Chủ Nhật, 24/11/2024 15:50 CH
Cô gái tật nguyền vượt lên số phận
Thứ Bảy, 08/06/2013 08:59 SA

Bị bại liệt từ nhỏ, nhưng với khát vọng được làm một người có ích giữa cuộc đời đã hun đúc nên trong cái sinh linh tật nguyền ấy một nghị lực phi thường để chiến thắng số phận. Bằng những hành động cụ thể, cô gái ấy không chỉ giúp mình mà còn giúp nhiều người đồng cảnh ngộ và làm được những điều mà ngay cả người lành lặn cũng ước mơ.

 

Thao-Van130608.jpg

Thảo Vân tại lễ trao giải Tầm nhìn phụ nữ

CHIẾN THẮNG BẤT HẠNH

 

Cô gái đó là Nguyễn Thảo Vân, em gái Hiệp sĩ công nghệ thông tin Nguyễn Công Hùng. Tôi gặp khi cô vừa trở về sau chuyến đi Đà Nẵng, nơi cô có bài tham luận “Doanh nghiệp xã hội và những cơ hội mưu sinh cho những đối tượng yếu thế” tại Hội thảo “Trách nhiệm của doanh nghiệp xã hội và việc triển khai Luật Người khuyết tật” do Thường trực ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội chủ trì. 26 tuổi, nặng 26kg, đôi chân bại liệt và khối u làm còng cái lưng gầy nhỏ, Thảo Vân vẫn yêu đời, miệng luôn cười và nói tiếng Anh khá chuẩn.

 

Sinh ra trong một gia đình thuần nông tại một vùng quê nghèo của tỉnh Nghệ An, cũng giống như anh trai Công Hùng, đôi chân Thảo Vân bị bại liệt, co rút từ lúc sinh ra. Lên 6 tuổi, Vân nài nỉ bố mẹ cho đi học. Trên chiếc xe lăn mẹ đẩy đến lớp, ngồi học cùng các bạn bình thường, không ít lần Vân trở thành tâm điểm của những trò đùa tinh quái. Thông minh, ham học nhưng đi học với Vân cũng là nỗi ám ảnh, cực hình. Thương con, bố mẹ Vân xin cho em vào học cùng lớp với các bạn bị khuyết tật, mà chủ yếu là bệnh thần kinh. Tại đây, trong tâm hồn thơ bé, Vân đã chợt nhận ra mình không phải là người bất hạnh nhất trên đời. Cùng với lời ba khuyên rằng nếu con thích học, hãy vượt lên tất cả để theo đuổi nó. Tật nguyền thì đã sao, điều quan trọng là biết đối mặt thế nào với hoàn cảnh. Vượt qua mọi trở ngại, hồi học lớp 9 Vân đoạt giải nhất cờ vua, lớp 10 giải nhất cờ tướng khối THPT của tỉnh. Năm 2003, là học sinh giỏi môn Anh văn của Trường THPT Dân lập Nghi Lộc (Nghệ An). Bước ngoặt lớn nhất của cuộc đời là từ khi ngón tay Vân chạm vào bàn phím chiếc máy vi tính của anh trai. Tốt nghiệp THPT và sau một thời gian vừa học và dạy tin học miễn phí cho các em khuyết tật, các học sinh nghèo tại cơ sở tin học nhân đạo do anh trai làm giám đốc, Thảo Vân ra Hà Nội theo học một khóa công nghệ thông tin hai năm. Đến Hà Nội cùng cô bạn khuyết tật khác, Vân bắt đầu cuộc sống tự lập mới mẻ và đầy thách thức bằng những ngày tháng dài hết sức khó khăn về đời sống vật chất, tinh thần. Bữa ăn hàng năm trời của Vân là rau muống và lạc rang. Tháng 11/2007, Vân dự thi và trúng tuyển vào vị trí nhân viên đồ họa của Công ty Esoftflow - chuyên cung cấp những sản phẩm đồ họa cho các công ty bất động sản quốc tế với một mức lương đáng mơ ước. Mặc dù là người khiếm khuyết về hình thể nhưng Vân thực sự làm cho các đồng nghiệp ngạc nhiên về sự chủ động hòa nhập cộng đồng, về tinh thần, thái độ của cô đối với công việc.

 

“NGHỊ LỰC SỐNG” - NƠI THẮP LÊN NIỀM TIN

 

Làm việc chăm chỉ và hăng say, có một công việc tạm coi là ổn định nhưng cô vẫn tham gia hoạt động từ thiện, chia sẻ với các bạn khuyết tật khác trên website http://www.nghilucsong.net do cô và anh trai Công Hùng xây dựng từ tháng 3/2006. Thời gian cho những người bạn khuyết tật dường như không bao giờ đủ với Vân. Hơn ai hết, cô hiểu rõ những người bạn khuyết tật không chỉ cần một nghề để làm mà còn cần những điều quan trọng khác như kỹ năng, kinh nghiệm sống để có thể hòa nhập. Từ suy nghĩ ấy cô đã trở thành một tư vấn đồng cảnh giúp cho hàng trăm người có thêm niềm tin yêu cuộc sống từ lúc nào chẳng hay. Phối hợp với anh trai mình và một số bạn bè cùng là người khuyết tật từ Nghệ An ra Hà Nội, năm 2008, cô thành lập doanh nghiệp xã hội mang tên Nghị lực sống, trong đó cô đảm nhiệm vai trò tư vấn và đào tạo ở Trung tâm Nghị lực sống với mục đích tập trung đưa người khuyết tật hòa nhập xã hội, kích thích niềm ham thích học tập để tìm được việc làm nuôi sống bản thân và khẳng định mình là người có ích. Trong hoàn cảnh đó, Vân đã có một quyết định thật khó khăn và dứt khoát, xin nghỉ việc ở công ty để thực hiện trọng trách mà không có lương.

 

Vân bảo, con người ta có thể phải sống một cuộc đời khuyết tật nhưng không phải là chỉ im lặng tồn tại trong nỗi đau. Họ có quyền được sống như bao con người bình thường khác. Cái khó nhất của người khuyết tật là vượt lên chính mình. Hiểu được những việc Vân làm, xung quanh cô có một đội ngũ tình nguyện viên đông đảo từ các trường đại học và nhiều doanh nghiệp, công ty ở Hà Nội cộng tác với Nghị lực sống để liên kết đào tạo và giải quyết việc làm như: Công ty TNHH phần mềm Nhân Hòa, Tập đoàn Tâm Việt, Tập đoàn FPT… Tuy vậy, trong mỗi cuộc trò chuyện, tư vấn hay trong những giờ dạy ngoại ngữ, tin học, Thảo Vân vẫn luôn khích lệ các bạn đồng cảnh hãy bằng chính niềm tin, niềm hy vọng, lòng dũng cảm vốn có để có thể tự vươn lên khẳng định mình và rồi cuối cùng là cùng làm để làm thay đổi cái nhìn của người đời về người khuyết tật.

 

“Quá nhiều khó khăn nhưng không sao, cứ bước đi rồi đường sẽ phẳng, chúng em đã nghĩ như vậy đấy” - Thảo Vân nói. Trong căn hộ không quá rộng ở chung cư Linh Đàm vừa có chức năng làm văn phòng, vừa làm nơi ở cho hơn chục con người khuyết tật, mỗi người đều bận rộn với công việc của mình. Ngồi nói chuyện với tôi nhưng điện thoại của Thảo Vân liên tục đổ chuông, lúc thì bạn bè gọi tới, lúc thì khách gọi đặt vé máy bay, thiết kế, in ấn quà tặng... Học viên của Vân là các bạn khuyết tật trên khắp mọi miền đất nước và đều được miễn 100% học phí. Những học viên nội trú thì đóng 2 khoản phí là phí nhà trọ và tiền ăn là 1 triệu đồng. Hằng ngày, Vân miệt mài đào tạo miễn phí về tin học, tiếng Anh, sáng tạo, tổ chức những chương trình về các kỹ năng mềm cho các học viên, đồng thời tìm kiếm cơ hội, giới thiệu việc làm cho họ.Tính đến nay, trung tâm đã tiếp nhận và đào tạo hơn 500 học viên, trong đó 65% đã có nghề nghiệp ổn định. Các khóa học mà Nghị lực sống mang lại không chỉ giúp nhiều người khuyết tật được trang bị kiến thức tin học, khơi dậy niềm tin, nghị lực sống mà còn khẳng định được vai trò của bản thân đối với xã hội. Không ít trong số đó nay đã có công việc ổn định, quay trở lại hỗ trợ công tác đào tạo của trung tâm. Nguyễn Phạm Thanh Xuân, sinh năm 1989, chào đời với đôi chân teo tóp, cụt lủn, nhớ lại: “Nghị lực sống không chỉ cho em công việc để vào đời mà còn cho em được sống trong một gia đình với những người bạn đồng cảnh ngộ, được chia sẻ những khó khăn và vươn đến những điều tốt đẹp”. Bây giờ, Xuân là nhân viên thiết kế đồ họa của Công ty Esoftflow. Công việc tuy bận rộn nhưng cô luôn sắp xếp thời gian và hiện là một trong những giảng viên tin học chính của trung tâm.

 

THIỆN NGUYỆN VỚI TẤT CẢ TẤM LÒNG

 

Quá trình tìm hiểu về Thảo Vân, tôi được biết một giáo sư người Mỹ đã đồng ý can thiệp cột sống cho cô với điều kiện phẫu thuật là tăng 10kg và khi đó sức khỏe, nhịp thở đang có xu hướng xấu đi sẽ được cải thiện. Thế nhưng cố lắm cô cũng chỉ tăng được 3kg. Vân bảo: “Giờ đây, mong muốn được trở thành một người bình thường không còn thôi thúc em như trước nữa. Thậm chí em đã nghĩ khuyết tật của em - gánh nặng của em chính là món quà mang đến những cơ hội vô giá để em được gặp gỡ, cảm thông và thấu hiểu nỗi đau của những người khác và an ủi họ. Em không nói những gì to tát, chỉ muốn mọi người nhìn em, nghe em nói chuyện, biết việc em làm...”.

 

Dù mang thân hình ai nhìn thấy cũng phải xót xa, Thảo Vân đã đi nhiều nơi, chia sẻ buồn đau mất mát với bao người và dường như quên rằng mình cũng cần được trợ giúp. Ngoài đào tạo và tư vấn miễn phí, cô đã tổ chức nhiều buổi nói chuyện, nhiều chuyến đi thiện nguyện đến thăm và trao quà cho nhân dân miền Trung bị thiên tai, những người khuyết tật, những trẻ mồ côi, những mảnh đời bất hạnh ở Yên Bái, Sơn La, Hà Tĩnh, Quảng Bình… do chính cô, anh trai và các tình nguyện viên Nghị lực sống trực tiếp đóng góp và vận động quyên góp như: Buổi nói chuyện về Nghị lực sống và giá trị bản thân với 1.000 bạn trẻ tại Trung tâm Giáo dục lao động xã hội số 2 (Ba Vì, Hà Nội) thuộc đối tượng nghiện hút, gái bán dâm, nhiễm HIV; tổ chức “Mang Trung thu tới vùng lũ quét” cho 1.000 trẻ em xã Minh Quân (Trấn Yên, Yên Bái) với số tiền quyên góp được là hơn 27 triệu đồng; tổ chức Giáng sinh cho những mảnh đời khó khăn tại Nghi Lộc, Nghệ An với số tiền 20 triệu đồng; cùng Công ty Nam Trường Sơn tặng 10.000 bản quyền của phần mềm diệt virus Kaspersky (tương đương 1 tỉ đồng) cho cộng đồng người khuyết tật sử dụng máy vi tính; cùng môn phái Thăng Long Võ Đạo mở lớp “Khí công dưỡng sinh cho người khuyết tật”…

 

Với những nỗ lực vượt lên số phận, tạo ra những thay đổi đáng kể trong cuộc sống của những thanh, thiếu niên khuyết tật và những việc làm thiện nguyện của mình, Thảo Vân xứng đáng được nhận những giải thưởng mà cuộc đời mang lại cho cô: “Nhân tài đất Việt”, “Chim én” và mới đây là giải thưởng “Tầm nhìn phụ nữ” do Hội Phụ nữ quốc tế trao tặng.

 

Thảo Vân từng chia sẻ: “Được sinh ra trên đời đã là một hạnh phúc. Vậy nên cuộc sống còn cho mình hơi thở là mình còn cố gắng để sống sao cho thật ý nghĩa”. Bất cứ ai gặp Thảo Vân, nghe tiếng cười lạc quan của cô, cảm câu chuyện đời cô, sẽ thấy thứ ánh sáng long lanh phát ra từ con người đặc biệt này. Với cô, con người sinh ra không phải để tan biến như một hạt cát vô danh. Họ sinh ra để dấu lại trên mặt đất và in dấu lại trong trái tim người khác.

 

KIM DUNG (QĐND)

 

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

CÁC TIN KHÁC
Bài 3: Ngôi nhà chung của các dân tộc
Thứ Sáu, 31/05/2013 14:00 CH
Bài 2: Một lần đến “đảo thiêng”
Thứ Năm, 30/05/2013 14:00 CH
Bài 1: Vùng đất thiêng của Tổ quốc
Thứ Tư, 29/05/2013 14:00 CH
Chuyện về một nữ tù chính trị hy sinh
Thứ Bảy, 25/05/2013 14:00 CH
Chuyện nuôi tôm hùm lồng
Thứ Ba, 21/05/2013 08:00 SA
LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek