Thứ Ba, 01/10/2024 18:34 CH
Đi tìm đá cảnh
Thứ Hai, 19/12/2005 10:06 SA

Giữa tháng 11 âm lịch, gần đến Giáng sinh, Tuy Hòa vẫn mưa, mưa dài cùng gió lạnh. Anh Nguyễn Ngọc Đỉnh – nghệ nhân Sinh vật cảnh gọi qua điện thoại: “Ngày mai chúng tôi lên đường săn tìm đá cảnh phía buôn Dù, ông có đi thì chuẩn bị, 5 giờ sáng lên đường. Hơi bị khổ đấy!”. Không còn dịp nào khác, việc tìm đá cảnh ở Phú Yên đang đến cao trào. Dân chơi đá tận Bình Định, Khánh Hòa, Đà Lạt, Đà Nẵng đang đến gom… đá và tràn cả lên bãi đầu nguồn Sông Ba Hạ. Tôi gật đầu lên đường…

ĐIỂM NÓNG CỦA ĐÁ CẢNH

 

Từ thành phố Tuy Hòa ngược lên phía tây huyện Sông Hinh qua xã Đức Bình Tây khoảng 70 cây số, bãi đá nhiều nhất nằm kề buôn Dù, buôn Mả Vôi của người Êđê. Cơn mưa buổi sáng dần dứt hạt, những tia nắng le lói chiếu qua đoạn đường lầy lội nhoe nhét đát đỏ, ổ trâu nước ngập nửa bánh xe mô tô, bùn sình dẻo quánh. Khi qua công trình cầu Sông Ba Hạ đang thi công, chúng tôi không còn nhận ra đường sá bởi xe chở vật liệu xây dựng đã cày nát. Anh chàng dân tộc thiểu số đang lùa bò đi ngang, nheo mắt nhìn chúng tôi nói “Sình dữ lắm đó, có một tốp quay về xuôi rồi”. Tôi thở ra nhìn quanh, các dãy đồi trồng lúa rẫy đang vào vụ, những đám mây nặng thình thịch sà thấp. Anh Đỉnh, trưởng nhóm nheo mắt: “Còn 3 cây số nữa, ai đi thì đi, không thì về!”. Tôi lẳng lặng rú ga sang số, ngoái nhìn ra sau còn 4 người nữa, trong ấy có 2 nữ chơi đá cảnh ở phố. Đi thì đi, lỡ rồi…

 

Đá cảnh đã hoàn chỉnh - Ảnh: Huỳnh Thạch Thảo

 

Lại dằn xóc, trơn trượt, lún lầy, có đoạn phải len vào đất rẫy, có đoạn ì ạch đẩy xe bên con suối sâu. Cả tốp hì hụi giúp nhau vượt qua từng mét một, ai nấy lấm lem bùn đất. Giờ mới thấy mình hơi bị điên bởi đi mùa này. Nhưng nghĩ đến những viên đá cảnh tận mắt trông thấy ở phố Tuy Hòa đẹp đến mê hồn thì lại mong mau mau đến. “Lết” thêm 2 cây số nữa đành chịu vì con suối trước mặt đã bị phá nát bởi nước nguồn đổ về, các cống thoát vỡ bung dồn tụ cả đống vào một góc, rác rưởi phủ kín. Bỏ xe sau khi che phủ lá rừng rồi cả nhóm lội bộ, vai cồng kềnh tăng bạt, xà beng, cơm nước lỉnh kỉnh. 5 người lầm lũi hướng đến vực sông dọc theo triền cát.

 

Con sông rộng nhất miền Trung hiện dần ra trước mặt, bên này bờ nam thuộc huyện Sông Hinh và bờ bắc thuộc huyện Sơn Hòa. Đoạn eo này tương đối hẹp, cầu Sông Ba Hạ đã thi công với các trụ móng vươn thẳng phía bên dưới, còn phía trên là thủy điện Sông Ba Hạ. Lọt thỏm vào giữa dòng nước có các doi cát lớn và nơi ấy có nhiều bãi đá có từ ngày đời. Khi thủy dòng, bãi đá cạn nước mói lộ dần từng vỉa, từng giề và cả hàng ngàn viên đá chồng chất lên nhau trải dọc hơn 2 cây số phía buôn Dù, rải rác quanh buôn Mả vôi. Các doi cát nhỏ lấp ló đá và với tấm thân lấm lem bùn đất, với đôi chân bị gai móc mèo cào rách lỗ chỗ, tôi cùng cả tốp dần vào bãi với đôi mắt mở to kinh ngạc, sững sờ trong mênh mông đá và vui mừng cho dân chơi đá cảnh Phú Yên đã được thiên nhiên ưu đãi.

 

ĐÁ CẢNH – MUÔN HÌNH VẠN TRẠNG VÀ CÁCH SĂN TÌM VIÊN QUÝ

 

Thật đúng là muôn hình vạn trạng! Nơi doi cát lớn là đủ các loại đá, đủ gam màu từ xanh lam, hồng ngọc, đen sậm, sọc dưa với đủ hình dáng, kích thước chất chồng lên nhau. Không như các vùng khác, dân chơi đá phải dò tìm dọc theo suối, vực sông, triền núi thì nơi này đã tụ hội đầy đủ. Bây giờ, mới biết mình không điên và chờ những tia nắng hiếm hoi để bấm máy lẹ để còn tranh thủ lượm! Tốp người đã xếp gọn đồ đạc vào một góc dưới tán cây sim rừng ngó ra bãi đá. Anh Đỉnh chỉ sang bờ bắc có nhiều bóng người, bảo: “Tốp phường 9 đã lên sớm bên Sơn Hòa. Họ đang săn đá đấy, bên ấy đá lớn nhưng ít đẹp, đường cũng dễ đi”. Và anh lẳng lặng vượt nhánh rẽ của khúc sông ít nước, tay cầm gậy chống dò dẫm mở đường cho những người đi sau để sang bãi đá chính.

 

Phải nói thêm về nghệ thuật đã cảnh, một thú chơi mới hình thành khoảng 15 năm trở lại của ngước ta sau chim cá cảnh, cây cảnh, phong lan, xương rồng… nghệ thuật Thạch ngoạn (Trung Quốc), Sui se ki (Nhật Bản), Đá cảnh (Việt Nam) đang lôi cuốn rất nhiều gnười tham gia. Đá cảnh quý phải có hình dạng nguyên sơ, người chơi chỉ cần lau rửa cho hết đất cát, rong rêu bám trên mặt đá mà không được phép đục đẽo, mài dũa, thêm bớt. Giá trị của đá thể hiện ở các đường nét mềm mại, bố dục hoàn chỉnh, hình sắc cao qua các yếu tố cơ bản: thể – hình – vân – sắc – ảnh và chất. Thể của nó cú nhiều loại, từ trầm tích, hoa cương, mã não, granit, dung nham… tồn tại lâu đời. Hình phải lạ, hoa văn mặt đá đẹp. Vân phải mạch lạc, rõ nét, Sắc màu nâu, xám, trắng, vàng rực rỡ bóng láng. Từ đó chất của nó sẽ cao và giá trị. Đá cảnh được tính bằng sao, nếu viên nào đạt đến 5 sao là quý nhất, đẹp nhất, khó tìm nhất.

 

Bãi đá chính của buôn Dù bạt ngàn đá trải dài, lổm ngổm trong nắng le lói. Tôi lọt thỏm và thấy mình nhỏ bé như nhngx con chim mỏ nhác đang kiếm ăn ven bờ. Chị Quyên từ xa đi lại chỉ cách chọn đá. Đá đẹp nơi đây đa số từ hai da (hai màu) trở lên bên cạnh vân đá nổi, lặn và hãy đi “săn” kẻo không kịp trở về. Tôi lang thang, mò mẫm lật từng viên đá to, nhỏ, cong lồi, màu sắc xanh, đen, nâu, xám rồi vấp ngã dúi dụi. Chọn một viên có vân in hình chiếc lá để lần đến nơi anh Đỉnh đang căm cúi rửa đá nơi dòng nước. “Khi chọn viên đá dễ nhìn, cần đem ra nước để cọ rửa trôi bùn, lúc này mặt đá sẽ lộ ra nét đẹp nguyên chất. Nhưng chú ý, tránh các viên có đường nứt, cạnh vỡ hoặc quá nhám vì đá ấy khi đưa về sẽ bị loại” – anh Đỉnh chỉ cách rồi lầm lũi đi dọc triền sông tìm đá. Tôi cắm cúi đi rồi lật đá, nghiêng đá, rà tay theo gân đá, ôm đá sang bờ nước mê mải lau rửa, lại bỏ rồi đi, rồi lật… Rồi thấy viên đẹp lại vứt viên trước, cứ thế đến mãi xế trưa thì trên tay chẳng có viên nào!

 

Bữa ăn trưa với bánh mì nguội, nước đóng chai thật nhanh gọn. Dưới chân anh đỉnh có 3 viên nặng khoảng 5-6 ký màu hồng pha vân trắng kiểu đồi núi. Chị Quyên và chị Lý cũng có 4 viên đặt sát bờ nước màu nâu đen pha vàng, xanh lam pha vân trắng với dáng nghiêng, chân đá vững như một hòn đảo thu nhỏ mường tượng ra những hình dáng khác nhau. Hôm nay là buổi thăm dò đường vào buôn Dù sau đợt mưa dài ngày nên họ lấy ít và đá nhẹ. Thường thì sau vài ngày săn tìm họ sẽ tập trung đá, thuê người chuyển sang bờ suối lở, thuê xe ô tô về phố. Ngày nắng ráo, đường thông dễ đi, dân tìm đá cảnh sẽ tập trung đông đảo lên đến vài chục người vf tuôn theo các ngả. Anh Đỉnh cho biết, trong nhóm tìm đá cảnh Phú Yên, có nhiều người có đá đẹp vì lấy ở giữa dòng sông cuộn chảy hay vô tình gặp phải kiểu “trời cho”. Dân tỉnh ngoài vào mua đá cảnh trung bình từ 300.000 – 500.000đ/viên; viên đẹp từ 1 triệu đồng trở lên và đã có viên ra giá 10 triệu đồng. Riêng nhngx viên đã rời Phú Yên sang tỉnh khác giá khoảng 2-3 triệu đồng/viên. Anh còn cho biết tên lẫn địa chỉ để tôi về phố tìm đến. Ba giờ chiều, tôi nhờ chị Quyên chọn trong số đá tôi ưng ý đặt săn trên bãi cát. Chị đưa tay chỉ viên hồng nhạt mang hình người phụ nữ cúi đầu, như tranh trừu tượng. Một viên thôi, chị bảo, đường về còn khó khăn vì lầy lội. Nghe đến đây tôi vội vã gật đầu, thu vội đồ nghề và cho đá vào bao xác rắn lúc gió hiu hiu thổi chuẩn bị cơn mưa chiều ở rừng.

 

GIÁ TRỊ VÀ NHỮNG HIỂM NGUY CỦA DÂN SĂN TÌM ĐÁ CẢNH

 

Đá cảnh đem về lại tiếp tục được chà rửa bằng xà phòng để trôi hết chất bám quanh đá, sau khi phơi khô sẽ tìm mặt chính của đá để đặt chủ đề. Nếu viên đá tứ diện đều đặn, hoặc trước – sau rõ ràng đúng tiêu chuẩn nêu trên thì đúng là viên quý. Còn không, đôi khi cả xe đá trở thành đá sân vườn bán cho các nhà hàng, quán cà phê trang trí trên các thảm cỏ, hồ nước và người tìm đá cảnh xem như huề vốn chuyến đi. Đá đẹp sẽ được đặt trên đế gỗ, loại gỗ có đường vân đẹp và bền như trắc, hương, ké, lim, muồng để tôn tạo cho đá vf đá ấy sẽ được trưng bày trang trọng để thưởng ngoạn hoặc bán cho dân sưu tầm. Anh Cao Hữu Hưng ở phường 4 thành phố Tuy Hòa và gnười anh vợ tên Minh là cặp săn đá cảnh nhiều và chất lượng nhất. Những viên đá đưa về đều trên 30 ký và đạt tiêu chuẩn.

 

Khu đá cảnh ở Buôn Dù - Ảnh: Huỳnh Thạch Thảo

 

Bằng không, họ sẵn sàng về tay không nếu hôm ấy không tìm ra viên nào đạt yêu cầu hơn là “lượm vài viên bù lỗ xăng xe!”. Viên đá da đen của anh Cưo Hữu Hưng có giá 10 triệu. Đang gấp rút hoàn thành đế gỗ, anh tâm sự: “Đừng đùa với chuyện lấy đá cảnh, thấy ngon ăn coi chừng… lết ra bìa rừng! Tôi đã từng suýt chết giữa dòng nước vì hai vai bị thắt chặt bởi ba lô đá không gỡ ra được lúc nước đang cao, chân trượt trên mặt đá trơn trượt và bị nhận chìm. May mà vớ được mỏm đá bên cạnh”. Anh Tám Ngân ở phường 9 cũng là tay săn đá cảnh có hạng. Đá củ anh được dân sưu tầm ở Khánh Hòa, Bình Định, Đà Nẵng và các doanh nghiệp, nhà hàng tìm mua để trang trí. Mùa nước dữ, mưa trắng trời, anh vẫn lặn ngụp, sử dụng dây thừng đu bám ra giữa dòng sông. Nếu sơ sẩy thì trời mới kiếm được anh! Những người khác cũng từng bị bươu đầu mẻ trán, trầy xước vì cứ lo tìm đá đẹp khi nước lên đến ngực, đến cằm rồi họ nhau hì hụi đưa đá lên bờ, không khéo sa chân đá đè, đá nghiến. Nghề chơi cũng lắm công phu mà! Những người như tốp anh Đỉnh thì nhiều, và họ chỉ cần tìm kiếm đá đẹp để đem về, đóng đế gỗ vừa chơi vừa bán tăng thu nhập.

 

Tiêu chuẩn đá cảnh khá cao vì yêu cầu của cái đẹp hoàn thiện. Cảnh tàn phá bãi đá cũng không xảy ra vì đâu phải bắn mìn, đập phá bờ bãi như dây đào đãi vàng hoặc người săn cây cổ thụ. Đá Phú Yên một thời gian nữa nếu không lấy cũng sẽ ngập trong dòng nước thủy điện như bao đời. Chơi đá cảnh là cảm nhận vẻ đẹp tiềm ẩn qua hồn của đá. Tại Festival hoa Đà Lạt năm 2005, nơi triển lãm Sinh vật cảnh của các tỉnh, đá cảnh Phú Yên được xếp vào loại quý sau thành phố Hồ Chí Minh và điều chắc chắn rằng, trong Hội hoa xuân mừng năm mới 2006, đá cảnh Phú Yên sẽ được trưng bày ở nhiều nơi.

 

HUỲNH THẠCH THẢO

 

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

CÁC TIN KHÁC
Đi khám bệnh bằng thẻ bảo hiểm
Thứ Sáu, 25/11/2005 18:21 CH
Những người kiểm soát không lưu
Thứ Ba, 22/11/2005 08:23 SA
Đời thợ hồ
Thứ Ba, 15/11/2005 10:28 SA
Ân nhân của trường chuẩn quốc gia
Thứ Ba, 01/11/2005 08:35 SA
Xóm răng đen
Chủ Nhật, 30/10/2005 11:22 SA
LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek