của thằng bé bán dưa hấu mới mười tuổi, ngoan hiền dễ thương, phụ mẹ ngồi chợ suốt mấy ngày tết; có khi là chuyện chị bán thịt xuống tóc, chuyển sang bán đồ chay vì chồng bỏ theo vợ bé; có khi là cô bán bông không đủ tiền nuôi ba đứa con đi học, mà đứa nào học cũng giỏi nhất nhì trong lớp; có khi nói từ thiện đang quyên góp quần áo cũ cho người nghèo rồi kêu hai đứa soạn đồ…

 

Mẹ đi chợ không chỉ để đi chợ, và ngoài chuyện mua bán tiền bạc còn có chia sẻ tình người. Cũng như chợ tết năm nay, mẹ dẫn hai đứa đi qua chỗ bà bán trầu cau mua bùa nêu, chợt nghe đứa cháu gái bảy, tám tuổi ngồi cạnh bà năn nỉ: “Ngoại mua cho con bộ đồ mới nghe ngoại, một bộ thôi mà ngoại”. Bà cười gật đầu, xoa đầu con nhỏ, mà nụ cười không đến đáy mắt đậm nét lo âu. Mẹ nói, nhà bà nghèo lắm, bán trầu cau tết chắc không đủ tiền. Nghe vậy, tự nhiên thấy xót, trong nhà hai đứa mỗi tết đều có hai ba bộ còn thêm mấy thứ giày dép linh tinh, còn con nhà người ta chỉ cần một bộ cũng khó khăn. Thằng em kéo tay chị, giúp người ta không, còn tiền để dành. Mẹ nhìn thấy cười cười. Tết năm nay, hai đứa có thêm một niềm vui, tự tay giúp người khác ăn tết được vui vẻ thì mình cũng vui theo, đi siêu thị cũng khó mà biết mấy chuyện này.

 

 BẠCH TỬ

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

CÁC TIN KHÁC
Vị sư già bán lan ở hội hoa xuân Sài Gòn
Chủ Nhật, 26/02/2017 17:00 CH
Vang tiếng gà gáy ở Xóm Cát
Thứ Tư, 01/02/2017 15:00 CH
Phiên chợ cuối năm của mẹ
Thứ Tư, 01/02/2017 14:00 CH
Lũy đá cổ giữa biển xanh
Thứ Tư, 01/02/2017 14:00 CH
Con về tết cũng về theo
Thứ Tư, 01/02/2017 13:00 CH
LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek