Ở đây, trong những căn phòng thông nhau với gần hai chục giường bệnh, đèn neon chong mắt suốt đêm, đổ tràn ánh sáng lên những gương mặt xanh xao vàng vọt. Các bác sĩ, điều dưỡng cũng chong mắt suốt đêm theo nhịp thở yếu ớt của bệnh nhân. Thỉnh thoảng, không gian trắng toát, lặng im đầy âu lo ấy lại vỡ vụn ra khi tiếng chuông giật giọng. Sau tiếng chuông là một bệnh nhân được đưa vào, là cấp cứu. Ranh giới giữa sự sống và cái chết được đo bằng phút, bằng giây…
Ở khoa hồi sức cấp cứu |
Buổi chiều, giờ thăm bệnh từ 17 đến 18 giờ, song trên thực tế, cửa phía tây của Khoa Hồi sức cấp cứu (HSCC) - Bệnh viện đa khoa tỉnh Phú Yên thường đóng muộn hơn. Sau khi chúng khóa chặt, sự tĩnh lặng được trả lại cho các căn phòng. Mỗi bệnh nhân chỉ còn một người ở lại chăm sóc. Họ khoác chiếc áo dài đến gần đầu gối, màu xanh nhạt (khác với bộ đồ sọc xanh của bệnh nhân), ngồi trên chiếc ghế nhựa, bên cạnh người thân đang nằm gần như bất động trên giường. Mỗi khi có việc phải đi lại trong phòng, những bước chân của họ cũng không gây nên tiếng động nào đáng kể.
Đêm sẽ hoàn toàn tĩnh lặng, nếu không có những tiếng tít tít đều đều cần mẫn của chiếc máy theo dõi tim từ căn phòng phía đông vọng lên, nếu ông cụ trên chiếc giường kia không ú ớ mê sảng, và nếu những con muỗi không dai dẳng vo ve quanh người.
Hồi chiều, bệnh nhân bị tiểu đường nằm ở giường bên cạnh được chuyển sang Khoa Nội. Người này vừa chuyển đi, giường đã được thay rap mới. Cho đến hơn mười giờ đêm, chiếc giường vẫn trống. Dù biết người nhà bệnh nhân không được ngồi lên giường bệnh, tôi vẫn nhìn chiếc giường trống một cách háo hức. Nhưng phải đợi đến quá khuya, khi không còn thấy bóng những người thầy thuốc đi lại trong phòng, tôi mới nhón chân, trèo lên chiếc giường trống và nằm xuống, lòng đầy thỏa mãn.
Chưa đầy 5 phút sau, cái chuông điện mắc ở đâu đó reng lên một tiếng lảnh lói. Tôi lăn vội xuống giường trước khi những bước chân chộn rộn ngoài hành lang. Một bệnh nhân được đưa vào. Bác sĩ Châu Khắc Toàn và các điều dưỡng xuất hiện ngay lập tức, trông không có vẻ gì là ngái ngủ cả. Chen trong màu áo trắng là hai bộ đồng phục cảnh sát. Bệnh nhân tuổi chừng đôi mươi, nổi bật với bộ quần áo kẻ sọc của nhà tù. Mọi cặp mắt đổ dồn vào người mới đến.
Bệnh nhân nhanh chóng được khám và cấp cứu.Tình trạng của anh ta rất tệ. Mặt tái xanh và những tiếng rên la thỉnh thoảng lại bật ra. Lay một hồi, anh ta mới nói tiếng được tiếng mất rằng đau ngực và rất khó thở. Nghe đâu anh ta bị suy tim đã ba ngày, nhưng không dám nói ra. Điều dưỡng mang đến dịch truyền, song do bệnh nhân đã trụy tim mạch nên tìm khắp tay chân vẫn không thấy tĩnh mạch. Cuối cùng, phải truyền vào tĩnh mạch cảnh.
Bộ quần áo tù khiến những người chung quanh nhìn bệnh nhân mới đến bằng đôi mắt dè dặt. Riêng các thầy thuốc vẫn làm việc hết sức khẩn trương. Máy siêu âm được đưa đến để siêu âm ngay tại chỗ. Từng tí một, xi-lanh điện đưa thuốc vào cơ thể bất động của bệnh nhân. Song nhìn gương mặt của các bác sĩ, người ta đoán rằng khó có thể hy vọng.
