Chủ Nhật, 13/10/2024 07:26 SA
Rủ nhau đi đánh bài chòi
Thứ Hai, 30/01/2017 11:00 SA

Liên hoan Dân ca Bài chòi được VTV Phú Yên tổ chức tại Bình Định - Ảnh: THANH HƯNG

“Rủ nhau đi đánh bài chòi,

Để cho con khóc đến lòi rún ra”

 

Dân Bình Định, Phú Yên nhiều người đã từng nghe hai câu trên. Rảnh rỗi thì mới rủ rê nhau. Nhưng đánh bài chòi thì lại khác, đã vào cuộc rồi thì khó mà cưỡng lại sức hấp dẫn của thú vui này...

 

Thông tin từ ngành Văn hóa, nếu không có gì thay đổi thì rất có khả năng năm nay, UNESCO sẽ xem xét hồ sơ để công nhận bài chòi là di sản văn hóa phi vật thể tiêu biểu của nhân loại. Điều này chắc chắn sẽ làm nức lòng người mộ điệu bài chòi, nhất là những nghệ sĩ cho đến hôm nay vẫn thủy chung với một trong những di sản văn hóa tiêu biểu trên vùng đất Nam Trung Bộ.

 

Lần đầu tiên tổ chức Liên hoan Dân ca Bài chòi vào năm 2013, chúng tôi cứ ngỡ rằng sẽ khó hấp dẫn thí sinh, khó cuốn hút người xem đến với sân chơi này. Nhưng thật bất ngờ, khi thông tin về liên hoan đến với các làng quê Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, sự lan tỏa thật nhanh chóng. Thế hệ đam mê hô, hát, đánh bài chòi hôm nay vẫn nhiệt huyết như ông cha họ thuở trước, họ lại rủ rê nhau luyện tập, đăng ký dự thi, rồi hăm hở vào đêm chung kết, và rạng rỡ khi được trao giải, dù là những giải phụ. Chúng tôi thật sự cảm động khi nghe ở Bình Định có thí sinh đã lớn tuổi, ngày ngày đi mua gom nhôm nhựa tận các huyện miền núi, nhưng nghe có thông báo Liên hoan Dân ca Bài chòi thì về nhà ngay để luyện tập chờ đến ngày ứng thí. Rồi các em nhỏ ở Khánh Hòa, Phú Yên, đặc biệt là cái nôi của bài chòi ở Bình Định, cũng say sưa luyện tập cùng các cô chú, anh chị để tham gia sân chơi của những người cùng chung niềm đam mê.

 

Qua ba lần tổ chức, Liên hoan Dân ca Bài chòi đã có sự lan tỏa mạnh mẽ và thu hút thí sinh tận Quảng Nam, Quảng Ngãi cùng dự thi. Hy vọng một ngày không xa, sân chơi này sẽ “mở cửa” trở lại để thỏa lòng đam mê của bà con, để họ lại rủ rê nhau đi thi hát bài chòi sau những ngày lao động vất vả.

 

*

* *

 

Bài chòi là một loại hình nghệ thuật dân gian truyền thống đặc sắc ở các tỉnh Nam Trung Bộ, đặc biệt là ở vùng nông thôn. Sức hấp dẫn của bài chòi không thua kém bộ môn nghệ thuật truyền thống nào. Âm thanh rộn rã của nhạc cụ, lời hô, câu hát tại các hội bài chòi mỗi dịp xuân về luôn khiến lòng người rộn rã, khó cưỡng lại. Cho đến nay, vẫn chưa có một tư liệu nào khẳng định chính xác thời điểm ra đời của bài chòi nhưng ở miền quê các tỉnh Nam Trung Bộ, từ hàng trăm năm trước, loại hình văn nghệ dân gian có hình thức diễn xướng độc đáo này đã xuất hiện.

 

Các nghiên cứu gần đây, đặc biệt là các ý kiến tại hội thảo quốc tế về bài chòi được tổ chức ở Bình Định năm 2015 đều thống nhất rằng: Bài chòi ra đời trên vùng đất Nam Trung Bộ ít nhất là trên 400 năm về trước. Buổi đầu trên đường ông cha ta Nam tiến, dân cư tại Nam Trung Bộ còn thưa thớt, núi rừng rậm rạp, việc trồng trọt thường bị thú rừng phá phách. Trên vùng đất mới khai hoang, người ta dựng nhiều chòi canh để bảo vệ hoa màu, trên mỗi chòi đều có thanh la, mõ, trống. Khi thú rừng kéo đến, nhiều âm thanh đồng loạt nổi lên, muôn thú khiếp sợ, phải bỏ chạy. Cũng trên những căn chòi đó, những lúc rảnh rỗi, người dân hô hát đối đáp nhau cho đỡ buồn. Dần dần, việc ngồi trên chòi hô hát trở thành một loại hình văn nghệ dân gian với hình thức ban sơ là hô bài chòi. Qua nhiều thế kỷ tồn tại, nghệ thuật bài chòi phát triển mạnh mẽ trong vòng 100 năm trở lại đây với nhiều loại hình, từ diễn xướng đơn lẻ đến hội bài chòi, từ trải chiếu hát bài chòi đến biểu diễn ở đình chùa và phát triển lên một bước cao hơn là ca kịch bài chòi.

 

Người dân nhiều tỉnh Nam Trung Bộ đều biết chơi bài chòi, hô, hát bài chòi. Nhưng có thể nói, Bình Định là cái nôi của loại hình nghệ thuật này. Nhiều vị cao niên ở Bình Định cho rằng chính Đào Duy Từ, từ Thanh Hóa vào lập nghiệp ở Bình Định, đã dựa theo loại hình văn nghệ ở các chòi canh mà sáng lập ra bài chòi. Bài chòi Bình Định lôi cuốn người xem, người chơi bởi ngôn ngữ nghệ thuật đặc thù, dung dị mà đằm thắm như lời ăn tiếng nói người dân xứ Nẫu qua các làn điệu: xuân nữ, hồ quảng, xàng xê, cổ bản, và các điệu dân ca như lý thương nhau, vọng kim lang, trách ai, hò tát nước... Lời hô tiếng hát trong nghệ thuật bài chòi mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc, thể hiện tình yêu quê hương đất nước, ca ngợi tình phụ mẫu, phu thê, đề cao những đức tính, phẩm chất tốt đẹp của con người, phê phán những tệ nạn xã hội, những tập tục đã lỗi thời... Ngôn từ trong nghệ thuật bài chòi tuy rất bình dân nhưng vẫn đầy chất thơ.

 

Bài chòi Bình Định không chỉ có đất diễn ở các đơn vị nghệ thuật chuyên nghiệp mà còn được giữ lửa bởi niềm đam mê của người dân. Niềm đam mê đó được truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác, không chỉ ở những người lớn tuổi mà cả những em nhỏ ở đất võ trời văn cũng say mê hô, hát bài chòi. Điều đó lý giải phần nào sức sống của bài chòi trên vùng đất này hàng trăm năm qua. Bài chòi đã “thấm” trong máu thịt nhiều người khi còn nằm trong nôi qua lời ru của bà, của mẹ.

 

Bài chòi là sản phẩm văn hóa sinh ra trên vùng đất Nam Trung Bộ và Bình Định được nhìn nhận là một trong những chiếc nôi, là trung tâm của loại hình nghệ thuật này. Trong quá trình phát triển của nghệ thuật bài chòi, Bình Định luôn giữ vai trò quan trọng, là địa phương duy nhất hiện còn tồn tại đầy đủ 3 hình thức trình diễn của nghệ thuật bài chòi: bài chòi trải chiếu, bài chòi lên giàn và sân khấu bài chòi chuyên nghiệp.

 

Bài chòi Bình Định kết tinh những tinh hoa văn hóa dân tộc theo lịch sử và chiều dài đất nước, kế thừa nhiều hình thức diễn xướng dân gian khác rồi phát triển theo hướng riêng, bằng một hình thức riêng biệt. Cũng như cải lương hoặc nhiều loại hình âm nhạc khác, bài chòi cũng kế thừa nhiều giá trị văn hóa từ các loại hình âm nhạc, làn điệu dân gian khác nhưng đã có đặc thù riêng biệt, hoàn toàn không lẫn vào đâu.

 

Điều khá thú vị tại hội thảo quốc tế về bài chòi tổ chức ở Bình Định năm 2015 là một số nhà nghiên cứu đến từ Lào, Hàn Quốc... vô cùng thích thú khi xem các trích đoạn bài chòi do một số nghệ sĩ Bình Định biểu diễn. Họ còn cho rằng, bài chòi Nam Trung Bộ có một số nét tương đồng với vài bộ môn nghệ thuật dân gian ở xứ họ!

 

Cũng như nhiều loại hình nghệ thuật truyền thống khác, bài chòi đang đứng trước nguy cơ thất truyền. Hội đánh bài chòi vào dịp đầu xuân giờ cũng chỉ còn ở vài tỉnh như Quảng Nam, Bình Định, Phú Yên và Khánh Hòa. Nhiều nghệ sĩ hô, hát bài chòi chuyên nghiệp cũng chuyển sang biểu diễn các bộ môn nghệ thuật khác. Một số tỉnh như Quảng Nam, Bình Định, Phú Yên đã tổ chức các hoạt động để góp phần bảo tồn nghệ thuật bài chòi như hội thảo, biểu diễn bài chòi phục vụ khách du lịch... nhưng cũng hết sức khó khăn.

 

Kỳ vọng sau khi được UNESCO vinh danh, sẽ có nhiều giải pháp để bảo tồn di sản văn hóa tiêu biểu này trên vùng đất Nam Trung Bộ. Để những người mộ điệu không chỉ rủ nhau đi hát, đi hô bài chòi mà còn có thể up, share, comment, like cùng bè bạn khắp năm châu trong cái thế giới phẳng này...

 

TRẦN THANH HƯNG

 

 

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

CÁC TIN KHÁC
Vị sư già bán lan ở hội hoa xuân Sài Gòn
Chủ Nhật, 26/02/2017 17:00 CH
Vang tiếng gà gáy ở Xóm Cát
Thứ Tư, 01/02/2017 15:00 CH
Phiên chợ cuối năm của mẹ
Thứ Tư, 01/02/2017 14:00 CH
Lũy đá cổ giữa biển xanh
Thứ Tư, 01/02/2017 14:00 CH
Con về tết cũng về theo
Thứ Tư, 01/02/2017 13:00 CH
LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek