Thứ Hai, 25/11/2024 00:57 SA
Chuyện ghi ở những vùng quê:
Bài 2: Xã “teng neng”
Thứ Sáu, 11/01/2013 14:00 CH

Cây teng neng (thường gọi là teng leng) được nhiều người trong và ngoài tỉnh biết đến với món ăn bò một nắng hai sương dùng với muối teng neng, kiến vàng. Vùng rừng núi huyện Sơn Hòa là “gốc gác” cây teng neng, tuy nhiên loại cây quý hiếm này hiện đang mất dần chỉ còn duy nhất ở xã Cà Lúi.

 

cay130111.jpg

Cây teng neng trong sân nhà ông Oi Xem, ở thôn Ma Đỉa được cho là cổ thụ nhất xã Cà Lúi có cành lá xum xuê.

HƠ LỬA… TENG NENG

 

Dạo quanh các xã Ea Chà Rang, Sơn Phước có đông người đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, gặp một tốp người đi làm đồng, chúng tôi hỏi: “Nơi nào còn cây teng neng hả chị?”, câu trả lời: “Chỉ xã Cà Lúi mới có”. Chúng tôi thắc mắc hỏi tiếp: “Không có xã nào gần đây còn cây này nữa à?”. Trầm tư suy nghĩ một lát, họ trả lời mập mờ: “Trước đây ở xã Krông Pa có một cây nhưng nay không biết còn không?”.

 

Chúng tôi đến xã Cà Lúi tận mắt nhìn thấy cây teng neng. Đúng như nhiều người nói, tại xã Cà Lúi có 7 cây teng neng mọc rải rác ở các thôn Ma Đỉa, Ma Lưng, Ma Thìn. Cây teng neng trong sân nhà ông Oi Xem, ở thôn Ma Đỉa được cho là cổ thụ nhất xã, đường kính khoảng 50cm, cao 8m lá xum xuê. Ông Oi Xem cho biết: “Tôi lấy giống cây teng neng từ Gia Lai về trồng cách đây trên 30 năm. Người dân cả xã Cà Lúi ai cũng biết cây này vì thường hái lá về giã muối ăn. Còn cây nhà ông Ma Nghĩa, Kpá Vương, Kpá Quang, Ma Bần mới nhân giống trồng nên thân cây nhỏ”.

 

Thân cây teng neng xù xì, lá hình bầu dục to bằng ngón tay cái người lớn, nhiều người dân cho biết, đây là loại cây rừng nhưng hiện khắp vùng rừng núi rộng lớn ở các xã vùng sâu, vùng xa như Sơn Hội, Phước Tân tìm đỏ mắt vẫn không có loại cây này.

 

Nhà ông Kpá Quang ở phía sau hè, cây teng neng 2 năm tuổi thân to bằng cổ chân người lớn. Sau một hồi xởi lởi, ông Kpá Quang cho biết: “Thèm muối teng neng đi xin lá hoài… nên ngại, tôi đã nhân giống để trồng. Cây teng neng trồng đơn giản, mùa mưa chỉ cần bẻ nhánh cắm xuống đất, thời gian sau cây sẽ nảy mầm xanh, khi đã ra lá non xanh tươi, cây tự vươn thẳng giữa cái nắng gay gắt”.

 

Đồng bào dân tộc thiểu số ở đây thường dùng lá teng neng giã muối ăn cơm, vị đắng thanh tao của lá cộng với vị mặn của muối và vị cay của ớt xiêm... ăn một lần rất dễ ghiền. Ông Ma Liên năm nay 78 tuổi, ở thôn Ma Lưng cho biết: “Trước đây tôi thoát ly lên núi nhờ có muối teng neng làm lương khô. Vị thơm ngon khác lạ không có một loại lá cây rừng nào sánh được”.Còn anh Kpá Vương, Phó chủ tịch UBND xã Cà Lúi cho biết: “Lớp trẻ như tôi, lâu lâu chợt thèm muối teng neng, ra vườn hái lá giã muối với nấu nồi cơm nóng ăn thật ngon miệng. Còn bà con ở các xã khác không có cây này lâu lâu có người lên xin, hái nắm lá về giã bảo quản kỹ để dành ăn”. Theo lời anh Kpá Vương, tôi thử vò lá teng neng đưa vào miệng, ban đầu thấy đắng nhưng sau thấy có vị ngọt phảng phất lan tỏa ở đầu lưỡi.

 

muoi130111.jpg
Món teng neng giã với muối - Ảnh: H.NAM

Bí quyết để chế biến muối ngon đối với lá teng neng là phải làm cho lá héo giòn để giã nát, tuy nhiên không phải phơi nắng, mà phải hơ lửa, chính vì mùi khói bếp tạo “sức lan tỏa” vị đắng mà thơm của teng neng. Hơn nữa, lá teng neng hơ lửa rồi giã nhỏ, cho vào lọ để thời gian 2-3 tháng vẫn thơm lừng, còn phơi nắng nếu để lâu sẽ bị mất mùi.

 

NHÂN RỘNG VÀ BẢO TỒN TENG NENG

 

Tại các quán ăn nổi tiếng ở thị trấn Củng Sơn như Tây Hồ, Châu Giang, Tư Lộc quanh năm đều có lá teng neng.

 

Thương hiệu bò một nắng hai sương, món đặc sản ở huyện miền núi Sơn Hòa được mọi người biết đến không thể thiếu muối kiến vàng với lá teng neng. Ông Nguyễn Tư, chủ quán ăn Tư Lộc cho biết: “Trước đây lâu lâu có người ở xã Cà Lúi gùi lá teng neng xuống chợ Củng Sơn bán, còn nay chúng tôi phải lên tận nơi mang về. Bò một nắng hai sương bán không có muối teng neng khách hàng chê ngay, có người ghiền ăn món canh chua cá thác lác, bê thui cũng đòi hỏi có muối teng neng nên trong quán lúc nào cũng dự trữ. Theo ông Lộc, khi pha chế một chén muối kiến vàng, ta cho vào chừng muỗng canh teng neng, trộn đều thì sẽ có mùi teng neng đặc sệt.

 

Thời gian qua nhiều người dân Phú Yên, khi đi thăm bà con ở xa đều mang món bò một nắng hai sương với muối teng neng làm quà tặng, xem như đặc sản Phú Yên. Anh Nguyễn Võ Tiến, quê ở huyện Đồng Xuân, hiện công tác tại TP Hồ Chí Minh cho hay: Năm rồi về quê ăn tết, khi trở vô tôi mua 2kg bò một nắng hai sương kèm theo muối teng neng tặng người anh kết nghĩa. Hôm đem ra đãi bạn, anh “a lô” tôi đến. Sau khi ăn, ai cũng trầm trồ khen món muối “lạ miệng” ngon tuyệt. Có người còn dặn, lần sau về mua dùm vài ký và nhớ có đủ cả muối teng neng.

 

Muối teng neng món ngon “lạ miệng”, tuy nhiên nếu không bảo tồn nhân rộng cây này thì thời gian đến có khả năng mất dần. Ông Sô Minh Phương, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam xã Cà Lúi cho biết: “Cả một vùng rộng lớn ở huyện Sơn Hòa chỉ có xã Cà Lúi mới có loại cây này. Chúng tôi đang vận động và khuyên con cháu nên trồng và bảo tồn vì cây này là sản phẩm đặc trưng và không thể thiếu của đồng bào dân tộc thiểu số. Nhà tôi cũng vừa trồng cây teng neng 3 năm tuổi”.

 

(Còn nữa)

-------------------------

BÀI CUỐI: Chòi khóm Đồng Dinh

 

HOÀI NAM - MINH DUYÊN

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

CÁC TIN KHÁC
Bài 1: Xóm “nuôi” tre
Thứ Năm, 10/01/2013 14:00 CH
Xôm tụ nhạc sống đồng quê
Thứ Bảy, 05/01/2013 08:32 SA
Sinh viên nghèo trải lòng với người nghèo
Thứ Năm, 03/01/2013 14:00 CH
LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek