Sắc của vị vua cuối cùng triều Nguyễn là Bảo Đại vào tháng 5/1945 đã phong cho nhân thần(*) Lê Văn Hiến tiền hiền khai khẩn thôn Tân Mỹ, tổng Hòa Lạc, phủ Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên, nay là thôn Tân Mỹ, xã Hòa Phú, huyện Tây Hòa.
Làng Tân Mỹ nguyên là Tân Cương Đông thôn (新崗東 村), đông giáp thôn Thạnh Mỹ Hương Thạnh (盛美香 盛, Mỹ Thạnh), tây giáp thôn Lương Phước Trường Đảo (梁福長島, Lương Phước). Nam và bắc giáp sông. Đây là một làng quê bên bờ hữu ngạn sông Ba thuộc Trung tổng huyện Tuy Hòa (cũ). Diện tích sở hữu 5 mẫu 4 sào 1 thước (Địa bạ Triều Nguyễn 1815-1816).
Ngày nay, Tân Mỹ phía bắc giáp sông, phía nam là cánh đồng bát ngát, tây giáp Lương Phước, còn phía đông là Mỹ Thạnh (xã Hòa Phong). Tiên tổ họ Lê: Ông Lê Thái Lang gốc người Thanh Hóa vào trú ở Đông Phước rồi lên Hoa Châu tức Vinh Thạnh. Về sau dời xuống Tân Mỹ. Đến đời thứ hai ông Lê Văn Hiến là tiền hiền khai khẩn làng Tân Mỹ được sắc phong triều Nguyễn. Ông đã có công khai phá vùng đất rộng lớn để dân vùng Hạ cày cấy sinh sống lập thành xóm làng trù phú về sau. Đời thứ 6 có ông Lê Hanh (sinh năm Ất Hợi - 1875) tại làng Tân Mỹ, tổng Hòa Lạc phủ Tuy Hòa. Thuở nhỏ ông học chữ Nho, làm hương chức trong làng và tham gia phong trào chống sưu thuế dưới thời thuộc Pháp. Ngày 13/5/1908 ông cùng Nguyễn Hữu Dực, người tổng Hòa Đa và các đồng bạn tổ chức cuộc biểu tình bị ngăn cản tại trạm Gành. Khi Nguyễn Hữu Dực bị lính Pháp bắn chết, ông Lê Hanh bị thương nhưng tiếp tục cùng đoàn ra tỉnh đóng tại Sông Cầu kêu oan. Ông cùng một số người bị Pháp bắt giam đến ngày 22/5/1908 (tức ngày 23/4 năm Bính Tuất) chết trong nhà giam và được chôn ở Sông Cầu, về sau cải táng về làng Tân Mỹ. Năm 1956, chính quyền lúc bấy giờ công nhận nghĩa sĩ và cấp tiền trùng tu ngôi mộ lập bia đề: “Cách mạng nghĩa sĩ Lê Nguyên Hanh tự công chi mộ”. Ngày nay có bia chữ quốc ngữ che khuất bia cũ ghi tên ông là Lê Văn Hanh.
Làng Tân Mỹ có đình nằm sát bờ sông Ba được tu bổ xây bằng gạch lợp ngói âm dương từ trước năm 1945, diện tích chừng 40m2. Qua hai cuộc kháng chiến, đình vẫn tồn tại và là nơi che giấu, ẩn trú của cơ sở nuôi quân, có thời gian đình là kho chứa thuốc súng và chất nổ trong những năm chống giặc Pháp và Mỹ.
Làng có từ đường họ Lê nhà tranh lá mái xây dựng từ năm 1936, về sau dẫu thay lợp ngói nhưng vẫn giữ nét cũ và nơi đây còn lưu gia phả của dòng họ cùng “sắc phong tiền hiền khai khẩn chi thần” năm 1945.
Sắc phong T iền hiền Lê Văn Hiến - Ảnh: ĐÌNH CHÚC |
Nguyên văn: 勅富安省綏和府和樂總新美村奉 事前賢開墾黎文憲之神 捻箸靈應向來未有預封肆今丕 承.
耿命緬念神庥可嘉著封為翊保中 興靈扶尊神凖依舊奉事 神其相佑保我黎民欽哉. 保大弍拾年伍月什五日 保印:勅命之寶
Phiên âm:
“Sắc Phú Yên tỉnh, Tuy Hòa phủ, Hòa Lạc tổng, Tân Mỹ thôn phụng sự tiền hiền khai khẩn Lê Văn Hiến chi thần nẫm trứ linh ứng hướng lai vị hữu dự phong tứ kim phi thừa.
Cảnh mạng miến niệm thần hưu khả gia trước phong vi Dực Bảo Trung Hưng linh phù tôn thần. Chuẩn y cựu phụng sự thần kỳ tương hựu bảo ngã lê dân! Khâm tai.
Bảo Đại nhị thập niên ngũ nguyệt thập ngũ nhật
Bảo ấn: Sắc mệnh chi bảo
Bản dịch:
Sắc ban cho thôn Tân Mỹ, tổng Hòa Lạc, phủ Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên phụng sự tiền hiền khai khẩn Lê Văn Hiến chi thần linh ứng đã lâu từ trước nay chưa có dự phong cho.
Nay vâng mệnh lớn lao nghĩ mãi đến sự tốt đẹp của thần nên phong là Dực Bảo Trung Hưng linh phù tôn thần. Cho phép thờ phụng y như cũ, thần hãy giúp đỡ và bảo vệ cho dân của Trẫm. Kính vậy.
Ngày 15 tháng 5 Bảo Đại năm thứ 20 (1945)
Đây là sắc của vị vua cuối cùng triều Nguyễn là Bảo Đại vào tháng 5/1945 đã phong cho nhân thần Lê Văn Hiến tiền hiền khai khẩn thôn Tân Mỹ, tổng Hòa Lạc, phủ Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên, nay là thôn Tân Mỹ, xã Hòa Phú, huyện Tây Hòa.
71 năm qua từ khi làng Tân Mỹ có sắc phong đến nay (1945-2016), người dân cần mẫn làm ăn lương thiện, gia đình ngày càng phát triển, tuy có giai đoạn khó khăn gian khổ nhưng lòng dân vẫn kiên trì xây dựng xóm làng quê hương tốt đẹp hơn trong chiều hướng nông thôn đổi mới.
(*) Người có công khai hoang lập làng
NGUYỄN ĐÌNH CHÚC