Thứ Hai, 25/11/2024 03:06 SA
Chung tay giúp người yếu thế
Bài 2: Nỗ lực giảm suy dinh dưỡng ở trẻ em miền núi
Thứ Tư, 26/12/2012 08:00 SA

Bài 1: Phát triển toàn diện cho người khuyết tật

Xác định vấn đề sức khỏe trẻ em phải tác động mạnh từ gia đình mới đem lại hiệu quả tích cực, Chương trình phòng, chống suy dinh dưỡng (SDD) dựa vào cộng đồng trong 5 năm qua đã thật sự phát huy trách nhiệm của bố mẹ. Cùng với đó, là sự thay đổi lối tư duy của người dân, góp phần giảm gánh nặng cho chính quyền các địa phương.

 

trao-qua121226.jpg

Khen thưởng những bà mẹ nuôi con tốt để động viên họ và khuyến khích những bà mẹ khác làm theo. Trong ảnh: Thạc sĩ Nguyễn Thị Ngọc Lan, cán bộ Ủy ban Y tế Hà Lan - Việt Nam tặng quà cho các bà mẹ nuôi con tốt ở huyện Đồng Xuân - Ảnh: T.THỦY

Từ khi có sự tác động của chương trình, vai trò của bố mẹ và cộng đồng được nâng lên. Mục tiêu giảm tỉ lệ SDD hàng năm, các chỉ số hoạt động của từng chiến lược đạt và vượt.

 

HỖ TRỢ SÁT THỰC TẾ

 

Xã Suối Trai (Sơn Hòa) những năm qua được báo chí nhắc nhiều đến cuộc sống đầy khó khăn của người dân, dẫn đến phá rừng làm rẫy; rồi hủ tục “trở về” của chế độ mẫu hệ; chuyện những công nhân thủy điện sở khanh bỏ lại những đứa con thơ… Có lẽ thế, phần lớn những đứa trẻ ở đây bị SDD, khi chế độ thai kỳ và nuôi dưỡng con trong những năm đầu đời ít được các bà mẹ quan tâm hoặc không có điều kiện thực hiện. Tại đây, Ủy ban Y tế Hà Lan - Việt Nam hỗ trợ các hoạt động phòng, chống SDD trẻ em một cách thiết thực. Trẻ bị SDD nặng được bổ sung chất đạm qua thịt, cá, trứng… mỗi ngày 20.000 đồng. Hoạt động cấp phát thực phẩm phục hồi dinh dưỡng có hướng dẫn cụ thể từng khẩu phần của trẻ giúp các bà mẹ biết rõ và thực hiện cho con ăn đủ chất và lượng cần thiết cho trẻ SDD với mong muốn mỗi tháng trẻ sẽ lên 0,3-0,4kg. Trung bình một trẻ SDD được hỗ trợ 3-5 tháng/năm, mỗi tháng 300.000-500.000 đồng. Nhờ sự hỗ trợ vật chất này mà trẻ em SDD ở Suối Trai năm 2008 chiếm 36,8%, nay còn mức 30%.

 

Việc can thiệp hỗ trợ điều kiện sống, ở Sơn Hòa và Sông Hinh cho gia đình nghèo có con dưới 5 tuổi vay vốn từ nguồn quỹ phát triển xã để phát triển kinh tế. Tại huyện Đồng Xuân, năm 2008-2009, chương trình hỗ trợ sữa đậu nành, bột ngũ cốc, đường cho các nhóm bà mẹ để cấp cho 195 trẻ ở thôn Hà Rai, Xí Thoại (Xuân Lãnh), Phú Sơn, Kỳ Đu (Xuân Quang 2). Đến nay có khoảng 70% bà mẹ tiếp tục sử dụng sữa đậu nành khi không còn sự hỗ trợ. Ngoài ra, chương trình còn trang bị các điều kiện liên quan như cân 30kg, sổ tay sinh hoạt, bảng đánh giá tình hình dinh dưỡng; máy xay đậu nành, máy vi tính, máy in...

Chương trình còn đầu tư cải thiện kinh tế bằng mô hình chăn nuôi bò, gà; cải thiện điều kiện sống bằng nguồn nước sạch và vườn rau sạch. Chị Nguyễn Thị Hương (thôn Xí Thoại) có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, có con bị SDD. Chị được hỗ trợ thuốc và thực phẩm trong 4 tháng để điều trị bệnh, đồng thời được cho kinh phí lắp công tơ bắt điện thắp sáng và được hướng dẫn làm chuồng nuôi gia súc. Đến nay chị đã tự chủ về kinh tế và con chị thoát khỏi SDD.

 

TRUYỀN THÔNG SINH ĐỘNG

 

Chương trình đưa ra những cách làm sinh động giúp thay đổi hành vi mà tiếp thị cộng đồng là một hình thức đặc biệt. Ở các thôn, buôn được hưởng lợi tại huyện Sơn Hòa, áp dụng cách thức mỗi ngày bà mẹ dùng 1.000 đồng mua sữa đậu nành cho trẻ dưới 5 tuổi, do bà mẹ nhóm trưởng cung cấp. Cứ thế đúng 7 ngày, bà mẹ đó được tặng phần quà trị giá 10.000 đồng quy đổi thành thực phẩm bổ dưỡng như bánh quy, sữa chua… Còn tại Đồng Xuân, nếu mỗi ngày mua 200ml sữa đậu nành (ít nhất 16 ngày/tháng) thì bà mẹ được tặng quà khuyến mãi trị giá 25.000 đồng, quy đổi thành đường, bột đậu nành, bột ngũ cốc.

 

Chương trình truyền thông bằng tổ chức hội thi: kiến thức mẹ sức khỏe con; trình diễn dinh dưỡng; thi đua giữ vệ sinh cá nhân và ăn uống… khuyến khích các bà mẹ trả lời câu hỏi về chăm sóc sức khỏe trẻ em. Bên cạnh đó, nhân viên y tế thôn còn sử dụng phương pháp kịch tương tác, “ảnh biết nói” để truyền thông trong sinh hoạt nhóm. Tổ chức ngày hội truyền thông cho nhiều gia đình tham gia với các trò chơi: cho con ăn cơm, hiểu ý con, thổi bong bóng, qua đó tuyên truyền về cách chế biến thực phẩm phù hợp với từng lứa tuổi, tạo không khí vui vẻ trong bữa ăn của trẻ; giúp cha mẹ quan tâm, hiểu tâm lý con trẻ; giúp trẻ vận động nâng cao thể lực. Tại các buổi truyền thông, nhiều bà mẹ được tư vấn, hướng dẫn duy trì những hành vi tích cực và cải thiện những hành vi không có lợi; cách vận dụng và chế biến nguồn thực phẩm tự có tại nhà. Đây chính là mô hình điều tra cộng đồng và tác động trực tiếp để các bà mẹ biết cách và thực hiện hành vi phòng chống SDD trẻ em; biết làm những món đơn giản giàu dinh dưỡng như tóp mỡ, cá khô xay, muối mè, chè, đậu non, sữa chua, kem plan...

 

Học tập từ gương điển hình là phương pháp làm thay đổi hành vi tích cực thông qua việc học tập những hành vi hay, hoạt động tốt của một người hay nhóm người có cùng hoàn cảnh. Qua đó, những bà mẹ nuôi con khỏe được dịp trao đổi kinh nghiệm với các chị em trong nhóm. Mí Khiêm (buôn Thống Nhất, xã Suối Trai) là một gương điển hình về cách nuôi con. Mí Khiêm kể: “Con tôi không ăn thứ này thì tôi bù thứ khác. Rau muống thì phải xào thì nó mới thích. Nó không ăn trứng luộc thì tôi làm trứng chiên, không thích ăn thịt nấu trong canh thì tôi nướng hoặc chiên. Xem trình diễn dinh dưỡng là một chuyện, mình về áp dụng sao cho phù hợp với sở thích của con”.

 

nau-an121226.jpg

Hướng dẫn bà mẹ chế biến thức ăn bồi bổ trẻ suy dinh dưỡng tại Trạm Y tế xã Suối Trai - Ảnh: T.THỦY

NÂNG CAO VAI TRÒ NGƯỜI MẸ

 

Cuối năm 2007, tỉ lệ SDD trẻ em dưới 5 tuổi người dân tộc thiểu số ở các huyện miền núi của tỉnh rất cao: Đồng Xuân: 45,8%, Sơn Hòa: 39,7%, Sông Hinh 40,2%. Khảo sát ban đầu cho thấy những yếu tố liên quan đến tình trạng dinh dưỡng của trẻ tại đây chủ yếu là thiếu kiến thức (80%), hơn 50% hộ nghèo, chủ yếu là người dân tộc thiểu số. Đa số người dân chưa có thói quen dinh dưỡng hợp lý cũng như ý thức tự bảo vệ sức khỏe; thiếu thời gian, thiếu đất sản xuất; trẻ thường xuyên bệnh tiêu chảy, viêm hô hấp...

 

Nhờ Chương trình phòng, chống SDD dựa vào cộng đồng, có khoảng 90% bà mẹ ở các thôn, buôn tham gia sinh hoạt nhóm. Mỗi nhóm 5-6 người, cử một bà mẹ biết chữ và nhiệt tình làm nhóm trưởng. Bà mẹ nhóm trưởng được trang bị cách làm các sản phẩm dinh dưỡng từ đậu nành để cung cấp cho trẻ; ghi chép hoạt động nhóm. Các bà mẹ chủ động đề nghị nhóm trưởng giới thiệu trẻ SDD lên đội hỗ trợ huyện, xã để lập kế hoạch phục hồi dinh dưỡng. Chị Cao Thị Nữ (thôn Nguyên Xuân, xã Sơn Nguyên, Sơn Hòa) chia sẻ: “Trước đây vợ chồng tôi khi đi rẫy thường gởi con cho ông bà. Việc ăn uống của con thất thường và thiếu dưỡng chất nên bé bị SDD. Qua tham gia họp nhóm, tôi hiểu biết thêm về cách chăm sóc trẻ nên áp dụng chế biến thức ăn phù hợp, và chỉ dẫn lại cho mẹ. Sau này, khi tôi vắng nhà, mẹ tôi chăm sóc cháu chu đáo, bé nhà tôi không còn SDD”.

 

Đa số bà mẹ nuôi con nhỏ đã tiến bộ trong nhận thức, thay đổi trong nếp sống, thói quen chăm sóc nuôi dưỡng con. Cái hay của chương trình là thường tổ chức khen thưởng các gương điển hình, nhóm trưởng tích cực, những bà mẹ có con thoát suy dinh dưỡng… để động viên họ và khuyến khích những người khác.

 

Theo bác sĩ Nguyễn Thị Mỹ (Trung tâm Chăm sóc sức khỏe sinh sản tỉnh): Trên cơ sở khảo sát đánh giá thực trạng các yếu tố liên quan đến SDD trẻ em, chúng tôi đề ra các chiến lược phòng, chống SDD trẻ em dựa vào cộng đồng. Qua đó, năng lực cán bộ chương trình được nâng cao rõ rệt; vai trò của chính quyền địa phương được phát huy. Tỉ lệ trẻ SDD ở các huyện miền núi giảm từ 2-2,5% mỗi năm. Kết quả này góp phần điều chỉnh định hướng xây dựng mô hình bền vững.

 

Chương trình phòng, chống SDD trẻ em dựa vào cộng đồng tại Phú Yên (2008-2012) được UBYT Hà Lan - Việt Nam hỗ trợ 4,2 tỉ đồng, tác động đến 785 trẻ ở 16 thôn, buôn của 8 xã: Suối Bạc, Sơn Nguyên, Suối Trai, Ea Chà Rang (Sơn Hòa), Đức Bình Tây, Ea Trol (Sông Hinh), Xuân Lãnh, Xuân Quang 2 (Đồng Xuân).

 

Thành công của Chương trình phòng, chống SDD là nhờ sự tận tâm của đội ngũ cán bộ hỗ trợ tuyến tỉnh đến thôn; sự áp dụng sản phẩm, chế biến thức ăn một cách linh hoạt phù hợp với tình hình của mỗi địa phương; áp dụng truyền thông một cách sáng tạo. Hy vọng với kinh nghiệm thực hiện chương trình trong thời gian qua sẽ giúp cho các thành viên áp dụng lồng ghép trong Chương trình phòng, chống SDD quốc gia và chia sẻ với các đơn vị trong tỉnh để góp phần tiếp tục giảm tỉ lệ SDD theo mục tiêu của tỉnh. (Thạc sĩ Nguyễn Thị Ngọc Lan, cán bộ UBYT Hà Lan - Việt Nam)

 

Nhờ chương trình hợp tác này có những cách làm hay nên trong một thời gian ngắn, hiệu quả về phòng, chống SDD trẻ em ở huyện Đồng Xuân giảm rõ rệt (trung bình giảm 2,5%/năm, riêng các thôn có chương trình tác động, tỉ lệ SDD ở trẻ còn giảm mạnh hơn). Việc tổ chức đêm gala gây quỹ 460 triệu đồng cho hoạt động phòng chống SDD ở huyện Đồng Xuân thể hiện sự quan tâm đặc biệt của Ủy ban Y tế Hà Lan - Việt Nam với sức khỏe trẻ em miền núi. (Ông Nguyễn Hữu Từ, Phó chủ tịch UBND huyện Đồng Xuân)

 

-----------------------

BÀI CUỐI: Duy trì tính bền vững của chương trình sức khỏe cộng đồng

 

DƯƠNG THU THỦY

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

CÁC TIN KHÁC
Đèo Cả, núi cao ngút...
Thứ Năm, 15/11/2012 07:00 SA
Một thời để nhớ
Thứ Ba, 13/11/2012 18:00 CH
LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek