Chủ Nhật, 13/10/2024 11:16 SA
Độc đáo Nhà Làng
Thứ Năm, 26/01/2017 08:00 SA

Một góc Nhà Làng ở thôn Bàn Nham Bắc, xã Hòa Xuân Tây, huyện Đông Hòa - Ảnh: HOÀNG HÀ

Trải qua hàng trăm năm thăng trầm của lịch sử, ngôi Nhà Làng ở thôn Bàn Nham, xã Hòa Xuân (huyện Tuy Hòa cũ), nay là thôn Bàn Nham Bắc, xã Hòa Xuân Tây (huyện Đông Hòa) vẫn được người dân nơi đây bảo tồn lưu giữ. Đây là Nhà Làng duy nhất còn lại ở Phú Yên.

 

Nhà Làng xưa

 

Trong cái nắng ấm dịu chớm xuân, chúng tôi đồng hành với lãnh đạo UBND xã Hòa Xuân Tây (huyện Đông Hòa), về thôn ban Nham Bắc để “mục sở thị” Nhà Làng. Ngôi nhà uy nghiêm này nằm ẩn mình sâu trong khu dân cư, giữa khoảnh đất sạch cùng với những cây xanh, tạo nên một khung cảnh yên ả ở làng quê.

 

Cụ Nguyễn Triết (90 tuổi) là một trong số ít người nắm rõ về nguồn gốc Nhà Làng. Là người nặng tai, đi lại chậm chạp nhưng khi chúng tôi vừa nói, vừa ra dấu ký hiệu muốn tìm hiểu về Nhà Làng, cụ Triết vui vẻ và hào hứng cho biết: Nhà Làng có từ thời lập làng Bàn Nham cách đây khoảng 200 năm, lúc đầu Nhà Làng xây dựng kiểu mái lợp bằng tranh, vách trét đất sét, dân hay gọi là “Nhà Âm” với diện tích khoảng 24m2 (6x4m). Dân làng làm nhà này với mục đích thờ Thành Hoàng bổn thổ (cuộc đất) Bàn Nham và làm nơi hội họp dân chúng khi làng có việc. Một thời Nhà Làng còn làm lớp học “Bình dân học vụ”. Vào thời kỳ kháng chiến (1945-1954), Nhà Làng được phá dỡ để thực hiện chủ trương tiêu thổ kháng chiến. Đến năm 1957, Nhà Làng được dân đóng góp tiền của xây dựng lại ngay trên nền nhà cũ, tường nhà xây bằng gạch, mái lợp bằng ngói âm dương. Trải qua những năm tháng chiến tranh, Nhà Làng xuống cấp hư hỏng nặng. Đến năm 2003, bà con trong làng lại góp tiền xây dựng lại Nhà Làng rộng hơn với diện tích 96m2 (8x12m), tường gạch, mái ngói, nền lát gạch hoa.

 

Chúng tôi quan sát kỹ Nhà Làng được thiết kế một gian dài, khác lạ là lấy vách xông (đầu hồi) mở cửa chính, một hành lan nhỏ (thềm), trước khoảng sân có xây Thủ kỳ (còn gọi là nhà ngõ, để thờ Thổ Thần). Trên mái xông (đầu hồi) có biểu tượng “Lưỡng long chầu nhật” và phù điêu chữ Vạn được cách điệu hình tròn thể hiện an lạc và no đủ…, tạo nên nét cổ kính và linh thiêng của Nhà Làng.

 

Bên trong ngôi nhà, bàn thờ Thành Hoàng được đặt ở giữa, bên dưới là thờ các người có công xây dựng làng, hai bên có 2 bàn thờ Tả ban và Hữu ban, ngoài ra các vật dụng phục vụ tang chế (trống, cờ, chiêng…) được cất giữ tại đây và những vật dụng phục vụ cho Nhà Làng vào những dịp cúng kính được sắp xếp ngăn nắp và bảo quản sạch sẽ.

 

Cụ Triết cho hay: Nhà Làng thường xuyên thờ cúng các vị Thành Hoàng mở đất Lương Văn Chánh, Tiền hiền họ Lê, Hậu hiền họ Nguyễn và những người có công với làng. Hiện nay, ông Nguyễn Đình Văn là hậu duệ đời thứ 13 của họ Nguyễn còn lưu giữ gia phả. Còn cụ bà Lý Thị Kim Anh (83 tuổi), hiện là người trông giữ Nhà Làng, cho biết: “Mùng 1, ngày rằm hàng tháng đều cúng hoa quả, riêng những rằm tháng Giêng, tháng tư, tháng 10 cúng cơm chay. Đặc biệt, vào rằm tháng bảy tổ chức cúng chay cầu an rất lớn tại Nhà Làng. Chính quyền địa phương và bà con trong thôn hỗ trợ, góp kinh phí để cúng ở Nhà Làng”. Theo anh Đoàn Đức Hùng, Bí thư Chi bộ kiêm Trưởng thôn Bàn Nham Bắc, tính tự nguyện của người dân trong thôn rất cao, hễ rảnh rỗi là mọi người tới phụ giúp cụ bà Kim Anh quét dọn vệ sinh Nhà Làng.

 

 

Cụ Nguyễn Triết (bìa trái) trò chuyện với lãnh đạo địa phương về việc bảo tồn Nhà Làng - Ảnh: HOÀNG HÀ

 

 

Bảo tồn

 

Qua trao đổi, ông Ngô Viết Hải, Trưởng Phòng Văn hóa - Thông tin huyện Đông Hòa, khẳng định: Nhà Làng thôn Bàn Nham Bắc là ngôi nhà duy nhất còn lại trên địa bàn tỉnh; đây là di sản văn hóa phi vật thể của địa phương, chúng tôi sẽ có kế hoạch bảo tồn.

 

Được biết, mỗi địa phương đều có đình làng, miễu thờ…, nhưng mô hình Nhà Làng thì không có, nếu có cũng không còn tồn tại đến ngày nay. Ngôi Nhà Làng ở thôn Bàn Nham Bắc hiện nay không những có giá trị về thời gian hàng trăm năm trước mà còn ẩn chứa sâu sắc những giá trị văn hóa phi vật thể.

 

Cùng chúng tôi đi tham quan Nhà Làng, ông Đặng Ngọc Anh, Chủ tịch UBND xã Hòa Xuân Tây, chia sẻ: Địa phương cương quyết không cắt xén mảnh đất Nhà Làng để cấp cho dân xây nhà ở. Ngôi nhà này là tài sản vô giá, mang tính văn hóa tâm linh rất cao, vì thế, lâu nay chúng tôi vẫn luôn động viên cho thế hệ trẻ phải gìn giữ ngôi nhà.

 

Hồn cốt nét xưa Nhà Làng được vun đắp từ bao đời. Vì thế, ông Triết, bà Anh và tất cả người dân thôn Bàn Nham Bắc quyết tâm lưu giữ nét xưa căn nhà này trong nhịp sống hiện đại.

 

HOÀNG HÀ

 

 

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

CÁC TIN KHÁC
Tết Phố nỗi nhớ quê
Thứ Ba, 31/01/2017 10:00 SA
Khi làng lên phố
Thứ Ba, 31/01/2017 09:00 SA
Những con đường hoa từ phố đến làng
Thứ Ba, 31/01/2017 07:00 SA
LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek