Thứ Bảy, 05/10/2024 16:22 CH
Nguyễn Hàng Tình - nhà báo đường rừng…
Thứ Bảy, 22/06/2013 15:00 CH

Đọc tác phẩm của nhau lâu rồi nhưng tôi hơi bất ngờ khi tên anh “hot” với thể loại bút ký. Chất văn bay bổng nhưng vẫn “sát sàn sạt” cuộc đời này, với những hiện thực ngỡ ngàng của thân phận con người, trực diện những vấn đề khuất lấp của thế sự…

Hang-Tinh130622.jpg

Nhà báo Nguyễn Hàng Tình đang săn ảnh tại Cảng cá Tuy Hòa - Ảnh: Đ.TUẤN

1 Tên cúng cơm của anh là Nguyễn Hoàng Tình. Thế nhưng chẳng biết lý do gì mà từ khi làm báo, chữ “o” đã mất đứt, thành Hàng Tình. Hình như bớt được chữ “o”, đời anh biết bao là thăng hoa nhưng cứ thế mà hun hút… Thiệt lòng, tôi không quan tâm lắm đến lý do lấy bút danh của bạn nghề. Bởi đôi khi lý do rất “trời ơi đất hỡi”. Với anh, tôi chẳng hỏi, chỉ ngờ ngợ hình như mấy lần đọc bài của anh, tay biên tập, mo-rát nào đó “ngứa tay” ngắt chữ “o” vì thấy cái tên “Đầu Hàng Tình Yêu” cũng hay hay, anh cũng thấy hay hay! Tôi cũng ngờ là anh thất tình một em Đà Lạt nào đó thuở hàn vi, ức quá nên cắt vứt cái “o” ra khỏi đời mình…

Tôi biết anh từ thuở sinh viên, nghe đâu bên Đắk Lắk sang Đà Lạt học Văn khoa. Từ giảng đường xứ mù sương và nghề chụp ảnh bên bờ hồ Xuân Hương, anh bén duyên với nghề báo lúc nào chả rõ. Hồi đầu thập kỷ 90 của thế kỷ trước, ở Trường đại học Đà Lạt, sinh viên mà kè kè cái máy ảnh “câu cơm” là oách lắm. Học xong, anh chẳng những lấy xứ này làm quê ở mà còn được mệnh danh là “Người tình Đà Lạt”.

Cứ một chữ “Đà Lạt” mà anh đào anh bới, trở thành nhà báo được nhiều người yêu mến lúc nào chẳng hay. Trong làng báo “cắm” Tây Nguyên, Nguyễn Hàng Tình là cây bút nổi trội với lối viết sắc nét, dấn thân đến cùng, thế rồi bỗng lắng lại ở những bút ký, tùy bút bay bổng, miên man đến nao lòng. 20 năm ăn lương từ Báo Lâm Đồng đến Báo Tuổi Trẻ TP Hồ Chí Minh, anh viết khỏe quá, bài vở cứ tràn ra nhiều tờ báo khác. Ấn tượng lớn nhất trong lòng bạn đọc về những trang viết của anh chính là một “người tình Đà Lạt”, “Kẻ bảo vệ cao nguyên”…

Thử gõ tên anh vào google, hàng triệu kết quả sẽ hiện ra. Kết tinh những tháng ngày dấn thân cho niềm đam mê ghi chép những thương yêu, phi lý cuộc đời. Những ký sự: Đà Lạt đang tự “băm vằm” mình?, Nước mắt lâm tặc, Khi Đà Lạt đốt hoa… đã làm không ít kẻ khó chịu, bởi anh viết thật, không ngại va chạm. 20 năm làm báo, anh đã có hàng ngàn tin bài chất lượng cao của một cây bút lớn. Một mẩu tin tưởng chừng “không phải là tin” của anh vẫn được chạy trang nhất, để lại ấn tượng cho người ta nhớ. Ví như kiểu làm tin Đà Lạt: Thêm một cây thông bị khai tử… đã làm không ít người bất ngờ thú vị, giật mình và khó quên.

Một đồng nghiệp đã viết về Nguyễn Hàng Tình “Không ai có một tình yêu với thông khủng khiếp và cháy bỏng như gã. Một cành thông rơi gãy cũng có thể khiến gã mất ăn mất ngủ. Một cây thông bị đốn hạ cũng làm đau đớn gã như chính phần thân thể của mình bị cắt bỏ. Có lẽ vì thế mà suốt ngày gã vẫn đi rình rập những kẻ sát hại thông để lên tiếng trên báo, để hậm hực và để nuối tiếc. Vậy thôi!... Rõ ràng, thông đã thuộc về Đà Lạt một cách hiển nhiên cũng như Nguyễn Hàng Tình, MPK… luôn thuộc về vùng đất này, không thể dứt đi đâu được cả”.

Rồi độc giả cảm nhận biết bao yêu thương, day dứt khi anh viết Tiếng ghita bên rừng thông, Những ngày sương nhạt, Đưa Đà Lạt đi xa, Di sản nỗi buồn, Hành trình cà phê Việt, Đắk Nông còn nhớ không?, Bờ biển mênh mang…

Bút ký, ký sự của Nguyễn Hàng Tình không bao giờ “lông nhông hoa bướm” mà lăn xả vào những vấn đề gai góc nhất của thời cuộc. Anh không viết văn song chất nhà văn cứ trào ra trang viết. Tôi không muốn bình chi tiết về phong cách bút ký Nguyễn Hàng Tình; ai quan tâm thì mời tìm đọc trên mạng hoặc những tờ như Thời báo Kinh tế Sài Gòn, Tuổi Trẻ, Pháp Luật TP Hồ Chí Minh… Hôm gặp nhau ở Đà Lạt, có đứa bạn đưa bản thảo mấy bài thơ anh, tôi nghe đâu đây nhiều nét cô đơn...

2 Hàng Tình ít nói, nhất là nói về mình, về chuyên môn công việc. Thế nhưng khi nhắc đến bút ký, anh bỗng “lồng lên” và tôi đã có cuộc phỏng vấn gã (có ghi âm nghiêm túc):

- Vì sao “ông” “chết” với bút ký?

- Tôi làm thể loại này vì thấy nó sống nhất, được tham dự trực tiếp vào nhịp đời. Đó cũng là mảnh đất tôi thấy mình sáng tạo nhất, thăng hoa và hoang vu nhất. Bởi tôi yêu dân tộc này, cuộc sống này…

- ….

- Những người làm tiểu thuyết thì thao tác như những nhà khoa học; giải Nobel chỉ trao cho những người làm tiểu thuyết chứ không phải là người nghiên cứu văn học. Còn người làm báo như tôi thì phải đi ghi chép những chuyện hằng ngày, lịch sử trong ngày. Riêng bút ký thì đi xuyên qua những cái đó, nó có hơi thở không gian của đời sống - báo chí, của thời cuộc, của sáng tạo.

- ….

- Thật ra, nhà văn là những nhà khoa học hoạt động trên lĩnh vực tư duy hình ảnh, trừu tượng. Và chắc chắn những người làm bút ký luôn có sự khát khao bay bổng, nhưng không bao giờ muốn xa rời cuộc sống hằng ngày mà bám chặt.

- Những cây bút ký mà “ông” ấn tượng?

- Tôi đọc nhiều người viết bút ký, cả trong nước và nước ngoài. Nhiều người rất tài hoa. Tôi chỉ thích bút ký về con người.

- “Trường phái” bút ký Nguyễn Hàng Tình?

- Tôi không nhận thuộc trường phái nào. Tôi thích cuộc lang thang ngút ngàn của mình… Đặc tính của tôi là mê đắm sự hoang vu, tôi đi vào cuộc sống nhưng tôi không thuộc về cuộc sống đó. Trong lúc đi chơi qua cuộc đời, tôi ghi lại điều đã thấy, không có ý thức của sự chủ đích: rằng phải có một tác phẩm ký, thuộc trường phái thể loại nào. Chỉ vui vì được ghi lại cảm xúc, được chơi như thế này…

Hang-Tinh-1130622.jpg

Hàng Tình trong căn nhà trọ ở khu Chi Lăng (Đà Lạt) - Ảnh: Đ.TUẤN

3 Vậy là anh vừa dứt áo Tuổi Trẻ TP Hồ Chí Minh, tờ báo thuộc loại “cộm cán” ở xứ mình. Từ nay, tên anh chỉ còn là… Nguyễn Hàng Tình. Vậy là Hàng Tình đã thành “cây bút cảm hứng” theo đúng sở thích của anh (chính xác hơn, tôi gọi anh là cây bút hoang vu). Không có lý do gì cụ thể, anh chỉ nhớ những kỷ niệm của thời sung mãn gắn với một tập thể. Mọi tin yêu vẫn còn đó. Tôi ngờ rằng vì cái “không gian bút ký” này mà anh phải… tự do.

Trái với vẻ “bụi bặm”, tôi bất ngờ khi căn hộ anh thuê trọ ở khu Chi Lăng (Đà Lạt) lại hết sức ngăn nắp từ phòng khách, phòng làm việc, ngủ đến phòng ăn… Nhiều nhất trong nhà anh là sách. Sau một ngày lang thang quán, khuya về uống thứ trà hảo hạng trong nhà anh, tôi chợt hiểu vì sao đến lúc này anh vẫn “hàng tình”. Anh cô đơn nhưng không cô độc, bởi ngoài niềm mê đi và viết, anh vẫn còn đó tình yêu với sách, với nhạc và… Đà Lạt. Nhiều người biết: không phải ai cũng dễ dàng được anh mời về nhà, dẫu là nhà trọ của anh độc thân…

Tôi biết, anh không bao giờ làm dáng, từ thuở sinh viên anh đã sống như thế và mỗi ngày càng… hơn thế. Tôi cảm nhận ở anh cái khí chất của người Quảng Nam lang bạt, tài hoa pha lẫn một lối đi, một cốt cách kiên trì tự thân, dẫu có bị dòng đời xô đẩy về đâu. Ví như, khi làm “quân” thường trú, trong nhiều dịp lễ lạt, anh đã từng trả lại quà cáp (đôi khi cả phong bì “bự”), chỉ nhận thiệp chúc mừng. Kể cả bạn bè, ai mà tỏ ra quan cách một chút là anh “không rỗi” để gặp gỡ…

Vừa rồi, ngồi với anh trong một quán cóc bên đường Hùng Vương - Đà Lạt thì Trần Nhã Thụy từ Sài Gòn điện đòi bản thảo tập Bút ký Nguyễn Hàng Tình. Việc này, anh em định đã lâu nhưng anh có vẻ ít mặn mà. Chả lẽ anh em lại lên mạng “gom” bản thảo giúp, e khi sách in ra mà anh không bằng lòng… Bởi anh đã từng từ chối báo chủ quản khi được đề nghị in tập bút ký ký sự riêng, nhân một sự kiện nào đó. Tôi và Thụy nhất thống: sách của anh sẽ do một đơn vị xuất bản lo trọn gói, bởi họ thấy được “thương hiệu” Nguyễn Hàng Tình, anh chỉ mỗi việc “meo” bản thảo. Bị chúng tôi truy buộc quá, anh hứa qua loa “sẽ xem lại”.

Giờ này, anh vẫn còn hoang vu đâu đó…

ĐÀO ĐỨC TUẤN

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

CÁC TIN KHÁC
LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek