Chủ Nhật, 06/10/2024 00:39 SA
Chuyện ghi ở những vùng quê:
Bài 1: Xóm “nuôi” tre
Thứ Năm, 10/01/2013 14:00 CH

Làng quê vốn yên ả thanh bình, gắn bó thân thiết với lũy tre; tre xanh ngút ngàn “nối vòng tay” bao bọc xóm nhà, nhờ có tre mà người dân ở đây lưu giữ làng nghề đan nong nia, rổ rá. Duy nhất ở một xã vùng sâu, đồng bào dân tộc thiểu số trồng và bảo tồn cây teng neng; bí quyết hơ lửa teng neng làm cho món ăn muối teng neng kiến vàng với bò một nắng hai sương trở thành thương hiệu đặc sản Phú Yên được nhiều người biết đến. Một vùng khóm bạt ngàn với hàng trăm căn chòi, người dân sống dưới căn chòi tạm bợ trồng khóm thu nhập gần trăm triệu đồng/năm.

Xóm Gò Cốc, thôn Triêm Đức, xã Xuân Quang 2 (Đồng Xuân) có biệt danh là xóm Tre. Tre mọc ken dày, người dân ở đây bước chân ra khỏi nhà là “đụng” tre. Tài sản của họ là tre, nhà nào cũng có tre, nhiều người có từ 150 đến 200 bụi tre.

tre-31301102.jpg
Người dân xóm Gò Cốc chăm sóc tre, dọn gai cho măng vươn thẳng - Ảnh: H.NAM

LÀNG NGHỀ NONG NIA, RỔ RÁ

Tre có từ lâu đời, từ thời cha ông trồng để lại, thế hệ con cháu ở đây bao năm qua ra sức “nuôi” tre. Tre “nối vòng tay” bao bọc quanh xóm nhà, tre trồng ngăn cách lối đi, làm hàng rào. Đến đây chỉ thấy bóng tre xanh ngút ngàn, rợp mát.

Cụ Phạm Điềm (81 tuổi), ở xóm Gò Cốc ngồi vót tre đan thúng kể, khi sinh ra ông đã thấy tre mọc ken dày, trải qua nhiều thế hệ, con cháu ở đây bảo quản “nuôi” tre xanh mượt đến tận bây giờ. “Nuôi tre phải có “bí quyết” như rong (chặt) gai để măng mọc vươn thẳng, khi chặt tre bán hoặc đan các vật dụng thì chặt tỉa, chừa lại một số cây để khi măng mọc lên có thể dựa vào thân tre già mà che chở. Nếu chặt triệt lứa tre già thì măng mọc lên gió sẽ quật gãy, cây tre bị cụt đọt. Khi tre bị cụt đọt nếu có để lâu năm (trên 10 năm) thân tre ngã màu vàng óng, dùng đan nong, thúng sẽ mau mục, không bền như cây tre nguyên đọt”, cụ Điềm nói.

Đời sống gắn bó thân thuộc với tre nên người dân ở đây gắn bó với làng nghề, ai cũng biết đan nong, thúng, rổ tre… mà ít có nơi nào còn lưu giữ. “Công việc này đòi hỏi phải có sự sắc sảo trong khâu léo viền nên rất nhọc công mới đan xong cái thúng. Một cây tre chẻ ra vót nan đan được 4 cái thúng, giá bán 50.000 đồng/cái cũng đủ trang trải tiền chợ. Nếu không có tre, cứ xúc lúa trong bồ bán thì lúa gạo không đủ ăn giáp hạt vì ruộng lúa ở đây rất ít. Nghề này tranh thủ mọi lúc mọi nơi, có người đi làm đồng về, trưa tối ngồi đan 2 đến 3 ngày mới xong, chủ yếu “giữ nghề” cho con cháu mai sau”, anh Nguyễn Văn Tuấn, một người dân ở đây bày tỏ.

Nét đặc biệt “duyên dáng” tre xanh xóm Gò Cốc là tre “nối vòng tay” ôm trọn từng ngôi nhà, bao bọc quanh xóm rộng lớn. Những ngôi nhà lọt thỏm dưới tán lá tre xanh với những câu chuyện gắn bó thân thiết, chan chứa tình cảm thân thương với tre. Chị Trần Thị Xinh tâm sự: “Tôi ở xã bên lấy chồng về đây, chồng tôi là con út trong gia đình, khi cha mẹ chồng qua đời để lại tài sản trên 150 bụi tre. Mỗi năm bán hai lứa tre già kiếm vài chục triệu đồng, tuy không mua sắm gì nhiều nhưng cũng đủ tiền mua sách vở, quần áo cho con đi học. Con trai tài sản cha mẹ để lại là tre đã đành, còn có con gái lấy chồng trong xóm, chẳng hạn như em chồng tôi, cha mẹ thương tình hứa hai bên dòng họ khi ra riêng cho mấy chục bụi tre làm vốn”.

tre-1130110.jpg

Cụ Phạm Điềm (81 tuổi) ở xóm Gò Cốc đan thúng - Ảnh: H.NAM

GẮN BÓ THÂN THIẾT VỚI TRE

Xóm Gò Cốc nằm cạnh sông Kỳ Lộ, một vùng đất trũng thấp phía dưới liền kề với xóm Trường (thôn Triêm Đức). Nhớ lại trận lũ lịch sử cuối tháng 11/2009, xóm Trường có 18 người chết do lũ cuốn trôi, 41 ngôi nhà đổ sập hoàn toàn. Nước lũ chảy xiết đến nỗi có những ngôi nhà bị “bứng” đi cả móng. Xóm Gò Cốc lúc đó cũng chìm trong biển nước, tuy nhiên những ngôi nhà trong xóm vẫn đứng vững trong lũ dữ. Chị Phạm Thị Nhiên ở xóm Gò Cốc nhớ lại: “Buổi tối lũ ập đến bất ngờ, nước dâng cao ngập gần đến cổ. Nhà có chiếc sõng câu nên chồng tôi (anh Nguyễn Sanh) đưa 3 mẹ con ngồi trên sõng. Anh ngâm mình dưới nước giữ cho sõng thăng bằng. Sáng ra, nước rút, trong nhà bùn non ngập cả gang tay. Ở đây gần sông, nước chảy xiết nhưng nhờ tre bao quanh cản dòng nước, nếu không xóm nhà trôi dạt ra sông hết rồi”.

Là vùng trũng thấp vì vậy trong những năm qua, người dân xóm Gò Cốc hứng chịu cảnh “lũ chồng lên lũ”. Đến mùa mưa, nhà nào cũng trong tư thế chạy lũ. Đến mùa lũ, mỗi khi có mưa to là cả xóm hối hả lùa bò đi trước, rồi về “gùi” gạo, muối, mùng màn chạy vào xóm Than (thôn Triêm Đức) tá túc nhà người quen tránh lũ. Ông Trần Văn Điệp (50 tuổi), một người dân ở đây nói: “Từ sau trận lũ năm 2009, cứ đến mùa mưa, người dân ở đây mệt mỏi vì phải liên tục chạy lũ, tất cả các đồ dùng trong nhà từ cái nhỏ nhất như chén đĩa, phích nước đến cái lớn như bàn ghế đều treo lơ lửng trên trần nhà. Nhà nào có gác lửng thì dồn lên đó. Nhà tôi có bộ phản gỗ là nơi để tủ thờ và các vật dụng khác được buộc dây thật chặt để lũ không cuốn trôi”.

Để đảm bảo tính mạng, tài sản người dân, đầu năm 2012, UBND huyện Đồng Xuân đầu tư gần 5 tỉ đồng san ủi mặt bằng, xây dựng cơ sở hạ tầng khu tái định cư Triêm Đức 2, đưa bà con xóm Gò Cốc đến sinh sống. Có nơi ở mới ai cũng vui mừng vì không còn phải cảnh chạy lũ, tuy vậy, trong cuộc sống lao động hằng ngày bà con vẫn ra xóm Gò Cốc để chăm sóc tre, tận dụng sân vườn trồng cỏ chăn nuôi bò tạo nguồn thu nhập. Ông Trần Xuân Hùng, Trưởng ban Mặt trận thôn Triêm Đức cho hay: “Có nơi ở mới khang trang, ban ngày bà con vẫn ra ở nhà cũ dọn bảo quản tre, tối về nhà mới. Có những gia đình con cái ở trong nhà mới đi học gần trường, còn cha mẹ hằng ngày vẫn ở đây chăm sóc tre vì tre là tài sản có từ lâu đời. Mùa mưa mới dọn về ở hẳn trong đó”.

(Còn nữa)

-----------------------------

Bài 2: Xã “teng neng”

HOÀI NAM - MINH DUYÊN 

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek