Gần sáu năm sau khi rời Trường Sa về đất liền học tập, công tác, trung úy bác sĩ Bùi Công Hưng (37 tuổi, công tác tại Đội điều trị 486 Bộ Tư lệnh Vùng 4 Hải quân) mới trở lại đảo Trường Sa Đông (huyện đảo Trường Sa, tỉnh Khánh Hòa) để thắp nén hương lên mộ của người đồng đội trẻ hy sinh khi đang tuần tra bảo vệ đảo Đá Tây B.
Sáng ấy, tàu HQ571 thả neo để đưa chúng tôi vào thăm đảo Trường Sa Đông, một hòn đảo nhỏ rợp màu xanh giữa Trường Sa. Cách cầu tàu vài chục bước chân là ba ngôi mộ liệt sĩ nằm ngay ngắn, đầu quay về hướng sóng vỗ, được che chắn bởi những cây bàng vuông và phong ba xanh ngát.
Một đoàn công tác ra Trường Sa viếng mộ liệt sĩ tại đảo Sơn Ca - Ảnh: D.VY
HY SINH GIỮA TRƯỜNG SA
Theo Cục Chính trị Bộ Tư lệnh Hải quân, trước tháng 7/2012, ở quần đảo Trường Sa có 12 ngôi mộ liệt sĩ. Trong đó nhiều nhất là đảo Nam Yết, có phần mộ của 5 liệt sĩ; tiếp đó là các đảo Trường Sa Đông: 3 liệt sĩ, Trường Sa Lớn: 2 liệt sĩ và Sơn Ca: 2 liệt sĩ. Các đoàn công tác khi đến Trường Sa đều ghé vào các đảo để dâng hương, hoa tưởng nhớ các anh. Dịp 27/7/2012, hài cốt của một liệt sĩ ở đảo Trường Sa Lớn và hai liệt sĩ ở đảo Sơn Ca đã được cất bốc về đất liền an táng.
Lúc mọi người đã thắp hương xong, tề tựu về khu trung tâm của đảo để sinh hoạt, thì bác sĩ Bùi Công Hưng, một trong những người bận rộn nhất của nhóm phục vụ trên tàu HQ571, cũng vào Trường Sa Đông trên chuyến xuồng CQ cuối cùng. Vừa lên đảo, anh chạy thật nhanh về phía ba ngôi mộ. Rồi Hưng đứng lặng, cúi đầu hồi lâu trước ngôi mộ ngoài cùng, trên bia ghi: “Liệt sĩ Quách Hoàng Lâm, SN 1984, hy sinh ngày 4/8/2006, quê quán: phường 16, quận 10, TP Hồ Chí Minh”. Vẻ mặt xúc động, khóe mắt rơm rớm, Hưng thì thầm trò chuyện với ngôi mộ của liệt sĩ Lâm giữa khói hương nghi ngút và tiếng sóng rì rào…
“Đó là phần mộ đồng đội trẻ của tôi ở đảo chìm Đá Tây B. Kể từ lúc Lâm hy sinh, đến giờ tôi mới có cơ hội quay về đây thắp nén hương cho em ấy” - giọng bồi hồi, người bác sĩ hải quân kể với chúng tôi sau đó. “Sau khi công
tác tại đảo Tốc Tan, năm 2006, tôi được đơn vị điều về đảo chìm Đá Tây B làm công tác quân y. Khoảng cuối tháng 3/2006 thì có đợt thay quân, tân binh Quách Hoàng Lâm đến với đảo chúng tôi và không hiểu sao chàng trai Sài Gòn này với thằng quê Thái Bình là tôi nhanh chóng thân tình như ruột thịt. Lâm tâm sự gia đình em rất hoàn cảnh. Người mẹ nghèo tần tảo mua gánh bán bưng lo cho Lâm ăn học và anh trai Lâm bệnh tật, bởi trước đó bố Lâm đã bỏ ba mẹ con đi biền biệt. Học xong lớp 12, vì nhà nghèo nên Lâm không có điều kiện vào đại học. Khi vào Hải quân, ra Trường Sa làm nghĩa vụ của người thanh niên với đất nước, Lâm nói em đã thỏa nguyện và mong muốn được đi tiếp con đường binh nghiệp” - bác sĩ Bùi Công Hưng nhớ lại.
Thế nhưng, mơ ước ấy của chàng lính Hải quân trẻ vĩnh viễn không thành hiện thực. Theo lời kể của bác sĩ Hưng, khuya 4/8/2006, biển động dữ dội, những con sóng khổng lồ đập ầm ào vào đảo. Giữa đêm tối, trong lúc nhóm Hải quân trong đó có Lâm đi tuần tra, một cơn sóng lớn ập vào, cuốn anh ra biển mất hút. Cả đơn vị được huy động để tìm và cứu Lâm nhưng vô vọng. Đến giữa trưa ngày hôm sau, biển vẫn động dữ dội và một con sóng lớn chồm lên đảo đã trả lại xác Lâm cho đồng đội… “Ngày đó cả đảo, cả các công nhân đèn biển Đá Tây đều bỏ ăn, bỏ ngủ vì ai cũng thương xót Lâm. Em còn trẻ quá, mới đến đảo hơn mười ngày, chiếc tàu chở em chưa về đất liền mà Lâm đã vĩnh viễn ra đi” - bác sĩ Bùi Công Hưng xúc động.
Trung úy bác sĩ Bùi Công Hưng viếng mộ liệt sĩ Quách Hoàng Lâm - Ảnh: D.VY
NẰM LẠI VỚI BIỂN TRỜI…
Giữa đảo chìm đầy khó khăn, không tìm đâu ra gỗ, đồng đội phải tháo những thanh gỗ chứa đạn DKZ để cưa cắt, ghép lại, đóng thành chiếc áo quan cho Lâm. Không có sơn đỏ, anh em dùng sơn xanh để sơn lên chiếc quan tài. Riêng Bùi Công Hưng dành nhiều thời gian để vẽ lên phần đầu chiếc quan tài hình cờ đỏ sao vàng được bao quanh bởi hai nhành lúa như hình quốc huy trên chiếc mũ bộ đội Hải quân. Tự tay anh Hưng mặc cho Lâm bộ quân phục Hải quân mới nhất, khâm liệm trước khi đóng nắp áo quan. Không có những quả trứng để cúng chung với ba bát cơm đặt trên quan tài, anh em chiến sĩ bắt vài con ốc biển đem luộc để thay thế. “Muốn chôn cất Lâm phải chở quan tài sang đảo Trường Sa Đông mới có đất, nhưng thật xót xa vì biển động dữ dội đến ba ngày liền. Chiếc tàu trực Trường Sa 18 neo mấy ngày trời vẫn không thả được xuồng vào đảo vì sóng quá lớn. Mãi đến trưa ngày thứ tư kể từ khi tìm được thi thể Lâm, chúng tôi mới đưa được quan tài sang Trường Sa Đông. Ở đó, anh em đã chuẩn bị một chiếc quan tài gỗ chắc chắn. Tự tay tôi lại tẩm liệm cho Lâm lần nữa” - giọng bác sĩ Hưng nghẹn lại.
Vài tháng sau thì Bùi Công Hưng hết thời gian công tác ở đảo, anh được đơn vị điều về đất liền để đi học tiếp lên bác sĩ. Một ngày trước khi rời Trường Sa, Hưng đến thắp hương cho Lâm, khấn: “Lâm ơi, em đã hòa vào sóng nước Trường Sa cùng những đồng đội đã ngã xuống để bảo vệ cho quần đảo thiêng liêng của Tổ quốc. Em và đồng đội linh thiêng hãy phù hộ cho quân ta lớn mạnh, chắc tay súng để bảo vệ Trường Sa trường tồn. Anh sẽ trở lại Trường Sa để thăm em”.
Bùi Công Hưng nói, khi biết trong hải trình của tàu HQ571 lần này ghé lại Trường Sa Đông, anh rất hồi hộp và xúc động, bởi đây là lần đầu tiên anh về thăm Lâm kể từ cuối năm 2006. “Gặp” lại Quách Hoàng Lâm lần này, bác sĩ Hưng nói, anh vẫn “trò chuyện” với liệt sĩ Quách Hoàng Lâm như câu khấn trước khi anh rời Trường Sa sáu năm về trước.
DUY VY