Chủ Nhật, 13/10/2024 09:27 SA
Vui buồn đi chợ vùng quê
Chủ Nhật, 29/01/2017 14:00 CH

Từ thuở nhỏ tôi đã thích đi chợ, dù cái khoản nội trợ tôi không giỏi giang gì lắm. Chỉ đơn giản ở mỗi vùng nông thôn mà tôi đã đến, đã ở, chợ là nơi đông vui nhất, nhiều kiểu giao tiếp nhất và nhiều thứ… ăn được nhất. Chẳng thế mà khi có người hỏi đại ý: Ở đâu dễ tìm hiểu đời sống nhất? Khổng Tử đã trả lời mỗi một câu gọn lỏn: Chợ.

 

Minh họa: HƯNG DŨNG

 

Thuở nhỏ tôi đi chợ để xem nhiều hơn là mua. Mọi thứ đều được bày ra, trưng ra. Cả vật lẫn tình. Có những thứ những đứa trẻ ở thành thị như tôi cả đời chưa thấy bao giờ. Tôi thích xem người ta trả giá, mặc cả với nhau, cãi vã nhau. Có những ông bà già nói có văn có chữ, mỗi lời như trách như móc, như mời như mọc, có khen có chê, có cả ve vuốt khách mua, nghe vừa buồn cười vừa thương thương.

 

Nhưng kẻ mua bán ngờ nghệch như tôi thường bị mắng mỏ hơn, bị dụ dỗ hơn là được khen được nịnh. Mua hớ là chuyện thường ngày. Nhưng lúc mua rồi thì lại tự khen mua rẻ. Có những lần mua xong tôi về nhà tự khai báo“ đại hạ giá” và được mẹ khen là đảm đang, mua rẻ, nên nhờ đi... mua thêm mới bi kịch. Kỷ niệm đầu tiên về chợ có lẽ là những năm còn nhỏ ở nơi sơ tán, mẹ đi chợ về mua cho cái bánh đúc có ba bốn hột lạc ẩn nấp bên trong, mà sao lúc ấy ăn ngon thế không biết. Cái câu: “Mừng như mẹ về chợ” không thể nào đúng hơn thế nữa. Kỷ niệm khác là có lần tôi và một thằng bạn ra chợ mót trộm hai con cá nhỏ như cái ngón tay, bị bà bán cá tóm được, nhưng sau khi biết tôi lấy cá về cho con mèo bị mù một mắt đi lạc giữa đêm đông giá rét, bà đã không mắng mà còn cho thêm mấy con cá vụn. Sau này tôi thỉnh thoảng được giao nhiệm vụ đi chợ, ra mua rau, bà bán rau nói bao nhiêu tôi trả tiền bấy nhiêu, bà bán rau còn trợn mắt hỏi: Cậu không trả giá à? Tôi chỉ cười. Nào ngờ ông bán thịt bên cạnh còn góp lời mắng vốn bà bán rau: Bà cứ thấy nó đàn ông con trai là bán đắt, bớt cho nó đi. Tất nhiên là bà ấy lờ đi, nhưng tiện tay nhón thêm nhúm hành cho tôi. Viết đến đây tôi lại nhớ chuyện một anh đồng nghiệp kể: Có hai bà bán hàng, một bà thường cân xong thì lẹ tay bớt đi một nhúm, bà kia thì cân xong lại dẻo tay thêm vào một tẹo, thế nên bà bán thêm vào lúc nào cũng đông khách (nhất là khách đàn bà) hơn là bà bán bớt đi.

 

Kỷ niệm vui vui là thế, nhưng kỷ niệm “đau thương” thì cũng không ít lần. Đó là sau này đã thành sinh viên, tôi bị mắng vốn mấy lần vì cái tội đi ngó nghiêng ở chợ. Mà ở chợ có những cái luật bất thành văn. Mua mở hàng thì bán rẻ, nhưng không được trả lại. Hỏi giá rồi không mua là bị mắng té tát. Và đã không mua thì đừng có nhìn đắm đuối, đừng có sờ mó thô bạo vào hàng người ta, mà đối với nhiều bà hàng chợ thì ngắm nghía còn tệ hơn là sờ mó. Còn có lần tôi và một đứa bạn khác ra chợ Cầu Giấy gần trường báo chí, ngồi xổm ăn mấy trái chuối, ăn xong trả tiền rồi mà bà hàng chuối mỏ nhọn kêu còn trả thiếu tiền một quả chuối nữa. Thằng bạn tôi thề sống thề chết là trả rồi. Mà quả thật nghèo mấy thì nghèo, đường đường là nhà báo tương lai, quỵt con gà con vịt chứ ai lại quỵt tiền một quả chuối bao giờ. Tưởng thề xong là yên, nào ngờ bà bán chuối còn trù ẻo: Đứa nào ăn chuối của bà không trả tiền ra đường xe cán què chân. Sau này cả hai thằng đều còn sống nhăn răng, còn đủ cả hai chân dù bị đụng xe mấy lần.

 

Từ những kinh nghiệm “đau thương” vui buồn về chợ quê như thế, tôi rút ra kinh nghiệm “xương máu” là dù gì và dù bất cứ tình huống nào cũng không nên cãi nhau với mấy bà bán hàng ngoài chợ. Thứ nhất là có học mấy cái bằng đại học văn vẻ chữ nghĩa ngập đầu cũng không cãi lại mấy bà ấy, có giỏi toán như chàng Ngô Bảo Châu cũng chưa chắc tính nhẩm nhanh như mấy bà ấy. Nhưng quan trọng hơn cả là mấy bà bán hàng ở chợ quê cãi mồm mép thế thôi, nói văng ra cho hết xui hết bực thế thôi, chứ mấy bà ấy không để bụng, không có cái đức tính “nhớ lâu thù dai” như cánh giàu chữ, nên cãi nhau xong lại thấy buồn cười, và nguy hiểm nhất là nhiều khi lại thấy mấy bà già ngoài chợ... có lý mà mình tự phê mình.

 

Có lần tôi đi mua gà ngoài chợ, cũng nghe lời vợ trả giá thêm bớt ì xèo, cò kè xong xuôi, hai bên thuận mua vừa bán, bà bán gà bỗng nói vuốt một câu: Chú mua rẻ về thì vợ chú vui, tôi bán được giá thì tôi vui vì con tôi có miếng ăn, có cuốn tập đi học. Lời lỗ nhiêu đâu chú ơi. Nghe mà đắng nghét trong lòng, từ đó tôi đi chợ chả muốn trả treo gì nữa.

 

Tôi có tật mua hàng ngoài chợ, như mua thịt xong trả tiền rồi phóng xe đi luôn, quên cả lấy thịt. Về nhà cả tiếng sau nhớ ra quay lại chợ thấy gói thịt còn để sẵn đó chờ tôi quay lại. Mới đây tôi mua cua ở vùng ngoại ô gần nhà, mua xong trả tiền rồi về luôn, quên cả bịch cua ở đó. Lát sau nhớ ra quay xe lại thì thấy bà bán cua đang chạy xe đi ngược lại tìm tôi để giao giỏ cua tôi để quên. Tự nhiên bao nhiêu buồn bực trả treo lời lỗ đắt rẻ xưa nay tan biến hết.

 

Lại nhớ câu nói của người xưa: Muốn tìm hiểu đời sống ở đâu thì cứ hãy ra chợ.

 

Cho nên cho đến bây giờ, thú thật, tôi vẫn thích xách giỏ đi chợ quê hơn là đẩy cái xe mua hàng đi siêu thị. 

 

HUỲNH DŨNG NHÂN

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

CÁC TIN KHÁC
Vang tiếng gà gáy ở Xóm Cát
Thứ Tư, 01/02/2017 15:00 CH
Lũy đá cổ giữa biển xanh
Thứ Tư, 01/02/2017 14:00 CH
LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek