Chủ Nhật, 13/10/2024 07:24 SA
Còn đó, tò he...
Thứ Ba, 31/01/2017 14:00 CH

Những gian hàng tò he trên phố đi bộ quanh hồ Hoàn Kiếm - Ảnh: PHƯƠNG TRÀ

Chiều nọ, hoa phượng vẫn còn sáng rực trước cổng trường mầm non. Dưới gốc cây, một thanh niên ngồi sau cái khay rực rỡ các nhân vật hoạt hình và những bông hoa xinh xắn. Từ đôi bàn tay thoăn thoắt của cậu ta, từng nhân vật dần hiện ra. Tan trường, các cô bé cậu bé níu tay cha mẹ, sà vào gian hàng lạ lùng vừa xuất hiện, lạ lẫm và thích thú.

 

Ôi, tò he!

 

Ký ức tuổi thơ chợt ùa về, dịu dàng hiện lên trong tâm trí là nếp nhà tranh dầu dãi nắng mưa ở cuối xóm nhỏ leo lét ánh đèn dầu, đêm đêm lọc cọc tiếng chim gõ mõ. Nơi đó, có bà nội tôi.

 

Vào một số dịp đặc biệt trong năm, bà nội đem nếp ra ngâm rồi xay bằng cối đá. Bột nếp được chia ra từng phần nhỏ, pha vào sắc đỏ, xanh, vàng… lấy từ hoa lá, củ quả trong vườn. Một cách tỉ mỉ, bà nội nặn bột thành những bông hoa, con vật xinh xẻo, đặt lên tờ giấy hẩm để trên cái đĩa rồi nhẹ nhàng cho vào nồi cơm khi nước trong nồi vừa cạn, hấp chín. “Tác phẩm” của bà nội, tôi không biết gọi là gì, trông rất đẹp mắt, ăn cũng… rất ngon. Ở quê hồi đó, trẻ con chỉ có trái chuối, củ khoai bầu bạn. Bởi vậy, những bông hoa, con vật ngộ nghĩnh được bà nội tỉ mỉ nặn bằng bột nếp là món quà đặc biệt mà hai chị em tôi háo hức trông chờ.

 

Lớn lên mới biết, những bông hoa, con vật mà bà nội cặm cụi làm cho hai đứa cháu nhỏ ở quê, người ta gọi là tò he. Ở Hà Tây ngày trước Hà Nội bây giờ có hẳn một ngôi làng chuyên làm tò he, được coi là làng nghề tò he duy nhất trong cả nước. Đó là làng Xuân La (xã Phượng Dực, huyện Phú Xuyên). Người thanh niên bán tò he mà tôi gặp trước cổng trường mầm non cũng ra đi từ ngôi làng nức tiếng đó.

 

Nguyễn Văn Tuyến, tên người thanh niên, ngoài 30 tuổi, là con của một nghệ nhân tò he ở Xuân La, nơi nghề thủ công này được trao truyền qua bao đời. Cả làng biết làm tò he, dù không phải ai cũng bền bỉ theo nghề, khi có quá nhiều loại đồ chơi hiện đại đang lấn át những món đồ truyền thống. Tuyến bảo, nghề này ai khéo tay chỉ cần học dăm bữa nửa tháng, còn không thì học một vài tháng là thạo việc. “Em xem bố nặn tò he và biết làm từ lúc 10 tuổi cơ, nhưng kiếm sống bằng nghề này thì chỉ độ 10 năm nay. Ba anh em nhà em đi khắp nơi bán tò he. Mỗi địa phương, nếu bán được thì em lưu lại một hai tháng, bằng không em chỉ ở dăm ba ngày. Tết rồi em bán tò he ở TP Hồ Chí Minh đấy, rồi từ đó đi dần về phía bắc”, Tuyến kể.

 

* * *

 

Theo lời một nghệ nhân tò he ở Xuân La, xưa kia, người ta nặn 12 con giáp, các nhân vật anh hùng dân tộc và những gì gần gũi với cuộc sống thường ngày. Môn “nghệ thuật tạo hình” bằng bột nếp của người Việt có từ lâu đời và khác biệt với tò he của một số nước lân cận. Màu sắc tò he ngày trước được chiết xuất từ cỏ cây hoa lá; sản phẩm sau khi nặn xong thì được hấp chín, có thể ăn. Sau này, người ta xay bột, nấu chín trước khi nặn tò he. Và cũng chẳng ai nhọc công chiết xuất màu từ tự nhiên để làm nên những con vật ngộ nghĩnh, thay vào đó họ dùng phẩm màu cho tiện. Bởi vậy, bọn trẻ chỉ chơi chứ không ăn tò he như cha mẹ, ông bà chúng ngày trước. Sở thích của khách hàng nhí cũng thay đổi theo thời gian, không phải chim cò, con trâu, con gà… mà nàng tiên cá, công chúa, các nhân vật dễ thương trong phim hoạt hình, siêu nhân… mới được ưa chuộng.

 

Tuyến bảo thu nhập của nghề này không khá hơn đồng lương công nhân, có điều nhàn hơn, không bị gò bó về giờ giấc, và phải bôn ba. “Chị mà gặp ai bán tò he thì chính là người làng em đấy”, Tuyến nói, giọng có chút gì đó tự hào. Nhưng đã theo nghề này thường phải đi xa, nhớ nhà, nhớ quê, nhất là khi xuân về tết đến…

 

* * *

 

Gần cuối năm, tôi về Hà Nội, đúng vào cuối tuần. Phố đi bộ quanh hồ Hoàn Kiếm nhộn nhịp bước chân khách ta, khách Tây từ muôn nẻo. Chợt ngạc nhiên và thích thú khi thấy mình đứng giữa “rừng” tò he. Những gian hàng nối nhau; người bán mặc quần áo màu nâu theo kiểu dân quê xưa, ngồi sau khay tò he rực rỡ. Lại có cả những người thợ vui vẻ dạy trẻ con cách nặn tò he trước ánh mắt ngạc nhiên và thích thú của du khách phương xa. Ừ nhỉ, nét độc đáo của loại đồ chơi truyền thống này chính là sự dân dã thấm đẫm hồn quê Việt, được những đôi tay khéo léo tạo nên ngay trước mắt khách hàng...

 

Cầm trên tay con tò he mới toanh chừng như phảng phất mùi thơm của châu thổ sông Hồng, tôi chợt nghĩ đến người thanh niên bán tò he trước cổng trường mầm non dạo nọ. Không biết tết này, Tuyến sum họp với gia đình ở Xuân La hay lại đón xuân ở công viên, hội chợ nơi xứ người, nhìn những con tò he mà thấy thấp thoáng hình bóng quê nhà? Và tôi xốn xang nhớ bà nội đã thành người thiên cổ. Nội ơi, những bông hoa, con vật bằng bột nếp của nội vẫn ngọt ngào thơm trong ký ức tuổi thơ.

 

 PHƯƠNG TRÀ

 

 

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

CÁC TIN KHÁC
Vang tiếng gà gáy ở Xóm Cát
Thứ Tư, 01/02/2017 15:00 CH
Phiên chợ cuối năm của mẹ
Thứ Tư, 01/02/2017 14:00 CH
Lũy đá cổ giữa biển xanh
Thứ Tư, 01/02/2017 14:00 CH
Con về tết cũng về theo
Thứ Tư, 01/02/2017 13:00 CH
LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek