Bài 2: Nỗ lực giảm suy dinh dưỡng ở trẻ em miền núi
Chương trình Phát triển sức khỏe và sinh kế do cộng đồng quản lý với cách làm khuyến khích và đảm bảo sự tham gia của cộng đồng nhằm giúp đồng bào dân tộc thiểu số, hộ nghèo và cận nghèo cải thiện sức khỏe, tiếp cận tín dụng vi mô để giảm nghèo. Qua từng giai đoạn, chương trình đã mang lại hiệu quả và tính bền vững về sau.
Nhờ được hỗ trợ vay vốn từ Quỹ phát triển cộng đồng, một người khuyết tật ở huyện Phú Hòa có việc làm tự nuôi sống bản thân - Ảnh: T.THỦY
ĐÁP ỨNG NHU CẦU CỘNG ĐỒNG
Sơn Hòa là địa phương đầu tiên được Ủy ban Y tế (UBYT) Hà Lan - Việt Nam hỗ trợ vốn xây dựng các công trình thiết yếu, vật nuôi để người nghèo ổn định cuộc sống. Từ năm 2000, Chương trình Phát triển sức khỏe do cộng đồng quản lý thực hiện tại hai xã Sơn Nguyên và Suối Bạc, sau đó mở rộng ở Ea Chà Rang và Suối Trai. Chương trình hỗ trợ xây dựng 9 phòng học mẫu giáo, 50 giếng nước, 460 hố xí, 93 chuồng gia súc hợp vệ sinh; hỗ trợ 129 bò giống để cải thiện đời sống nhân dân; cấp hàng trăm mùng phòng, chống sốt rét. Từ đó, người dân có điều kiện để giải quyết các vấn đề sức khỏe như phòng, chống sốt rét, giun sán, tiêu chảy, suy dinh dưỡng (SDD). Đặc biệt, chương trình đã tạo điều kiện cho 165 người khuyết tật (NKT) có cơ hội sinh hoạt, giao lưu, phát triển kinh tế.
Ngoài đối tượng là NKT, trẻ em SDD, chương trình cũng đã mở rộng giúp đỡ phụ nữ dân tộc thiểu số, phụ nữ độc thân, người cao tuổi… phát triển kinh tế. Ban đầu, Quỹ Phát triển cộng đồng (CDF) hỗ trợ cho 7 phụ nữ 7 con bò. Khi bò đẻ nghé thì người nuôi được sở hữu nghé và giao bò mẹ cho người khác. Cứ vậy, đến nay đàn bò đã phát triển thêm 32 con. Hầu hết phụ nữ ở buôn Ma Liêu (thôn Nguyên Xuân, xã Sơn Nguyên) được vay vốn để chăn nuôi bò sinh sản, trồng mía. Chị Huỳnh Thị Thủy (thôn Nguyên Xuân) một mình nuôi con nhỏ trong thời gian chồng đi cải tạo. Vay vốn từ chương trình, chị đầu tư chăn nuôi bò. Bò sinh sản tốt, cuộc sống gia đình chị ổn định. Còn cụ Trương Công Luận (80 tuổi, thôn Nguyên Xuân) được vay 5 triệu đồng từ Quỹ CDF để nuôi cá, chim bồ câu, gà. Cụ bảo: “Đây là năm đầu tiên người cao tuổi được vay vốn, chúng tôi phấn khởi lắm. Thủ tục vay nhanh và giữa các hội viên có sự giúp đỡ lẫn nhau trong quá trình chăn nuôi. Có vốn cùng con cháu làm ăn, tăng niềm vui cho tuổi già”.
Phó chủ tịch UBND xã Sơn Nguyên Ngô Tấn Thái cho biết: “Tất cả các hoạt động triển khai thực hiện đều xuất phát từ nhu cầu của cộng đồng. Người dân ở các thôn tham gia hội họp để thống nhất, lập kế hoạch giải quyết các vấn đề liên quan đến sức khỏe, hỗ trợ vốn, cho vay vốn phát triển kinh tế hộ... Nhờ nâng cao nhận thức cộng đồng và thực hiện một số chỉ tiêu vệ sinh khác mà xã Sơn Nguyên đạt được danh hiệu xã chuẩn quốc gia về y tế”.
Ông Lê Thanh Lai, Phó chủ tịch UBND huyện Sơn Hòa, phấn khởi cho biết: “Nguồn vốn Quỹ CDF đang quản lý tại 4 xã khoảng 2,5 tỉ đồng và hoạt động rất hiệu quả. Qua đó, các xã tăng cường khả năng tiếp cận về mặt tài chính cho nhóm đối tượng hưởng lợi phát triển kinh tế một cách bền vững; tăng cường khả năng tiếp cận dịch vụ và chăm sóc sức khỏe một cách toàn diện”.
NÂNG CAO NĂNG LỰC HOẠT ĐỘNG
Trước khi triển khai các hoạt động, đại diện UBYT Hà Lan - Việt Nam làm việc với nhóm hỗ trợ tuyến tỉnh, huyện của Chương trình Phát triển sức khỏe do cộng đồng quản lý để thảo luận các yếu tố quyết định tính bền vững, các chỉ số để theo dõi, đánh giá năng lực của nhóm. Từ đó, họ đưa ra các đề xuất can thiệp vào từng lĩnh vực, như nâng cao năng lực phòng, chống SDD trẻ em của cộng đồng dân cư nghèo ở khu vực miền núi, phục hồi chức năng cho NKT… để khi kết thúc sự can thiệp của chương trình, người dân vẫn duy trì bền vững các hoạt động.
Để giúp người dân duy trì thành quả này, vai trò của y tế thôn rất quan trọng. Bởi vậy, UBYT Hà Lan - Việt Nam giúp đỡ Phú Yên thành lập Hội Y tế thôn bản, nâng cao năng lực nhân viên y tế trong việc cung cấp các dịch vụ truyền thông giáo dục sức khỏe nhằm cải thiện và làm thay đổi có hiệu quả nhận thức của mọi người về công tác chăm sóc và bảo vệ sức khỏe.
Bác sĩ Nguyễn Anh Tuấn, Chủ tịch Hội Y tế thôn bản tỉnh, cho biết: Nhân viên y tế thôn được trang bị rất nhiều kiến thức và phương pháp truyền thông sáng tạo. Họ đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng đối tượng, tư vấn cụ thể từng vấn đề sức khỏe, nhờ đó 10 nội dung chăm sóc sức khỏe ban đầu được tuyên truyền tốt. Hội phát triển dựa trên nền tảng quan hệ gắn bó của các thành viên và cộng đồng; luôn học tập và phát triển; đổi mới và sáng tạo... góp phần đáng kể trong các hoạt động y tế tuyến cơ sở, nhất là trong công tác phát hiện và tuyên truyền phòng, chống dịch bệnh tại cộng đồng.
Tổ chức truyền thông thay đổi hành vi được diễn ra tại cộng đồng, các nhân viên y tế thôn xây dựng truyền thông bằng kịch tương tác và “ảnh biết nói” với các chủ đề sát sườn với từng địa bàn như: phòng chống suy dinh dưỡng, bài trừ mê tín dị đoan, tệ nạn xã hội, vệ sinh môi trường, vệ sinh an toàn thực phẩm, chăm sóc sức khỏe người cao tuổi... Qua truyền thông, từng bước tăng cường nhậnthức vàthay đổi hành vi vốn không có lợi cho sức khỏe cho người dân. Những buổi truyền thông này đều được đông đảo người dân hưởng ứng. Chị Lê Thị Dung Thoa, nhân viên y tế thôn Đông Bình (xã Hòa An, Phú Hòa), cho rằng, nhờ trang bị các kỹ năng, chị tự tin hơn trong công tác tuyên truyền và thấy hiệu quả rõ rệt từ những phương pháp mới mà trước đây y tế thôn chưa được trang bị. Còn chị Lê Thị Thu Tuyết, nhân viên y tế khu phố Long Hà (thị trấn La Hai, Đồng Xuân) nói: “Truyền thông “ảnh biết nói” giúp người dân ở các địa bàn thấy được tác hại của những lối sống ảnh hưởng đến sức khỏe, qua đó sớm khắc phục những tồn tại, hạn chế. Trong một thời gian ngắn, năng lực truyền thông của chúng tôi được nâng cao đáng kể”.
* Đồng chí Trần Quang Nhất, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó chủ tịch UBND tỉnh: CHƯƠNG TRÌNH CHĂM SÓC SỨC KHỎE DO CỘNG ĐỒNG QUẢN LÝ ĐÃ GÓP PHẦN ĐẢM BẢO AN SINH XÃ HỘI ĐỊA PHƯƠNG
Chương trình Chăm sóc sức khỏe do cộng đồng quản lý thực hiện ở Phú Yên 12 năm qua đã góp phần làm tốt công tác đảm bảo an sinh xã hội địa phương khi điều kiện kinh tế tỉnh còn khó khăn. Cách làm của UBYT Hà Lan - Việt Nam song song với chương trình mục tiêu của Nhà nước, tạo sự đồng thuận trong hỗ trợ tinh thần, vật chất cho các đối tượng: người nghèo khó, người dân tộc thiểu số, người cao tuổi, phụ nữ, trẻ em. Các hoạt động và kết quả của chương trình đã đóng góp cho việc thực hiện mục tiêu chung. Đặc biệt, phục hồi chức năng toàn diện giúp người khuyết tật nâng cao chất lượng cuộc sống, tránh nguy cơ tái tàn tật và chủ động góp phần vào chủ trương xóa đói, giảm nghèo của tỉnh.
* Bác sĩ Phan Vũ Nhân, Giám đốc Sở Y tế Phú Yên: NHÂN RỘNG CÁC PHƯƠNG PHÁP KHẢ THI
Thời gian qua, Phú Yên triển khai chương trình mục tiêu quốc gia phòng, chống SDD trên diện rộng và chưa có mô hình phù hợp để giải quyết các vấn đề liên quan đến tình trạng dinh dưỡng của trẻ theo từng địa bàn. Việc giảm tỉ lệ SDD trẻ em ở các vùng khó khăn của 3 huyện miền núi trong thời gian qua cho thấy sức thuyết phục mà UBYT Hà Lan - Việt Nam hợp tác với Phú Yên bằng những cách làm sâu sát, hiệu quả. Ngành Y tế sẽ chú trọng phát triển Hội Y tế thôn bản để phát huy sự tham gia của nhân viên y tế cơ sở, đồng thời tiếp tục vận dụng những sáng tạo, nhân rộng những phương pháp khả thi từ chương trình để nâng cao nhận thức về chăm sóc sức khỏe cho cộng đồng.
* Thạc sĩ, bác sĩ Hồ Sỹ Quảng, Trưởng đại diện tổ chức UBYT Hà Lan - Việt Nam tại Quảng Trị: MỞ RỘNG ĐỐI TƯỢNG HƯỞNG LỢI
Với những đóng góp trong 44 năm, UBYT Hà Lan - Việt Nam đã 3 lầnđược Nhà nước Việt Namtặng thưởng Huân chương Hữu nghị. UBYT Hà Lan - Việt Nam sẽ tiếp tục chuyển tải tình đoàn kết của những nhà tài trợ người Hà Lan trở thành sự cải thiện hiệu quả và có tính hệ thống đối với tình trạng sức khỏe và chất lượng sống của những nhóm người cần được hỗ trợ nhất. Với Phú Yên, thời gian qua, UBYT Hà Lan - Việt Nam hỗ trợ 28,5 tỉ đồng, giúp 5.400 người được hưởng lợi. Theo cam kết, chúng tôi sẽ tiếp tục đồng hành với Phú Yên đến năm 2015 (2011-2015 hỗ trợ 15 tỉ đồng). Trên cơ sở những địa bàn, những đối tượng cũ, chương trình sẽ mở rộng chăm sóc sức khỏe ở nhóm người cao tuổi, người bị rối loạn tâm thần…
DƯƠNG THU THỦY