Bác sĩ đang thăm khám một bệnh nhân đang cấp cứu
Trong khi các thầy thuốc tập trung vào căn phòng bên cạnh, bầy muỗi liền bu đến người mặc áo tù. Không ai để ý điều đó cho tới khi bác sĩ Châu Khắc Toàn quay lại. Anh xua đuổi chúng và bực bội bảo rằng sao lại để cho bệnh nhân bị muỗi cắn như thế này. Một điều dưỡng liền đến, kéo tấm chăn vẫn còn xếp ngay ngắn dưới ở cuối giường đắp cho bệnh nhân. Không biết người này đã gây ra tội lỗi gì, chỉ cần không đặc biệt nghiêm trọng đến mức phải cách ly vĩnh viễn, anh ta vẫn còn cơ hội làm lại cuộc đời. Vì anh ta còn rất trẻ. Chỉ đến khi bác sĩ Toàn đặt ống nghe lên lồng ngực căng đầy nhưng đã hoàn toàn bất động, sau đó rút kim truyền dịch, xi-lanh điện và kéo rap phủ lên mặt bệnh nhân, tôi mới biết rằng cuộc sống đã rời bỏ người này.
Cánh cửa ở phía đông mở ra, lặng lẽ tiễn biệt người xấu số. Những người hay chuyện kháo nhau rằng anh ta quê ở Nghệ An, bị bắt độ hai tháng nay vì gây rối trật tự công cộng.
Khi những ngu?i có mặt trong phòng chưa thể nào xua đuổi khỏi tâm trí những gì vừa diễn ra thì cái chuông điện lại ré lên. Dường như đó không còn là tiếng chuông mà là tiếng gọi dồn dập gấp gáp: “Mở cửa! Mở cửa!” Một người bệnh được đưa vào, và ca trực lập tức có mặt, như thể họ đã chờ sẵn.
* *
*
15 năm trước, bác sĩ Châu Khắc Toàn cũng bị tiếng chuông này ám ảnh. Khi đó anh mới ra trường, làm việc tại Khoa Nội. 3 tháng sau, cùng một số đồng nghiệp, anh tham gia trực tại Khoa Hồi sức cấp cứu. Ngày ấy khoa chỉ có 3 bác sĩ nên phải huy động thêm nhân lực ở khoa khác. Đã được “tôi luyện” 6 năm tại Trường ĐH Y Huế nhưng khi đối mặt với thực tế ở đây, nơi tập trung những ca bệnh “thập tử nhất sinh”, bác sĩ mới ra trường gặp phải áp lực rất nặng nề. Anh mỉm cười nhớ lại: “Lúc mới trực, mỗi khi nghe chuông reo, mình thấy sợ.”
“Khoa HSCC có 7 bác sĩ, 14 điều dưỡng và 3 hộ lý. Chỉ tiêu giao 15 giường bệnh song trên thực tế, bệnh nhân thường xuyên quá tải. Đội ngũ thầy thuốc ở đây được đào tạo, có thâm niên, thành thạo các thao tác HSCC, có tinh thần trách nhiệm cao, phục vụ bệnh nhân tốt. Nhiều ca bệnh thập tử nhất sinh đã được cứu sống, người nhà bệnh nhân đều có ý kiến khen ngợi.” Bác sĩ Lê Thị Bích Liên - Phó Giám đốc Bệnh viện đa khoa tỉnh Phú Yên)
Sau khi học xong Chuyên khoa 1, bác sĩ Châu Khắc Toàn trở về và gắn bó với Khoa Hồi sức cấp cứu từ bấy đến nay. 10 năm, khoảng thời gian đó không quá dài, nhưng cũng đủ để anh vững vàng trước sức ép của công việc. Trong thời gian đồng nghiệp đi học, bác sĩ Toàn từng trực 4 đêm liên tiếp. Không có chuyện gì xảy ra thì cũng phải 1-2 giờ sáng mới chợp mắt được. Anh bộc bạch: “Công việc nặng nề. Nhưng mình chưa bao giờ muốn đi khỏi khoa này”.
Ngày qua ngày, bên trong những cánh cửa thường đóng im ỉm của Khoa HSCC là cuộc đấu tranh âm thầm nhưng quyết liệt nhằm giành giật sự sống cho bệnh nhân. Những người được đưa vào đây thường trong tình trạng rất nguy kịch do nhiều căn bệnh khác nhau, song có một điểm chung mà chuyên môn gọi là rối loạn chức năng sống. Tùy theo mức độ mà các thầy thuốc cho họ thở oxy, đặt nội khí quản hoặc cho thở máy, khi nào ngưng tim thì mới dùng sốc điện. Bệnh nhân bị ngộ độc thuốc nằm ở phòng phía đông lúc mới nhập viện tưởng chừng không qua khỏi. Sau 10 ngày thở máy, cuộc sống đã trở về với chị. Song “kỷ lục” thở máy thuộc về một bệnh nhân khác, cũng ngộ độc thuốc. Người này được cứu sống sau 26 ngày thở máy!
Bác sĩ Trưởng khoa Trần Minh Tâm có lối nói chuyện từ tốn nhẹ nhàng, lúc nào cũng xuất hiện với cặp kính dày cộm. 26 năm trong nghề, 16 năm gắn bó với Khoa HSCC, mỗi lần khám bệnh, ông làm cho bệnh nhân có cảm giác yên lòng bởi cách hỏi han ân cần. Ông nói: “Bác sĩ và điều dưỡng ở đây đã qua đào tạo, có kinh nghiệm và thành thạo các kỹ thuật cấp cứu. Đây là chỗ cuối cùng, nếu không tận tâm phục vụ thì…” Hỗ trợ đắc lực cho những người thầy thuốc là máy theo dõi tim, máy sốc điện và 5 máy thở. Nhưng theo bác sĩ Trưởng khoa, chỉ có máy thở là tạm đủ. Số còn lại thiếu so với nhu cầu. Nhất là máy theo dõi tim, khoa chỉ có duy nhất 1 cái, và nó đang làm phặn sự ở phòng bệnh cuối cùng, nơi một người ngộ độc thuốc đang nằm thiêm thiếp.
Nhẫn nại hơn cả là 2 chiếc máy chạy thận nhân tạo trong căn phòng có đặt TV ở phía tây, gần cửa ra vào. Ngày nào cũng có 8 bệnh nhân chạy thận, mỗi người chạy 4 tiếng đồng hồ. Để hoàn thành nhiệm vụ, 2 chiếc máy miệt mài làm việc từ 5 giờ sáng cho tới nửa đêm! Điều làm bác sĩ Tâm trăn trở là vẫn còn nhiều bệnh nhân cần chạy thận, và hầu hết họ đều nghèo, song khoa lực bất tòng tâm. Hiện tại lịch chạy thận cho gần 20 bệnh nhân đã kín và 2 chiếc máy đang bị quá tải. Theo bác sĩ Tâm, ít nhất phải có 4 máy mới đáp ứng đủ nhu cầu. Bệnh viện đã xin bổ sung, nhưng tới bây giờ vẫn chưa thấy hồi âm.
Theo dõi phòng chạy thận có 4 điều dưỡng, trong đó có chị Trần Thị Lộc Linh. Cùng với điều dưỡng Nguyễn Thị Thân, chị Lộc Linh được lãnh đạo bệnh viện và khoa đánh giá cao bởi tinh thần chăm sóc người bệnh. Ấn tượng về người phụ nữ 38 tuổi này là lời nói nhẹ nhàng và nụ cười thường nở trên môi. “Khi còn học phổ thông, mình đã thích ngành y và muốn học để biết cách chăm sóc sức khỏe cho những người thân - chị Lộc Linh bộc bạch - Ngay từ khi ra trường, mình đã muốn làm việc ở đây. Tiếp xúc với nhiều ca bệnh nặng, mình có đều kiện để nâng cao tay nghề”. 15 năm công tác ở khoa này, thông cảm với nỗi đau của bệnh nhân nên chị luôn dịu dàng với họ. Vừa làm ở khoa, vừa trực ở phòng chạy thận, đến ca là phải có mặt từ 5 giờ sáng, song chị không nề hà. Chị nói: “Ở đây không ai muốn chuyển khoa. Làm nhiều thì biết nhiều. Cực, nhưng cũng có niềm vui.”
* *
*
Ông N.T.L ở phường 1 ghi vào sổ góp ý: “Con tôi vào viện vì ngộ độc thuốc trừ sâu. Qua hơn một tuần thở máy, gia đình tôi rất lo lắng, cứ tưởng không qua khỏi vì bệnh rất nặng. Nhưng tập thể bác sĩ, điều dưỡng đã cứu được con tôi thoát khỏi cái chết. Giờ con tôi đã bình phục, trở về với gia đình… Tôi không biết nói gì hơn là cảm ơn tập thể bác sĩ, các cô điều dưỡng, hộ lý… cho con tôi sự sống lần thứ hai”.
Yêu nghề, những người thầy thuốc không ngừng học hỏi; ca nào chẩn đoán chưa ra thì cố tìm cho ra để cứu sống bệnh nhân. Bác sĩ Châu Khắc Toàn, người đã có 13 năm liên tục được công nhận Chiến sĩ thi đua và từng được Thủ tướng tặng bằng khen cũng tâm niệm như vậy. Anh tâm sự: “Có những ca làm mình bứt rứt, chẳng hạn như người tù. Giá như anh ta tới sớm hơn thì cơ hội sẽ nhiều hơn…”
Người nhà bệnh nhân nhiều lúc cũng làm các bác sĩ phát bực khi lờ đi quy định và cứ tìm cách nhét “bì thư” vào túi áo blouse. Không nhận, song phải giải thích cho họ hiểu.
Có một món quà làm bác sĩ Toàn nhớ mãi, đó là bao sắn mì của một cựu bệnh nhân người dân tộc thiểu số. Món quà dân dã, quy ra tiền thì chẳng bao nhiêu, song đầy ắp nghĩa tình. Chính những điều tưởng chừng nhỏ nhặt ấy đã làm các thầy thuốc ở Khoa HSCC không cảm thấy mệt mỏi trong cuộc chiến bền bỉ giành lại sự sống.
PHƯƠNG TRÀ