Thứ Ba, 01/10/2024 18:23 CH
Ngôn ngữ của điệu xoang
Thứ Hai, 09/01/2006 10:13 SA

Tây Nguyên nói chung, các huyện miền núi Phú Yên nói riêng là điểm hội tụ của một vùng văn hoá dân gian đặc sắc, phong phú. Trong đó, múa xoan (a ráp) đã được lưu truyền qua nhiều thế hệ.

 

MỘT NGHỆ THUẬT ĐỘC ĐÁO

 

Múa xoan hay còn gọi là nhảy ráp, một nét đẹp văn hoá của đồng bào dân tộc Jrai Tây nguyên, được lưu truyền xuống các huyện Sông Hinh, Sơn Hoà, Đồng Xuân (Phú Yên) qua nhiều thế hệ. Các huyện này có nhiều đồng bào dân tộc thiểu số Êđê, Chăm H’roi, Ba Na… sinh sống.

 

Người Chăm H'Roi múa xoan - Ảnh: Minh Nguyệt

 

Trải qua nhiều biến thiên lịch sử, đồng bào dân tộc thiểu số tỉnh Phú Yên đã vượt qua muôn vàn khó khăn để sinh tồn. Họ sống rải rác, từng nhóm, từng cụm người, phát rẫy ở những triền đồi, lưng núi chọc lỗ trỉa lúa, bắp. Ngày nay bằng nhiều chính sách, Nhà nước ta đã tạo điều kiện cho bà cOn sống định canh, định cư, có sự giao tiếp với xã hội bên ngoài Nên đã tiến bộ hơn. Tuy có đổi thay về cuộc sống, nhưng đồng bào các dân tộc thiểu số vẫn còn gìn giữ bản sắc văn hóa truyền thống rất ít bị pha tạp, như âm nhạc cồng chinh, múa trống đôi, múa xoan, điêu khắc, văn học dân gian truyền miệng được thể hiện trong các lễ hội…

 

Múa xoan đã gắn bó và theo suốt cả một vòng đời người, vòng cây trồng, và từng mùa lúa rẫy. Đã vài thế kỷ nay, nghệ thuật độc đáo này không bao giờ vắng bóng trong đời sống cộng đồng của đồng bào các dân tộc Êđê, Chăm H’roi… Múa xoan thể hiện tình cảm ở gia đình sự đoàn kết với mọi người trong làng buôn, sự bình yên của các dân tộc anh em trên vùng đất phía Tây Phú Yên. Bên bếp lửa lớn giữa làng buôn, điệu xoan cùng hòa nhịp với tiếng suối reo. Già trẻ trai gái tay nắm tay nhau, đôi chân dồn bước, uyển chuyển quanh ngọn lửa hồng theo âm thanh chiêng cồng, sôi nổi từng nhịp trống đôi.

 

ĐIỆU MÚA DÀNH CHO THẦN LINH VÀ NGƯỜI ĐÃ CHẾT

 

Già làng Oi Rí ở xã K’Rông Pa (Sơn Hoà) cho biết: Gia đình nào có người khuất núi, buôn làng mang cồng chiêng đến đánh, đem rượu cần ra uống, mọi người cùng nhảy điệu a ráp. Đồng bào Êđê, Chăm H’roi quan niệm rằng lễ nghi này làm cho người qua đời được vui, thanh thản về bên kia ánh nắng mặt trời, chôn cất xong, họ làm lễ bỏ mả, đem ché, rựa, rìu, gạo, thịt, rượu cần… đến tận nhà mồ để cúng gởi cho người ở bên kia thế giới. Cồng chiêng nổi lên, mọi người cùng múa xoan quanh nhà mồ.

 

Theo ý niệm của đồng bào dân tộc thiểu số, thế giới của người đã chết không khác gì với thế giới người đang sống. Họ cũng biết uống rượu, biết đánh cồng chinh, múa trống đôi… Thiếu lễ nghi này, người ở dương gian cho rằng mình không làm tròn bổn phận với người đã đi xa.

 

Không chỉ dành cho người chết, múa xoan còn dành cho thần linh. Trong lễ hội đâm trâu xoay cột, dân làng nối vòng xoan thần linh sông, núi, đất trời, bến nước… Già làng Oi Bun ở buôn Bầu (Sông Hinh) cho biết: “Người Êđê không cúng giỗ ông bà, cha mẹ hàng năm như người Kinh. Họ để vài ba năm cúng giỗ một lần. Ăn uống xong, họ cùng nhau nối vòng xoan dưới chân nhà sàn. Gia đình nào muốn khấn cầu đất trời, thần linh phù hộ làm ra lúa thóc, bắp khoai đầy bồ, gia đình được an lành thì họ tổ chức lễ đâm trâu xoay cột, bà con trong buôn đều đến mừng vui, mang theo ché rượu ngon đến biếu. Ăn uống no say, họ múa xoan tưng bừng theo nhịp trống đôi, vòng quanh cây nêu có cột con trâu là vật tế lễ”.

 

KHÔNG CÒN BÓ HẸP TRONG BUÔN LÀNG

 

Đầu xuân này, tôi về xã Suối Trai và được múa xoan với đồng bào ở nơi đây. Tôi may mắn gặp Mí Nung ở buôn Lái Hội – Lái Rai. Bà cho hay: “Ở Đắc Lắc, Pleiku, họ gọi là múa xoan – nhảy a ráp, còn ở đây gọi là ta hơ bá (múa) vớt rong vì điệu múa đó dịu dàng, uyển chuyển. Hồi còn nhỏ, tôi được các tuôn (bà) dạy múa. Lớn lên, tôi tham gia vào đội văn công ở huyện miền Tây, được ông Y Zênh (Ma Rưng) đội trưởng tập luyện thêm để múa minh hoạ theo các bài hát. Trong những năm chiến tranh chống Pháp rồi đến chống Mỹ, tôi cùng Tuôn Giót, Mí Lan tham gia biểu diễn ở các chiến trường M Đ’Rắc (Đắc Lắc), An Lão (Bình Định) phục vụ các anh bộ đội thắng trận trở về vùng căn cứ”.

 

Tuôn Giót nghệ nhân múa xoan (ở Suối Trai) - Ảnh: Lê Kha

 

Ông Ka Sô Liễng, nguyên Phó Giám đốc Sở Văn hoá – Thông tin Phú Yên cho tôi biết: “Điệu múa xoan bây giờ không còn bó hẹp ở buôn làng nữa. Trong những năm qua, các nghệ nhân ở 3 huyện miền núi tỉnh Phú Yên đã đưa điệu múa xoan đến với hội diễn, liên hoan ở khu vực và toàn quốc”.

 

Ngày nay, đời sống vật chất và tinh thần của đồng bào dân tộc thiểu số ở Phú Yên có những bước phát triển, họ mua sắm cồng chinh, trống đôi nhiều thêm. Ở huyện Sông Hinh, buôn làng nào cũng có ít nhất từ 3 đến 5 bộ cồng chinh. Ông Kpá Vương ở xã Cà Lúi (Sơn Hoà) nói: “Mỗi lần địa phương tổ chức lễ hội, cồng chinh vang vọng giữa rừng sâu núi thẳm, trai gái trong buôn làng nắm tay nhau nối vòng xoan thâu đêm suốt sáng. Múa xoan thể hiện sự đoàn kết, tính cộng đồng rất cao. Không phân biệt nam nữ, trẻ già, ai cũng hòa nhịp với điệu múa này. Tay trong tay, đôi bàn chân bước tới bước lui nhẹ nhàng, vừa múa vừa trao đổi với nhau những gì mà mình chưa tiện nói ra.

 

GÌN GIỮ ĐIỆU MÚA XOAN

 

Tôi may mắn được đi và ở những buôn làng của đồng bào dân tộc thiểu số miền Tây Phú Yên, được thưởng thức hương vị rượu cần trong ché để lâu năm cùng với những món ăn dân dã như canh bồi, cà nút áo kho với mỡ, canh lá sắn nấu với bông đu đủ, thịt bò nướng chấm với muối ớt giã chung lá teng leng. Tôi cũng được các mí, các chị tập nhảy a ráp. Tuôn Du ở xã Suối Trai tâm sự với tôi: “Con trai, con gái bây giờ ít muốn học nhảy a ráp, thời lũ tôi ngoài việc nương rẫy, giã gạo, gùi nước còn phải biết múa vớt rong nữa”. Có một lần tôi được tham dự lễ hội xoay cột đâm trâu ở buôn Học, xã Krông Pa. Nhiều người rất say mê múa, nhưng cũng có một số thanh niên nam nữ họ đứng ngoài vòng xoan. Tôi mời họ cùng nhảy cho vui, nhưng họ lắc đầu rồi bỏ đi.

 

Ở xã Cà Lúi, các chị Hờ Riêu, K Pắ Hờ Tuân, Sô Hờ Nhí, Hờ Bia… rất điêu luyện trong điệu múa xoan. Họ từng tham gia hội diễn ở huyện, tỉnh và TP Hồ Chí Minh. Song những người say mê điệu múa vớt rong như các chị không nhiều. Ông La Câu Tình ở xã Sơn Hội (Sơn Hoà) cho tôi hay, nhiều thanh niên Chăm H’Roi ở Sơn Hoà và Phước Tân không biết múa xoan. Ông cho biết thêm: “Tôi nghĩ nếu không gìn giữ, điệu múa sẽ thất truyền”. Ở các xã Sơn Phước, Suối Bạc, Sơn Hà, đồng bào Chăm H’Roi cũng không ít, song điệu múa vớt rong hầu như mất dạng. Theo ông Ka Sô Liễng, muốn bảo tồn múa xoan, phải mời những nghệ nhân am tường để “truyền nghề” cho thế hệ trẻ. Chúng ta có trách nhiệm bảo vệ, gìn giữ và phát triển vốn quí của ông cha ta bao đời nay, đã được lưu truyền qua nhiều thế hệ.

 

TRẦN LÊ KHA

 

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

CÁC TIN KHÁC
Nơi không tròn giấc ngủ
Thứ Sáu, 30/12/2005 19:11 CH
Oằn mình sau mưa lũ
Thứ Hai, 26/12/2005 15:10 CH
Nơi nhân lên phần thiện con người
Thứ Năm, 22/12/2005 09:33 SA
Đi tìm đá cảnh
Thứ Hai, 19/12/2005 10:06 SA
Đi khám bệnh bằng thẻ bảo hiểm
Thứ Sáu, 25/11/2005 18:21 CH
Những người kiểm soát không lưu
Thứ Ba, 22/11/2005 08:23 SA
LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek