Tháng Chạp - tháng mà cả người lớn và trẻ con đều đếm ngược từng ngày để chờ đến tết. Có điều cái cảm giác đếm ngược của trẻ con và người lớn hoàn toàn trái ngược nhau. Lũ trẻ thì mong chờ đến tết để được xúng xính trong quần áo mới, được nhận lì xì, chơi xuân; còn người lớn thì “ôi sao mà mau tới tết quá không biết”, đếm ngược để chạy đua với thời gian.
Muôn thứ hàng hóa đều mong chờ đến tháng Chạp để ra chợ tết. Trong đó có một thứ đặc biệt mà cả người sản xuất, người bán, người mua đều háo hức mong chờ. Đó là hoa tết. Có thời gian trải nghiệm cùng với những người làng hoa, cùng họ chong đèn thao thức chờ hoa lớn từng đêm cho đến khi lên xe đi bán nơi xứ người và đón tết trong bộn bề cảm xúc cuối năm thì mới hiểu hết những cung bậc cảm xúc.
Bài 1: Người làng hoa chờ tết
Từ khi cắm cây giống xuống đất là người nông dân phải chăm chút từng li từng tí cho cây hoa phát triển khỏe mạnh để có được lứa hoa tết đúng kỳ ra chợ tết, vừa làm đẹp cho đời vừa có khoảng thu nhập.
Trước tết một tháng nhiều khách hàng mua sỉ̉ đã đến nhà vườn xem hoa, đặt tiền cọc -Ảnh: T.QUỚI
CHONG ĐÈN CHỜ TẾT
Tháng tám âm lịch người dân ở các làng hoa bắt đầu chuẩn bị mùa hoa cúc tết. Sau một tuần bén rễ, những vườn cúc phải được nông dân chong điện để tăng chu kỳ quang học. Buổi tối, những khu vườn trồng hoa cúc sáng rực ánh đèn nê on. Đây là cách nhà vườn không cho hoa “ngủ” để phát triển liên tục, cây lên cao hơn. Muốn có được một chậu hoa cúc đẹp có thể bán dễ dàng trong dịp tết, nhà vườn phải bỏ rất nhiều công chăm sóc, từ khi ươm giống, tưới nước 2 lần/ngày đến khi phải thúc cho cây đủ cao, tán ôm kín to gấp 2 lần vòng chậu và hoa nở đều… Suốt hơn 4 tháng ròng thời điểm nào cũng quan trọng đối với chu kỳ sinh trưởng và phát triển của hoa cúc. Người trồng chỉ sơ sẩy một công đoạn kỹ thuật là có thể đánh mất nguồn thu nhập chính trong năm của cả gia đình.
Ông Đặng Thế Vũ, trồng cúc thâm niên ở khu phố Ninh Tịnh 2 (phường 9, TP Tuy Hòa) cho biết: “Trước đây, tôi không biết đặc tính sinh học, sinh trưởng, cứ học lõm rồi làm thử. Ban đầu cứ nghĩ là phải chong điện để cho cây ấm nên cứ mua bóng dây tóc về chong cả đêm tốn kém nhiều tiền điện quá. Sau này, tôi học được kỹ thuật trồng hoa một cách bài bản thì mới biết chong điện để không cho cây ngủ, phát triển chiều cao và tránh trổ bông sớm”. Bà Trần Thị Thu Dung ở khu phố Phước Hậu 2 (phường 9, TP Tuy Hòa) cho biết, trong tất cả các loại hoa tết, cúc là loài hoa nhọc công chăm sóc nhất. Phân thuốc liên tục, người trồng phải có mặt ở vườn suốt mấy tháng ròng, sơ sẩy một chút là coi như mất trắng.
Đối với mai và quất không phải chong đèn đợi tết như cúc, nhưng người trồng cũng phải “trông trời, trông đất, trông mây...”, suốt ngày ở ngoài vườn chăm chút, cắt tỉa, phân, thuốc... cho hoa thì mới yên tấm lòng. Từ tháng 11 âm lịch người nhà vườn đã hối hả cột quất (tạo dáng) để cây có thời gian “trở lá” phát triển bình thường theo định dạng mới. Còn những cây mai đã đâm nụ ở mỗi nách lá, được “nâng như nâng trứng”. Đến cuối tháng 11 âm lịch, người trồng mai bắt đầu ngóng cổ nhìn trời đoán thời tiết để chọn thời điểm thích hợp nhất lặt lá mai. Ông Võ Thành Quang ở khu phố Phước Hậu 3, phường 9 cho rằng: “Muốn mai trổ đúng tết phải liệu thời tiết, nắng ấm thì xuống lá muộn, mưa lạnh thì lo mà xuống lá trước tháng Chạp. Khó vậy, nhưng hiệu quả kinh tế gấp nhiều lần so với các loại hoa khác. Một cây mai có dáng thế đẹp, 5 năm tuổi trở lên nếu trổ hoa đúng dịp tết giá bán 5-7 triệu là chuyện thường.
Những ngày cận Tết Nguyên đán, không khí lao động ở các làng hoa nhộn nhịp hẳn lên. Tiếng cười nói giòn giã trên khuôn mặt rạng ngời của những nông dân hứa hẹn một vụ hoa bội thu, chờ đón tết sum vầy.
Quất, cúc, mai luôn được chọn để đưa đi bán các chợ ngoài tỉnh - Ảnh: T.QUỚI
RỘN RÀNG CHỢ NHÀ VƯỜN
Đến hẹn lại lên, khoảng giữa tháng 11 âm lịch các vườn mai Liên Trì (xã Bình Kiến), Ninh Tịnh (phường 9, TP Tuy Hòa) nhiều thương lái tìm mua mai lá. Nhiều nhà vườn trồng mai năm nay đã có thu nhập hàng trăm triệu đồng từ việc bán mai lá trước tết. Ông Kiều Công Luyến ở khu phố Liên Trì 2 có 250 gốc mai bán cho thương lái TP Hồ Chí Minh thu về gần 150 triệu đồng. Ông Luyến vui vẻ cho biết: Bán mai trước tết cầm chắc đồng tiền, đỡ phải thấp thỏm lo hoa không trúng tết, mong chợ được giá. Còn ông Nguyễn Thành Phụng ở cùng thôn với ông Luyến cũng vừa bỏ túi với hơn 300 triệu đồng từ bán 300 gốc mai lá 7-10 năm tuổi. Ông Phụng cho hay, giá mai năm nay tăng từ 100.000 - 300.000 đồng/gốc.
Ông Nguyễn Chí Phương, Chủ tịch UBND xã Bình Kiến cho biết, năm nay thời tiết thuận lợi nên hầu hết các vườn mai đều trúng tết. Thương lái khắp nơi vào chọn mua mai chở đi vào Nam, ra Bắc. Mùa tết năm nay nhà vườn xã Bình Kiến và phường 9 xuất bán ra thị trường không dưới 20.000 gốc mai. Ông Nguyễn Văn Ngôn ở phường 9 mua hoa mai chở đi các tỉnh miền Bắc cho biết năm nay mai đi Bắc (nở sớm hơn) hiếm, giá mỗi gốc tăng từ 100.000-200.000đồng, nhiều người phải chuyển hướng vào Nam.
Đó là chuyện cách đây một tháng, còn ở thời điểm này các vườn hoa luôn tấp nập thương lái đến xem hàng và đặt tiền cọc. Ông Trần Văn Tính trồng cúc ở khu phố Ninh Tịnh 2 cho hay: Do trượt giá, đầu tư cũng cao nên giá bán tại vườn cũng có nhích hơn. Chậu cúc loại nhỏ từ 150.000-200.000 đồng/chậu, loại trung từ 220.000-250.000 đồng/chậu, loại lớn từ 300.000 đồng/chậu trở lên tùy hoa đẹp, xấu. Với giá này sau khi bù chi phí đầu tư, người trồng có được ngày công kha khá. Hiện tại, hầu hết các vườn hoa cúc ở phường 9, Bình Kiến đã có thương lái đặt mua sỉ, chỉ một số ít nhà vườn giữ hoa lại để đưa ra chợ bán kiếm thêm thu nhập.
Việc mua bán hoa tết cũng tạo điều kiện cho nhiều lao động có thêm thu nhập, cải thiện cuộc sống những ngày tết. Ông Phạm Văn Nghị cho biết: “Mùa này ở đây tìm không ra đàn ông, con trai khỏe mạnh. Chủ hoa gọi đi bốc hàng cứ tréo hèo, muốn thủng thẳng cũng không được, ráng làm mấy bữa kiếm tiền tiêu tết”. Khan hiếm công, nhiều nam sinh viên trọ học cũng nán lại tham gia vào đội quân bốc vác hoa lên xe để kiếm tiền tiêu tết.
Giới cộ bò cũng làm việc liên tục. Cộ bò là phương tiện trung chuyển chậu hoa không thể thay thế từ vườn ra xe tải. Anh Nguyễn Mỹ đánh cộ bò ở khu phố Ninh Tịnh 2, phường 9 vừa thở hổn hển, vừa nói: “Mệt nhưng vui, ai gọi đi chở hoa tôi cũng nhận lời, vì cả năm chỉ có mấy ngày chở hoa nên phải ráng làm”. Mỗi chậu hoa từ vườn bốc lên xe từ 10.000-12.000 đồng, một ngày làm việc mỗi người cũng có thu nhập từ 500.000-700.000 đồng”.
HOA “MADE IN” PHÚ YÊN
Ở các làng hoa Phú Yên, người dân trồng nhiều thứ từ hoa chơi lá, chơi bông, bonsai... nhưng có bốn loại hoa chủ lực được nhà vườn cũng như thương lái chuộng đi bán ở các tỉnh ngoài, đó là mai vàng, quất, cúc (pha lê, đại đóa) và lay ơn. Bà Nguyễn Thị Bảy ở thôn Ngọc Lãng, xã Bình Ngọc (TP Tuy Hòa) cho biết: “Trước đây, ở đây chỉ trồng hoa lay ơn hồng (giống địa phương), về sau nhiều người nhập các giống cao cấp từ Đà Lạt về trồng, đáp ứng thị hiếu người chơi hoa và dần khẳng định được thương hiệu hoa lay ơn Phú Yên. Loại hoa này đã giúp nhiều gia đình tăng thu nhập, ổn định cuộc sống”.
Đối với hoa cúc, mặc dù tiếp nhận công nghệ sau, nhưng nhờ sự cần cù của người trồng đã cho “ra lò” những chậu cúc mang thương hiệu Phú Yên không thua kém gì cúc Ninh Hòa (Khánh Hòa). Ông Đặng Thế Vũ mỗi năm trồng khoảng 500 chậu cúc tự tin cho biết: “Cúc Phú Yên những tết gần đây có mặt ở khắp các tỉnh khu vực miền Trung - Tây Nguyên, thị trường mà lâu nay cúc Ninh Hòa độc chiếm. Ngay như Ninh Thuận - tỉnh láng giềng với Khánh Hòa hoa cúc Phú Yên cũng hiện diện nhiều. Cúc Phú Yên cho hoa đều, lá chân dày, giá lại mềm nên được nhiều người chọn mua”.
Mai vàng Phú Yên cũng vậy. Không giống như mai Bình Định chơi gốc, chi, thân cành. Mai Phú Yên chú trọng dáng và hoa. Dáng đẹp, hoa đều trúng tết là “ô-kê”. Cũng chính vì sự không cầu kỳ này nên giá mai Phú Yên luôn mềm hơn mai Bình Định, phù hợp với lối chơi mai bình dân. Ông Nguyễn Văn Ngôn bán mai ở các tỉnh phía Bắc cho biết: “Người miền bắc thích mai cũng như người miền Nam hâm mộ đào. Do trái ngược về khí hậu nên chọn được cây mai ra đến đất Bắc trổ đúng tết là rất khó. Chi phí vận chuyển một chậu hoa ra đến Lạng Sơn 500.000 đồng, nên giá trị một cây mai cao hơn từ 5-7 lần so với giá tại vườn”.
Không cao giá như mai cúc, nhưng quất Phú Yên cũng được nhiều người ưa chuộng. Theo nhiều nhà vườn ở phường 9, quất năm nay tiêu thụ chậm hơn mọi năm, nhưng cũng được nhiều thương lái tìm đến mua.
---------------------
Bài cuối: Vui buồn chuyện bán hoa xứ người
TRẦN QUỚI