Chủ Nhật, 13/10/2024 09:27 SA
Theo vợ đi chợ tết
Thứ Năm, 26/01/2017 16:00 CH

Minh họa: TRẦN QUYẾT THẮNG

Hồi còn trẻ, tôi có một cái thú là theo vợ đi chợ. Nói thế, hẳn có người sẽ vặn vẹo, con nít theo mẹ đi chợ để đòi mua kẹo may ra còn có lý, lấy vợ rồi, theo vợ đi chợ làm gì nữa? Nhưng với tôi thì khác.

 

Thời bao cấp, kinh tế khó khăn, lâu lâu mới đi chợ một lần, chủ yếu là mua mắm muối, rau củ... dự trữ cho vài ngày. Cả tuần đi làm, chẳng có lúc nào xả hơi, chủ nhật rảnh rang, vợ rủ, vậy là xách giỏ đi liền. Người ta đi chợ là để mua bán, còn tôi đi chợ hoàn toàn không có cái chức năng quan trọng đó mà chủ yếu là xách giỏ để vợ rảnh tay chọn lựa, mặc cả. Tuy nhiên, ngoài nhiệm vụ xách giỏ ra, tôi còn có một cái thú khác khi theo vợ đi chợ là ngắm nhìn thiên hạ, nhất là vào những ngày lễ tết. Một thế giới thu nhỏ, đủ mọi thành phần, lứa tuổi, với những sắc thái tình cảm thể hiện trên nét mặt, trang phục, cử chỉ, lời nói… Đó là những trải nghiệm vô cùng thú vị không nơi nào có được, kể cả trong siêu thị và các cửa hàng bây giờ, nơi người ta cũng mua bán nhộn nhịp, nhưng cái công đoạn ấy diễn ra vô cùng đơn điệu và tẻ nhạt: xem giá xong, lấy hàng bỏ vào xe đẩy, rồi ra quầy tính tiền. Dẫu có chú tâm quan sát, bạn cũng chẳng cảm nhận được điều gì thú vị trong những thao tác máy móc và nhàm chán đó, kể cả từ phía người mua lẫn người bán. Thậm chí người ta cũng chẳng thèm nói với nhau một câu, người mua chỉ nhìn vào bảng điện tử trên máy tính tiền rồi móc tiền ra trả, xách hàng về, còn người bán chỉ kiểm lại tiền rồi bỏ vào ngăn, thế là xong.

 

Nhưng ngoài chợ hồi ấy thì khác hẳn. Chỉ cần mua bán vài trái ớt hay trái chanh thôi, hai bên cũng phải trao đổi với nhau dăm câu ba sợi và không chỉ là những ngôn từ mang tính thương mại: “Chục chanh bao nhiêu, em? - Năm ngàn, chị. - Hai ngàn được không? - Dạ, không. - Ba ngàn nhen? - Rẻ quá chị, chanh nhà trồng mà, không xịt thuốc trừ sâu đâu, nhiều nước lắm. - Chớ nhà em ở đâu mà nói chanh nhà? - Dạ, Hòa An ạ. - Dẩy na, quê chị cũng ở đó, vậy em có biết nhà ông Hai Hèo không? - Dạ biết, nhà ổng ở đầu xóm. - Ông ngoại chị đó. - Dẩy na? Thôi chị lấy đi, hàng xóm mà. - Vậy thiệt cho em quá, thôi chị đưa bốn ngàn”. Những câu mặc cả ngắn gọn và dân dã nhưng đầy ắp hương vị của đời sống thường nhật, thấm đẫm tình người luôn vang lên khắp chợ...

 

Những người đàn ông đã có gia đình như tôi rất ít khi đi chợ một mình, thảng hoặc bắt gặp vài người - chắc vợ bệnh hay có công chuyện gì đó - thì dáng vẻ vội vã, hớt hải, đi thẳng đến dãy hàng cần mua, rồi thập thò bên quầy hàng có người bán xinh gái nhất, đứng ngó nghiêng giây lát chờ mọi người mặc cả xong là nhảy vào mua theo. Viết đến đây, tôi chợt nhớ đến một câu về cảnh chợ quê trong tiểu thuyết “Cuộc chiến đi qua” của Ibragimov: “Khách hàng giàu có không nhìn vào giá cả mà nhìn vào sự hấp dẫn của người bán hàng”. Tôi muốn bổ sung: “Khách hàng đàn ông cũng không nhìn vào giá cả mà…”. Mặc dù vậy, qua kinh nghiệm bản thân, tôi ít khi bị mua đắt lắm, phụ nữ hầu hết đều nhân hậu, thấy đàn ông lớ ngớ đi chợ là rủ lòng thương, chẳng bao giờ bán đắt. Những người đàn ông đi chợ thực sự thường mua xong là sải ngay, chẳng có thời gian và tâm trí đâu để ngắm nhìn thiên hạ, chỉ có những kẻ “vô công rồi nghề” theo vợ đi chợ như tôi mới để tâm tới chuyện đó.

 

Có thể nói, chợ là nơi tập trung đầy đủ nhất các thành phần đặc trưng cho vùng đất trong mối quan hệ sơ khai và phổ biến nhất là mua bán. Người bán, chủ yếu là phụ nữ, không giới hạn tuổi tác. Đó, như cô bé bán chanh ớt, học sinh cấp hai, tranh thủ buổi sáng không đi học, bán ào ào cho xong mấy thứ nhà trồng rồi lấy tiền nộp học phí hay các khoản phí khác của trường. Ngoài chợ cũng không ít bà lão bày ra bó rau, mớ tôm, mớ cá mang từ nhà đến. Việc mua bán với những người này thường diễn ra khá nhanh vì người mua cũng thích mua “tận gốc”, còn người bán cũng ít nói thách. Lực lượng đông đảo nhất là chị em phụ nữ tuổi sồn sồn, một số là dân nghiệp dư chỉ bán hàng của gia đình sản xuất, số khác là dân chuyên nghiệp mua đi bán lại từ “thượng vàng” đến “hạ cám”, có quầy hàng riêng. Người đời thường hay quở “đồ hàng cá, hàng tôm” để chỉ những người phụ nữ đanh đá, chua ngoa, nhưng nhiều lần theo vợ đi chợ mua tôm cá, tôi thấy các chị “hàng tôm hàng cá” người nào cũng dịu dàng, đon đả, với những câu chào mời nhã nhặn và đầy sức cám dỗ. Hầu hết chị em đều là những người mau mắn, xởi lởi, ngoại hình bắt mắt và rất có thiện cảm. Trong số những người bán hầu như vắng bóng đàn ông, có chăng chỉ sáng sớm và chiều tối ra chợ giúp vợ dọn hàng. Nhưng người mua thì đa dạng hơn nhiều.

 

Buổi sáng và buổi trưa, người mua đông đảo nhất là chị em phụ nữ thuộc tầng lớp bình dân, họ tranh thủ tạt vào chợ mua chút thực phẩm cho bữa ăn trong ngày. Dáng vẻ tất bật, vội vã, áo quần giản dị nếu là dân lao động chân tay, còn công chức, viên chức thì trang phục công sở, thậm chí tôi còn thấy có chút phấn hồng trên má, son đỏ trên môi. Ấy là ngày thường, còn vào chủ nhật, lễ tết thì bức tranh rực rỡ sắc màu hơn nhiều, chẳng khác gì tranh theo trường phái Ấn tượng. Vào những ngày đó, người ta đi chợ không chỉ để mua bán mà còn là dịp để dạo chơi và thể hiện bản thân. Chẳng phải ngẫu nhiên mà nhà văn Ibragimov đã nhận xét: “Trong chợ, ai cũng muốn khoe bản thân mình và ngắm nhìn người khác”. Quả là chí lý, bởi vậy mà mỗi khi theo vợ đi chợ, tôi cũng áo bỏ trong thùng đàng hoàng, giày dép nghiêm chỉnh, đi vào khu bán thịt cá, bùn nước lép nhép đành phải xắn quần lên. Và nhiều người cũng như tôi, kể cả đàn ông và đàn bà, tất cả đều tươi tắn, xinh đẹp và vui vẻ. Thế nên, dẫu có phải cố bám theo vợ để không bị lạc, tôi vẫn tận dụng mọi cơ hội để ngắm nhìn mọi người, nhất là phụ nữ. Có thể chính vì vậy mà từ ngàn xưa, các cụ đã dạy: “Trai khôn chọn vợ chợ đông…”. Ai không nghe theo là dại.

 

Nhà văn ĐÀO MINH HIỆP

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek