Chủ Nhật, 24/11/2024 20:33 CH
Còn đó nhịp đập trái tim người lính
Thứ Bảy, 16/03/2013 14:30 CH

Trên khoảng đất trống cạnh nhà một cựu chiến binh, tấm phông in hình người lính hải quân bồng súng được căng lên, băng rôn chào mừng phất phới trong tiếng nhạc. Từ các vùng quê, phố xá ở Phú Yên, những người lính Trường Sa một thời về Sơn Thành Đông (Tây Hòa), tưởng nhớ đồng đội đã hy sinh và ôn lại kỷ niệm không thể nào quên trong những năm tháng cầm súng giữ gìn một phần máu thịt thiêng liêng của Tổ quốc.

 

Gap-mat-Truong-Sa130316.jpg

Quang cảnh buổi gặp mặt - Ảnh: P.TRÀ

KÝ ỨC TRƯỜNG SA

 

Từ Tây Hòa, Đông Hòa và TP Tuy Hòa, các cựu chiến binh Trường Sa có mặt tại điểm hẹn từ rất sớm, để thăm hỏi chuyện trò với đồng đội cũ. Bởi có những người lâu lắm mới gặp lại nhau. Biết bao chuyện cần nói, biết bao tâm tư chất chứa trong lòng cần chia sẻ. Và biết bao kỷ niệm của đời lính giữa sóng gió trùng khơi được đánh thức trong tâm hồn những người vẫn coi Trường Sa là máu thịt của mình.

 

Hơn 20 năm rời quân ngũ trở về với đời thường, diện mạo những người lính ngày ấy đã ít nhiều thay đổi, như anh Phạm Văn Mười ở xã Hòa Xuân Tây (Đông Hòa). Nhập ngũ vào tháng 8/1986, anh Mười làm nhiệm vụ ở đảo Trường Sa Lớn, sau đó qua các đảo: Đá Lát, Sinh Tồn, An Bang, Tiên Nữ. Rõ mồn một trong anh là cảm giác bỡ ngỡ khi cùng đồng đội lên tàu ra Trường Sa. Biển lặng sóng, trải ra một màu xanh biếc; đàn cá heo tinh nghịch bơi theo tàu… Anh Mười thổ lộ: “Tôi nhớ nhất là quãng thời gian ở đảo Tiên Nữ. Lần đó công binh chúng tôi có nhiệm vụ ra đảo xây nhà chòi. Chúng tôi đi vào ban đêm. Khi tàu đến gần đảo Tiên Nữ, không có ca nô để vào, chúng tôi đi bằng xuồng 7 tấn. Cách đảo chừng 100m, một người trong nhóm bơi vào đảo cột dây, sau đó kéo xuồng vô. Xuồng cặp mép đảo, anh em xuống, tôi đứng bịn xuồng, tay cầm đuốc. Sóng đánh mạnh, xuồng đập mạnh vào người… Hơn 3 tháng làm việc trên đảo Tiên Nữ, thiếu thốn đủ thứ nhưng anh em vẫn rất lạc quan, không nản lòng. Tuổi trẻ mà! Nước rút, chúng tôi vô đảo làm việc, nước lên thì ra tàu. Hoàn thành nhiệm vụ, chúng tôi về đơn vị đúng vào ngày 29 tết”.

 

Với anh Nguyễn Hồng Trung, người nhập ngũ vào tháng 2/1986 và làm nhiệm vụ ở đảo Nam Yết suốt 27 tháng, ký ức về quãng đời cầm súng canh giữ phần máu thịt của Tổ quốc dường như vẫn còn tươi rói. “Mùa nắng, thiếu nước ngọt trầm trọng. Một lon sữa bò đựng nước ngọt, 6 người chia nhau tắm mà vẫn mừng” - anh Trung kể. Vậy thì những người lính đảo xoay xở như thế nào với lon nước đó? “Trước hết, anh em tắm bằng nước biển, sau đó lấy khăn nhúng vô nước ngọt, vắt cho thật ráo rồi mới lau lên người. Bằng cách đó mà 6 người chia nhau một lon nước” - anh Trung mỉm cười.

 

 Theo hồi ức của người cựu chiến binh này, trong một năm, những người lính canh giữ đảo thiếu nước ngọt khoảng 5 tháng, bắt đầu từ tháng 3. Khi mùa mưa sắp đến, anh em xây hồ chứa nước để dùng. Cơn mưa đầu mùa kéo dài 6, 7 tiếng đồng hồ, hạt nào hạt nấy to như hạt sỏi. Hồ nhanh chóng đầy nước và những người lính xách nước sang qua hồ khác. “Xách nước trong mưa cũng phải mặc áo, vì hạt mưa to, xoáy vào da rất đau” - anh Trung nhớ lại.

 

Trong số các cựu chiến binh Trường Sa họp mặt vào chiều 14/3 tại Sơn Thành Đông, người có kỷ niệm khó quên nhất là anh Trần Văn Hùng. Nhập ngũ năm 1985, anh được phân công làm nhiệm vụ tại đảo Trường Sa Lớn. Chiều nọ, sau khi bắn xong và cùng đồng đội kéo pháo về, anh Hùng bị pháo chèn lên cả hai chân, bất tỉnh. Xương đùi trái gãy, chân phải sau đó bị hoại tử, anh Hùng nằm ở đảo một tuần rồi được đưa về đất liền. Trải qua 5 lần phẫu thuật, anh bị mất một chân. Người đàn ông sinh năm 1967 này đến giờ vẫn chưa lập gia đình, đang sống với mẹ già 71 tuổi ở phường 9 (TP Tuy Hòa).

 

Gap-mat-Truong-Sa-130316.jpg

Cựu chiến binh Trường Sa Nguyễn Phi Độ (bên trái) đón đồng đội Trần Văn Hùng - Ảnh: P.TRÀ

NGHĨA TÌNH LÍNH ĐẢO NGÀY ẤY

 

Năm 2008, tròn 20 năm sau khi các đồng chí, đồng đội ngã xuống trong cuộc chiến ngày 14/3/1988, các anh Nguyễn Hồng Trung, Nguyễn Thanh Hòa, anh Đào Thái Thi… vào Nha Trang (Khánh Hòa) dự buổi gặp mặt cựu chiến binh Trường Sa. Thấy hoạt động này thật ý nghĩa, các anh bàn nhau tổ chức gặp mặt cựu chiến binh Trường Sa ở Phú Yên, và họ chỉ có chừng 10 ngày để chuẩn bị. Lần gặp mặt đầu tiên được tổ chức tại nhà liệt sĩ Phan Tấn Dư ở xã Hòa Phong (Tây Hòa) - một trong hai người con Phú Yên đã ngã xuống trong cuộc chiến ngày 14/3/1988, đúng vào ngày giỗ liệt sĩ Phan Tấn Dư. Từ đó đến nay, vào ngày 14/3, buổi gặp mặt cựu chiến binh Trường Sa lại được Ban liên lạc tổ chức trong không khí ấm áp nghĩa tình của những người lính, trong hoài niệm về những đồng đội mãi mãi nằm lại giữa đại dương… Năm nay, buổi họp mặt được tổ chức tại xã Sơn Thành Đông, nơi cựu chiến binh Nguyễn Phi Độ đang sống. Nhà anh Độ không có mặt bằng, rất may bên cạnh nhà có khoảng đất trống của người cháu. Thế là bàn ghế được đưa đến đó, lại có cả dàn âm thanh và một cây đàn. Thế là đủ cho cuộc gặp mặt của những người từng mặc áo hải quân.

 

Hôm đó, phải đến 6g chiều buổi lễ mới bắt đầu. Hơn 200 cựu chiến binh Trường Sa ở Phú Yên đã có mặt; đại tá Nguyễn Như Trí, Phó chủ tịch Hội Cựu chiến binh tỉnh Phú Yên, nguyên Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, cũng đã có mặt, song “Ban tổ chức” còn chờ khách ở xa. Đó là 20 cựu chiến binh Trường Sa ở Khánh Hòa. Anh Trung cho biết, năm nào Ban liên lạc Cựu chiến binh Trường Sa ở Khánh Hòa cũng về Phú Yên tham dự buổi gặp mặt, năm nay cũng vậy. Trước khi đến Sơn Thành Đông, họ đến thăm gia đình liệt sĩ Phan Tấn Dư và thắp hương cho đồng chí, đồng đội của mình.

 

Rồi tất cả hội ngộ đông đủ, đại diện gia đình hai liệt sĩ Phan Tấn Dư và Trương Văn Thịnh (ở phường 9, TP Tuy Hòa) cũng đến dự. Sau khi chào cờ, những người lính trở về từ Trường Sa năm ấy lắng lòng tưởng nhớ đồng đội đã ngã xuống, đã hòa máu đỏ vào bao la đại dương, vì biển đảo của Tổ quốc thiêng liêng.

 

Trong buổi gặp mặt, anh Huỳnh Văn Trông, chấp hành viên ở Cục Thi hành án dân sự tỉnh Phú Yên, người từng nhận nhiệm vụ tại Lữ đoàn 146 đóng quân ở bán đảo Cam Ranh (Khánh Hòa), cho biết: “Năm nào các cựu chiến binh Trường Sa cũng đến thắp hương, dự đám giỗ hai liệt sĩ Phan Tấn Dư và Trương Văn Thịnh. Năm 2011, anh em tặng chiếc xe lăn cho thương binh Trần Văn Hùng”. Mới biết dù trở về với cuộc sống đời thường, mỗi người mỗi việc song những người lính Trường Sa ngày ấy luôn quan tâm đến đồng đội, từ người đã ngã xuống cho đến người còn sống.

 

Buổi gặp mặt đã đưa những người từng mặc áo hải quân trở về thời tuổi trẻ, khi họ phơi phới ra khơi giữ biển đảo của nước nhà, khi họ đối mặt với bao thiếu thốn gian khổ, bao hiểm nguy giữa đại dương mênh mông mà không đắn đo chuyện sống chết, như anh Nguyễn Phi Độ đã thổ lộ: “Ra đi làm nhiệm vụ bảo vệ đất nước, nếu có hy sinh cũng là chuyện bình thường…”. Còn anh thương binh Trần Văn Hùng nói: “Anh em đồng đội lúc nào cũng nhớ về Trường Sa, cũng dành cho nhau tình cảm chân thành. Mình được như ngày hôm nay cũng là nhờ tấm lòng của anh em đồng đội…”.

 

ĐỜI THƯỜNG VẤT VẢ

 

Theo anh Nguyễn Hồng Trung, cựu chiến binh Trường Sa ở Phú Yên có cả nghìn người; chỉ riêng số người đi vào tháng 2/1986 đã lên đến 450. Rời quân ngũ, có những người ổn định cuộc sống, thậm chí trở nên khá giả, song bên cạnh đó cũng có người vẫn còn nhọc nhằn, vất vả. Anh Phạm Văn Mười là một ví dụ. Người cựu chiến binh này không thể làm được việc nặng bởi căn bệnh viêm khớp; vợ anh cũng bị viêm đa khớp đã nhiều năm nay. Hai vợ chồng, hai đứa con sống trong căn nhà cũ xây dựng từ năm 1973, đến nay cột kèo đã bị mối đục. Chi hội Cựu chiến binh thôn Bàn Nham Bắc đã kiến nghị chính quyền xã Hòa Xuân Tây xóa nhà tạm cho gia đình anh Mười.

 

Ôi những người lính đã ra đi từ những xóm nghèo bình yên, đã vững vàng tay súng giữa khơi xa đầy bão tố để máu thịt của Tổ quốc được vẹn toàn, để chúng ta có những ngày tháng bình yên bên người thân! Càng trân trọng và thương yêu từng tấc đất, từng ngọn núi, dòng sông, cánh đồng, hòn đảo của Tổ quốc, chúng ta càng không được phép quên những người lính đã ngã xuống, đã từ trong khốc liệt trở về.

 

Đại tá Nguyễn Như Trí, Phó chủ tịch Hội Cựu chiến binh tỉnh Phú Yên, nguyên Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh: “Về với đời thường, mỗi người một nơi, những người lính Trường Sa vẫn nhớ đến đồng chí đồng đội trong những năm tháng gắn bó, cùng nhau bảo vệ biển đảo của Tổ quốc. Đó là tình nghĩa rất sâu sắc. Dù ở xa hay gần, anh em đều về đây họp mặt, thăm hỏi, động viên nhau giữ gìn phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ”, phẩm chất của người công dân Việt Nam có trách nhiệm đối với Tổ quốc và động viên con cháu sau này phát huy những phẩm chất, truyền thống đó, tiếp tục giữ gìn, bảo vệ đất nước, bảo vệ nền độc lập tự do”.

 

PHƯƠNG TRÀ

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

CÁC TIN KHÁC
Bài cuối: Hiên ngang Trường Sa
Thứ Ba, 05/03/2013 14:05 CH
Bài 4: Khi Tổ quốc cần…
Thứ Hai, 04/03/2013 14:00 CH
Bài 3: Chuyện tình người lính đảo
Thứ Bảy, 02/03/2013 14:05 CH
Bài 2: Bình yên nơi biển đảo
Thứ Sáu, 01/03/2013 14:00 CH
Bài 1: Vững tin với Trường Sa
Thứ Năm, 28/02/2013 14:05 CH
LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek