Chủ Nhật, 13/10/2024 05:15 SA
Con gà trong văn hóa người dân tộc thiểu số Phú Yên
Thứ Ba, 31/01/2017 15:00 CH

Với người dân tộc thiểu số ở Phú Yên, con gà mang nhiều giá trị văn hóa đặc trưng. Tiếng gà gáy xua đi màn đêm núi rừng. Theo những người già làng, trưởng bản, con vật này không thể thiếu trong các lễ cúng; huyết gà trống hòa với rượu có thể xua đi những điều xấu, mang lại những điều tốt lành cho năm mới.

 

Ảnh minh họa - Nguồn: Internet

 

Khi mặt trời chuẩn bị xuống núi, gia đình anh Ksor Y Bông (buôn Quen, xã Ea Bar, huyện Sông Hinh) quây quần để cùng nhau chứng kiến lễ cúng cho người con trai của anh là Ksor Gia Huy. Già làng Ma Piang được mời đến và trực tiếp làm thủ tục cúng. Một con gà, một chóe rượu cần được đặt giữa nhà sàn dài. Người được cúng ngồi đối diện già làng để nghe những lời khấn vái, gởi gắm và mang đến may mắn cho người được cúng...

 

Với các dân tộc ở vùng cao Phú Yên, bước vào tháng Chạp, các buôn làng đã rộn rã bước vào mùa lễ hội. Khi hạt thóc cuối cùng đã được đưa về kho thì tiếng cồng chiêng bắt đầu vang vọng khắp núi rừng, cả ngày lẫn đêm. Thời điểm ấy có 3 lễ lớn mà người vùng cao thường không thể bỏ qua là lễ mừng lúa mới, tết bến nước và tết đổ đầu.

 

Lễ cúng bến nước có ý nghĩa đặc biệt quan trọng với người dân tộc Ê Đê. Trong văn hóa của người dân tộc Ê Đê, vị thần canh giữ bến nước cũng chính là vị thần tối cao: Giàng. Lễ cúng bến nước mang ý nghĩa cầu trời cho mưa thuận gió hòa quanh năm để dân làng có nước uống, để thú nuôi có nước mà sống, để cây trồng có nước mà phát triển và để bệnh tật được đẩy lùi.

 

Theo già làng Ma Vi ở buôn Hai Krông, xã Ea Bia, huyện Sông Hinh, ông phải dậy rất sớm để chuẩn bị nghi lễ. Thanh niên trong làng sẽ tạo ra vũng nước rộng khoảng 1m bên con sông, con suối hay những vùng thượng nguồn con nước. Tùy vào đời sống của dân làng năm cũ mà vật lễ cho tết bến nước ít hay nhiều, nhưng không thể thiếu một con gà trống đẹp nhất trong buôn được chọn trước đó. Sau khi tập trung đông đủ ở nhà già làng, tất cả dân làng sẽ cùng nhau mang lễ vật ra bến nước.

 

Con gà trống được giết thịt để cúng Giàng, lông gà được buộc vào sợi chỉ trắng được làm từ cây bông gòn đẹp nhất, to nhất, tinh khiết nhất trong làng. Sau đó, người cúng sẽ giăng ngang sợi chỉ qua hai cây bên vũng nước, tượng trưng cho cánh cổng. Lông gà và sợi chỉ có ý nghĩa ngăn không cho những điều xấu đến với người dân trong làng trong năm. Còn huyết gà được hòa vào rượu trong một cái bát lớn. Già làng 2 tay bê bát huyết gà hòa rượu lên cao khỏi đầu khấn vái, cầu trời cho một năm buôn làng được an lành…

 

Sau khi khấn vái xong, già làng sẽ đổ bát rượu huyết xuống vũng nước và bắt đầu mở hội cho dân làng. Suốt cả ngày, không ai được đụng vào vũng nước ấy. Đến chiều, khi lễ hội sắp kết thúc, được lệnh của già làng, các thanh niên trong buôn xuống tát cạn vũng nước, để mạch ra nước mới, dân làng đã chuẩn bị một cái bát mang nguồn nước mới ấy về nhà dùng lấy may.

 

Cũng giống như vậy, trong lễ mừng lúa mới hay tết đổ đầu, huyết gà trống hòa rượu sau khi được chủ nhà khấn vái sẽ được rưới lên kho lúa để những “kẻ cắp” lúa như chuột, sâu bọ không mò tới, để năm sau lúa lại bội thu. Còn tết đổ đầu của người Chăm ở các huyện Đồng Xuân, Sơn Hòa thường diễn ra vào buổi sớm ngày đầu năm mới. Gia chủ sẽ lấy huyết con gà trống đẹp nhất trong nhà hòa với rượu rưới lên đầu của từng thành viên trong gia đình, đến từng con vật, cái cày, cái cuốc, đến cả những bậc thang, khung cửa… Đó là một nghi thức để tạ ơn mọi vật trong gia đình đã cho một năm no đủ, cầu mong cho gia đình một năm mới sức khỏe và ấm no. Chỉ sau khi được “đổ đầu”, những thành viên trong gia đình mới được ra khỏi nhà, chơi xuân.

 

“Với nhiều dân tộc thiểu số ở vùng cao như Ê Đê, Chăm, Ba Na… tiếng gà xua đi đêm tối, huyết gà trống hòa với rượu có thể xua đi những điều gì được cho là xấu, bệnh tật của năm cũ, mang lại những điều may mắn trong năm mới. Tôi cho đấy là một quan niệm nhân sinh trong đời sống văn hóa cửa người dân tộc thiểu số mà ta cần trân trọng”.

 

Nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Ka Sô Liễng (Phú Yên)

 

NHẬT HUY

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

CÁC TIN KHÁC
Lũy đá cổ giữa biển xanh
Thứ Tư, 01/02/2017 14:00 CH
Tết Phố nỗi nhớ quê
Thứ Ba, 31/01/2017 10:00 SA
Khi làng lên phố
Thứ Ba, 31/01/2017 09:00 SA
LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek