Sinh viên nghèo lo cái ăn, cái học với bao gian khó. Nhưng họ tranh thủ ngoài giờ học, tình nguyện đi bán từng ly cà phê, từng tờ báo, tích cóp cả tiền nhịn ăn sáng… để chạy chợ lo nấu “bát cháo tình thương” phát miễn phí cho bệnh nhân nghèo ở Bệnh viện Đa khoa tỉnh vào mỗi sáng ngày chủ nhật. Vất vả, nhọc nhằn, song họ vẫn quyết tâm, kiên trì. Và không chỉ thế, họ còn lội xuống đồng giúp gặt lúa cho Cô nhi viện Mằng Lăng; chăm lo cho trẻ em nghèo miền núi, đưa nước về buôn… Họ chia sẻ câu nói: “Cuộc sống trở nên khó khăn hơn khi chúng ta sống vì người khác, nhưng nó cũng trở nên đẹp đẽ và hạnh phúc hơn!”. Đó là sự trải lòng đầy nhiệt huyết của những sinh viên tình nguyện ở Học viện Ngân hàng - Phân viện Phú Yên.
Các sinh viên thức dậy từ 4g sáng để nấu cháo - Ảnh: LƯU PHONG
BÁT CHÁO ĐONG ĐẦY NGHĨA TÌNH
4g sáng, hàng chục sinh viên, như thói quen, tự thức dậy, lọ mọ rửa xoong nồi, cặm cụi nhóm lửa bên chái bếp khu tập thể Học viện Ngân hàng - Phân viện Phú Yên (HVNH-PVPY) ở gần biển. Sương lạnh, gió thông thốc và củi ướt khó bén lửa, khói bếp bay nghi ngút, tan vào màn đêm đông tịch mịch. Các chàng sinh viên hì hục thổi phì phò cho lửa cháy bập bùng để đun sôi hai nồi nước to. Các nữ sinh viên đi ngâm gạo, chuẩn bị gia vị và nguyên liệu nấu cháo. Sinh viên Thái Thị Trang Nhung (K28B, quê ở huyện Đô Lương, Nghệ An) tâm sự: Bệnh nhân nghèo cần bát cháo nóng thơm ngon, bổ dưỡng như… thang thuốc bổ, nên chúng em chuẩn bị công phu thái và băm nhỏ khoảng 7kg bí đỏ, khoai tây, cà rốt… Những loại củ, quả tươi này được chọn mua từ ngày hôm trước, riêng thịt heo thì đến 5g sáng, mọi người mới chạy chợ mua loại tươi ngon, ướp rồi xay nhuyễn. Khi nước sôi mới đổ tất cả nguyên liệu vào nồi rồi nêm nếm. Mỗi người, mỗi công việc thuần thục từ bếp chính, bếp phụ, thu dọn...
Rồi khi mặt trời nhô lên đỏ lựng, hai nồi cháo to cũng sôi ùng ục… Cháo dậy mùi thơm tấm lòng thơm thảo của những sinh viên nghèo thức khuya, dậy sớm. Cháo được đưa vào xô giữ nhiệt rồi “vận chuyển” ra trước cửa Bếp ăn từ thiện của Bệnh viện Đa khoa tỉnh. Cháo múc ra thêm chút hành, tiêu và phân phát đều cho mỗi bệnh nhân nghèo. Ông Lê Năm, 79 tuổi, quê ở xã miền núi Suối Bạc, huyện Sơn Hòa, vừa lom khom đưa cái gô múc cháo, vừa nói: “Bác bị bệnh thận, đau nhức xương khớp, còn vợ thì bị tai biến mạch máu não phải nằm viện nhiều ngày, nhiều đợt. Nói thật, sáng nào bác cũng ra quán mua cháo nhưng ăn nhạt thếch. Còn các cháu sinh viên nấu cháo ngon, đậm đà và ngon miệng, ăn lâu đâm ghiền. Vậy nên sáng chủ nhật nào, bác cũng chờ lấy gô cháo đầy ở đây. Ấm lòng bát cháo nghĩa tình sinh viên lắm cháu ạ!”. Những bệnh nhân như ông Lê Phú Vinh, các chị Nguyễn Thị Trang, Trần Thị Xuân… nằm viện cả tháng nay, nhà nghèo, các con đều về quê thu hoạch mía nên không có ai chăm sóc. Nhờ có cháo phát miễn phí, nhờ sự “tiếp sức”, động viên của sinh viên, họ không phải lo bữa sáng và có thêm nghị lực, niềm tin để tiếp tục chiến đấu với bệnh tật!
Chỉ nửa giờ, các sinh viên đã phát hết sạch hai nồi cháo to với hơn 300 suất “bát cháo tình thương”. Nhiều bệnh nhân nghèo ở khoa nội vừa thổi cháo vừa ăn và tấm tắc khen ngon. Tôi bắt gặp niềm vui, niềm hạnh phúc sẻ chia ngời lên trong ánh mắt, gương mặt của mỗi sinh viên!
Chuẩn bị nguyên liệu để nấu cháo - Ảnh: LƯU PHONG
BÁN BÁO ĐỂ… NẤU CHÁO
Để có bát cháo ngon, nhiều dinh dưỡng cho bệnh nhân nghèo, 39 sinh viên đội tình nguyện của HVNH-PVPY, ngoài giờ học, phải mướt mồ hôi chạy lo từng bó củi, vận động tài trợ từ các đơn vị, các mạnh thường quân. Em Đậu Văn Thống (K28C, quê ở Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh), Đội trưởng Đội sinh viên tình nguyện, cho biết: Năm 2011, các đơn vị như taxi Mai Linh Phú Yên, cà phê Cát Tường (TP Tuy Hòa) hỗ trợ vài chục triệu đồng để thực hiện chương trình “bát cháo tình thương”. Nhưng hiện nay nguồn kinh phí tài trợ này không còn nữa. Để duy trì hoạt động này bền vững, lâu dài, sinh viên tình nguyện đã “sáng kiến” mỗi người góp một tay bán cà phê, bán báo đến tận nhà và vận động đóng góp của thầy cô, sinh viên trong nhà trường. “Mỗi lần nấu cháo chi phí khoảng 700.000 - 800.000 đồng. Người bệnh thường đau nhức, đắng miệng, khó ăn, nên bát cháo cần phải thơm và ngon. Do vậy, nhà trường luôn hậu thuẫn và quy định cho đội là, dù kinh phí khó khăn, phải tiết kiệm nhưng không được nấu cháo dở, cháo “khê”, và phải đủ khoảng hơn 300 suất cháo mỗi sáng chủ nhật” - thạc sĩ Trần Thanh Long, Bí thư đoàn HVNH-PVPY, nói.
Cứ đến 5g sáng mỗi ngày, 8 sinh viên tình nguyện đi nhận trên 70 số báo Tuổi Trẻ rồi bán hoặc phát hành đến các địa chỉ đã đặt báo. Toàn bộ số tiền hoa hồng đều đóng vào nguồn quỹ “bát cháo tình thương”. Em Nguyễn Thị Bích Việt (K27A), quê ở xã Nghĩa Hà (huyện Lạng Giang, Bắc Giang) có hoàn cảnh gia đình nghèo, 3 người đi học. Cha mẹ Bích Việt làm nông, mỗi tháng tằn tiện chỉ đủ chu cấp tiền ăn học cho con được 1 triệu đồng. Với số tiền ấy, Bích Việt chỉ đủ ăn sáng bằng bánh mì, mì tôm, ăn cơm trưa chiều với 10.000 đồng/đĩa. Ngày ngày, em tranh thủ lúc trưa đi rửa ly cho quán cà phê được 300.000-400.000 đồng/tháng. Vậy nhưng, em không ngại khó, tích cực tham gia đội tình nguyện, mỗi sáng đi bán báo rồi trở về trường học; đến ngày chủ nhật em lại cùng đội nấu cháo phát cho bệnh nhân nghèo. Bích Việt tâm sự: “Chương trình “bát cháo tình thương” phụ thuộc nhiều vào nguồn kinh phí bán báo. Mình muốn trải lòng, muốn góp sức, dù nhỏ bé thôi, để lo cho nhiều người khó khăn hơn mình, nhất là bệnh nhân nghèo!”.
360o TRẢI LÒNG
Sinh viên tình nguyện HVNH-PVPY hoạt động quanh năm để giúp đỡ cho cộng đồng xã hội là cách làm hay, luôn “giữ” được ngọn lửa nhiệt huyết của tuổi trẻ, “dạy” cho sinh viên nâng cao kỹ năng mềm trong hoạt động nhóm, giao tiếp, trải nghiệm cuộc sống, trải lòng mình với những hoàn cảnh khó khăn… Thầy Trần Bùi Quốc Tuệ - Giám đốc HVNH-PVPY, cho biết, nhà trường tổ chức thi phỏng vấn và chỉ chọn những sinh viên có học lực khá giỏi, hạnh kiểm tốt, năng nổ, không ngại khó, có tinh thần tự nguyện… để đứng vào “hàng ngũ” của đội tình nguyện. Nhà trường cũng không có chế độ ưu đãi hoặc cộng thêm điểm cho bất cứ sinh viên nào tham gia Đội 3600; nếu sinh viên có học lực giảm sút thì tự nguyện xin rời khỏi đội. Đa số sinh viên tình nguyện đều nghèo, ở xa quê như các tỉnh Sơn La, Lạng Sơn, Hà Tĩnh…
Phát cháo cho bệnh nhân nghèo ở Bệnh viên Đa khoa Phú Yên - Ảnh: LƯU PHONG
Chính nhờ cách tổ chức và tìm hướng đi năng động, Đội sinh viên tình nguyện của trường với tên gọi là “Đội 3600” hoạt động rất hiệu quả, có uy tín trong cộng đồng. Ngoài “kỳ tích” của chương trình “bát cháo tình thương”, gần 2 năm qua, Đội 3600 tỏa về các vùng quê để lo cho người nghèo, cho các em thơ tàn tật. Đội thực hiện chương trình “ấm áp giáng sinh”, “hè nhân rộng yêu thương” với các trò chơi văn nghệ, thi vẽ Ông già Noel, nấu ăn bữa trưa đầm ấm, tặng quà… cho trẻ em khuyết tật ở Trường Niềm Vui tỉnh và trẻ bất hạnh ở Cô nhi viện Mằng Lăng (Tuy An). Vốn chỉ quen cầm bút, hàng chục sinh viên tình nguyện đã lội xuống đồng sâu, đôi tay thoăn thoắt gặt lúa tránh mưa bão… giúp Cô nhi viện Mằng Lăng. Không dừng lại ở đó, cứ mỗi mùa hè về, Đội 3600 về miền núi, vùng sâu vùng xa, ăn ngủ cùng dân xây dựng công trình nước sạch từ trên núi cao để đưa nước về buôn Tân Hòa, xã Sơn Hội (Sơn Hòa). Có được dòng nước mát đến tận nhà từ bàn tay giúp đỡ của sinh viên, bà con dân tộc thiểu số như vơi đi những nhọc nhằn do phải đi xa hàng cây số để gùi nước. Sinh viên trực tiếp xây dựng sân khấu lộ thiên cho UBND xã Sơn Hội; vận động hỗ trợ sách, vở cho cả ngàn học sinh nghèo… Đội còn thực hiện hàng loạt chương trình tư vấn tuyển sinh, hiến máu nhân đạo…
* * *
Sáng nay, thêm một ngày chủ nhật nữa, tôi chứng kiến những sinh viên Đội 3600 lại đồng sức, đồng lòng, hồ hởi nấu cháo, phân phát từng bát cháo cho bệnh nhân nghèo ở Bệnh viện Đa khoa tỉnh. Nhận lời cảm ơn của một bệnh nhân, một nữ sinh viên nở nụ cười tươi, nói: “Làm người tốt và làm điều tốt, đó là tất cả những gì chúng em phải làm (To be good, and to do good, is all we have to do)!” Và tôi tâm đắc lời bộc bạch đầy tâm huyết của sinh viên Đậu Văn Thống, Đội trưởng Đội 3600, rằng: 3600 với ý nghĩa như một vòng tay gắn kết sự yêu thương mang tính cộng đồng cao; như một vòng tròn… không có điểm dừng để chúng em nhìn nhận xã hội một cách toàn diện, đa chiều. Nhìn lên để thấy những con người thành công, thành đạt để chúng em có những ước mơ, hoài bão lớn; nhìn ngang để thấy bạn bè, anh chị em, người thân để chia sẻ khó khăn, buồn vui trong cuộc sống; nhìn xuống để thấy những mảnh đời éo le, bất hạnh, nghèo khổ đang cần lắm những sự giúp đỡ, cưu mang, đùm bọc… Và mỗi sinh viên HVNH-PVPY đã, đang và sẽ luôn luôn hoạt động vì mục tiêu tình nguyện của mình; sẽ không dừng lại, không bỏ cuộc trước những khó khăn, thử thách ở phía trước!
Phóng sự của LƯU PHONG