Thứ Bảy, 28/12/2024 15:58 CH
Tết Phố nỗi nhớ quê
Thứ Ba, 31/01/2017 10:00 SA

Nấu bánh chưng tết ở một làng quê - Ảnh: LÊ MINH

Con người có ý thức, luôn tiềm ẩn hồi ức theo thời gian. Ta hay nghe người lớn nhắc “Ôn cố tri tân”. Phải chăng đó là cách nói nhằm lưu giữ những gì thuộc về ngày xưa như là kỷ niệm với sự trân trọng quá khứ. Cứ như thế, trong ta ngầm so sánh Tết xưa, Tết nay, Tết quê, Tết phố…!

 

Nắng xuân đã trải vàng khắp nẻo, lại miên man nhớ Tết những năm nào.

 

Nhiều người anh em sinh ra từ làng, nhưng vì mưu sinh bỗng trở thành dân phố thị. Định cư ở khu phố mới, trước lạ sau quen bởi xuất thân đều là “dân gốc rạ”. Mờ sáng 25-26 tháng Chạp chẳng ai bảo ai, song dường như có cùng suy nghĩ: con đường, góc phố này phải sạch, đẹp… như đường làng quê thanh tân, một thuở đón xuân. Những nhát xẻng, cuốc; tiếng chổi xương vang vang góc phố chợt vọng lại thanh âm của làng quê thân thuộc. Hình ảnh bụi tre già, đường cỏ mượt, hàng rào dâm bụt… nẻo quê ngày nào giờ đây chỉ còn là nỗi nhớ mênh mang quyện trong mùi khói nồng, bảng lảng trong làn gió nhẹ. Tết nơi phố thị làm kẻ quê quay quắt nhớ dĩ vãng chưa xa, nhưng khó lặp lại khi nhịp thời gian dần tiến về phía trước. Làm sao biết đó là nỗi nhớ về những ngày chưa phải âu lo hay tiếc nuối của một thời thơ trẻ? Chỉ biết rằng, con đường sạch tinh tươm, thẳng tắp phía trước những lô nhà phố luôn thoáng trong trí nhớ của những người nặng lòng với quê từ thuở ấu thơ sự yên ả, thanh bình của những con đường làng xanh bóng lá…

 

Gần đến tết, chợt nhớ lạ lùng câu hát ngày xưa của mẹ: “Cu kêu ba tiếng cu kêu. Cho mau tới tết dựng nêu ăn chè”. Tết mà sao dựng nêu ăn chè? Sau này khi lớn lên tìm hiểu, thì mới biết. Ở làng quê trước đây, ngày 23 tháng Chạp là ngày cúng đưa Ông Táo về trời cũng là ngày dựng cây nêu. Nêu là một cây tre cao, thẳng, trên ngọn chừa lại mấy cành lá, có treo một lá “bùa” chữ Nho… Theo quan niệm, dựng nêu là để trừ “tà ma quỷ”, ngăn chặn những điều xấu xa và mong những điều tốt đẹp. Tết phố, chợt nhớ về cây nêu! Chẳng biết việc trừ tà ma là có thật hay không, nhưng niềm vui của bầy trẻ nhỏ khi thấy cây nêu được dựng lên trước nhà là có thật. Tết sắp đến rồi, chắc là sẽ vui như tết.

 

Nhiều khi chợt nghĩ, tết ở phố là tết của người lớn, tết ở quê là tết của trẻ nhỏ, tết của niềm vui trẻ nhỏ. Bây giờ cuộc sống sung túc hơn, thời gian bận rộn hơn, ở phố cúng Tất niên như một thủ tục nội bộ, trước cúng gia tiên, sau là bữa cơm trưa hoặc chiều thịnh soạn. Để vui và gắn bó với nhau, hai ba mươi nhà ở hai bên đường phố cùng tổ chức tiệc tất niên trên tinh thần hợp tác. Người lớn và trẻ con cùng bình đẳng bên những mâm cỗ được chuẩn bị công phu, đầy đủ vui cùng dàn nhạc di động. Niềm vui tất niên phố thị không dây dưa, kéo dài và lan tỏa ở như làng quê năm nào.

 

Nhớ những năm xưa, tết nghèo nhưng vui như hội. Đám trẻ chờ đợi những khoảnh khắc như vậy đã lâu. Vào những ngày 29-30 tháng Chạp, làng trên xóm dưới rộn ràng tiếng heo kêu la. “Làm heo ăn tết” - thông điệp này được chuyền nhau từ đứa này đến đứa khác, rồi chờ đợi. Nhiều nhà cùng hùn làm heo để có thịt ăn tết. Người lớn tất bật, trẻ nhỏ rộn ràng…

 

Chỉ có một cái bong bóng heo nhưng mười mấy đứa nhỏ tung tăng chờ đợi giành phần, trên tay lăm le ống đu đủ để giành được bong bóng là thổi ngay, dùng làm bóng để đá. Niềm vui ngày tết cũng vơi đi theo chiếc bong bóng xì hơi sau ba ngày tết. Tất cả chỉ còn là nỗi nhớ và kỷ niệm. Bây giờ, tiếng heo kêu và chiếc bong bóng heo… không là gì với lũ trẻ nơi góc phố vì những bữa cơm hàng ngày đã đầy ắp cá thịt và những quả bóng nhựa, bóng da thời công nghệ nhà nào cũng có.

 

Chợt nhớ một vài chi tiết vu vơ của Tết quê, Tết phố và chợt nghĩ rằng: phàm là cái gì đã trôi qua không bao giờ níu giữ lại được, chỉ còn lại là sự nhớ nhung về nó mà thôi. Tết cũng vậy! Với sự đầy đủ của cuộc sống trong những căn nhà cao tầng sang trọng hôm nay, những người anh em vẫn không nhớ về cái tết đạm bạc nơi nhà tranh, vách đất của làng quê với nỗi niềm day dứt.

 

Ước gì bên bàn tiệc hôm nay, trong căn nhà này, ta đang nói cười và âu yếm nhìn cha, mẹ mình với lòng biết ơn và kính trọng. “Ly bia này, con mời cha!”, “Món ngon này, mẹ ăn đi kẻo nguội!”. Ta luôn ước mong như vậy, song đó là không thể. Nỗi nhớ về căn nhà nơi thôn dã, cái tết đã xa bên mẹ cha một thời đong đầy hoài niệm cứ thế dài thêm tiếc nhớ!

 

TS ĐINH LĂNG

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek