Thứ Ba, 01/10/2024 18:22 CH
Oằn mình sau mưa lũ
Thứ Hai, 26/12/2005 15:10 CH

Đợt lũ muộn vừa qua đang để lại những hậu quả nặng nề. Người chăn nuôi phải bán đổ bán tháo đàn bò với giá 200 – 300 ngàn đồng/con; người trồng lúa bị mất cả giống; người nuôi tôm hùm, cá mú... phải ngửa mặt than trời vì đã tan tác; ngư dân phải sống trong lo âu vì triều cường...

TRỜI MƯA CÁ SẶT LÊN GÒ...

 

Nông dân phải chắt chiu từng hạt giống gieo sạ sau lũ - Ảnh: Chí Bảo

Miền núi Phú Yên đang gồng mình vì rét. Cái rét căm căm chưa bao giờ đến muộn và kéo dài như hiện nay đang ập xuống từng căn nhà tranh, từng căn chòi của đồng bào miền núi. Hàng ngàn con bò chết rét và con số cứ thay đổi từng giờ. Có hộ gia đình nuôi 38 con bò thì đã bị chết đúng phân nửa. Một hộ gia đình ở xã Sơn Phước có ... 30 con bò chết.

 

Từ TP Tuy Hòa đi huyện Sơn Hòa cái lạnh và gió trên QL 25 như cắt vào da thịt người đi đường.  Tay cầm lái tê cứng, từng chiếc xe khách, xe tải biển số ở mọi tỉnh thành cũng lần lượt vượt qua điểm ách tắc trên đèo Cả theo lối Gia Lai. Dừng tại ngã tư Cây Me, tôi nhìn tuyến đường ĐT646 chợt thấy nao lòng. Kinh nghiệm mấy mùa mưa sống ở vùng rẫy cà phê đất đỏ Long Khánh, Bảo Bình (Đồng Nai) giờ  phát huy tác dụng khi tôi tự biến mình thành vận động viên mô tô vượt địa hình. Những cột kilômet chỉ đường thỉnh thoảng hiện ra nhưng trở lên lẻ loi khi đồng hành với chúng không phải là con đường mà là một đám sình lầy chạy dài không có điểm kết thúc.

 

Chiếc xe máy hàng trăm lần trượt bánh, chỉ có cảnh lội bộ, dắt xe đạp của các em học sinh làm tôi không thấy mình đơn độc. Nhưng suối Hiệp Lai là một thách thức lớn, tôi đành dắt bộ. Một em học sinh là người dân tộc thiểu số dắt xe đạp đồng hành cùng tôi trên đoạn qua tràn suối, nhoẻn miệng cười ông khách lạ. Tôi hỏi: “Nếu nước chảy mạnh hơn, em làm thế nào? “Gởi xe cho người lớn khiêng giùm rồi đi bộ” “Không sợ bị cuốn trôi sao?” Em lại nhoẻn miệng cười, ánh mắt to và trong.

 

Anh Nguyễn Văn Sanh (trái) nhổ cọc vẹm xanh bị nước ngọt làm chết một phần - Ảnh: Ly Kha

 

Người đàn bà ngồi thẫn thờ trước hiên nhà, bên cạnh là đống cỏ xanh và ba con bê con què quặt. Cách đó không xa, trong chuồng bò có nhiều con không đứng dậy nổi cạnh một chác lớn đầy than lửa. Aùnh mắt chị buồn.

 

Chị là Nguyễn Thị Hồng Oanh, trạc tứ tuần, trú ngụ tại vùng đất Tân Hòa – Sơn Phước này từ năm 1984. 21 năm sống tại đây, gia tài lớn nhất của vợ chồng chị là đàn bò 100 con, trị giá gần một tỉ đồng. Chị bảo: “Cả đời người chưa bao giờ phải gặp cảnh này, mưa lũ, gió rét vào những lúc không ai nghĩ tới”. Chắt chiu từng đồng, vợ chồng tập trung vốn liếng đầu tư vào đàn bò. Nhưng chỉ trong năm nay, chị đã phải bán 40 xác bò. Riêng đợt mưa lũ và rét kéo dài từ đầu tháng 12-2005 đã làm chết 30 con, trong đó có 9 con bò cái chửa sắp tới ngày đẻ. Số bò cái chửa còn lại cũng không chịu nổi cảnh rét, phải đẻ non. Chị bế con bê mới đẻ trong chuồng, than rằng: “Chỉ xíu xiu, đúng bằng một nửa con bê mới đẻ bình thường”.

 

Hơn trăm con bò, phần lớn chị thuê và gởi cho người dân tộc thiểu số chăn dắt ở đồng cỏ bên kia suối Hiệp Lai. Mỗi lần đi, về là có vài con bê không chịu nổi rét, đói ăn rồi ngã quỵ.

 

Mấy con bê trước cổng nhà, con băng chân, con nằm quỵ, chị phải vất vả lắm mới có thể cho chúng ăn được. Cạnh bên, những nhà có ít bò hơn, họ dùng cả áo tơi, ni lông, áo mưa tiện lợi mặc chống rét cho chúng. Chị Oanh kể: Bê  chết, bán tháo cho người ta hai ba trăm ngàn, lấy tiền đó thuê người cắt cỏ cho số còn lại. Vậy mà cũng chẳng đâu vào đâu, bò cứ chết dần chết mòn. Đôi mắt người phụ nữ từng trải chợt ngấn lệ.

 

Xã Sơn Phước có 742 hộ chăn nuôi 1.850 con bò, không chỉ có 72 con bò bị chết đến thời điểm chiều 22-12 mà cả 35 ha ngô cũng gãy, đổ rạp dưới mưa không cho thu hoạch, hàng chục ha đậu bị thối vì nước mưa.

 

Trên đường trở về, tôi gặp một cô gái trẻ mặc áo tơi đang chăn mấy chú bò ven đường, tôi bảo: “Trời mưa cá sặt lên gò/ Thấy em chăn bò anh để ý anh thương!”. Cô gái quay mặt lại nhìn thoáng qua,  đưa roi lùa đàn bò đi về phía đồng cỏ, đáp lại: “Trời mưa cá bống qua mương/ Bò em chết sạch anh thương nỗi gì?” rồi cô đi thẳng.

 

NHỮNG CÁNH ĐỒNG... KHÔNG MÔNG QUẠNH

 

Chị Phan Thị Đông ở thôn Phú Khê 1 xã Hòa Xuân Đông huyện Đông Hòa, nói như mếu: “Ở nhờ nhà người em chồng đã hơn một tháng nay. Nhà ngập nước từ khi bắt đầu mưa, ngập “đã” rồi sập luôn. Có sào lúa sạ rồi cũng trôi mất, tưởng trời chỉ làm vậy thôi nên đi ủ giống tiếp, bây giờ cũng vứt luôn chứ sao chú”. Chị Đông nghèo, đi ở đợ tận Tu Bông, Vạn Giã, để lại nhà 2 đứa con, chồng chị không còn chung sống với gia đình. Trời mới vừa mưa, con đã vội gọi chị về, nhưng nhà vẫn sập, lúa vẫn trôi. Đứa con gái ngồi bên mẹ, ánh mắt chai sần vì những nỗi buồn.

 

Học sinh qua suối Hiệp Lai - Ảnh: Ly Kha

 

Trong đợt mưa lũ vừa qua, các xã như Hòa Xuân Tây, Hòa Xuân Đông, Hòa Tâm, Hòa Xuân Nam của huyện Đông Hòa đều có các điểm dân cư bị nước ngập, chia cắt với bên ngoài. Các cánh đồng Lưới Gõ, Phước Giang, Hiệp Đồng (Hòa Xuân Đông), Bàn Nham Nam, Thạch Chẩm (Hòa Xuân Tây) đều trắng nước. Hơn 1.000 ha lúa đông xuân đã được sạ, trong đó, có một số HTX  tiến hành sạ lại lần 2, đều bị mất.

 

Ông Nguyễn Duy Cương (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phú Yên): Mưa kéo dài làm cho cỏ bị ngấm nước bò cũng không ăn được. Bò chỉ ăn được cỏ xanh khô ráo, trong khi nông dân Phú Yên lâu nay không có thói quen dự trữ rơm, rạ khô cho bò vào mùa đông. Cách chăn thả bầy đàn không có chuồng trại đúng quy cách kỹ thuật chắn gió, giảm lạnh cho nên bò bị cóng, cộng với đói ăn dẫn đến chết hàng loạt.

 

Để giảm thiểu thiệt hại, người nuôi phải cắt và ủ cỏ khô ráo, tăng cường cả thức ăn xanh và thức ăn tinh cho bò (có cả cháo); đưa bò vào những nơi kín gió, sưởi ấm bằng nhiều cách; tăng cường các chất đề kháng bằng cách bổ sung vitamine cho bò...

Dọc theo QLIA qua địa phận huyện Tuy An rất dễ nhận ra hàng ngàn ha mía đã trổ cờ. Giống mía cũ, còi cọc lại thiếu đạm, gặp trời mưa liên tục nhiều ngày nên  trổ cờ. Các chất dinh dưỡng, hàm lượng đường trong mía đều được dùng để nuôi cờ, cây mía trở nên xốp, nhỏ, hàm lượng đường thấp, khả năng ảnh hưởng năng suất và chất lượng 70 – 80%.

 

Phạm Thị Hồng Cẩm thôn Tân An xã An Hòa huyện Tuy An vừa gặt xong 2 sào lúa sau khi nước rút bớt. Cố vét cả những hạt lúa chét cuối cùng, chị bảo: “Không thu được mấy, lúa lại bị ngâm nhiều ngày, nứt mọng, đen hạt cả rồi”. Tôi về An Hải, vùng chăn nuôi cá mú, cá hồng bằng lồng. Đây đó, mọi người đang cố gặt vớt vát những hạt lúa trời còn để lại. An Hải có 6 thôn, 3 thôn sống bằng nghề trồng lúa chỉ một vụ mùa trong năm. Năng suất rất thấp, nhưng cũng là nguồn sống và nguồn thu chuẩn bị cho Tết Nguyên đán của không ít hộ dân cư. “Nhưng giờ thì 45 ha lúa bị thiệt hại từ 50% đến mất trắng cả. Không ít hộ dân sẽ không có Tết” – Phó chủ tịch UBND xã An Hải Ngô Văn Yêm  nói. 3 thôn còn lại sống bằng nghề sông biển. Đợt mưa lũ vừa qua đã làm cho họ khốn đốn. Cả xã bị thiệt hại 717,5 triệu đồng. 140 triệu đồng riêng thủy sản, trong đó 400 kg cá mú thương phẩm trị giá đã 60 triệu.

 

Anh Nguyễn Văn Sanh thôn 2 Xuân Hải vác một cọc vẹm xanh lên làm “bằng chứng” vì không ai dám kéo các lồng cá lên, nếu gặp ngay nước bạc mặt trên cá sẽ chết hết. Đoạn trên cọc, vẹm đều chết cả, không còn một con nào. Anh bảo: “Không còn Tết nhứt nữa rồi. Tui mới làm lần đầu, cả thảy đầu tư gần 30 triệu, một năm rồi chưa thu một đồng nào”. Ban đầu, anh Sanh đầu tư 500 con cá mú giống, nuôi lớn lên rồi cứ chết dần. Đầu tư tiếp 200 con, đều đã nửa ký trở lên. Sắp tới kỳ thu hoạch thì gặp đợt mưa lũ này. Nước bạc đổ về ngâm cả tháng trời, cá hồng, cá mú cứ phình bụng, đỏ đuôi chết nổi đầy mặt nước, cả vẹm xanh cũng chịu chung số phận. Luộc vội cả nồi vẹm xanh to tướng, Sanh bảo thêm rằng: “Dạo trước, giá vẹm xanh có khi 25 – 30.000 đồng/kg. Nay bán 4 – 5.000 cũng chẳng ai mua”. Tôi nhai vội con vẹm mà thấy đắng.

 

Từ bao đời, nông dân vẫn là những người chịu thiệt hại nặng nề nhất mỗi khi có sự biến động của thiên nhiên, của giá cả... Nhưng thiên nhiên bỗng nổi trận lôi đình hơn một tháng trời sau thời điểm mà mọi người cho là an toàn (23-10 AL). Mất mát quá lớn, nhưng khó khăn hơn vẫn là khả năng tái đầu tư của người dân, cả giống, cả vốn đều đã trôi theo dòng nước bạc. Họ đang phải oằn lưng chống đỡ mất mát sau những cơn mưa lũ  trái mùa.

 

LY KHA

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

CÁC TIN KHÁC
Nơi nhân lên phần thiện con người
Thứ Năm, 22/12/2005 09:33 SA
Đi tìm đá cảnh
Thứ Hai, 19/12/2005 10:06 SA
Đi khám bệnh bằng thẻ bảo hiểm
Thứ Sáu, 25/11/2005 18:21 CH
Những người kiểm soát không lưu
Thứ Ba, 22/11/2005 08:23 SA
Đời thợ hồ
Thứ Ba, 15/11/2005 10:28 SA
LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek