Quê mẹ tôi ở gần soi, mang một cái tên rất dễ hình dung, dễ hiểu với những đặc trưng cũng như xóm Ao, xóm Đường, xóm Gò… Xóm Soi của mẹ rõ ràng ở ven sông, thay vì gọi xóm Bồi, xóm Bãi thì gọi là xóm Soi để chia đều cho các thôn. Chợ phiên ở đây họp vào ngày mùng 4, 15, 21, 29 âm lịch, gọi là chợ Soi, mãi sau này mới tách ra thành chợ Ân Niên hay Phong Niên.
Minh họa: ÂN ĐIỂN |
Tôi ít có dịp ra chợ cùng mẹ. Trước mỗi phiên chợ ngày thường, ngoại và mẹ chuẩn bị những gì của soi, của vườn nhà, mỗi mùa mỗi vật, từ buồng chuối, trái cà đến gà, vịt rồi cho vào đôi gánh để mờ sáng băng đồng ra chợ Soi. Chỉ vào dịp cuối năm, tôi mới được mẹ dẫn chợ, tha hồ được nhìn ngắm và nhất là được mẹ mua cho những vật mình thích, quà mình thèm mà phiên chợ thường không có. Vậy là mờ sáng tinh sương, tôi cùng mẹ vượt mương, băng đồng đến phiên chợ cuối năm, phiên chợ 29 tháng Chạp. Chợ họp từ sớm đến tận trưa, khác với phiên thường chỉ thấy mặt trời lên nửa sào là vãn người.
Những chòi tranh dựng lên làm nơi bán mua trong khu đất bằng mà ngày không họp chợ thấy buồn hiu hắt thì bây giờ đang nhộn nhịp. Nhộn nhịp từ lúc gà gáy canh đầu khi tiếng lục lạc leng keng trên từng chiếc xe ngựa đưa hàng đến và tiếng cười nói, tiếng bước chân gấp gáp cùng quang gánh từ các bãi soi tụ tập về. Tôi đứng trông đôi quang gánh cho mẹ và thích thú nhìn những món hàng tết từ nơi khác, bởi nó xa lạ so với những gì của dân xóm Soi bày bán. Mọi thứ đều đẹp, đều ngon vì chuẩn bị đón năm mới đang đến.
Trong phiên chợ cuối năm, lũ con nít như tôi cũng đông chẳng kém. Được theo mẹ đi chợ như là phần thưởng dành cho tụi nhỏ. Nhà tôi thì cha mẹ đã lo gần đủ các món, từ thịt, rau, đậu, nếp, rim bánh đến hoa lá. Mẹ chỉ mua chùm bồ kết với bó lá thơm về tắm, ít nhang đèn và xấp giấy cúng ông bà. Và mẹ gửi đôi quang gánh cho người quen coi hộ rồi dẫn tôi đi rảo quanh chợ. Khi ấy tôi thích nhất là đến chỗ bán tò he với các con vật đủ sắc màu để mua về thổi và khoe với lũ bạn trong ba ngày tết, thứ nữa là mẹ mua những vắt cốm nếp trộn đường mật gói vào tấm lá chuối. Những vắt cốm thơm lừng được rang tại chỗ bằng chảo gang đổ trên chiếc nia nghi ngút khói rồi dùng sàng lọc cốm. Sau đó, cốm nếp trắng muốt được ngào đường, vắt thành những vắt vừa lòng bàn tay để vừa đi vừa thổi và ăn hoặc mang về trong tấm lá chuối.
Trong không gian nhiều màu sắc, đầy âm thanh ấy, mẹ dẫn tôi đi qua gian hàng bánh tết, hàng thịt, hàng cá, hàng trái cây…và dừng lại ở hàng chè với ly bông cỏ thơm ngọt. Tôi được ngồi trên chiếc đòn kê, ngắm đôi tay thoăn thoắt múc chè của chị bán hàng và nhẩn nha ăn, nhìn thiên hạ đi chợ phiên cuối năm.
Phiên chợ Soi cuối năm cứ hằn trong nỗi nhớ mỗi độ xuân về, đi có mẹ đưa đi, về có mẹ dẫn về trên cánh đồng làng với mương nước chảy. Và khi ấy đâu có ấn tượng gì nhiều. Giờ nhớ lại mới thấy, chợ phiên với thúng nia, quang gánh là chính; với lá chuối, lá sen là nhiều; với những sản vật của các thôn bên một dòng sông đủ đầy rau củ; với những món ăn dân dã bình thường được làm ra một cách đơn giản nhưng tinh khôi, từ vắt cốm nếp đến ly chè bông cỏ và trên tay là những con tò he làm từ bột nếp cho một tuổi thơ yên ả.
Nhà văn HUỲNH THẠCH THẢO