Thứ Ba, 01/10/2024 18:22 CH
Nơi nhân lên phần thiện con người
Thứ Năm, 22/12/2005 09:33 SA

Trong không khí se lạnh của những ngày cuối đông, chúng tôi về Trại giam Xuân Phước (huyện Đồng Xuân) thuộc Cục V26, Bộ Công an. Ba mươi năm đã trôi qua, có biết bao sự đổi thay kỳ diệu trên mảnh đất khô cằn sỏi đá này. Giờ đây bao quanh trại là những cánh đồng mía, những cánh rừng bạch đàn bạt ngàn xanh tốt trải dài đến tận chân núi; đường sá khu nhà làm việc của trại được xây dựng khang trang đẹp đẽ. Trải qua 30 năm xây dựng và trưởng thành, trạm giam Xuân Phước đã chứng kiến bao nhiêu đổi thay. Có biết bao thế hệ giám thị, cán bộ quản giáo của trại đã vượt qua mọi khó khăn, gian khổ, hiến dâng trọn tuổi thanh xuân của mình vì nhiệm vụ mang đầy ý nghĩa nhân văn cao cả, đó là giáo dục, cảm hóa những con người một thời lầm lỗi, khơi dậy và nhân lên phần thiện trong mỗi con người, giúp họ sớm hoàn lương trở về hòa nhập vào cuộc sống cộng đồng.

 

Năm 1976, trại giam Xuân Phước được thành lập theo quyết định của Bộ Công an. Ngày ấy, nơi đây là một vùng đồi khô cằn sỏi đá, điều kiện sinh hoạt, nơi ăn chốn ở của cán bộ trại cực kỳ thiếu thốn, khó khăn. Những kỷ niệm buồn vui về một thời gian khó không thể nào phai nhạt trong ký ức của mỗi cán bộ trại. Nước da tai tái, hậu quả của những cơn sốt rét rừng mà các anh phải trải qua phần nào nói lên sự khắc nghiệt của vùng đất này. Trung tá Trần Xuân Thiều, thiếu tá Nguyễn Đình Lư, đại úy Phan Kế Toại, những cán bộ có mặt đầu tiên trong những ngày đầu thành lập trại nhớ lại: Hồi đó nơi này là một vùng đồi núi hoang vu, chỉ nghe tiếng chim kêu vượn hú. Khí hậu nơi đây mới thật là khắc nghiệt, mùa hè nắng cháy da, mùa mưa thì nước xối xả, mênh mông. Nước lũ từ các con suối chảy về biến trại thành một ốc đảo nhỏ nằm lẻ loi giữa bốn bề mênh mông nước.

 

Anh Trần Xuân Thiều đang hướng dẫn phạm nhân trồng trọt - Ảnh: Kim Phượng

 

Nhưng thời gian khó đã qua rồi. Bằng bàn tay, khối óc, bao mồ hôi công sức của cán bộ trại và của những phạm nhân, trại giam Xuân Phước hôm nay đã có hàng nghìn ha mía, bạch đàn, hàng nghìn cây dừa trĩu quả, hàng chục ao thả cá. Và có lẽ thành quả cao hơn cả mà cán bộ chiến sĩ của trại gặt hái được chính là đã giáo dục, cảm hóa, cải tạo những con người lầm lỗi, giúp họ hoàn lương, khơi dậy những điều tốt đẹp trong mỗi con người.

 

Quản lý, giáo dục, cải tạo hàng trăm phạm nhân loại 1, trong đó phạm nhân có mức án từ 15 năm đến chung thân chiếm tỷ lệ khá cao, đây thực sự là một công việc đầy gian nan, vất vả, thậm chí hiểm nguy của cán bộ chiến sỹ ở trại. Thiếu tá Nguyễn Đình Lư, phụ trách công tác quản chế, trinh sát, tâm sự: do tính chất công việc nên lúc nào thần kinh của các anh cũng căng như sợi dây đàn, đêm ngủ không trọn giấc bởi phạm nhân cải tạo ở đây đa số là những đối tượng phạm tội nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng. Không phải mọi đối tượng đều có ý thức tự giác chấp hành kỷ luật của trại vì vậy giáo dục, giúp đỡ phạm nhân yên tâm, cố gắng cải tạo tốt là một việc làm đã khó, dạy nghề, dạy chữ và cao hơn nữa là dạy cách làm người cho phạm nhân để sớm đưa họ trở về với cuộc sống cộng đồng càng khó hơn nhiều. Bằng tấm lòng yêu ngành, yêu nghề, với tấm lòng bao dung, nhân ái, Ban giám thị và cán bộ quản giáo đã cảm hóa, giáo dục những con người một thời lầm lỗi, khơi dậy trong họ niềm tin yêu vào cuộc sống, giúp họ vươn lên làm lại cuộc đời.

 

Mỗi phạm nhân cải tạo ở trại có một hoàn cảnh, nguyên nhân phạm tội khác nhau nhưng họ phải trả giá đắt cho hành vi phạm tội của mình. Tại phân trại I, chúng tôi gặp phạm nhân Lê Vũ Tùng sinh năm 1965 quê ở phường Phú Lâm, TP Tuy Hòa. Tùng phạm tội hiếp dâm với mức án tù chung thân. Những ngày mới vào trại, Tùng rất hoang mang, chán nản, đã có lúc Tùng rơi vào trạng thái bi quan đến cực độ nhưng sự giáo dục, cảm hoá của Ban giám thị và cán bộ quản giáo nơi đây đã giúp Tùng càng thấy thấm thía và ân hận về hành vi phạm tội của mình. Nhờ có trình độ văn hóa 12/12 lại có năng khiếu trong lĩnh vực văn hóa, văn nghệ nên Tùng được Ban giám thị và cán bộ quản giáo phân công theo dõi phong trào thi đua của trại. Tùng luôn cố gắng hoàn thành tốt công việc được giao.

 

Phạm nhân Võ Văn Út, biệt danh Tư Mèo, sinh năm 1964 quê ở huyện Nhà Bè, TP Hồ Chí Minh phạm tội cướp tài sản công dân. Mồ côi cha mẹ từ nhỏ, Út phải sống cảnh bơ vơ, không nơi nương tựa. Năm 1985, Út lấy vợ. Vợ Út làm tại Xí nghiệp đông lạnh xuất khẩu ở Thủ Thiêm, quận 2, TP Hồ Chí Minh, còn Út làm thuê. Thu nhập của hai vợ chồng chẳng đáng là bao, lại phải lo trả tiền thuê nhà, nuôi con nhỏ, không một người thân động viên giúp đỡ. Trong lúc túng quẫn, không làm chủ bản thân, Út phạm tội trộm cướp tài sản, bị Tòa án nhân dân tỉnh Tiền Giang xử phạt 4 năm tù giam. Năm 1991, Út trốn trại và tiếp tục cùng đồng bọn gây ra 2 vụ cướp tài sản ở Tây Ninh và Tiền Giang. Với những hành vi phạm tội đó, Võ Văn Út bị xử phạt 17 năm 3 tháng tù giam. Những ngày đầu thi hành án phạt tù ở trại giam, Út rất bi quan chán nản, nhưng tấm lòng bao dung nhân hậu của cán bộ quản giáo nơi đây đã sưởi ấm tâm hồn u tối lạnh lẽo của Út. Mỗi dịp Tết đến Xuân về, những phạm nhân khác có người thân gửi quà, thăm hỏi động viên còn riêng Út đã có cán bộ quản giáo trại động viên và tặng quà. Khi bị đau ốm, Út cũng được các y bác sĩ của trại khám, điều trị tận tình. Võ Văn Út không kiềm chế được những giọt nước mắt xúc động khi nói với chúng tôi về tấm lòng bao dung, nhân hậu của người cán bộ quản giáo. Nhờ quá trình phấn đấu cải tạo tốt, Út đã đựơc giảm án 6 lần, chỉ còn 2 năm nữa là Út được ra trại. Nhìn Út say sưa chăm sóc, cắt tỉa từng cây cảnh, từng luống hoa trong trại, chúng tôi cảm nhận rằng mùa xuân đang về với cuộc đời của Võ Văn Út.

 

Thiếu tá Nguyễn Đình Lư giới thiệu với chúng tôi một phạm nhân còn khá trẻ, khuôn mặt sáng sủa. Đó là Lê Cảnh Tuấn, sinh năm 1975, ở phường Đa Kao, quận 1, TP Hồ Chí Minh. Năm 1994, trong một lần say rượu, không kiềm chế được bản thân, Tuấn đã dùng dao đâm chết một thanh niên khi nhóm thanh niên này đến gây sự với nhóm trong xóm của Tuấn. Trả giá quá đắt cho hành vi phạm tội của mình với mức án phạt tù chung thân. Những ngày vào trại Tuấn vô cùng ân hận. Từ đó Tuấn tích cực lao động và trở thành hạt nhân nòng cốt trong phong trào thi đua của trại. Là trưởng ban thi đua, Tuấn luôn động viên những phạm nhân khác cố gắng cải tạo tốt để sớm trở về đoàn tụ gia đình. Nhờ phấn đấu cải tạo tốt, Lê Cảnh Tuấn được xét giảm án từ chung thân xuống 20 năm. Tuấn tâm sự: "Em còn trẻ, tương lai còn đang ở phía trước, em sẽ cố gắng sửa chữa lỗi lầm, cải tạo tốt để làm lại cuộc đời".

 

Tấm lòng bao dung nhân hậu của cán bộ trại giam Xuân Phước như những tia nắng mùa xuân sưởi ấm tâm hồn lạnh lẽo của mỗi phạm nhân, giúp họ nhân lên phần thiện trong mỗi con người. Ban giám thị và cán bộ quản giáo của trại tâm sự: Những người làm công tác ở trại giam giống như những kỹ sư tâm hồn, những người thầy đặc biệt. Bên cạnh việc tuyên truyền, giáo dục pháp luật, phổ biến các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của nhà nước, nội qui của trại giam, cán bộ quản giáo còn luôn chú trọng đến công tác dạy chữ, dạy nghề cho phạm nhân. Trại đã liên hệ với Công ty hạt điều Phú Yên tạo việc làm cho gần 300 phạm nhân bóc tách hạt điều, tổ chức dạy các nghề như: mộc, rèn, may, đóng gạch, đan lát, thủ công mỹ nghệ… cho phạm nhân. Bên cạnh đó trại còn tổ chức lớp học xóa nạn mù chữ cho phạm nhân chưa biết chữ. Riêng trong năm 2005, trại đã tổ chức một lớp học với 28 phạm nhân. Cuối mỗi kỳ học, trại giam Xuân Phước phối hợp với Phòng Giáo dục huyện Đồng Xuân tổ chức kiểm tra, cấp chứng chỉ cho phạm nhân. Nhiều phạm nhân cảm động rơi nước mắt khi lần đầu tiên biết cầm bút viết thư về cho gia đình. Song song với các mặt công tác trên, công tác xét tha, giảm án cho phạm nhân cải tạo tiến bộ hàng năm cũng được trại hết sức quan tâm. Hàng ngàn lượt phạm nhân đã được giảm án và ra khỏi trại. Đặc biệt nhân các ngày lễ lớn của đất nước, trại giam Xuân Phước đã xét, đề nghị đặc xá theo quyết định của Chủ tịch nước cho trên 350 phạm nhân trong năm 2000 và 2005. Đây là việc làm thể hiện chính sách nhân đạo, khoan hồng của Đảng và Nhà nước ta, giúp những người phạm tội sớm hoàn lương trở về với cuộc sống cộng đồng.

 

Trải qua 30 năm xây dựng và trưởng thành, nhân kỷ niệm 55 năm ngày truyền thống của lực lượng Cảnh sát trại giam (7-11-1950 - 7-11-2005), trại giam Xuân Phước đã được Nhà nước tặng thưởng 1 Huân chương Chiến công hạng II. Nhiều năm liên tục, trại đạt danh hiệu Quyết thắng, được Bộ Công an, Tổng cục Xây dựng lực lượng, Cục V26 Bộ Công an tặng bằng khen, giấy khen,

 

Xuân Phước sắp đón chào một mùa xuân mới. Ở tuổi 30 tràn đầy sức trẻ, trại giam Xuân Phước hôm nay đang làm hết sức mình "gạn đục khơi trong", khơi dậy và nhân lên phần thiện trong mỗi con người phạm tội, giúp họ hoàn lương trở về làm lại cuộc đời.

 

KIM PHƯỢNG

 

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

CÁC TIN KHÁC
Đi tìm đá cảnh
Thứ Hai, 19/12/2005 10:06 SA
Đi khám bệnh bằng thẻ bảo hiểm
Thứ Sáu, 25/11/2005 18:21 CH
Những người kiểm soát không lưu
Thứ Ba, 22/11/2005 08:23 SA
Đời thợ hồ
Thứ Ba, 15/11/2005 10:28 SA
Ân nhân của trường chuẩn quốc gia
Thứ Ba, 01/11/2005 08:35 SA
LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek