Đi bán hoa ở ngoài tỉnh ngày giáp tết là công việc kiếm được tiền, nhưng đôi khi cũng lỗ vốn. Công việc này đã trở thành cái thú của nhiều thương lái lẫn nhà vườn. Không đi không được!
Nhiều người đến chợ xem hoa một cách hờ hững... chờ đến đêm giao thừa mới mua - Ảnh: T.QUỚI
TẤT NIÊN SỚM
Ông Năm Sỹ ở khu phố Ninh Tịnh 2 (phường 9, TP Tuy Hòa), năm nay quyết định cúng tất niên từ ngày 16 tháng Chạp. Ông giải thích lý do làm tất niên sớm: “Năm ngoái tôi cúng tất niên đúng ngày 23 tháng Chạp. Cúng xong, mời hàng xóm không còn ai ở nhà, tất cả đã lên xe đi bán hoa tỉnh ngoài. Chỉ có gia đình quây quần, nhưng cũng vội vội, vàng vàng để chiều còn đưa hoa lên xe đi Phan Rang. Thế nên năm nay tôi bàn với vợ quyết định làm sớm”.
Thường cúng tất niên được tổ chức vào ngày cận tết sau 23 tháng Chạp đưa ông Táo về trời “báo cáo” về một năm làm ăn bận rộn. Sau đó là bữa cơm gia đình và những người thân chuẩn bị mừng bước sang năm mới. Thế nhưng với người làng hoa thì khác. Bắt đầu từ sau 15 tháng Chạp là nhà nhà rục rịch tổ chức tất niên. Đơn giản vì lúc đấy còn hàng xóm tới dự, chung vui.
Bữa cơm tất niên với người làng hoa không đơn thuần là gặp mặt cuối năm vui vẻ, mà ở đó còn là nơi để bàn chuyện làm ăn, kết nhóm với nhau đi bán hóa các tỉnh, truyền cho nhau những kinh nghiệm bán hoa nơi xứ người, từ kinh nghiệm xin ăn cơm, tắm giặt nhờ nhà người lạ hay bí quyết ban đêm thức canh hoa khỏi trộm vặt…
Đi bán hoa tết xa nhà có nhiều chuyện vui, buồn, có khi cười ra nước mắt. Ông Nguyễn Duy Pháp tâm sự: “Thật ra thì đâu ai muốn xa nhà những ngày giáp tết, nhưng hoàn cảnh phải vậy, riết rồi quen. Có những năm gặp chợ ế, ngồi ở nơi xứ người đến đêm giao thừa, ruột gan cứ lộn cả lên. Ước mơ đơn sơ nhất lúc ấy là làm sao về nhà trong ngày đầu năm cũng tốt rồi”...
TÔI ĐI BÁN HOA TẾT
Năm ngoái, trong lúc trà dư tửu hậu tôi “nổi máu phiêu lưu” bàn với vợ, rồi rủ thêm ông cháu hàng xóm “cũng máu” hùn vốn đi bán hoa một chuyến chợ xa. Tôi xác định đi bán hoa chính là để trải nghiệm, thử cảm giác xa nhà ngày áp tết thế nào chứ không hy vọng tiền lời, hòa vốn là mừng.
Hai chú cháu lên đường đi Phan Rang (Ninh Thuận) cùng một xe mai đầy hồi hộp. Chưa kể chuyện bán buôn xứ người, riêng việc để mua được 100 gốc mai, rồi lên xe mất cả tuần lao động cật lực. Đêm trước khi lên xe, tôi cứ trằn trọc suy nghĩ vẩn vơ. Rồi chuyện gì đến cũng đến. Một chuyến đi đầy cảm xúc, nhưng theo cách nói dân dã là “lỗ chỏng gọng”.
7g tối đêm 22 tháng Chạp xe xuất phát, đến Phan Rang quá nửa đêm. Nhờ có nhà người bạn nên việc chuẩn bị sân bãi đỡ vất vả. Ba ngày đầu, mỗi ngày bán được 3 chậu mai. Tính ra nếu bán hết 100 gốc mai phải ra Giêng mới về nhà. Bạn tôi động viên: Không sao, thời điểm này người ta chưa dọn dẹp nhà cửa nên chưa mua hoa về chưng. Từ 27 đến 30 tết, anh cứ lo mà thu tiền”. Nói vậy cho tôi đỡ lo, chứ tâm lý người sành chơi hoa họ mua sớm chứ ít ai để cận ngày chờ xổ giá. Sợ tôi tủi thân nên cứ tối lại, vợ chồng bạn lại làm vài chai bia, có khi xị đế lai rai nói dóc. Sau đó, hai chú cháu è lưng khiêng mai vào nhà chống trộm, sáng mai lại bày ra hiên như những người bán hàng vỉa hè.
Rồi cái sự lo lắng cũng đến. Chiều ngày 29 tháng Chạp chúng tôi chỉ bán được phân nửa số chậu mai. Tôi bắt đầu run, điện thoại những người hàng xóm khảo sát tình hình. Ngay tối hôm đó, chúng tôi phải chuyển toàn bộ số mai bằng xe ba gác máy xuống chợ hoa mong xổ hàng cho kịp về nhà trước giao thừa. 2g chiều 30 tháng Chạp, những cây mai đại hạ giá cuối cùng cũng được “đẩy” hết, kịp lên chuyến xe thuê từ Phú Yên chạy vào chở “đoàn người bán hoa”.
Mừng vì rốt cuộc được về nhà trước giao thừa, nhưng lại sợ vợ buồn vì cái máu trải nghiệm của mình mà mất đi một khoản tiền. Rớt xuống xe, tôi thất thểu về nhà khi trời tối hẳn. Vợ mang bầu, vừa trông con nhỏ leo nheo lít nhít vừa chuẩn bị bữa cơm cúng tất niên. Lo lắng, mệt mỏi không còn, tự nhiên trong tôi có một cảm giác khác lấn át hoàn toàn “muốn rớt nước mắt”...
ĐÓN GIAO THỪA XỨ NGƯỜI
Thật ra tôi là dân ngoại đạo nên mới nhiều cảm xúc đến vậy, chứ dân nhà vườn đi bán hoa xứ người không kịp về nhà đón giao thừa là chuyện hên xui. Gặp năm chợ đắt thì về nhà như người chiến thắng, năm chợ ế thì như một đám tàn quân âm thầm lúc nửa đêm, chả buồn xem pháo hoa hay nghe lời Chủ tịch nước chúc tết.
Ông Bùi Minh Hội ở phường 9 kể: “Có năm tôi và nhóm bạn đi bán hoa ở Gia Lai, đến 10g đêm giao thừa rồi mà một số người trong đoàn hoa vẫn còn nhiều. Chúng tôi phải chia nhau bán giúp chờ xong xuôi đã 1g sáng, vậy là đón giao thừa ngay trên xe, mình đạp đất nhà mình mùng 1 tết”. Ông Hội nói tỉnh bơ.
Nói vậy chứ không phải vậy. Phàm ai đã có gia đình riêng đều mong muốn đêm giao thừa có mặt sum vầy cùng cả nhà. Nguyễn Duy Pháp chuyên đi bán hoa tết chợ xa có những nỗi niềm hết sức đặc biệt. Ba cha con anh đưa hoa ra tận Thanh Hóa để bán. Do không quen thị trường, ngày 30 hàng còn ê hề. Buồn nẫu ruột, người nhà gọi điện thông báo: Bà ngoại vừa mất! Tin như sét đánh, một cảm giác hụt hẫng tột độ. Ba người đàn ông, chỉ một người đại diện tức tốc về lo tang bà, hai người phải lo liệu bán cho hết số hoa qua tết mới về thọ tang...
Có người nói “cuộc sống của con chuột tùy thuộc vào con mèo”. Người bán hoa có về nhà trước giao thừa hay không là tùy thuộc vào... người mua hoa. “Chơi hoa chớ chọn hoa tàn/ Đừng chờ tan chợ bẽ bàng lắm thay”. Người bán hoa, chị lao công quét rác... cũng mong lắm được về nhà trước giao thừa để thắp lên bàn thờ gia tiên một nén nhang mừng năm mới!
TRẦN QUỚI